Giữ gìn và gây dựng bản sắc văn hóa Đà Nẵng
Thế nhưng đúng như nhà văn hóa Phan Ngọc - nay đã qua đời - từng viết về thách thức của quá trình bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc: “Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc không có nghĩa là đóng cửa lại, chỉ chấp nhận một cách giải thích, chỉ chấp nhận một quyển sách, dù đó là thánh kinh, mà phải thích ứng với mọi sự thay đổi. Như vậy có nghĩa là phải chấp nhận mọi tiếp xúc, mọi quan hệ. Không có văn hóa tự lực cánh sinh. Không có văn hóa tự túc. Vào thời Tự Đức, ta đã chủ trương văn hóa tự túc, kết quả là đã mất nước”[1]. Đó là chưa kể cái khác biệt, cái riêng có về văn hóa của một cộng đồng lớn lại chính là cái chung, là đồng phục về văn hóa nhằm cố kết các cộng đồng nhỏ trong cộng đồng lớn ấy.
Chẳng hạn cái khác biệt, cái riêng có về văn hóa của Việt Nam lại là cái chung, là đồng phục về văn hóa của các địa phương trong cả nước - như của Xứ Đoài, xứ Nghệ, xứ Huế, xứ Quảng…; và cái khác biệt, cái riêng có về văn hóa của xứ Quảng lại là cái chung, là đồng phục về văn hóa của các địa phương trong vùng đất “chưa mưa đà thấm này” như Tam Kỳ, Hội An, Đà Nẵng… Cho nên nhận diện và bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam đã khó, khó hơn là nhận diện và bảo tồn bản sắc văn hóa xứ Quảng và càng khó hơn nữa là nhận diện và bảo tồn bản sắc văn hóa Đà Nẵng. Càng khó hơn bởi ở đây có những ba lớp bảo tồn: Lớp thứ nhất là cái khác biệt, cái riêng có về văn hóa của dân tộc Việt Nam; lớp thứ hai là cái khác biệt, cái riêng có về văn hóa của vùng đất Quảng Nam; lớp thứ ba là cái khác biệt, cái riêng có về văn hóa của thành phố bên sông Hàn - điều này có nghĩa bảo tồn bản sắc văn hóa Đà Nẵng thực chất là động thái “ba trong một” đầy nhọc nhằn thách thức. Thậm chí không chừng là “bốn trong một” khi người Đà Nẵng còn phải bảo tồn cả… bản sắc văn hóa phương Đông!
Bản sắc văn hóa thường được hiểu là cái độc đáo và - như đã nêu trên - có nhiều người còn nói đó là cái chỉ có thể tìm thấy ở nơi này chứ không thể tìm thấy ở nơi khác. Đúng là đã khác biệt, đã riêng có thì không thể không độc đáo, không thể không độc quyền sở hữu theo kiểu “chỉ có thể tìm thấy ở nơi này chứ không thể tìm thấy ở nơi khác”. Nhưng trong thực tế, tình trạng “chỉ có thể tìm thấy ở nơi này chứ không thể tìm thấy ở nơi khác” chỉ diễn ra khi bản sắc mới được hình thành, còn trong quá trình bảo tồn bản sắc văn hóa thì không nhất thiết phải tiến hành tại chỗ, không nhất thiết chỉ là việc của cư dân bản địa, mà còn là việc của những lưu dân khi “gánh theo tên đất tên làng” (Nguyễn Khoa Điềm), thậm chí do đường xa không thể mang theo tất cả nên lưu dân phải rất chọn lọc để đưa vào hành trang cái gì thực sự khác biệt, thực sự riêng có - thực sự là bản sắc văn hóa của quê mình. Đó là chưa kể trong quá trình giao lưu văn hóa trên một “thế giới phẳng”, vẫn có thể tìm thấy bản sắc văn hóa ở nhiều nơi khác chứ không chỉ ở duy nhất nơi nào - khi khách thập phương “đi một ngày đàng học một sàng khôn” rồi mang cái sàng khôn ấy trở về quảng bá ở quê nhà…
Mặt khác cũng cần thấy cái gọi là riêng có, là khác biệt để làm nên bản sắc văn hóa nhiều khi lại rất quen thuộc, có thể tìm thấy ở nhiều nơi, chỉ có điều ở nơi này nổi trội hơn, đậm nét hơn, phổ biến hơn, được cư dân bản địa thường xuyên trải nghiệm hơn. Chẳng hạn lòng yêu nước là phẩm chất văn hóa chung của nhiều dân tộc, nhưng do hoàn cảnh của một đất nước mà khi “minh họa lịch sử dân tộc thì có trang nào, dòng nào mà không phải vẽ thanh gươm tự vệ và tô đậm một màu máu” (Nguyên Ngọc, Đường chúng ta đi), lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam đã thực sự trở thành một bản sắc văn hóa như Bác Hồ từng khẳng định trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ II Đảng Lao động Việt Nam hồi tháng 2 năm 1951: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”. Hoặc cãi nhau không phải là đặc sản của người Quảng Nam, cả thiên hạ đều cãi chứ không riêng chi họ, có điều theo đánh giá của chính thiên hạ - một đánh giá mang màu sắc dân gian - thì người Quảng Nam thích cãi hơn, thích lý sự hơn, thích đến nỗi cãi đã thành một tính trội, một bản sắc văn hóa - tính hay cãi[2].
*
Cho nên với người Đà Nẵng đương đại, giữ gìn bản sắc văn hóa Đà Nẵng chủ yếu là giữ cho được cái khác biệt, cái riêng có về văn hóa của các dân tộc phương Đông; giữ cho được cái khác biệt, cái riêng có về văn hóa của dân tộc Việt Nam; giữ cho được cái khác biệt, cái riêng có về văn hóa của vùng đất Quảng Nam và giữ cho được cái khác biệt, cái riêng có về văn hóa của chính thành phố bên sông Hàn. Trong sứ mệnh bảo tồn “bốn trong một” ấy, cái khác biệt, cái riêng có về văn hóa của thành phố bên sông Hàn còn đòi hỏi vừa được giữ gìn vừa được xây dựng, bởi đúng như câu nói nổi tiếng của Jaurès từng được long trọng nhắc lại giữa diễn đàn đại hội của Quốc tế thứ hai năm 1920, lúc Nguyễn Ái Quốc đang cùng với những đồng chí của mình tích cực đấu tranh để chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Pháp, gia nhập Quốc tế thứ ba: “Trung thành với truyền thống nghĩa là phải đem hết sức mình tiến về phía tương lai, như dòng sông chỉ có chảy ra biển mới gọi là trung thành với ngọn nguồn của nó”. Cho nên muốn kế thừa và gìn giữ được bản sắc văn hóa Đà Nẵng đã hình thành suốt mấy trăm năm mở cõi, đòi hỏi người Đà Nẵng đương đại phải góp cho thời mình đang sống một số giá trị văn hóa mới, cũng có nghĩa là phải tạo ra cho tương lai một bản sắc văn hóa mới. Để xây dựng bản sắc văn hóa Đà Nẵng, người Đà Nẵng đương đại cần tập trung làm nổi bật hai cái khác biệt, riêng có của một thành phố hơn 130 năm tuổi - tính từ thời điểm thành lập Tourane thành phố cấp II năm 1889 - là văn hóa giao thông đô thị và văn hóa cư trú nội thành.
Văn hóa giao thông đô thị góp phần hình thành bản sắc văn hóa Đà Nẵng, góp phần tạo nên khác biệt cho Đà Nẵng với một mạng lưới đường phố ngày càng dày đặc (từ chỗ chỉ có 85 con đường được đặt tên vào trước năm 1997 - trong đó 67 đường đặt tên danh nhân, 18 đường đặt theo mỹ từ và tên đất tên làng; thì từ năm 1997 đến cuối năm 2020, Đà Nẵng có tới 2.406 con đường được đặt tên - trong đó 981 đường đặt tên danh nhân, 1.425 đường đặt theo mỹ từ và tên đất tên làng); cùng với đó là rất nhiều giao lộ phần lớn đã được lắp đặt hệ thống tín hiệu đèn vàng - đèn đỏ - đèn xanh và rất nhiều dải phân cách cũng như lối đi ưu tiên cho bộ hành... Có người nói rất đúng rằng văn hóa giao thông không gì khác là ý thức tôn trọng của người tham gia giao thông với những người đang cùng mình tham gia giao thông, thậm chí với cả những người không tham gia giao thông. Ở đây tôn trọng đi liền với nhường nhịn. Điều gì dẫn đến ý thức nhường nhịn? Đó chính là văn hóa xếp hàng. Khi một người biết kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt mình chứ không chen ngang lấn tới để giành lợi thế/ưu tiên thì mới có thể tự giác dừng ở giao lộ khi đèn vàng/đèn đỏ, mới có thể tự giác không đi ngược trên đường một chiều, mới có thể tự giác nhường đường cho xe cứu thương/cứu hỏa…, thậm chí khi cần mới có thể tự nguyện nhường nhịn ưu tiên/lợi thế cho người khác, chẳng hạn nhường cho xe chạy sau đang ra hiệu xin vượt... Làm nổi bật văn hóa giao thông đô thị với tư cách cái khác biệt, cái riêng có của thành phố mình, người Đà Nẵng không thể không thể hiện ý thức tôn trọng/nhường nhịn ấy[3].
Trong văn hoá giao thông hiện nay còn có vấn đề về nhân sinh quan. Dường như một quan niệm nhân sinh tạm gọi là “ưu thế mặt tiền” đang tác động nhiều mặt đến cuộc sống của người Đà Nẵng đương đại, trong đó có văn hoá giao thông. Những năm đầu thập niên 2000, khi còn công tác ở Quận ủy Thanh Khê, hằng ngày mấy lần đi về trên đường Hà Huy Tập và có dịp quan sát cảnh người tham gia giao thông chờ tàu hoả đi qua giao lộ đường sắt và đường bộ ở đoạn đường này, tôi đã cảm nhận rất rõ “ưu thế mặt tiền” đang tác động tiêu cực tới văn hoá giao thông: Khi hai rào chắn được kéo ngang, người tham gia giao thông đường bộ đồng loạt dừng xe. Tuy nhiên, điều đáng nói là lẽ ra phải dừng xe theo làn đường của mình - hoặc bên trái hoặc bên phải - để lúc giải toả rào chắn mỗi bên sẽ nhanh chóng thẳng tiến, người ta lại dừng xe cả hai bên phải/trái nhằm chiếm “ưu thế mặt tiền” và khi hai rào chắn được giải toả thì không bên nào có thể thẳng tiến bởi phải đối đầu với “phía bên kia” ngay tại giao lộ. Nói chung có thể nhận ra nhân sinh quan “ưu thế mặt tiền” - quyết tâm không chịu nhường ai để xông lên chiếm bằng được mọi chỗ trống trên đường - không chỉ ở các giao lộ đường sắt và đường bộ như vừa nêu mà còn trong rất nhiều trường hợp kẹt xe gây tắc nghẽn giao thông đô thị…[4] Làm nổi bật văn hóa giao thông đô thị với tư cách cái khác biệt, cái riêng có của thành phố mình, người Đà Nẵng cần phấn đấu nói “không” với nhân sinh quan không chịu nhường ai ấy!
*
Văn hóa cư trú nội thành cũng góp phần tạo nên khác biệt cho Đà Nẵng, góp phần hình thành bản sắc văn hóa Đà Nẵng. Trong cuốn sách Đào chuông xuống núi xuất bản năm 2014, tôi từng nêu cái nhìn của mình về con người đô thị, bao gồm con người Đà Nẵng quê tôi: “Con người đô thị nói chung sống chen chúc nhưng xa cách. Nhiều ngôi nhà đô thị kín cổng cao tường khiến con người sống ở đó vừa có cảm giác yên tâm không bị ai quấy nhiễu lại vừa như đang tự giam mình trong nỗi cô đơn”[5]. Và sống chen chúc nhất trong những người đô thị sống chen chúc là cư dân các chung cư cao tầng, là cư dân trú ngụ trong những căn nhà liền kề hình ống tại các khu dân cư đông đúc ở nội thành. Chen chúc gần gũi đến mức hầu như thường xuyên chạm mặt nhau đến thế sao gọi là xa cách? Sở dĩ như vậy là bởi cư dân đô thị được cố kết thành cộng đồng khác với cư dân nông thôn thường có quan hệ huyết thống, dòng tộc hoặc quan hệ đồng hương lâu đời, nếu không cùng nhau gầy dựng văn hóa cư trú nội thành rất dễ “gần nhà xa ngõ”. Sở dĩ như vậy còn do xuất phát từ chính sự chen chúc, sát vách sát tường trong điều kiện cách âm hạn chế, nhất là ở các chung cư cao tầng - nếu không cùng nhau gầy dựng văn hóa cư trú nội thành thì rất dễ “vô tình hóa ra người có lỗi”…
Cho nên để góp phần tạo nên khác biệt cho Đà Nẵng, góp phần hình thành bản sắc văn hóa Đà Nẵng, người Đà Nẵng phải hết sức chú ý đến việc xây dựng văn hóa cư trú nội thành, làm thế nào để sống chen chúc mà vẫn không xa cách, làm thế nào để “tối lửa tắt đèn có nhau” mà vẫn rất mực tôn trọng thế giới riêng tư của hàng xóm láng giềng, làm sao để luôn thăm hỏi quan tâm đến người sống gần mình mà không tỏ ra tò mò tọc mạch... Để xây dựng văn hóa cư trú nội thành, cần suy ngẫm về phương châm mà hơn 2.500 năm trước Khổng Phu Tử từng khuyên nhủ đồ đệ của ông: Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân - Cái gì mình không muốn thì chớ gây ra cho người khác. Tuy nhiên điều cốt lõi nhất trong văn hóa cư trú nội thành mà người Đà Nẵng hướng tới là lòng khoan dung về văn hóa, sẵn sàng chấp nhận cái khác mình. Sở dĩ như vậy là vì “mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh”, hàng xóm láng giềng có nhiều cái khác với mình, từ sở thích cho đến phong cách, từ tín ngưỡng cho đến đam mê… Chỉ có một điều giống nhau rất dễ nhận ra: Tất cả đều có chung một khát vọng là làm thế nào để cùng nhau giữ gìn và xây dựng bản sắc văn hóa Đà Nẵng, góp phần đưa thành phố bên sông Hàn trở thành “đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á”[6] đúng vào thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1945-2045)./.
1] Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb. Văn học, 2006, trang 114.
[2] Xem thêm Bùi Văn Tiếng, Về tính hay cãi của người Quảng Nam, Báo Đà Nẵng điện tử ngày 11 tháng 8 năm 2012.
[3] Xem thêm Bùi Văn Tiếng, Xây dựng nếp sống văn hóa giao thông, Tạp chí chuyên đề Đô Thị và Phát Triển số 67- 2017, ngày 04 tháng 7 năm 2017.
[4] Xem thêm Bùi Văn Tiếng, Bàn thêm về văn hóa giao thông ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Văn Hiến điện tử ngày 14 tháng 10 năm 2021.
[5] Bùi Văn Tiếng, Đào chuông xuống núi, NXB. Đà Nẵng, 2014, trang 38, 39.
[6] Bộ Chính trị, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.