Suy nghĩ về quảng bá văn học nhân một vài sự kiện còn ít người biết tới

25.01.2021
Bùi Sỹ Hoa
Giải Nobel Văn học năm 2020 được trao cho Nhà thơ Mỹ Louise Gluck. Trước khi nhận giải thưởng danh giá này, Nhà thơ đã được trao một số giải thưởng văn học uy tín trong và ngoài nước Mỹ như: Giải William Carlos Williams năm 1992, giải Pulitzer cho thơ năm 1993, giải Văn chương Lannan cho thơ năm 1999, giải Bollingen năm 2001, và giải Sách Quốc gia Mỹ cho thơ năm 2014…

Suy nghĩ về quảng bá văn học nhân một vài sự kiện còn ít người biết tới

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh với các đại biểu tham dự Hội nghị Quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới lần thứ IV (tháng 2-2019). Ảnh: TTXVN
 

Thế nhưng điều đáng chú ý là tại Việt Nam, tác phẩm của Louise Glück hầu như ít người yêu văn học biết đến, trừ một số bài thơ trong Tuyển tập 15 nhà thơ Mỹ thế kỷ 20, do dịch giả Hoàng Hưng chuyển ngữ và xuất bản tại Việt Nam từ năm 2004 và mới nhất là chùm 15 bài thơ giới thiệu trên Tạp chí thơ 9 &10/2020. Tên tuổi tác giả thơ lừng lẫy này trên các trang báo tiếng Việt cũng chỉ thoảng qua trên blog của một số người yêu văn học nước ngoài. Có người buồn rầu (và chủ quan?) nhận xét rằng, thực tế này cho thấy khả năng cập nhật tình hình văn chương hiện nay của người Việt trong nước, kể cả giáng sáng tác, nghiên cứu, phê bình, dù có nhiều cố gắng nhưng thật sự vẫn rất hời hợt và manh mún… Ấy là chưa nói việc cách đây ít năm có tờ báo văn trong nước từng rất chủ quan khi đăng bài về “cái chết của nền thơ ca Mỹ” (!) và đến khi thực tế vừa nêu trên xảy ra đã trong “nháy mắt” phá tan suy nghĩ hạn hẹp, đáng buồn và đáng lo đó.

Có giản đơn không khi nhiều người cứ yên chí với nhau Việt Nam là nước có truyền thống thi ca, rồi khi Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Liên hoan thơ châu Á – Thái Bình Dương lần thứ nhất tại Hạ Long năm 2012 đã xuất hiện câu nói đầy tin tưởng “Việt Nam là một cường quốc thơ”. Câu hỏi nghiêm túc đặt ra là đến nay ai dám khẳng định tác giả nào là người Việt Nam được thế giới quan tâm và mọi nỗ lực rất đáng quý nhiều năm qua nhằm quảng bá thơ Việt ra nước ngoài liệu đã đạt được những kết quả, thành tựu gì đáng kể để chúng ta có thể tự tin “kê cao gối ngủ”?

2.

Cuối năm 2020, Nhà xuất bản G&P Oficyna Wydanicza Poznan (Ba Lan) xuất bản tập thơ Phía bên kia sự im lặng của nhà thơ Việt Nam Mai Quỳnh Nam, bản dịch tiếng Ba Lan của nhà thơ, dịch giả Nguyễn Chí Thuật với sự cộng tác của nhà thơ Ba Lan Kalina Izabela Ziola. Có hai chi tiết đáng nói nhân sự kiện này từ ý kiến của nhà thơ Kalina Izabela Ziola:

Cho đến nay, ở Ba Lan, những bản dịch văn học Việt Nam, đặc biệt là các bản dịch thơ, còn khá hiếm hoi…”.

Nhà thơ, dịch giả Nguyễn Chí Thuật là giáo sư Đại học Tổng hợp mang tên Adam Mickiewicz, từ lâu nay được coi là Đại sứ văn học Việt Nam tại Ba Lan và Đại sứ văn hóa Ba Lan tại Việt Nam.

3.

Từ hai sự kiện nói trên, dù chưa/ không phải là sự kiện nổi trội nhất, nhưng cho thấy một số vấn đề đáng suy ngẫm về hai công việc có liên quan mật thiết với nhau trong đời sống văn học của người Việt Nam ở trong và ngoài nước. Đó là cập nhật, đón nhận văn chương thế giới và giao lưu, quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới.

3.1. Trong khi rất ít người yêu văn học Việt Nam và văn học thế giới biết được, hiểu được về một nhà thơ vừa đoạt giải Nobel văn chương danh giá nhất toàn cầu thì họ cũng như nhiều người khác lại “bội thực” trước tình trạng “nhập siêu văn hóa” diễn ra lâu nay ở Việt Nam.

Tình trạng văn học dịch cùng các sản phẩm điện ảnh, âm nhạc… du nhập tràn lan, gây nên nhiều hệ lụy khôn lường đã buộc chúng ta phải đề ra nhiệm vụ cấp bách, đó là lấy lại sự hài hòa trong phát triển văn hóa dân tộc. Vì vậy, bên cạnh việc bắt tay chấn chỉnh, rút kinh nghiệm sâu sắc, thậm chí có cách làm, chế tài nhằm từng bước tiến tới khắc khục cơ bản tình trạng “nhập siêu văn hóa” nói trên, thì đồng thời phải có chiến lược cụ thể lâu dài về quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, trong đó có quảng bá văn học nghệ thuật. Có thể ghi nhận những việc làm thường xuyên, “ngay và luôn” được tiến hành trên tinh thần mở cửa đón nhận các giá trị văn học của nhân loại, việc giới thiệu tác phẩm văn học của thế giới diễn ra nhộn nhịp, từng bước cập nhật và thông thoáng, nhất là trong những năm đất nước đổi mới và hội nhập. Tương tự là việc một số nhà văn, dịch giả và nhà xuất bản đã giới thiệu được nhiều tác phẩm văn học Việt Nam ra thế giới. Tiêu biểu có thể nhắc tới Tủ sách văn học Việt Nam đương đại tại Pháp, hay nỗ lực đưa sách Việt xuất ngoại của nhà xuất bản Trẻ…

Trên nền chung đó là các hoạt động đậm nét, có tính đột phá khẩu như các sự kiện có tên Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam (4 lần vào các năm 2002, 2010, 2015 và 2019) và Liên hoan Thơ quốc tế (3 lần vào các năm 2010, 2015 và 2019) đã trở thành tâm điểm chú ý của giới văn chương nói riêng và công chúng yêu văn học nói chung. Số lượng hàng trăm đại biểu quốc tế đến Việt Nam ngày một đông đảo hơn là tín hiệu đáng mừng, cho thấy việc hội nhập, quảng bá văn học Việt Nam với thế giới đã nhận được sự hồi đáp tích cực của bạn bè quốc tế… Và thực tế cho thấy cách làm và bước đi về sáng kiến tổ chức Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam và Liên hoan thơ quốc tế chính là góp phần lấy lại sự hài hòa đó, là “điểm sáng” về quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới.

3.2. Hiện nay trong lĩnh vực văn học, sự phát triển đất nước đòi hỏi các tác giả phải không ngừng đổi mới quá trình nhận thức, tư duy sáng tạo và cảm xúc để phản ánh hiện thực đất nước một cách sâu sắc, khám phá chiều sâu tinh thần của con người Việt Nam đang vươn mình để đồng hành cùng nhân loại, đồng thời luôn gắn bó bền chặt với những giá trị nguồn cội của dân tộc, góp phần làm nên tính đặc thù, mong mỏi đóng góp những giá trị làm giàu cho văn học nhân loại. “Hãy đi đến tận cùng của ta, ta sẽ gặp nhân loại” (Nguyễn Minh Châu), “Nhà văn trước hết thuộc về dân tộc mình, đi đến tận cùng dân tộc, anh ta sẽ ra được với thế giới” (Hồ Anh Thái), “Thi pháp hiện đại và căn tính dân tộc chính là đôi cánh của hành trình sáng tạo nói chung, đặc biệt thơ…” và đó chính là “yếu tố cần và đủ cho một tác phẩm văn học có thể trụ lại được ở bên ngoài” (Mai Văn Phấn) là những phát biểu chí lý của các nhà văn thuộc các thế hệ kế tiếp nhau, thể hiện nỗ lực nhằm tạo ra những tác phẩm văn học có giá trị ở trong và ngoài nước…

Nhiều năm qua, thông qua Trung tâm Dịch thuật, được biết Hội Nhà văn đang xây dựng kế hoạch dài hạn cho việc chọn dịch một số tác phẩm văn học trong nước ra nước ngoài theo từng mục tiêu cụ thể. Tuy nhiên, trong tiến trình đó, “bức tường” ngôn ngữ vẫn là một trong những rào cản khó khăn nhất. Sau bốn kỳ Hội nghị quan trọng và có tiếng vang nói trên, dường như trở ngại này vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả, vì khi trong nước còn thiếu dịch giả có khả năng chuyển ngữ tác phẩm văn học một cách tinh tế, chuyên nghiệp thì rất ít dịch giả nước ngoài tâm huyết với văn học Việt Nam, sẵn sàng làm cầu nối giữa văn học Việt Nam với văn học các nước trên thế giới. Người bạn Nga thân thiết và được coi như một nhà Việt Nam học là Gs. Niculin và nhiều người như ông thì đã rời cõi tạm. Người còn nhiệt tình, hăng hái như Gs, Ts dịch giả Ahn Kyong-hwan (An Ki-ong Hoan) ngậm ngùi cho biết, dù quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc chính thức thiết lập từ năm 1992 nhưng giao lưu văn hóa giữa hai nước vẫn chưa xứng tầm, dù mới đây có một số hoạt động khởi sắc hơn. Trong khi đó, trường hợp nêu đầu bài về nhà thơ, dịch giả Nguyễn Chí Thuật dịch văn học Việt ra tiếng Ba Lan và ngược lại, đạt đến tầm cỡ “đại sứ văn hóa”, “đại sứ văn học” quả là rất “quý, hiếm” vẫn chỉ là hoạt động tự giác, tự nguyện là chính, chưa được tập hợp vào một đội ngũ có sao, có gạch, có chỉ huy, điều hành chuẩn chỉnh như mong mỏi.

Những nội dung mới trong Điều lệ Hội Nhà văn Việt Nam khóa X vừa qua như kết nạp hội viên là người Việt Nam ở nước ngoài, kết nạp hội viên danh dự cho người nước ngoài có công lao đối với Văn học Việt Nam, nếu được triển khai thực hiện tốt chắc chắn sẽ góp phần tích cực giải quyết những vấn đề đặt ra về đội ngũ dịch giả có chất lượng.

3.3. Đại biểu tham dự Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ tư, dịch giả Lê Bá Thự cho biết: Năm 2017, ông tham dự Hội nghị quảng bá văn học Ba Lan tại thành phố Krakow với sự tham gia của gần 200 dịch giả văn học Ba Lan đến từ khoảng 70 quốc gia. Ðiều đặc biệt là Hội nghị chỉ sử dụng duy nhất một thứ tiếng, đó là tiếng Ba Lan, vì tất cả những người tham dự đều thông thạo tiếng Ba Lan. Hội nghị có hơn 40 cuộc hội thảo chuyên đề nhằm trang bị cho dịch giả các nước thông tin, tình hình văn học Ba Lan đương đại, các nhà văn Ba Lan cũng đã trực tiếp giới thiệu với khách nước ngoài tác phẩm của mình... Việc dịch giả được cung cấp thông tin, kiến thức về văn học Ba Lan là một cách thức thiết thực giúp họ có thể hành nghề thuận lợi, hiệu quả hơn. Nhờ vậy, hiện nay mỗi năm đã có hàng nghìn đầu sách văn học Ba Lan được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau trên thế giới.

Cách làm của Phần Lan cũng rất đáng ngưỡng mộ. Năm 1977, Hội Văn học Phần Lan thành lập Trung tâm trao đổi văn học (tên tiếng Anh là Finnish Literature Exchange, viết tắt: FILI). Kinh phí hoạt động của FILI chỉ được nhà nước cấp 80%, còn lại 20% là từ nguồn tự khai thác và chỉ có 5 nhân viên. Các hoạt động của FILI bao gồm Tài trợ kinh phí, kết nối với dịch giả, nhà xuất bản nước ngoài cũng như trong nước; Tổ chức các cuộc trao đổi, giới thiệu tác phẩm mới của các nhà văn với các dịch giả; Tổ chức các khóa tập huấn về dịch cho các dịch giả; Tổ chức các chuyến thăm Phần Lan cho các nhà xuất bản nước ngoài;Tham dự các hội chợ sách ở nước ngoài cũng như trong nước; Cập nhật và duy trì ngân hàng dữ liệu các tác giả và tác phẩm Phần Lan được dịch ra tiếng nước ngoài từ năm 1839 đến nay cũng như doanh thu bản quyền của Phần Lan hàng năm… Với cách làm đó, mỗi năm có từ 300-400 tác phẩm văn học Phần Lan được dịch ra khoảng 40 ngôn ngữ nước ngoài. Thị trường xuất khẩu sách lớn nhất của Phần Lan là Đức, Anh, Mỹ và Liên bang Nga…

Học cách làm hay của thế giới đi đôi với việc tự nhìn lại mình qua hoạt động thực tiễn là quá trình thường xuyên, liên tục. Chẳng hạn như các hội nghị quảng bá của Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức vừa qua bên cạnh thành công thì vẫn nặng hình thức, xã giao, lễ tân, tình hữu nghị mà không đi sâu bàn chuyên môn dịch thuật, chưa nêu rõ cần có biện pháp gì, cần huy động những tổ chức nào, những lực lượng nào, những con người nào để làm tốt công việc giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại. Các bài tham luận chủ yếu nói về những chuyện vĩ mô mà không bàn những vấn đề thiết thực, sa vào chuyện bếp núc của các dịch giả và đối tác trực tiếp làm công việc quảng bá... Chưa kể, trong thành phần khách tham dự vẫn còn rất ít dịch giả nước ngoài thông thạo tiếng Việt, văn hóa Việt; tỷ lệ đại biểu là dịch giả còn khá thấp, phần lớn đại biểu vẫn là người làm công việc sáng tác. Các hội nghị còn thiếu vắng đại diện các nhà xuất bản có thiện chí với Việt Nam, sẵn sàng giới thiệu văn học Việt Nam; thiếu các hội thảo chuyên đề để “hiến kế” đưa văn học xuất ngoại…

3.4. Về lực lượng quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới, không thể coi đó là trách nhiệm riêng của Hội Nhà văn Việt Nam, mà phải là sự phân công, phân nhiệm rõ ràng đối với nhiều cơ quan, ban ngành liên quan, trong đó Hội Nhà văn Việt Nam là cơ quan chủ trì, chủ lực, còn lại là các cơ quan phối hợp. Cũng không thể coi đây như hoạt động mang tính phong trào, mà phải trở thành một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được triển khai trên cơ sở Chiến lược quốc gia về quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, trong đó có quảng bá văn hóa, văn học nghệ thuật… với các đề án cụ thể, kế hoạch bài bản, có nguồn nhân lực, vật lực để thực hiện, có kiểm tra, đánh giá kết quả, có đề án gối đầu, đi trước… Hội Nhà văn vì vậy cần nỗ lực để trở thành đầu mối quan trọng về chuyên môn cũng như thực hiện việc kết nối, huy động đầu tư của Nhà nước và các nguồn lực, huy động trí tuệ, tài năng của các cá nhân, tổ chức… Không thể kêu gọi quảng bá nếu chưa có chiến lược đào tạo, phát triển đội ngũ dịch giả (gồm dịch giả trong nước, dịch giả là người Việt Nam sống ở nước ngoài, dịch giả nước ngoài thông thạo tiếng Việt)…

Phải có sự hợp tác, kết nối chặt chẽ giữa các tổ chức, cá nhân trên cơ sở Chiến lược cụ thể, Đề án cụ thể thì hoạt động quảng bá mới không bị chồng chéo, thiếu trọng tâm, trọng điểm, tốn kém và không hiệu quả. Ví dụ như việc tổ chức Ngày văn hóa Việt Nam ở nước ngoài sẽ không chỉ có trình diễn áo dài, nón lá, nhà tre hay chả nướng, phở... như lâu nay mà có thể còn có các tác phẩm văn học nghệ thuật Việt Nam tiêu biểu được giới thiệu một cách chuyên nghiệp chẳng hạn. Bạn đọc là người Việt ở nước ngoài sẽ không chỉ là những người chỉ đọc các tác phẩm văn học bằng tiếng Việt mà cả các ngôn ngữ khác, thậm chí thế hệ thứ hai, thứ ba của cộng đồng người Việt nhiều nơi trên thế giới hiện không nói/viết Tiếng Việt nên việc quảng bá rõ ràng đòi hỏi chất lượng, cách làm cao hơn, khác hơn hẳn so với thời kỳ trước. Hay như người làm quảng bá văn học sẽ phải quan tâm đến thị hiếu bạn đọc ở các quốc gia, tránh việc chỉ giới thiệu các tác phẩm văn học một cách tuần tự, cứng nhắc theo từng giai đoạn lịch sử...

*

Từng bước vượt qua những khó khăn, trở ngại ban đầu, tiếp thu, chọn lọc cách làm hay của người đi trước, của bè bạn, với kho tàng văn học phong phú của mình, Việt Nam sẽ sớm trở thành một “điểm đến” ấn tượng ở bất cứ nơi nào trên thế giới trong hành trình khám phá các giá trị văn hóa nói chung và các giá trị văn học nói riêng của người Việt Nam ở trong và ngoài nước cùng bạn bè quốc tế. Đó phải chăng cũng là góp một viên gạch, xây nên giá trị của từng tác phẩm văn học trong hệ giá trị chung Văn học nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại, trong bối cảnh đất nước ta đang tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.