Thái Bá Lợi nửa thế kỉ trên đường văn
Kí họa chân dung nhà văn Thái Bá Lợi của họa sĩ ĐỖ HOÀNG TƯỜNG
Tôi quen biết Thái Bá Lợi đã khá lâu, nhưng mãi gần đây mới hiểu được phần nào cuộc đời phong phú, nhiều thành tựu mà cũng không ít chông gai của anh. Một phần, do anh là con người kín tiếng, không mấy khi lên “diễn đàn” cao đàm khoát luận; phần nữa, xứ Nghệ đã quá nhiều người nổi tiếng, mà người con quê làng Thơi này lại lập nghiệp và thành danh chủ yếu trên vùng đất Quảng - cũng là một vùng địa linh nhân kiệt. Vậy nên con người “một chốn đôi quê” như Thái Bá Lợi có phần… thua thiệt khi thiên hạ điểm danh… bảng vàng!
Nhà văn Thái Bá Lợi sinh năm 1945 tại làng Thơi, Nghệ An nhưng bén duyên với làng văn từ đất Quảng và gắn bó với vùng đất này cho đến nay. Không phải anh chọn đất Quảng làm quê hương thứ hai mà bước chân người lính cuốn theo cuộc chiến đã dần đưa anh về phía Nam. Nhập ngũ năm 1965 tại Quân khu 4, Thái Bá Lợi sung vào Trung đoàn 7 cùng với rất nhiều thanh niên Nghệ An sang chiến đấu tại vùng Mahaxây, Khăm Muộn, Lào. Có thể nói, tôi và Thái Bá Lợi từng “chung một con đường”, mặc dù tôi chỉ là… lính giao thông. Tôi đã tham gia xây những chiếc cầu trên hai con đường vượt Trường Sơn qua Lào - đường số 7 và số 12 - hai năm trước khi Thái Bá Lợi hành quân qua. Tôi bám trụ tại đường 12 và Quảng Bình cho đến hết chiến tranh; còn Thái Bá Lợi từ năm 1966 đến cuối năm 1967 là quân y sĩ Trung đoàn 90, Sư đoàn 324, chiến đấu ở Đường 9, từng đánh thắng trận Gio An (Quảng Trị) nên mang tên Trung đoàn Gio An. Sau khi tham gia chiến dịch Mậu Thân Huế (1968), từ năm 1969, đơn vị vào chiến trường Khu 5 và anh gắn bó với vùng đất này cho đến nay.
Tròn nửa thế kỉ cầm bút, bền bỉ và thầm lặng sáng tạo, Thái Bá Lợi đã có một khối lượng tác phẩm đáng nể trọng, trong đó, nhiều tác phẩm giành được phần thưởng cao quý như Họ cùng thời với những ai (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1983), Trùng tu (giải A của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam 2004), Minh sư (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2010 và Giải văn học Đông Nam Á 2013)… Năm 2012, anh được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Thành tựu cả cuộc đời sáng tạo của Thái Bá Lợi vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn tập hợp trong Thái Bá Lợi tuyển tập - một bộ sách gồm 5 tập, dày trên 3000 trang. Vậy là ở tuổi gần chạm bát tuần, nhà văn - cựu binh Thái Bá Lợi lại xuất quân đánh trận tổng kết rất ngoạn mục. Ngoài tập 1 dành tuyển truyện ngắn và bút kí, các tập còn lại đã in toàn bộ những tiểu thuyết của tác giả: tập 2 có các tiểu thuyết Thung lũng thử thách và Thử thách còn lại; tập 3 có các tiểu thuyết Bán đảo, Họ cùng thời với những ai và Trùng tu; tập 4 có các tiểu thuyết Khê Ma Ma và Minh sư; tập 5 gồm tiểu thuyết Câu chuyện Đà Nẵng và những bài bình luận về tác phẩm của Thái Bá Lợi.
“Thái Bá Lợi được xem là một trong số nhà văn viết về chiến tranh được đông đảo bạn đọc chú ý và giới phê bình văn học ở nước ta đánh giá cao bởi từ rất sớm, những năm đầu sau 1975, ông đã có những tác phẩm về chiến tranh bằng một lối viết, một nhãn quan mới mẻ vượt thoát khỏi không khí lãng mạn sử thi nặng về ca ngợi của dòng văn học chiến tranh thời bấy giờ” (trích Lời giới thiệu Thái Bá Lợi tuyển tập của Nhà xuất bản).
Những ai theo dõi quá trình sáng tác của Thái Bá Lợi, khi đọc những dòng vừa trích dẫn sẽ nghĩ ngay tới truyện vừa Hai người trở lại trung đoàn in trên Văn nghệ Quân đội số tháng 4/1977 đã gây ra những dư luận trái chiều. Truyện này là một dấu mốc đưa Thái Bá Lợi vào hàng ngũ các nhà văn được bạn đọc chú ý. Điều đáng nói thêm, nếu dùng ngôn ngữ của người lính thì chàng “tân binh” quê làng Thơi trong đội quân văn nghệ lúc đó, sau trận thắng mở đầu khá ngoạn mục, vẫn điềm tĩnh và bền bỉ, tiếp tục có những bước đi chắc chắn, đặt những cột mốc mới đĩnh đạc trên con đường văn không ít thách thức của mình. Nhà văn Trung Trung Đỉnh, bạn văn cùng trưởng thành từ “khu 5”, bình luận về đường văn của Thái Bá Lợi rằng “không nhanh mà cũng chả chậm”. Trong văn chương, để có tác phẩm đứng được, không thể nhanh kiểu… mì ăn liền. Có thể thấy rõ điều này khi theo dõi quá trình hình thành tiểu thuyết Trùng tu. Thái Bá Lợi tham gia chiến dịch Mậu Thân Huế 1968, tức là phải hơn 30 năm sau thì hiện thực bi tráng mà nhà văn chứng kiến mới hóa thân thành tác phẩm. Thực ra, từ năm 1970, chàng quân y sĩ tiền phương Trung đoàn 38 đã viết tiểu thuyết Chuyển thương miêu tả quân giải phóng rút khỏi thành phố Huế; bản thảo đầu tay này chưa thành công, nhưng nhờ nó mà Thái Bá Lợi lọt vào “con mắt xanh” của nhà văn Nguyên Ngọc và anh được điều về Ban Văn học Quân khu 5. Và phải thêm 30 năm từng trải, nghiền ngẫm, nhà văn mới trở lại đề tài Huế Mậu Thân. Trùng tu rất ít nhân vật, cốt truyện cũng đơn giản. Nhân vật “tôi” là một chiến sĩ trực tiếp chiến đấu tại Huế thời Mậu Thân; cho đến khi nhiều sĩ quan hi sinh, anh được cử làm đại đội trưởng; 10 năm sau, tình cờ gặp lại đồng đội là “nó” - một sinh viên Hà Nội vào chiến đấu tại Huế trong đơn vị súng cối - khi “nó” đã là một chuyên gia lo việc Trùng tu lại Huế vào Đà Nẵng gặp kiến trúc sư nổi tiếng Kazimierz người Ba Lan… Tác phẩm của Thái Bá Lợi không có quy mô như Huế mùa mai đỏ (tiểu thuyết 2 tập của nhà văn Xuân Thiều, cũng viết về Huế Mậu Thân). Tuy chỉ gần 200 trang sách nhưng Trùng tu vẫn phản ánh được nét chủ yếu nhất của sự kiện Mậu Thân là sự ác liệt của cuộc chiến và tinh thần chịu đựng, dũng cảm vô song của những người lính với nhiều trang miêu tả cận cảnh của một người trong cuộc. Điều đáng nói hơn là sau ba thập kỉ nghiền ngẫm, tác giả viết Trùng tu không chỉ để kể một cuộc chiến bi tráng mà còn nhằm gửi gắm ý tưởng rằng việc Trùng tu di tích “làm sao quan trọng bằng việc Trùng tu những điều năm tháng đi qua đã để lại, những con người bước từ trong đó ra, kể cả nó và tôi”.
Thái Bá Lợi luôn thể hiện tinh thần của người chiến sĩ, không ngại xông vào những đề tài hóc búa. Hai tiểu thuyết Minh sư (viết về chúa Nguyễn Hoàng) và Câu chuyện Đà Nẵng (nhân vật chính có nguyên mẫu là một cựu Bí thư Thành ủy) đã chứng tỏ điều đó. Câu chuyện Đà Nẵng không chỉ chạm đến những vấn đề, những con người của ngày hôm nay, mà còn là những chuyện ở thì tương lai, do “con đường” mà vị cựu Bí thư Thành ủy chọn để phát triển Đà Nẵng, cũng như phong cách lãnh đạo của ông chưa ai có thể đưa ra sự đánh giá có tính “tổng kết” lúc này. Còn cửa ải khó khăn đầu tiên mà nhà văn phải đối đầu khi viết Minh sư là tư liệu quá hiếm hoi. Tôi có dịp cùng dự một trại sáng tác tiểu thuyết với Thái Bá Lợi, được biết anh đã bỏ nhiều công sức và tâm huyết cho tác phẩm này. Bìa sách ghi phụ đề “Chuyện Nguyễn Hoàng mở cõi”, tức là chuyện gần 500 năm trước, từ năm 1558! Nguồn tư liệu đã thiếu thốn lại không chính xác vì khác với những vua chúa của những triều đại chính danh thường được sử sách ghi chép kĩ càng, Nguyễn Hoàng ở vị thế một quan trấn thủ vùng đất mới khai phá, thậm chí là kẻ đào thoát khỏi vòng kiềm toả của thế lực đương quyền, nên sử liệu về ông thiếu sót và thiên lệch là điều dễ hiểu. Hơn thế, như tác giả đã viết ở trang cuối sách, “một thời, người ta xoá tên ông khỏi những trường học, những công trình, những con đường mà người trước đặt ra để nhớ ơn ông…”; và nữa, vùng đất “mở cõi” lại liên quan đến vấn đề “nhạy cảm” là quan hệ Việt - Chiêm… Thái Bá Lợi viết Minh sư không chỉ để tái hiện một giai đoạn lịch sử hơn 5 thế kỉ trước mà còn khơi mở câu chuyện hòa hợp dân tộc sau những cuộc bể dâu đang rất thời sự. Ngay từ trang đầu tiểu thuyết, chúng ta chứng kiến cuộc trò chuyện giữa Thành - một nhà nghiên cứu lịch sử, nguyên là chiến binh từng chiến đấu trên chiến trường Quảng Nam - và chị Tư Trà là vợ một chỉ huy sư đoàn đã hi sinh trong trận chiến bi tráng tại Động Mông, Đá Hàm trước Tết Mậu Thân. Dõi theo hơn 400 trang sách chữ nhỏ, bên mạch chính là chuyện Nguyễn Hoàng mở cõi, thỉnh thoảng chúng ta lại được nghe Thành và chị Tư Trà tâm sự những nỗi niềm hậu chiến. Nhân vật Thành lần theo bước chân của chúa Nguyễn Hoàng đồng thời đi theo chị Tư Trà tìm lại dấu tích của chồng. Chị Tư Trà hoá ra còn có con với một sĩ quan bên kia chiến tuyến, do chồng chị đi tập kết mãi không trở về. Và cuộc đi của chị, hết trở về quê hương đến chiến trường xưa rồi ra Hà Nội, sau mấy chục năm đất nước thống nhất, chỉ là để “…tìm sự hoà hợp sau bao nhiêu chuyện nhiêu khê kia. Ngay các đứa con khác cha của chị, chị cũng không hiểu được chúng, không biết chúng có thực sự hoà hợp được với nhau không, dù bề ngoài chúng vẫn tử tế với nhau.”
Với một đề tài vừa phong phú vừa phức tạp như thời chúa Nguyễn Hoàng mở cõi, với hơn 400 trăm trang sách, tác giả thật khó làm thoả mãn bạn đọc. Thiết nghĩ, nếu như nhà văn đừng quá thận trọng theo sát bước chân cùng các sự kiện của đoàn quân mở cõi, mà dành nhiều trang hơn cho đời sống tâm lí nhân vật Nguyễn Hoàng trước những giằng xé của một con người khi phải hi sinh tình riêng, phải đối chọi với kẻ tham quyền như Trịnh Kiểm…, hay nói cách khác là nếu như tác giả mạnh dạn tưởng tượng, để sáng tạo nên một thế giới nghệ thuật cho nhân vật tiểu thuyết Nguyễn Hoàng tung hoành… thì có thể tác phẩm sẽ có nhiều trang hay như trong phần thứ 5 của tác phẩm (đoạn viết về thị nữ Ngọc Lâm, vì để cứu Nguyễn Hoàng trước một trận chiến không cân sức, đã phải “vào hang cọp” đem thân mình hiến cho Lập Bạo, một tướng quân được nhà Mạc phái vào Ái Tử đánh dẹp Nguyễn Hoàng) và như thế tiểu thuyết chắc hẳn sẽ có sức cuốn hút hơn nữa.
Sự nghiệp văn chương của Thái Bá Lợi chủ yếu là truyện ngắn và tiểu thuyết, nhưng để hiểu sâu hơn con đường đưa người con làng Thơi thành nhà văn tên tuổi, độc giả có thể thỏa mãn khi đọc phần “Bút kí” (trong tập 1 của bộ tuyển tập) với hơn 200 trang. Có thể xem đây gần như là tự truyện của tác giả, cung cấp cho bạn đọc rất nhiều tư liệu sinh động, chân thực về nhiều nhân vật tên tuổi. Chẳng hạn, với nhà văn Nguyễn Minh Châu, người hàng xóm gần gũi, Thái Bá Lợi biết rõ thân phụ “anh Châu” bị đấu tố trong Cải cách, mặc dù cụ từng “khao” cả tiểu đoàn trước khi ra mặt trận Điện Biên Phủ; nhờ có 5 người con đi bộ đội, cụ được giảm án từ tử hình xuống chung thân, nhưng rồi cụ bị mất trong tù… Nhắc lại chuyện đã qua để phản tỉnh, để mừng lịch sử đã sang trang, để càng quý trọng tác giả Dấu chân người lính biết nén nỗi đau riêng vì sự nghiệp chung… Trong những trang bút kí của Thái Bá Lợi, bạn đọc còn được gặp gỡ rất nhiều nhân vật độc đáo khác, đặc biệt là hai nhà văn - chiến sĩ Nguyên Ngọc và Nguyễn Chí Trung. “Nếu không có nhà văn Nguyên Ngọc, cuộc đời tôi có thể rẽ sang một hướng khác, có thể không phải là người viết văn như bây giờ”, Thái Bá Lợi đã viết như thế, do năm 1971, từ một đại đội quân y bám trụ trong khu rừng già huyện Đại Lộc (Quảng Nam) để tránh những đợt càn quét khốc liệt của đối phương, anh bất ngờ được mời lên Bộ Tư lệnh Quân khu để sung vào Ban Văn học theo đề nghị của nhà văn Nguyên Ngọc. Đây chính là nơi hội tụ một loạt văn nghệ sĩ - chiến sĩ nổi tiếng như Phan Tứ, Phan Huỳnh Điểu, Vương Linh, Lưu Trùng Dương, Chu Cẩm Phong, Bùi Minh Quốc, Trần Văn Thủy, Dương Thị Xuân Quý, Cao Duy Thảo, Thanh Quế, Ngô Thế Oanh, Nguyễn Khắc Phục, Phương Thảo…
Còn rất nhiều tư liệu thông tin trong hơn 200 trang bút kí của Thái Bá Lợi tuyển tập bổ sung cho “chính sử” và giúp bạn đọc hiểu sâu hơn cội nguồn cũng như quá trình sinh thành những tác phẩm làm nên gương mặt nhà văn Thái Bá Lợi hôm nay. Đó cũng là con đường lớn của hầu hết các nhà văn - chiến sĩ ở Việt Nam, trong đó người con ra đi từ làng Thơi đã tạo nên dấu ấn riêng được công chúng cả nước ghi nhận.
N.K.P
(VNQĐ)