Thơ lục bát của Nhà thơ Vạn Lộc

27.05.2021
Bằng Việt
Trong sáng tác văn học, đến một lúc nào đó trong đời, mỗi tác giả có quyền tạo dựng nên một thế giới của riêng mình, ở đó, người ta cảm nhận mọi thứ qua cách nhìn đời của riêng mình, liên hệ với thế giới cũng bằng những mối quan tâm của riêng mình. Sau “Chín chín nhịp”, đến tập thơ “Gió miền lục bát”với một giọng điệu đầy bản sắc thầm kín này, Vạn Lộc đã tạo được cho mình một thế giới như thế.

Thơ lục bát của Nhà thơ Vạn Lộc

      Đó là giây phút tác giả đã tự hòa mình vào với ngọn cỏ, mà đây là “cỏ hát ca dao”, chứ không phải là thứ cỏ dại tầm thường không ai biết đến (mặc dù cách đây cả thế kỷ, nhà thơ cổ điển vĩ đại của Mỹ Walt Whitman ( 1819 – 1892) cũng đã từng ví mình là “Lá cỏ”, và còn bộc bạch với mọi người rằng chính ông tự nguyện hóa thân thành cỏ dại ven đường, để mong mọi người dẫm lên mà đi!). Nhưng thứ cỏ của Vạn Lộc là một thứ cỏ tươi mát hương vị ca dao của quê nhà đất Việt, nên chị đã đưa vào đây thứ triết lý đau đời mà cũng yêu đời sâu thẳm của riêng mình, có ẩn ý rằng tuy sức mình bé nhỏ, hữu hạn, nhưng vẫn dám mở ra hết tầm vóc và tình cảm của mình cho những gì lớn lao vĩnh cửu, như kiểu “Nữ Oa đội đá vá trời”:

Thôi về ru cỏ à ơi,

Ru tim đắng đót một đời lãng quên

Về thôi, về với mông mênh

Trăm năm ru một chút tình ngàn năm!

 (Cỏ hát ca dao)

     “Trăm năm ru một chút tình ngàn năm” là một câu thơ có thể khiến ta ứa nước mắt vì tấm lòng nhân hậu và bao la của người viết, vừa thành tâm vừa mong manh đến dại khờ, thứ dại khờ vô tư chỉ biết cho đi đến hết mình của tấm lòng thi nhân, mà không cần đòi hỏi nhận lại bất cứ chút lợi ích nào cho mình. Trái lại, tác giả còn e dè đến rón rén cũng như đầy cẩn trọng, khi bất giác cảm thấy tay mình chạm vào một giá trị nào đó, dù là giá trị vật thể hay phi vật thể của thế gian này:

Quê nhà ngủ giữa trang thơ

Ca dao tôi đứng thẫn thờ chờ ai,

Cầm vàng thì sợ vàng phai

Cầm nỗi nhớ thấy rộng dài biển khơi…

  (Cỏ hát ca dao)

     Từ “lục bát cỏ”, Vạn Lộc đã đưa ta sang khái niệm “lục bát rêu”, với những câu thơ tưởng chỉ “một mình mình biết một mình mình hay” thế thôi, mà xa xót và cảm thông với tạo vật đến vô chừng:

…Yêu thu, như giả vờ buồn

Đánh rơi chiếc lá lên nguồn suối mơ,

…Yêu hoang vắng rợn trang thơ,

Chỉ tiếng chim lại bất ngờ hồi sinh,

…Yêu bông hoa, rạng bình minh,

Một làn hương mảnh rợp tình thiên thu,

…Yêu hương yêu khói sa mù

Có vầng mây trắng giã từ phù vân…

  (Lục bát rêu)

     “Vân” cũng là “mây” đấy, nhưng hơi thơ lục bát cứ quyến ta đi, và ta chấp nhận một câu thơ hay, mà quên hẳn rằng nó lặp lại một điệp ngữ thật tài tình khiến ta không nỡ trách, mà vẫn thấu hiểu nó từ cảm nhận mung lung của riêng tâm trí mình! Tác giả luôn bị cái nhịp “lục bát” dân dã ấy cuốn mình đi, đến độ suýt mê đi vì cái âm hưởng 6 – 8 diệu kỳ như đã thành ma mị, thành nỗi ám ảnh thường trực:

Thương vần sáu - cứ nổi trôi,

Để lênh đênh tám - cuối trời rưng rưng!

(Lục bát nợ nhau)

     Yêu và hóa thân vào thơ lục bát, kể cả “lục bát cỏ, lục bát rêu”, nhưng Vạn Lộc vẫn ý thức được chất “nữ tính” rất đậm trong tâm hồn mình, trong cách cảm “lục bát” kiểu riêng mình. Chị đã viết rạch ròi hẳn ra như thế, ghi nhận mình là “người đàn bà viết thơ tình” khi “chín chiều ruột đau”, chứ không phải bất kỳ ai khác ở ngoài cái bản thể ngoài đời thật “rằng tôi chút phận đàn bà” của mình:

Người đàn bà viết thơ tình,

Là vẽ nước mắt chênh vênh phận buồn

Là mưa đầu núi cuối sông

Là nắng đổ lửa trên đồng cháy khô,

 

Vẽ tim mình, vệt sóng xô,

Vẽ thương đau buối sông hồ ly tan

Một đời nhặt đá tìm vàng

Đem tim đổi những trái ngang đời người!…

(Người đàn bà viết thơ tình)

     “Vẽ ra” để rồi “gánh chịu” – phận “đàn bà” luôn biết hy sinh tận tụy là thế:

Người đàn bà gánh bình minh

Gánh cay đắng, gánh niềm tin dã tràng,

Sóng tình vỗ nhịp mênh mang

Tim tôi vỗ những bàng hoàng hồn tôi…

(Chín chiều ruột đau)

     Thơ lục bát của Vạn Lộc không những là một dạng thơ rất “nữ tính”, mà còn là một giọng thơ rất “đa mang”, rất nhiều “duyên nợ” với đời, đan xen và quấn quýt với nhau đến độ không sao dứt ra được. Vì quá yêu, nên mới thành nặng nợ:

Đa đoan chi, chút xíu tình,

Mà thảng mà thốt, u minh sông hồ

 (Lục bát thu)

     Và:

Đã yêu, yêu đến tận cùng

Con tim tha thiết cho không một đời!

(Xin làm ngọn gió mồ côi ru chiều)

     Thực ra, thì thi sĩ có dám lấy gì nhiều của trần gian đâu mà nặng nợ. Tác giả cũng biết thế, nhưng vẫn đăm đắm một niềm yêu, một nỗi ân tình thiết tha với những thứ có lẽ chỉ mang nhiều ý nghĩa với nhà thơ thôi, với tâm hồn ai luôn tràn ngập gió mây lãng mạn thôi, chứ với cuộc đời thường - thì nó có là gì:

Sắc không – đâu cõi yên bình,

Trần gian mộng mị, u minh đời người…

Chỉ là giọt nắng nhẹ rơi

Chỉ là chiếc lá cuối trời lãng quên

Chỉ là hạt bụi nhẹ tênh

Mà trăm năm phải ơn đền, trả vay!

(Vô ưu kinh)

     Để rồi đi đến tận cùng triết lý nhân sinh:

Một mai về với cánh đồng

Bàn tay lại nắm những không có gì!

(Vô Ưu kinh)

     Và có thêm một chút ngậm ngùi của kiếp người ngắn ngủi, cỏn con:

Thuyền con, một chiếc cỏn con

Chở đầy phiền lụy về chôn hải hồ!

(Kim Cang kinh)

     Tuy nhiên, nói vậy mà không phải vậy, trong một đời người, tưởng rất phù du, nhưng Vạn Lộc vẫn còn rất biết trân trọng các giá trị thực, giá trị nhìn thấy, sờ thấy, cảm nhận được, tiếp xúc được hàng ngày trong đời sống cũng rất đa dạng và đa chiều của mình. Đó là khi tác giả viết những câu thơ đầy cảm động và ân nghĩa về ông bà nội, về ba mẹ, về các con rất thành đạt đã trả giúp mẹ tất cả những “món nợ ân tình” với đời, về các cháu dâu con nội – ngoại, về cả bà sui gia thương mến của mình…, và đặc biệt là về người chồng đã chia sẻ cùng mình một đời đầy gian lao vất vả nhưng cũng tràn đầy cảm thông, hạnh phúc. Những câu thơ đó đã cho ta thấy tình cảm gia đình sâu đậm và sự gắn bó với gia đình cùng họ hàng thân thuộc của tác giả, vô cùng thân thương và có ảnh hưởng sâu rộng đến thế nào trong sự hình thành con người tác giả, đời sống tinh thần của tác giả, và còn nối liền vào với các cảm xúc về quê hương, về thiên nhiên và cảnh vật gần gũi ở quê nhà:

Tôi tìm tôi giữa quê nhà

Tìm tuổi thơ, tìm mẹ cha bên vườn,

Tìm bờ ao, cánh chuồn chuồn,

Tìm bông khế rụng, tím thương đợi chờ…

(Hồn tôi xanh một lối quê)

     Ở phần cuối tập, tôi đặc biệt lưu ý đến chất Thiền trong thơ lục bát của Vạn Lộc. Chị ăn chay trường, đọc sách Phật và học Thiền rất nhiều, nên những câu thơ của chị về Phật và Thiền thật giản dị mà ẩn chứa nhiều ý tứ sâu xa ngoài lời:

Ta ngồi tụng một đức tin,

Thấy gỗ thấy đá nổi chìm Phật môn,

Bà la mật, Bát nhã hồn,

Nghe vô lượng kiếp bể non luân hồi

(Vô lượng kinh)

     Hay:

Trần gian nhẹ một chữ Thiền,

Ta bà quẩy gánh ưu phiền lên non,

Đóa vô ưu, giọt suối nguồn,

Câu kinh Tam thế sắc không đời người

(Ngàn năm đây chốn không không)

     Hay:

Ta ngồi đếm sát na trôi

Câu thơ vô ngã cuối trời rưng rưng

Thấy mình hạt bụi hồng trần

Bay quanh muôn nẻo dặm gần lối xa…

(Đóa Vô Ưu)

     Để tới lúc:

Rồi mai xong cuộc muội mê

Trả trần gian những hẹn thề xưa sau,

Trả cho đời kiếp bể dâu

Vô ưu nở trắng một màu vô biên!

                                            (Đóa Vô Ưu)

     Thiết tha nhất là lúc tác giả gửi lai lời chào trần gian, lời chào có phần dang dở vì nghẹn ngào, vì vội vã do không đủ bình tĩnh ghi nhớ hết mọi điều,nhưng trong sự vội vã, hối hả ấy, là tràn đầy tình nghĩa chân thành, tiếc nuối và yêu đời:

Rồi mai về với hư vô,

Thiết tha tôi gửi lời chào trần gian,

Chào mây viễn xứ huy hoàng

Chào mưa chào nắng bạt ngàn núi non,

Chào quê cố xứ Thu Bồn

Chào sông, chào suối, bãi cồn, nương dâu, 

Chào trăm năm trước và sau

Vài trăm năm nữa một câu ân tình!...

(Thiết tha tôi gởi lời chào trần gian)

     …Thế giới thơ lục bát của Vạn Lộc là môt thế giới Thơ gắn liền với cỏ và rêu, với trăm năm và dâu bể, với trần gian và hư không, với ca dao và kinh Phật, nhưng sau tất cả, là thế giới tâm tình sâu nặng của chính mình, để khi đã đi hết mọi nơi, chào hết mọi thứ, thì tác giả lại trở về với chính mình, tự nguyện hứng chịu và tự nguyện chia sẻ với tất cả cõi nhân gian còn đầy rẫy vô minh mà cũng tràn đầy những điều rất đáng để ta sống này, như khi “Ôm mặt trần gian” mà ngậm ngùi nói với mọi người:

Tôi ngồi ôm lấy mặt tôi

Nghe quanh nghe quẩn những lời vô minh,

Tôi ngồi ôm lấy mặt mình

Nghe trong tôi tiếng tử sinh não nề…

(Ôm mặt trần gian)

     Khi đã nhận thức ra mình, ngộ ra mọi lẽ ở đời, trải qua hết mọi vui buồn trần thế, cuối cùng, Vạn Lộc lại mơ thấy mình nhìn ra được đường lên Niết Bàn, -luồng ánh sáng vô ưu giải thoát, cũng là ân huệ cho một tâm hồn đã biết sống hết mình, sống một cách cao đẹp với Đời và với Thơ:

Chắp tay tôi lạy cửa Thiền,

Tỏ lòng cung kính đường lên Niết Bàn,

A di đà Phật! - Lộc ban

Nhẹ nhàng trút bỏ bụi trần xưa sau…

(Ở nơi Niết Bàn)

    Đến bài “Vô lượng kinh”, một lần nữa, nhà thơ lại nhắc đến Niết Bàn, nhưng lần này, tác giả đạt đến cảm nhận tâm đắc rằng: Khi ngay trong tâm mình thực ra là đã có Phật rồi, nên Niết Bàn hẳn cũng không còn là một ước mơ quá xa vời nữa, mà lối vào Niết Bàn chắc chắn sẽ rộng mở đón mình:

                   …Có hòn đá hát mồ côi,

                   Niết Bàn mở cửa, Phật ngồi trong tim

(Vô lượng kinh)

    Từ thế giới thơ lục bát thanh tĩnh, thầm kín, lặng lẽ, Vạn Lộc đã hòa mình vào với Thiền và vào thế giới từ tâm, vô ưu, thoát khỏi mọi thứ “bụi trần”, mọi thứ còn dính dáng với “tham, sân, si”…của đời thường, để mơ tới được cõi Niết Bàn như vậy đó. Cho nên, có thể nói Thế giới thơ lục bát của Vạn Lộc cũng là một thế giới thơ cao khiết, sang trọng, giàu khát vọng và tràn đầy tưởng tượng phóng khoáng của Thơ, giúp tác giả tẩy rửa và làm trong trẻo lại tâm hồn mình, tự nâng mình cao lên hơn, hài hòa hơn với thiên nhiên và với toàn bộ ý nghĩa tồn tại thực sự của đời mình.

                                                                               Hà Nội, cuối Thu 2020  

                                                                                            B.V