Trần Tiến - kẻ lãng du của làng nhạc Việt
Đàn ông thích cái “gu” ăn mặc và vẻ mặt khá ngầu của nhạc sĩ Trần Tiến, còn phụ nữ từ già tới trẻ thích cách anh biểu diễn trên sân khấu rất tự nhiên, rất hóm hỉnh với giọng trầm khàn, hát những bài hát của bản thân mà trong đó hầu hết là… ngẫu hứng. Ở tuổi ngoài 70 mà trông Trần Tiến vẫn phong trần. Ông luôn khiến người đối diện ngạc nhiên về sự trẻ trung, của mình.
Nổi tiếng từ khi còn rất trẻ
Nhạc sĩ Trần Tiến, sinh năm 1947, ở một thôn nghèo bên dòng Sông Đáy, Tam Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội, lớn lên trong những ngày đất nước chiến tranh, ông nói mình không có tuổi thơ.
Năm 16 tuổi, nhạc sĩ Trần Tiến làm hậu đài cho đoàn Ca Múa Hà Nội. Sau một năm tự học, năm 17 tuổi trở thành nghệ sĩ đơn ca của Đoàn và đi biểu diễn ở vùng tuyến lửa như Quảng Bình, Vĩnh Linh. Các bài hát Thanh niên ra tiền tuyến, Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp ra đời trong thời gian này và đã đoạt Giải A cuộc thi “Tiếng hát át tiếng bom” do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức.
Thời gian sau, ông đi chiến trường Lào và đi biên giới phía Bắc, vừa sáng tác vừa biểu diễn. Trần Tiến viết ca khúc đều đặn. Xuất thân là ca sĩ chuyển sang sáng tác, Trần Tiến có lợi thế trong việc tự biểu diễn giới thiệu các tác phẩm của mình một cách sâu sắc, biểu đạt được tận cùng cảm xúc của người viết. Vì vậy, Trần Tiến đã được rộng rãi công chúng yêu mến.
Một loạt các bài hát của ông đã gây ân tượng mạnh mẽ về một bút pháp có phong cách riêng: Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp, Những đôi mắt mang hình viên đạn, Giai điệu Tổ quốc, Điệp khúc tình yêu, Mùa xuân gọi, Nếu bạn tìm tới Lê nin – Hồ Chí Minh, Vết chân tròn trên cát, Thành phố trẻ, Mặt trời bé con, Con chim sẻ tóc xù, Ngẫu hứng sông Hồng, Chiếc vòng cầu hôn, Ngọn lửa cao nguyên, Tiếng trống pa-ra-nưng, Tạm biệt chim én, Tùy hứng “Lý qua cầu”, Cô bé vô tư, Sao em nỡ vội lấy chồng, Tóc gió thôi bay.
Trần Tiến nhận được nhiều giải thưởng về âm nhạc. Năm 1979, 10 bài hát được quần chúng ưa thích trong năm do báo “Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh” bình chọn. Năm 1992, Giải bài hát hay nhất hai năm 1992-1993 do Đài Truyền hình Việt Nam bình chọn (bài Chiếc vòng cầu hôn). Năm 1990, Giải thưởng Trung ương Đoàn về đề tài Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (bài Sao em nỡ vội lấy chồng).
Năm 1975-1985, danh hiệu “Nhạc sĩ yêu thích nhất 10 năm sau ngày giải phóng” do báo Tuổi trẻ và Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức bình chọn. Ngoài ra, Trần Tiến còn viết phần âm nhạc cho một số bộ phim truyện và phim tài liệu như: Rừng lạnh, Vị đắng tình yêu, Tóc gió thôi bay… Đã xuất bản Tuyển chọn ca khúc Trần Tiến (1996), Album Sao em lỡ vội lấy chồng (1996).
Nếu âm nhạc nói chung có sức chia sẻ lớn lao mọi số phận cuộc đời, có sức động viên làm nên sức mạnh nâng bước cả một đạo quân thì nhạc Trần Tiến mạnh ở vế đầu. Và đôi khi, vế đầu ấy lại đi cùng năm tháng, giống như những làn điệu dân ca với những cây đàn giản dị, thân thuộc đã để lại ấn tượng mạnh mẽ lên thời gian và không gian của người Việt.
Cuộc đời Trần Tiến không chỉ có may mắn mỉm cười giống như dòng sông, mà còn có cả những khúc trầm luân. Đó là khúc lịch sử có tên là Đổi mới. Trần Tiến hát: “Tôi đã thấy, bạn tôi đi buôn trên đường phố Nga, bạn tôi đi buôn trên đường phố Mỹ, bạn bè lừa nhau ngay trên quê hương cũng chính vì nghèo. Anh có đau không? Chị có đau lòng không? Đừng hát những lời giả dối, đừng hát những lời hát nhàm chán…” (Trần trụi 87).
Những chuyến du ca đầy ngẫu hứng
Nhạc sĩ Trần Tiến - người nghệ sĩ có tuổi thơ gắn liền với những con ngõ nhỏ Hà Nội, người nghe nhạc của ông sẽ không thể biết nhạc sĩ ấy sẽ còn đi về đâu và đưa người nghe tới đâu. Bởi lẽ dù viết về nơi nào, ca từ của ông cũng vừa hừng hực, lãng đãng, vừa chất chứa niềm rung động rất riêng.
Có lúc, ông như đang thổ lộ nỗi day dứt không yên của một người con đồng bằng Bắc Bộ “nhớ thương làng quê, lũy tre bờ đê, ước mơ trở về nghe mẹ hiền ru bên thềm đã cũ” (Quê nhà). Cũng có khi, ông kết hợp âm nhạc dân gian với ngôn ngữ hiện đại trên bước đường cao nguyên nguồn cội: “Còn đàn chim Chơ-rao bay qua, bay qua giữa bầu trời... ư hư/Còn dòng sông A-yn-pa trôi qua, trôi qua dưới mặt trời... ư hư” (Ngọn lửa cao nguyên).
Và trong Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp, ông lại sắm vai của chàng lữ khách mê mải trước điệu múa lăm-vông duyên dáng, lấy cảm hứng từ cuộc gặp ngắn ngủi năm 19 tuổi cùng cô công chúa yêu kiều của gia đình hoàng thân Souphanouvong. Ca khúc ra đời trong chuyến du ca đầu tiên trên đất Lào chính là bài hát đưa nhạc sĩ Trần Tiến lại gần những trái tim yêu nhạc. Để rồi từ đó, ta lại theo chân ông đến những miền xa, được lắng nghe chuyện kể về những cuộc gặp gỡ, và cùng ông mơ những giấc mộng bềnh bồng.
Nhạc sĩ của những mối duyên lạ
Chuyện kể trong lần lang thang giữa núi rừng Ninh Thuận để tìm kiếm một loại nhạc cụ dân tộc Việt Nam mang đi giới thiệu tại Pháp, nhạc sĩ tình cờ nghe thấy tiếng đàn vang lên từ ngôi nhà sàn đơn sơ, tách biệt giữa đại ngàn. “Ở nơi ấy, nơi ngọn núi cao”, trong ngôi nhà không có lấy một vật dụng bằng kim khí, ông thấy mình cảm động trước câu chuyện tình đơn sơ của cặp vợ chồng “không mùa đông, không mùa nắng mưa, có một mùa, chỉ có một mùa yêu nhau” (Giấc mơ Chapi).
Khi nhạc sĩ ngỏ ý muốn mua lại cây đàn, người chồng nói: “Nếu anh thích, tôi sẽ tặng anh. Tôi không bán đâu vì đã mười mấy năm rồi tôi không dùng đến tiền”. Nhạc sĩ gốc Hà Nội khi ấy rất ngạc nhiên bởi vẫn còn nơi người ta có thể vui sống mà không màng vật chất. Đời sống chan hoà với muông thú, ruộng đồng và niềm hạnh phúc có nhau là tất cả mà gia đình nhỏ ấy cần.
Cây đàn Chapi được chế tác bằng gốc tre già ấy là khởi nguồn của những thanh âm mộc mạc, chân phương như một lời kể chuyện, mượt mà, biến chuyển tùy tâm trạng người chơi và bối cảnh xung quanh. Chapi ngày mùa nghe rộn ràng hứng khởi, Chapi những đêm gió mát trăng thanh lại nghe màu nhiệm, miên man giữa trùng khơi cảm xúc… Và âm thanh trong trẻo, tươi vui ấy còn là cách đồng bào dân tộc Raglai thể hiện tình cảm gắn kết của chồng - vợ, con cái với mẹ cha, của người con bản xứ với rừng thiêng bao đời trú ngụ.
Sau Giấc mơ Chapi, nhạc sĩ Trần Tiến còn sáng tác một ca khúc bất hủ gắn liền với vùng đất Ninh Thuận giàu di sản - Mưa bay tháp cổ được ca sĩ Tùng Dương thể hiện rất thành công.
Mảnh đất cằn cỗi, khắc nghiệt ấy hoá ra vẫn đơm hoa kết trái. Trên những gương mặt hằn in nỗi nhọc nhằn đời sống chưa bao giờ thiếu vắng niềm hạnh phúc của sự sum vầy. Vào mùa lễ hội, vũ điệu rộn ràng tươi vui vẫn ngày đêm vang vọng núi rừng như một lời khẳng định: Xương rồng vẫn đơm hoa trên mảnh đất bạc màu.
Trang Dung (t/h)