CHÀO MỪNG NGÀY THƠ VIỆT NAM LẦN THỨ XXI - NGUYÊN TIÊU QUÝ MÃO 2023: Cảm thức dở dang trong thơ Nguyễn Khuyến

05.02.2023
Bùi Văn Tiếng
Tôi vẫn không quên một lần từng vô lễ bất kính với Nhà thơ Nguyễn Khuyến. Ấy là vào năm học 1973-1974, khi tôi cùng các bạn đồng môn ở trường Đại học Sư phạm Sài Gòn tổ chức một buổi thuyết trình văn học về thơ Nguyễn Khuyến - đúng hơn là về cuộc đời Tam nguyên Yên Đỗ thông qua tiểu sử của ông, nhưng chủ yếu là thông qua thơ ông.

CHÀO MỪNG NGÀY THƠ VIỆT NAM LẦN THỨ XXI - NGUYÊN TIÊU QUÝ MÃO 2023: Cảm thức dở dang trong thơ Nguyễn Khuyến

Thực chất đây không phải là sinh hoạt học thuật mà là sinh hoạt chính trị - cố tình mượn hình ảnh Nguyễn Khuyến để phê phán một bộ phận trí thức miền Nam đương thời đang thờ ơ bàng quan với thời cuộc. Hôm ấy chúng tôi đọc thơ Nguyễn Khuyến như đọc lý lịch tự thuật hoặc bản kiểm điểm tự phê bình của ông và đáng trách hơn là đọc theo một định kiến rõ rệt rằng Nguyễn Khuyến quá bàng quan thờ ơ trước số phận của dân tộc, không dám dấn thân như nhiều sĩ phu yêu nước cùng thời…

Tuổi hai mươi nhiệt tình mà nông nổi, chúng tôi đâu đủ từng trải để cảm thông với nỗi khắc khoải ưu tư đau đời của Nguyễn Khuyến, đâu đủ lịch duyệt để hiểu rằng chính Nguyễn Khuyến mới là người luôn đau đáu và luôn đau đớn với vận nước nổi trôi, và đâu đủ tinh tế để nhận ra rằng chính Nguyễn Khuyến bằng sự nhạy cảm nghệ sĩ đã sớm khắc họa bi kịch của cả một thế hệ trí thức: Ghế chéo lọng xanh ngồi bảnh chọe/ Tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi (bài Vịnh Tiến sĩ giấy), Nghĩ mình cũng gớm cho mình nhỉ/ Thế cũng bia xanh cũng bảng vàng (bài Tự trào), Có tiền việc ấy mà xong nhỉ/ Đời trước làm quan cũng thế a (bài Kiều bán mình), Bài ưu quân tướng thả bất cụ/ Hà huống nhĩ vi bài ưu quan - Nguyễn Khuyến tự dịch: Vua chèo còn chẳng ra gì/ Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề (bài Ưu phụ từ/ Lời vợ người hát chèo), và nữa và nữa…

*

Không khó để nhận ra cảm thức dở dang trong thơ Nguyễn Khuyến. Chỉ cần đọc ba bài thơ mùa thu lừng danh của ông, đã có thể thấy có cái gì đó dang dở không trọn vẹn: Rượu tiếng rằng hay hay chả mấy/ Độ năm ba chén đã say nhè (bài Thu ẩm), Tựa gối buông cần lâu chẳng được/ Cá đâu đớp động dưới chân bèo (bài Thu điếu), Nhân hứng cũng vừa toan cất bút/ Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào (bài Thu vịnh). Nguyễn Khuyến cũng bộc lộ cái cảm giác dở dang này trong bài Hoài cổ: Thôi thôi đến thế thời thôi nhỉ/ Mây trắng về đâu nước chảy xuôi, hay trong bài Tự thuật viết bằng chữ Hán: Lục dã quy lai tứ ngũ kỳ/ Bà bà bạch phát phục hà vi? - nghĩa là Trở về cánh đồng xanh đã bốn năm năm nay/ Tóc trắng phơ phơ còn làm được gì nữa? Ở đây dở dang đồng nghĩa với buông xuôi, kiểu Cờ đương dở cuộc không còn nước/ Bạc chửa thâu canh đã chạy làng (bài Tự trào)…

Có người nhận định rất đúng rằng việc Nguyễn Khuyến trở về vườn Bùi vào năm Ất Dậu 1885 thể hiện thái độ dứt khoát của ông khi đoạn tuyệt với quan trường: “Nguyễn Khuyến trở về vườn Bùi và sống thật sự đời sống của người dân. Ông không có tâm trạng day dứt ở - đi, đi - ở, ở ẩn chỉ là tạm lánh của Nguyễn Trãi, hay tư thế ở ẩn để làm thầy thiên hạ của Trạng Trình. Ông dứt áo về quê là về hẳn”. Mà thực ra ông chẳng có gì để quá lưu luyến với chốn quan trường ấy, bởi mười hai năm làm quan thì đã đến sáu năm ông làm… sử quan. Nhưng dẫu sao sự kiện cáo quan về làng cũng là điều dở dang trong đời Nguyễn Khuyến, không ngừng ám ảnh ông, thành cảm thức dở dang trong thế giới nghệ thuật của ông, mãi cho đến lúc ông viết bài Di chúc văn: Viên đề mỗ thạch bi/ “Hoàng Nguyễn cố hưu tẩu” - Đề vào mấy chữ trong bia/ Rằng: “Quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu”

B.V.T