Mấy đặc điểm của thơ Việt Nam sau 1975
1. Dòng cảm hứng sử thi mở rộng biên độ thể loại
Trong giai đoạn 1955 - 1975, nền văn học cách mạng Việt Nam khá thuần nhất về đề tài, cảm hứng giọng điệu. Nhất là trong giai đoạn chống Mỹ (1965 - 1975), thể tài anh hùng ca giữ vai trò chủ đạo, lấn át tất cả các thể tài khác. Tuy nhiên, sau năm 1975, trên thi đàn Việt Nam không còn hiện tượng độc tôn, độc diễn. Nhiều khuynh hướng thể tài, cảm hứng giọng điệu cùng song song tồn tại.
Khuynh hướng sử thi vẫn tiếp tục phát triển theo quán tính. Nhưng thay vì cổ vũ chiến đấu, thơ ca chuyển sang tổng kết chiến tranh, ca ngợi quá khứ hào hùng, khẳng định thành quả cách mạng.
Hàng loạt trường ca ra đời cho thấy sức sống của thể tài lịch sử dân tộc vẫn mạnh mẽ sau chiến tranh: Những người đi tới biển (Thanh Thảo), Đường tới thành phố (Hữu Thỉnh), Sư đoàn (Nguyễn Đức Mậu), Trầm tích (Trần Hoàng Cương), Oran 76 ngọn, Ba dan khát (Thu Bồn), Những vùng rừng không dân (Phạm Tiến Duật)….
Trước sự bùng nổ của trường ca về đề tài chiến tranh cách mạng, một số nhà lý luận phê bình đã nêu ý kiến xác định tính chất thể loại. Cảm hứng chủ đạo của nó: Tráng ca hay hùng ca, hiện thực hay lãng mạn ?... Và tên gọi của nó là gì: Trường ca, tráng ca, truyện thơ, sử thi ?...
2. Cảm hứng thế sự mở đường cho nền văn học phi sử thi phát triển
Trong thời gian mười năm sau chiến tranh, cảm hứng thế sự đời tư vẫn chưa có chỗ đứng trong nền văn học Việt Nam. Nó chỉ được xuất hiện như một gam màu phụ trong bức tranh sử thi cách mạng. Chẳng hạn, trong trường ca Đường tới thành phố, Hữu Thỉnh đã tái hiện bức tranh hoành tráng của những binh đoàn làm nên chiến thắng vĩ đại. Tuy nhiên, tác giả cũng lồng ghép vào bức tranh sử thi ấy hình ảnh người phụ nữ nhỏ nhoi ở hậu phương không thấy chồng trở về:
Hai mươi năm chị tôi đi đầy đò
Cứ sợ đắm vì mình còn nhan sắc
Một mình một mâm cơm
Ngồi bên nào cũng lệch
Chị chôn tuổi thanh xuân trong má lúm đồng tiền
Một trong những nhà thơ tiên phong nhìn nhận lại những mặt được - mất của chiến tranh là Chế Lan Viên:
Mậu Thân hai nghìn người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có ba mươi. (…)
Một trong ba mươi người kia ở mặt trận về sau
mười năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ !
(Ai ? Tôi !)
Những nhà thơ từng khoác áo lính cũng nhìn thấy được tính hai mặt của tấm huân chương. Đứng Trước tượng đài Ki ép, Nguyễn Duy chiêm nghiệm:
quằn quại những con đường dĩ vãng
lót chân người dằng dặc máu xương
Tố Hữu - người có giọng thơ sử thi cường tráng nhất cũng chuyển dòng cảm hứng. Trong hai tập Một tiếng đờn, Ta với ta, có rất nhiều bài được viết bằng giọng điệu thế sự. Ông than thở tình người đen bạc, thay đổi khôn lường. Ông băn khoăn trước lối sống thực dụng đang tràn ngập mọi hang cùng ngõ hẻm:
Đời đâu phải thị trường nhân phẩm
Gian ác mang mặt nạ thánh hiền
Tình nghĩa cũng theo thời lạnh ấm
Bạc vàng đo giá trị, sang hèn?
(Chân trời mới)
Cảm hứng thế sự và đời tư là hai yếu tố cấu thành nền văn học phi sử thi. Cả hai cảm hứng này đều phổ biến trong văn học Việt Nam sau năm 1975.
3. Thơ thiên về bộc lộ cảm xúc đời tư của cái tôi cá nhân phức tạp, bí ẩn, vô thức
Sau năm 1975, đất nước được hòa bình, thơ Việt Nam đã quay trở lại cảm hứng đời tư đã có từ trước đó nhưng dĩ nhiên, có sự cách tân đổi mới trên nhiều phương diện.
Thời chiến tranh, thơ Việt Nam phổ biến cái tôi - công dân mang những phẩm chất chung của cộng đồng. Trong môi trường sử thi, con người cá nhân không có dịp bộc lộ.
Chủ thể trữ tình thường tách mình ra khỏi cộng đồng. Nó thường mang cảm giác cô đơn, sầu bi, không thể tâm sự cùng ai những nỗi cảm thương của mình. Nó là một con người cá tính, không chịu sự ràng buộc của xã hội, gia đình, thậm chí cả tình yêu đôi lứa. Ta thường gặp những tiếng than thở cô đơn như:
Một mình cô đơn và trống trải (Lê Lâm)
Một mình anh thức dậy đợi mặt trời (Việt Hà)
Tôi trần trụi như một thân cây (Bùi Chí Vinh)
Một mình em thơ thẩn với trăng (Hiền Phương)
Ta lang thang khắp phố phường
Người đông lòng vẫn lạnh lùng phố ơi
(Nguyễn Thị Thu Hồng)
Có khổ đau nào đau khổ hơn
Trái tim tự xát muối cô đơn (Tố Hữu)
Thơ cách mạng thời chiến tranh không mang âm hưởng buồn nhưng thơ sau Đổi mới thường mang âm hưởng buồn. Nhưng nỗi sầu của con người rất đa dạng. Có những nỗi buồn rất khó gọi tên, khó diễn tả, phức tạp, bí ẩn. Như “Nỗi buồn của chiếc bóng” của Phạm Thị Ngọc Liên:
Nhiều khi nỗi buồn của tôi như sợi len dài
quấn xiết vào trái tim hỗn loạn (…)
Thơ Việt Nam thường nói đến cõi sâu vô thức, bí ẩn của tâm linh con người. Trong Đêm ngụ ngôn, Từ Dạ Thảo đã vẽ nên giấc mơ siêu thực:
…những giấc mơ trò chuyện cùng nhau
…những giấc mơ gặp gỡ rồi chia tay
rời bỏ căn nhà thân xác tạm trú
…những giấc mơ mơ thấy mình lạc lối
Nhiều nhà thơ quan niệm thơ là tiếng nói tâm linh bí ẩn, là dòng chảy của tiềm thức. Phan Hoàng xem thơ như một Hộp đen báo bão. Nó bí ẩn giống như dòng chảy của tiềm thức con người. Muốn hiểu thơ, phải làm thao tác giải mã.
hộp đen con tàu bất an
lưu giữ những giấc mơ chênh vênh tiềm thức
những giấc mơ chênh vênh
như con người vốn chênh vênh
giữa thiên thần và ác quỉ
Đời sống tâm linh của con người vốn bí ẩn. Nội cảm phức tạp ấy lại được chuyển tải qua những ký hiệu ngôn từ đa nghĩa. Bởi vậy, phải chăng độc giả phải có trình độ thẩm mỹ cao mới có thể hiểu được thơ Việt Nam thời kỳ Đổi mới?
4. Quan niệm thơ là trò chơi chữ nghĩa
Trong thời hòa bình, quan niệm về hình thức thơ rất đa dạng. Nhiều người xem thơ là sân chơi chữ nghĩa. Giá trị của bài thơ nằm ở sự mới lạ về hình thức nghệ thuật. Những người đi đầu là những nhà thơ lão thành như Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Dương Tường… Sau gần 30 năm lạc điệu giữa môi trường sử thi, họ bắt đầu tung tẩy ngòi bút trở lại. Dương Tường xem Trần Dần là “nhà cách tân số một”, “Trần Dần dân chủ hóa chữ, hoán cải tương quan chữ, tìm những tương quan mới cho chữ cũ”. Có thể thấy lối thơ ấy trong Mùa sạch:
Anh vẫn tìm em qua chiều chủ nhật sạch
Qua công viên trong vắt sạch
Qua đèn hàn hạt sạch
Qua lưng vai thăn thắt sạch
Qua ngày ngăn ngắt sạch
Tìm em
Họ không còn coi trọng vấn đề văn học phản ánh hiện thực, không quan tâm tới nghĩa đen, nghĩa thực của câu chữ. Giá trị của từ không phải là nghĩa thực của nó mà sự gợi tưởng của nó, tức là bóng chữ. Nhiều nhà thơ không bằng lòng với những con chữ có sẵn từ xưa nay. Họ sáng tạo ra những con chữ mới, mặc cho nó vô nghĩa. Trong bài Noel 1, Dương Tường sáng tạo ra một kiểu thơ có thể cảm thụ bằng nhiều giác quan. Có nhiều từ lạ lẫm mô phỏng âm thanh của phố xá. Cách sắp xếp độ dài ngắn các câu cũng tạo ra những ấn tượng thị giác, kích thích trí tò mò:
Nen ren em quen
Em về phố lặng
Lòng đổ chuông
llềnh lluềnh nước
Nhiều nhà thơ thiên về lối biểu đạt ẩn dụ, siêu thực. Họ ghép các từ ngữ khác trường nghĩa lại với nhau, tạo ra hình ảnh mới lạ làm cho câu thơ mơ hồ, đa nghĩa. Trong bài Biển bốc cháy của Vi Thùy Linh, các biểu tượng biển, núi gợi lên những hình ảnh tính dục:
Biển bốc cháy
Những núi vú ưỡn lên nóng bỏng
Những núi vú non tơ sáng rực
Định hướng lại mọi luồng hải đăng
Trước đây, người ta xem thơ như là một phương tiện để chuyển tải tư tưởng tình cảm. Nay, nhiều người xem thơ như một trò chơi sáng tạo. Họ nắn từ ngữ thành những hình thù khác nhau. Bởi vậy, đến với thơ trẻ là đến với những trò chơi chữ nghĩa bất tận. Ở đó, chỉ có luật chơi chứ không có luật thơ.
5. Mở rộng quan niệm thể loại thơ
Đi đôi với việc đổi mới ngôn ngữ thơ, người ta cũng mở rộng quan niệm về thể loại thơ. Thể thơ lục bát vẫn tiếp tục được sáng tác nhưng biến thể rất nhiều. Trước hết, nó gia tăng yếu tố trào phúng, ngôn ngữ bụi bặm, lệch chuẩn. Tác giả đã làm lạ hóa câu thơ lục bát bằng cách ngắt nhịp bất thường, tốc độ đọc nhanh - chậm, viết hoa - viết thường, không thụt đầu dòng…
Thể thơ tự do được sử dụng khá nhiều. Mỗi nhà thơ có một lối thể nghiệm riêng trong thể thơ tự do, như Nguyễn Quang Thiều, Phan Huyền Thư, Nguyễn Quyến, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phạm Sỹ Sáu, Phan Trung Thành… Sự sáng tạo thể thơ tự do chủ yếu thể hiện ở lối vắt dòng, ngắt nhịp và tạo hình cho bài thơ.
Thơ Hai kư vốn là một thể thơ truyền thống của Nhật Bản nhưng ngày càng phổ biến khắp thế giới. Ở Việt Nam, thơ Hai kư được đưa vào chương trình môn Văn bậc trung học. Nhiều nhà thơ, nhà giáo đã vận động sáng tác một thể loại mới là thơ Hai kư Việt. Hiện nay, Câu lạc bộ thơ Hai kư hoạt động rất sôi nổi ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và có chi nhánh ở nhiều tỉnh.
Thơ văn xuôi đã được sáng tác từ thời Tiền chiến, tuy nhiên, chưa phổ biến. Sau Đổi mới, thơ văn xuôi mới phát triển mạnh mẽ và có nhiều hình thức tồn tại rất đa dạng. Mỗi nhà thơ sáng tạo cho mình một hình thức thơ văn xuôi không giống ai: Nhân chứng của một cái chết (Nguyễn Quang Thiều), Ô mai (Đặng Đình Hưng), Bài thơ hai từ (Trần Tiến Dũng), Mười bài tập mùa xuân (Mai Văn Phấn), Phóng đãng của trí nhớ (Nguyễn Quốc Chánh)…
Trước đây, trong văn học Việt Nam, đã có hiện tượng thơ song ngữ Hán - Nôm do tác giả tự dịch. Từ những năm 1980 trở đi, hiện tượng thơ song ngữ trở nên phổ biến hơn. Nhiều nhà thơ dân tộc thiểu số Việt Nam dịch tác phẩm của mình sang tiếng Việt, như: Bàn Tài Đoàn, Lò Ngân Sủn, Y Phương, Vi Hồng Nhân, Triệu Lam Châu… Thứ hai là những tác giả người Việt dịch thơ mình ra các thứ tiếng Nga - Anh - Pháp… Chẳng hạn như: Thái Bá Tân, Lê Trọng Bổng, Nguyễn Văn Âu, Đào Anh Kha, Vi Thùy Linh… Hiện tượng thơ song ngữ khác thơ dịch ở chỗ, tác giả tự sáng tác bằng tiếng Việt và tự dịch ra tiếng nước ngoài. Tức là, tác giả sáng tác hai lần bằng hai thứ tiếng khác nhau. Trong xu thế hội nhập thế giới, thơ song ngữ ở Việt Nam sẽ ngày càng có cơ hội phát triển nhiều hơn.
Nhìn chung, thơ Việt Nam sau năm 1975 đã cố gắng phá vỡ những khuôn khổ cứng nhắc của nền văn học sử thi. Nó đi tìm một lối thể nghiệm mới trên phương diện ngôn ngữ và thể loại. Dẫu rằng trên hành trình tìm kiếm hình thức mới, các nhà thơ tân hình thức, thơ trẻ luôn gặp những cặp mắt kỳ thị, những lời giễu cợt phản bác. Có thể những cuộc thử nghiệm của nó thành công hoặc thất bại. Nhưng những thanh âm mới mà nó đệm vào dàn nhạc thơ ca dân tộc vẫn có những tiếng vang nhất định.
---------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
Phan Cự Đệ (chủ biên) (2004), Văn học Việt Nam thế kỷ XX, Nxb Giáo dục, H.
Hà Minh Đức (2012), Một thế kỷ thơ Việt Nam (1900 - 2000), Nxb KHXH, H.
Mã Giang Lân (2001), Tiến trình thơ hiện đại Việt Nam, Nxb Giáo dục, H.
Nguyễn Văn Long (chủ biên), Giáo trình Văn học Việt Nam hiện đại, tập 2 (từ sau Cách mạng tháng Tám 1945), Nxb ĐHSP, H.
Đặng Thu Thủy (2011), Thơ trữ tình Việt Nam từ giữa thập kỉ 80 đến nay, những đổi mới cơ bản, Nxb ĐHSP, H.
(baovannghe.vn)