Họa sĩ Huỳnh Phương Đông - Sống để yêu người, yêu nghề
Họa sĩ Huỳnh Phương Đông luôn sống lạc quan, yêu đời, vì với ông, sống là để mang niềm vui, hạnh phúc cho mọi người và thỏa mãn niềm đam mê nghệ thuật. Vậy nên, những người quen biết ông, cả những người chỉ một lần gặp ông, cũng đều thấy yêu quý: “Một ông già Nam bộ đẹp lão và rất dễ thương”.
1. Trong những năm tham gia kháng chiến, họa sĩ Huỳnh Phương Đông luôn xông xáo đi khắp các chiến trường, vừa chiến đấu vừa ký họa, như ông vẫn hay đùa: “Dân Bình Xuyên mà sợ gì đâu”.
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ông cùng các họa sĩ Thái Hà, Lê Lam, Cổ Tấn Long Châu, Trang Phượng… đã có nhiều đóng góp cho hoạt động ở Phòng Hội họa Giải phóng. Ông mở nhiều khóa dạy mỹ thuật cho các học viên tại chiến trường, đi khắp các tỉnh miền Đông, miền Tây; vẽ tại các trận Bình Giã, Ấp Bắc; trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường, trong đó có trận càn Junction City năm 1967, trận đánh cầu chữ Y Mậu Thân năm 1968, rất khốc liệt. Ông đã vẽ hàng ngàn ký họa chiến trường mang không khí nóng bỏng của cuộc chiến và những ước mơ cho đất nước thanh bình. Biết bao đồng đội đã hy sinh trong cuộc chiến đó đã để lại trong ông niềm tiếc thương sâu nặng.
Sau ngày giải phóng, ông đã lặn lội đi tìm gia đình của những bạn bè, đồng nghiệp đã hy sinh, tìm lại những người ông đã gặp, đã vẽ trong chiến tranh. Thật xúc động khi nghe ông kể chuyện và xem những tấm hình từ hành trình ông và bà đã đi suốt những năm qua. Năm nào cũng vậy, trong dịp họp mặt Ngày truyền thống Mỹ thuật Giải phóng, ông đều có bài phát biểu trước tấm bia tưởng niệm các họa sĩ - liệt sĩ tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Khó ai có thể không xúc động khi nghe giọng nghẹn ngào và thấy đôi mắt rưng rưng lệ của một họa sĩ lão thành nhắc đến tên các họa sĩ đã mãi nằm lại chiến trường.
2. Tình yêu thương ông dành cho người bạn đời thật đáng được ngưỡng mộ. Đã bao nhiêu năm rồi, trong các cuộc khai mạc triển lãm, những hoạt động mỹ thuật hay các sự kiện khác nhau, người ta vẫn luôn thấy hình ảnh của họa sĩ Huỳnh Phương Đông bên cạnh bà Lê Thị Thu - người bạn đời, người mà ông hết mực yêu thương, trân quý. Tình yêu của ông bà thật đẹp, trải qua bao chặng đường gian lao cùng năm tháng chiến tranh khốc liệt, những khó khăn của cuộc sống đời sau những năm chiến tranh vừa kết thúc, nhưng thật trọn vẹn trong những năm tháng cuối của cuộc đời ông. Ông và bà yêu nhau và cùng xây dựng hạnh phúc gia đình. Hạnh phúc đang tràn đầy khi có hai con ra đời, nhưng vì nghĩa lớn, ông đã tình nguyện vào Nam để lại sau lưng người vợ trẻ với con gái Phương Mai và con trai Phương Đông. Rồi hạnh phúc như vỡ òa, khi tại Tây Ninh, ông bà may mắn được gặp nhau giữa chiến trường. Bởi, là một bác sĩ, bà đã gửi lại hai con ở miền Bắc và tình nguyện về Nam trong những ngày tháng chiến tranh khốc liệt. Hạnh phúc đong đầy khi cô con gái út Phương Lan ra đời năm 1974 tại chiến khu. Ngày giải phóng, ông bà cùng Phương Lan trở về Hà Nội.
Khi các con đã khôn lớn và trưởng thành, ông bà càng có nhiều thời gian để yêu thương, chăm sóc nhau hơn. Ông luôn dành những lời đẹp cho người vợ thảo hiền của mình. Ông thường cố gắng tự làm mọi việc, mà ít muốn làm phiền ai. Nhưng ông luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc chu đáo của người bạn đời, từng miếng ăn, giấc ngủ. Có lần vào bệnh viện thăm ông, không thấy bà đâu, chúng tôi hỏi thì ông cười rất tươi và bảo: “Cục cưng vừa đi rửa chén”. Khi bà bị té, chấn thương cột sống phải nằm một chỗ, ông luôn kề bên động viên, nói chuyện cho vui. Ông còn cười và nói kiểu Nam bộ: “Bả bị đau, nằm một chỗ là chú Ba như thiếu đôi chân!”. Nhiều lần được ăn cơm chung cùng ông bà, ông luôn gắp thức ăn bỏ vào chén cho bà trước khi lấy phần cho mình, còn bà thì luôn chọn những thứ phù hợp và ông thích ăn bỏ vào chén cho ông. Khó có thể nói hết được những tình cảm sâu nặng mà ông bà luôn dành cho nhau trong suốt cuộc đời.
3. Ông vẫn thường nói, ông là người may mắn còn sống trong chiến tranh. Mọi người chưa bao giờ nghe ông than thở về những khó khăn và sự bất bình trước thực trạng xã hội hiện nay. Ông luôn nói: “Được sống trong hòa bình, không phải cầm súng đánh nhau là may mắn và hạnh phúc lắm rồi. Đất nước mình hôm nay thay đổi nhiều lắm, cuộc sống của người dân tốt hơn rất nhiều so với trước kia. Ai đã từng trải qua chiến tranh thì càng thấy quý cuộc sống này. Chú Ba rất xúc động khi nhìn phong cảnh miền Đông, miền Tây bây giờ, cây cối, ruộng vườn xanh tươi, thành phố thì phát triển, nhà cao tầng mọc lên rất nhanh nên lúc nào cũng tranh thủ vẽ thật nhiều”. Với ông, còn sống là còn vẽ. Chỉ hai ngày trước khi qua đời, ông còn rất vui vẻ cùng đồng nghiệp tham dự và cắt băng khai mạc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TPHCM vừa hoàn thành bức tranh phóng cảnh.
Họa sĩ Huỳnh Phương Đông là một trong những người có nhiều ký họa chân dung nhất. Đi đâu ông cũng mang theo cặp giấy vẽ, ngồi đâu ông cũng ký họa chân dung cho mọi người. Với ông, ai cũng là có thể là người mẫu để ông vẽ, từ nhà lãnh đạo, người trí thức, người lao động bình dân, từ cụ già đến em bé… bởi tình yêu ông luôn dành cho tất cả mọi người và không ai không vui cười khi được ông vẽ và cho chân dung, dù là bản copy. Ông tranh thủ từng giây, từng phút, đôi mắt liếc rất nhanh trên gương mặt người mẫu rồi say với nét chì trên trang giấy. Chỉ 10-15 phút là bức chân dung hoàn thành.
Vậy mà, thật bất ngờ, ông đã đột ngột ra đi vào lúc 9 giờ sáng ngày 18-12-2015. Sự ra đi của ông để lại bao nhiêu tiếc thương cho mọi người. Nhưng sự nghiệp nghệ thuật, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đời, yêu người của ông sẽ mãi được ghi nhớ và trân trọng.
Tiến sĩ Mã Thanh Cao(sggp.org.vn)