Phan Tứ trong ký ức người thân và bạn bè

16.02.2023
Đặng Trương
Lê Khâm - Phan Tứ là một trong những nhà văn - chiến sĩ cống hiến hết mình cho công cuộc giải phóng dân tộc bằng cả cuộc đời và văn nghiệp, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc với nhiều tác phẩm giá trị.

Phan Tứ trong ký ức người thân và bạn bè

Bà Đinh Thị Phương Thảo đọc lại thư tay của chồng.

Kỷ vật

Trong căn nhà của gia đình nhà văn Phan Tứ ở đường Phan Đình Phùng, TP.Đà Nẵng, vợ và con trai nhà văn dành hẳn một căn phòng để lưu giữ lại toàn bộ hình ảnh, kỷ vật, tư liệu, tác phẩm… liên quan đến cuộc đời trận mạc và hoạt động văn học của ông.

Hàng trăm kỷ vật rất nhỏ, những lá thư tay, bản thảo chi chít chữ bằng nhiều ngôn ngữ… cho đến những trước tác, công trình văn học được gìn giữ cẩn thận, sắp xếp khoa học và ngăn nắp.

Anh Lê Hồng Cương, con trai nhà văn nhớ lại: “Có những khi thức dậy lúc gần sáng, chừng như vẫn thấy hình bóng của ba tôi gầy gò trước các trang bản thảo cùng với chiếc máy đánh chữ lốc cốc, bên cạnh là chiếc gạt tàn thuốc đầy ắp. Có những lúc thật thương khi thấy hình ảnh ba tôi một tay ôm gập bụng vì đau tay kia vẫn không rời bàn phím máy đánh chữ.

Trong những ngày cuối đời trên giường bệnh, có lần ba buồn bã nói với tôi: “Ba chỉ sợ rằng không còn đủ thời gian và sức lực để hoàn thành tập 4 “Người cùng quê” - món nợ cuối cùng của ba với quê hương nữa rồi...”.

Những năm gần đây, độc giả yêu văn chương có dịp tiếp cận với nhiều bộ nhật ký chiến trường của các nhà văn thời chống Mỹ…, trong đó có bộ nhật ký “Từ chiến trường khu V” của nhà văn Phan Tứ. Với sự cống hiến và gia tài văn chương đồ sộ, ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II năm 2000.

Quê hương nơi chôn nhau cắt rốn của nhà văn Phan Tứ là một ngôi làng đẹp thuộc xã Quế Phong, huyện Quế Sơn. Phan Tứ tên thật là Lê Khâm, sinh ngày 20/12/1930 tại Quy Nhơn, nhưng phần lớn tuổi thơ lại gắn liền với miền quê Gia Cát, Quế Phong.

Xuất thân trong một gia đình có bố là thầy giáo dạy học nổi tiếng, mẹ là ái nữ của nhà yêu nước Phan Châu Trinh, ngay từ nhỏ, Lê Khâm đã được hưởng một nền giáo dục bài bản, chỉn chu từ sự nghiêm khắc của người cha và ân cần, mẫn tiệp của mẹ.

Đã gần 30 năm trôi qua, kể từ ngày nhà văn Phan Tứ về miền mây trắng, trong căn phòng dùng để lưu giữ kỷ vật và tác phẩm của nhà văn, vợ ông, bà Đinh Thị Phương Thảo vẫn thường nâng niu những kỷ vật, tác phẩm của chồng.

Hàng trăm lá thư tay dường vẫn còn nồng ấm hơi thở người cầm bút, chi chít chữ ông gởi cho bà suốt những năm dài chiến tranh chia cắt Bắc - Nam… Bà Đinh Thị Phương Thảo nói: “Anh ấy vì Tổ quốc, chiến tranh chia cắt phải lên đường nên phải hy sinh hạnh phúc cá nhân thôi…”.

Còn trong ký ức

Năm 1958, sau một thời gian tập kết ra miền Bắc, vào học tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Phan Tứ đã bắt tay viết tiểu thuyết đầu tiên “Trước giờ nổ súng” và sau đó, năm 1960 là “Bên kia biên giới”.

Có được điều này, trước hết là nhờ thiên hướng và vốn sống phong phú, quá trình trải nghiệm trong khi tham chiến ở Hạ Lào những năm quân ngũ. Đây là hai tác phẩm có giá trị cao trong nền văn học cách mạng Việt Nam và là hai tác phẩm xuất sắc lần đầu tiên viết về tình hữu nghị Việt - Lào.

Sự xuất hiện của “Trước giờ nổ súng” và “Bên kia biên giới” đã đưa Phan Tứ trở thành một hiện tượng mới mẻ, giàu nội lực khi viết về chiến tranh. Bà Lê Thị Kim Chi, em gái nhà văn Phan Tứ nói: “Khi tác phẩm “Bên kia biên giới” rồi tới “Trước giờ nổ súng” ra mắt, tôi mới biết anh trai mình thực sự là người viết văn, chứ cứ đinh ninh ảnh đi bộ đội, tập kết ra Bắc rồi trở về thôi…”.

Nhà văn Nguyễn Bá Thâm đặc biệt thích thú Phan Tứ ngay từ những ngày còn đi học, ông nói: “Chúng tôi đã được học văn của nhà văn Phan Tứ qua “Bên kia biên giới” và “Trước giờ nổ súng”, sự tươi trẻ trong cách viết, tính cách Quảng Nam đi vào văn Phan Tứ cái dí dỏm, đáng yêu nên đọc rất thích…”.

Năm 1961, chia tay bà Đinh Thị Phương Thảo và Hà Nội, nhà văn Phan Tứ vào chiến trường Khu 5 khốc liệt, đặt chân đến vùng giải phóng Tứ Mỹ - Kỳ Sanh (nay thuộc huyện Núi Thành).

Nhà văn Hồ Duy Lệ cho rằng: “Tư liệu lúc đó Phan Tứ có được quý như vàng. Những gia đình nhà văn tiếp cận để viết “Mẫn và tôi”, “Gia đình má Bảy”, “Về làng”… đều là những gia đình có truyền thống cách mạng. Đây có lẽ là cái may mắn quý giá của một nhà văn sống và viết trong chiến tranh như Phan Tứ”.

Về Tứ Mỹ, Phan Tứ được tổ chức giới thiệu đến ở và làm việc trong gia đình bà Trần Thị Tranh - nguyên mẫu nhân vật má Bảy trong tiểu thuyết “Gia đình má Bảy” khá nổi tiếng của nhà văn sau này.

Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Bùi Thị Lợi, con gái út bà Trần Thị Tranh hiện đã ngoài 80 tuổi vẫn không phai nhạt hình ảnh nhà văn Phan Tứ vô cùng sống động và đầy ắp kỷ niệm với gia đình bà. Bà Lợi nhớ lại: “Anh Tứ ai không biết đều nói ảnh khó tính vì rất nghiêm túc, hiếm khi đùa giỡn. Nhưng anh ấy lại sống tình cảm, chân thành. Má tôi xem Phan Tứ như con ruột của mình…”.

Tứ Mỹ - Kỳ Sanh có lẽ là không gian văn học đặc biệt của nhà văn Phan Tứ. Từ mảnh đất này, nhà văn vừa sống cùng nhân dân, tham gia các phong trào đoàn thể cách mạng và ghi chép tư liệu để sau này cho ra những tác phẩm có giá trị thực tiễn và văn chương rất cao như “Mẫn và tôi”.

Nhà nghiên cứu Phạm Phú Phong khẳng định: “Tôi cho rằng, Phan Tứ là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của nền văn học cách mạng. Lúc nhà văn mất, có một độc giả mang một vòng hoa đến với dòng chữ: Mẫn và tôi sống mãi mãi… Đó là giải thưởng lớn nhất của một đời văn”.

(QNO)