Lời thoại trong văn học

08.06.2022
Uông Triều
Một tác phẩm văn học có thể có nhiều hoặc ít lời thoại, độc giả sẽ thích loại nào hơn? Cái đó tùy gu thẩm mĩ của mỗi người, tùy vào bối cảnh, kết cấu tác phẩm nhưng thông thường, những lời thoại sắc sảo, độc đáo được ưa thích hơn.

Lời thoại trong văn học

Ví dụ điển hình về lời thoại dài có thể kể đến các tác phẩm của Dostoevsky. Lời thoại trong các tác phẩm của nhà văn Nga này không những dài, liên tục mà đôi khi chúng còn trở thành một câu chuyện độc lập. Trong những tác phẩm như Thằng ngốc, Anh em nhà Kazamazov…, ta dễ dàng nhìn thấy những lời thoại kéo dài vài trang thậm chí vài chục trang. Tác phẩm của Dostoevsky giàu tính kịch, các nhân vật thường được đưa lên “sân khấu” cùng một lúc và phô diễn tất cả tính cách và suy nghĩ của mình ở cùng một thời điểm vậy nên lời thoại được phát triển là đương nhiên và cũng là phong cách độc đáo của Dostoevsky.

Thời cổ điển qua đi, những tác phẩm có lời thoại lê thê không được ưa chuộng nữa. Bây giờ một tác phẩm toàn lời thoại sẽ khiến người đọc mệt mỏi, chán ngấy bởi nhiều lời thoại không độc đáo, chủ yếu mang tính đãi bôi và tác giả gần như chỉ dựa vào lời thoại để phát triển câu chuyện. Dựa hoàn toàn vào lời thoại để phát triển câu chuyện là một thao tác kĩ thuật được coi là non tay và dễ dãi. Đôi khi, tác giả không biết phải kể câu chuyện ra sao nên phải dùng lời thoại để tạo diễn biến. Đây là một cách kể chuyện cũ kĩ và hé lộ rằng người viết đang bí những phương thức truyền tải thích hợp.

Sự lạm dụng lời thoại đôi khi còn nguy hiểm ở chỗ nhân vật nói nhiều quá, mọi suy nghĩ, hành động, tư tưởng đều phát qua miệng. Nhân vật trở thành cái loa, chỉ có nói và nói, câu chuyện thiếu chiều sâu suy nghĩ, độ chín của hành động và bối cảnh tạo dựng. Một truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết hiện đại mà nhân vật nói từ đầu đến cuối dường như đã cầm chắc thất bại.

Tôi từng nhận được một truyện ngắn với cách kể chuyện duy nhất là hai nhân vật thoại với nhau từ đầu đến cuối. Thông qua lời thoại đan xen nhau, tác giả kể lại hoàn toàn câu chuyện, sự việc này móc nối vào sự việc kia. Sự dẫn dắt câu chuyện bằng lời thoại kiểu này khiến độc giả mệt mỏi và có cảm giác người viết có rất ít lao động nghệ thuật thực sự. Khi tôi trao đổi điều này với tác giả thì anh ấy biện minh rằng có những truyện kinh điển hoàn toàn là lời thoại, ví dụ pho Ngàn lẻ một đêm của người Ả Rập. Nhưng đó là trường hợp khác, nàng Scheherazade trong Ngàn lẻ một đêm kể chuyện rất hấp dẫn, chuyện nọ móc xích chuyện kia và thực tế ấy là hình thức kể chuyện phù hợp với thời đại ấy, khi có một người kể truyện miệng đúng nghĩa và có những người xung quanh đang lắng nghe. Nếu bây giờ vẫn sử dụng nguyên dạng hình thức ấy nhưng với cách thức kém hơn thì độc giả hiện đại khó có thể chấp nhận.

Lại nữa, vẫn còn nhiều tác phẩm có những đoạn xã giao chứa rất ít thông tin hoặc thông tin không có tính gợi mở hoặc hấp dẫn nghệ thuật. Thử xem một đoạn hội thoại viết kiểu thế này:

“Hội đi vào sân và nhìn thấy An, Hội hỏi:

- Chị ăn cơm chưa?

- Tôi ăn rồi, còn chú?

Hội đáp:

- Em cũng ăn rồi.

An lại bảo:

- Bên ấy ăn cơm sớm nhỉ?

- Vâng, hôm nay nhà em có việc. Anh Dũng có nhà không chị?

- Có, nhà tôi đang ở trong nhà đấy.

- Vâng, vậy em vào gặp anh Dũng bàn tí chuyện.”

Nếu một truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết cứ một quãng lại có một đoạn hội thoại nhạt nhẽo và xã giao như thế thì có lẽ độc giả khó lòng đọc đến những trang cuối cùng.

Trong nhiều tác phẩm văn học đương đại và với những người viết ý thức về việc tiết chế lời nói, sự xuất hiện các đoạn thoại ít dần và thậm chí có những tác phẩm không có lời thoại trực tiếp nào, chỉ còn câu kể hoặc câu tường thuật. Tôi có thể lấy những ví dụ điển hình về kiểu này trong hai cuốn tiểu thuyết Diệt vong và Đốn hạ của Thomas Bernhard, một nhà văn nổi tiếng người Áo viết bằng tiếng Đức và trong các tác phẩm Vu khống, Sóng ngầm của học trò của ông, nhà văn Pháp gốc Việt Linda Lê. Trong các tiểu thuyết này, các dòng chữ cứ nối tiếp nhau không ngừng nghỉ, hiếm ngắt đoạn hay xuống dòng, vẫn có lời thoại nhưng là những lời nói được dính kết và triền miên như một dòng sông đang chảy không ngừng; người đọc hầu như không được nghỉ một phút nào, nhất là với hai cuốn sách của Thomas Bernhard.

Vậy khi nào cần phải có lời thoại? Câu hỏi này phụ thuộc vào mỗi tác giả và quan điểm viết của họ. Cũng không đến mức cực đoan là không dùng bất cứ câu thoại nào, trừ những chủ ý nhất định và ngược lại, nếu thoại dài quá thì cũng nên cân nhắc.

Và thế nào là lời thoại hấp dẫn và cần thiết? Đó là những lời thoại có những thông tin hấp dẫn, tạo ra các mâu thuẫn, gợi suy nghĩ liên tưởng hoặc thúc đẩy các kịch tính; ở góc độ nào đó, chúng gần gũi với kịch nói. Dưới đây là một đoạn hội thoại nổi tiếng giữa Bá Kiến và Chí Phèo trong Chí Phèo của Nam Cao:

“- Chí Phèo đấy hở? Lè bè vừa thôi chứ, tôi không phải là cái kho.

Rồi ném bẹt năm hào xuống đất, cụ bảo hắn:

- Cầm lấy mà cút đi cho rảnh. Rồi làm mà ăn chứ cứ báo người ta mãi à?

Hắn trợn mắt chỉ tay vào mặt cụ:

- Tao không đến đây xin năm hào.

Thấy hắn toan làm dữ cụ đành dịu giọng:

- Thôi, cầm lấy vậy, tôi không còn hơn.

Hắn vênh cái mặt lên, rất kiêu ngạo:

- Tao đã bảo là tao không đòi tiền.

- Giỏi! Hôm nay mới thấy anh không đòi tiền. Thế anh cần gì?

Hắn dõng dạc:

- Tao muốn làm người lương thiện!

Bá Kiến cười ha hả:

- Ồ tưởng gì! Tôi chỉ cần anh lương thiện cho thiên hạ nhờ.

Hắn lắc đầu:

- Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không? Chỉ có một cách... biết không! Chỉ có một cách là... cái này biết không?”

Còn đây là một đoạn trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố:

“Chị Dậu xám mặt, vội vàng đặt con bé xuống đất, chạy đến đỡ lấy tay hắn:

- Cháu van ông, nhà cháu vừa mới tỉnh được một lúc, ông tha cho!

- Tha này! Tha này!

Vừa nói hắn vừa bịch luôn vào ngực chị Dậu mấy bịch rồi lại sấn đến để trói anh Dậu.

Hình như tức quá không thể chịu được, chị Dậu liều mạng cự lại:

- Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ.

Cai lệ tát vào mặt chị một cái đánh bốp, rồi hắn cứ nhảy vào cạnh anh Dậu.

Chị Dậu nghiến hai hàm răng:

- Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem!”

Một đoạn nữa trong truyện ngắn Không có vua của Nguyễn Huy Thiệp:

“Sinh lúi húi dưới bếp. Trong buồng Sinh, Khảm đang giới thiệu với ba người bạn tập anbum có chụp những ảnh của Khảm, có cả ảnh hồi bé tập lẫy. Cô My Lan bảo: “Anh Khảm hồi bé bụ ghê.” Khảm bảo: “Con anh sau này cũng bụ thế, nhưng xinh hơn, có cái nốt ruồi ở cằm.” My Lan đỏ mặt, sờ vào cái nốt ruồi cằm mình, đấm thùm thụp vào lưng Khảm. Việt Hùng hỏi: “Ảnh này chụp hồi đi thực tập phải không?” Khảm bảo: “Ừ!” Việt Hùng khen: “Nét lắm.” My Lan hỏi: “Có phải hồi ấy anh ăn trộm khoai, bị dân quân bắt không.” Khảm đỏ mặt bảo: “Toàn nói lăng nhăng, mắc tội nói xấu đồng đội. Thế nào tớ cũng bắt đền.” My Lan hỏi: “Bắt đền gì?” Khảm bảo: “Đợi tối thì biết.” Mọi người cười.”

Cả ba đoạn trích ở trên đều có những câu thoại rất đặc sắc, thể hiện rõ cá tính nhân vật, gợi liên tưởng, thúc đẩy mâu thuẫn và góp phần tạo ra bước ngoặt của truyện. Tất nhiên không phải đoạn thoại nào cũng hấp dẫn và ngay trong cùng một tác phẩm cũng vậy; thỉnh thoảng ta còn thấy những sai lệch về lời nói, ví dụ một anh nông dân lại có cách nói năng kiểu cách như một giáo sư đang giảng bài hoặc một người miền Bắc sống ở đất Bắc lại nói theo kiểu Nam Bộ...

Ở một khía cạnh khác, đôi khi để tạo ra sự chân thực cho nhân vật, nhiều tác giả còn cố ý viết cả những câu nói sai lỗi chính tả, lỗi phát âm, tiếng địa phương, tiếng lóng của nhân vật y như lúc họ giao tiếp thực sự ngoài đời sống. Việc sử dụng những kiểu ăn nói đặc trưng này trong tác phẩm văn học giúp lưu lại những dấu vết của lịch sử phát triển ngôn ngữ, những bằng chứng cho thấy cách diễn đạt đã có sự thay đổi theo thời gian và biến đổi của xã hội. Ví dụ đọc những tiểu thuyết của Tự Lực văn đoàn sẽ thấy ngày trước người ta nói chuyện không giống như bây giờ; hoặc đọc Bỉ Vỏ của Nguyên Hồng, độc giả hiện tại sẽ biết thêm được rất nhiều tiếng lóng của giới giang hồ Hải Phòng từ hồi đầu thế kỉ trước.

Tất nhiên ngôn ngữ văn học vừa giống ngôn ngữ đời sống vừa có những đặc trưng riêng vì chúng được phản chiếu qua lăng kính và ý đồ của người viết. Lời thoại trong tác phẩm văn học cũng không có một khuôn mẫu cứng nhắc nào, nó là cả một bầu trời sáng tạo và phong cách của người viết. Lời thoại ngắn hay dài, trực tiếp hay gián tiếp hoặc thậm chí không có cũng không là vấn đề quyết định, miễn là chúng tạo được hiệu quả nghệ thuật thực sự trong tổng thể tác phẩm và trong thời đại của chính nó.

(vannghequandoi.com.vn)