Lưu Quang Vũ với quê hương Đà Nẵng - Bùi Văn Tiếng

12.09.2018

Nói Lưu Quang Vũ là người con của quê hương Đà Nẵng không chỉ vì nguyên quán anh ở Đà Nẵng mà còn vì những ấn tượng về Đà Nẵng đã sớm tác động đến tuổi thơ anh. Nhà thơ/nhà viết kịch Lưu Quang Thuận cha anh là người Đà Nẵng xa quê và chính trong không gian Hà Nội nghìn trùng xa cách ấy, ông từng kể cho các con nghe về nơi mình sinh ra và lớn lên. Phó Giáo sư Lưu Khánh Thơ em gái anh nhớ lại “suốt những năm dài đất nước chia cắt, không có dịp về thăm quê nội, nhưng chúng tôi vẫn ‘nhìn thấy’ nó thật rõ rệt qua lời kể của ông; sông Hàn, bãi biển Mỹ Khê, chợ Cồn, Cổ viện Chàm, Non Nước Ngũ Hành Sơn... những địa danh ấy đã trở nên quen thuộc trong ký ức tuổi thơ của chúng tôi[1].

 Lưu Quang Vũ với quê hương Đà Nẵng - Bùi Văn Tiếng

Bản thân Lưu Quang Vũ trong nhật ký ghi ngày 14 tháng 12 năm 1964 cũng thể hiện tình cảm nồng cháy của mình đối với quê nội: “Trưa, nghe đài báo tin về Đà Nẵng: Nơi quê nội thân yêu ta chưa hề tới đang bị dày xéo vì giày đinh của quân thù, nơi ấy, đang có những thằng giặc Mỹ![1] Ôi, Đà Nẵng. Tuy ta chưa về Đà Nẵng, nhưng gió biển, nắng biển, trời xanh Đà Nẵng đã ở trong tâm hồn ta, qua người bố Đà Nẵng của ta. Quê hương ơi! Bao giờ ta gặp nhau? Ngày ấy không xa nữa. Lòng ta bỗng lớn lên, cao lên, vì nỗi căm giận này”.[2] Trong nhật ký ghi ngày mồng 1 tháng 1 năm 1965, Lưu Quang Vũ lại tiếp tục nhắc tới câu hỏi Bao giờ ta gặp nhau ấy: “Nằm mà khó ngủ làm sao. Đà Nẵng quê hương thương yêu ơi! Bao giờ ta được về Đà Nẵng? Bao giờ ta được ngắm biển xanh và thành phố đỏ màu hoa phượng?[3]   

 

Nói là “ngày ấy không xa nữa” nhưng thực ra phải chờ đến hai mươi năm sau - năm 1984, lần đầu tiên Lưu Quang Vũ mới được về quê nội. Ngày ấy anh đặt chân lên mảnh đất quê hương không chỉ với tư cách là con trai nhà thơ/nhà viết kịch Lưu Quang Thuận, là cháu gọi nhà thơ Lưu Trùng Dương bằng chú… mà còn với tư cách một nhà thơ đã thành danh. Cuối năm 1968, anh cùng Bằng Việt in chung tập thơ Hương cây-Bếp lửa, trong đó phần Hương cây của Lưu Quang Vũ có hai mươi bài. Đương nhiên thi tài của Lưu Quang Vũ không dừng lại ở Hương cây nhưng Hương cây là một dấu mốc đáng nhớ trong đời thơ Lưu Quang Vũ.

 

Một người cùng thời với anh là nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn nhớ lại: “Không thể tưởng tượng nổi là một tập thơ lúc ấy lại gây chấn động đến như thế nào. Bọn tôi, một số anh em mới viết, muốn ướm thử đời mình vào nghề văn, chúng tôi nghĩ rằng một tập sách, nó là cái danh thiếp tốt nhất, để người ta tự giới thiệu với chung quanh, để khẳng định mình, để có bạn. Với việc có một tập sách, chính là Vũ, cùng với Bằng Việt - trong Hương cây-Bếp lửa; cùng với Đỗ Chu - trong tập truyện ngắn Phù sa, - là những bạn đầu tiên trong chúng tôi thành người. Thành nhà văn nhà thơ. Thành tác giả. Thành tất cả những gì mà chúng tôi hằng ao ước. Làm sao mà không cảm động cho được![4].

 

 Đặt chân lên mảnh đất quê hương, Lưu Quang Vũ cũng đã thành danh trên lĩnh vực sân khấu. Anh bước vào làng viết kịch chuyên nghiệp từ năm 1979, bắt đầu bằng việc viết vở Sống mãi tuổi 17 trên cơ sở làm mới kịch bản Ông nhỏ của Vũ Duy Kỳ vốn “nhiều tư liệu nhưng không có nghệ thuật và tính kịch” như đánh giá của Đạo diễn Phạm Thị Thành. Trong Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1980, vở kịch đầu tay Sống mãi tuổi 17 của Lưu Quang Vũ được tặng Huy chương vàng, và từ thành công ban đầu ấy, Lưu Quang Vũ viết tiếp một số vở kịch được khán giả nồng nhiệt chào đón như Mùa hạ cuối cùng, T15 đi về đâu, Cô gái đội mũ nồi xám... Và năm 1984 về với quê nội cũng là năm Lưu Quang Vũ đang chuẩn bị cho sự bùng nổ tài năng viết kịch của mình tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1985, sân chơi nghệ thuật mà một mình anh có tới 8 vở kịch dự thi và lập kỷ lục khi giành được 6 huy chương vàng cùng 2 huy chương bạc.

 

Chính trong nguồn lực sáng tạo mạnh mẽ ấy, anh đã viết vở kịch dành tặng quê hương: Chuyện tình bên dòng sông Thu và đây cũng là một trong 6 vở kịch Lưu Quang Vũ đoạt huy chương vàng trong Hội diễn năm 1985. Câu chuyện tình yêu ở đất Quảng thời chống Mỹ xoay quanh nhân vật Phương - một chiến sĩ cách mạng bị rơi vào cạm bẫy ly gián của địch để rồi khi vượt vòng vây của kẻ thù trở về đội ngũ, người lính trẻ lại chịu sự phỉ báng của Nhân dân, của đồng đội và của cả Vân - người yêu của anh. Đau khổ tột cùng, anh định gieo mình xuống dòng sông Thu nhưng dòng sông quê hương đã vỗ về an ủi anh. Tại nhà Má Công  - người mẹ nuôi giấu cán bộ, Phương gặp thủ trưởng Kiệm và một kế hoạch được vạch ra: anh quay lại với địch để làm tay trong cho cách mạng, và sau đó hy sinh. Chiến tranh qua đi, thủ trưởng Kiệm - người trước đây cử anh làm nhiệm vụ tình báo cũng hy sinh, do vậy trong mắt nhiều người Phương vẫn là kẻ phản bội. Để đi tìm sự thật, Vân cùng Nguyệt - con gái của hai người - về quê tìm lại những người năm xưa…

 

Chuyện tình bên dòng sông Thu được nhạc sĩ Hoàng Lê chuyển thể ca kịch, nhưng chủ yếu là đồng sáng tạo qua phần lời ca theo nhiều làn điệu dân ca Nam Trung Bộ được tích hợp vào kịch bản gốc; phần lời thoại của chính tác giả kịch bản được giữ nguyên làm cho vở kịch vẫn đậm chất Lưu Quang Vũ[5]. Chẳng hạn như đoạn đối thoại sau đây giữa hai nhân vật Hải và Tiến. Nghe nói nhân vật Phương bị giam một mình trong chi khu của quân đội Sài Gòn, Hải hỏi lại: Ở trong chi khu à? [6]Và khi Tiến bày tỏ cái nhìn đầy định kiến thậm chí ác ý với Phương: Phải, ở trong chi khu! Một mình Phương ở trong chi khu với địch, liệu anh ta làm gì ở đó và người của ta có ai chứng kiến việc làm của Phương? Chỉ một mình, thật là khó tin; Hải đã đáp lời bằng một giọng điệu rất Lưu Quang Vũ: Chỉ một mình, không ai xác minh, không tin được. Phải, lâu nay chúng ta chỉ tin anh ta khi anh ta đứng giữa đông người, cùng với đông người, có đông người làm chứng. Chúng ta không tin con người khi anh ta chỉ đứng có một mình. Anh Tiến! Vậy mà trong chiến đấu, trong cuộc đời đã có rất nhiều khi con người ta phải một mình đối diện với chính mình, chỉ có một mình mình biết cho mình, vậy chúng ta có nên tin không?

 

Hay chẳng hạn như đoạn đối thoại sau đây giữa hai nhân vật Hải và Má Công. Hải: Bà là ai? Má Công: Tôi là Lâm Thị Công, bà lão già ở xóm ven sông. Có cô gái nhờ tôi lên gặp ông chủ tịch để nói về việc thằng Phương. Vậy ông chủ tịch là ông nào? Hải: Con… con đây má à! Nghe vậy Má Công liền trách ông chủ tịch huyện bằng một giọng điệu cũng rất Lưu Quang Vũ: Thời buổi này, gặp ông chủ tịch sao mà khó quá. Chứ ngày xưa, giữa đêm mưa gió các ông về gõ nhẹ cửa đã có mụ Công này ra mở. Còn khi giặc ráp, giặc lùng thì mụ Công này lại lái đò đưa cán bộ qua sông. Hải: Má! Chúng con thật có lỗi với má, nhưng… đã có nhiều lần con cho anh em đi tìm mà chưa gặp má đó thôi. Má Công: Chưa gặp rồi thì sao? Vậy các anh ít quan tâm với quá khứ đấy!

 

Hoặc chẳng hạn như đoạn đối thoại sau đây giữa hai nhân vật Hải và Tiến ở cuối vở kịch, khi Phương đã được minh oan. Hải: Chúng ta đang sống trên mảnh đất như thế này. Hôm nay được làm nên bằng biết bao hy sinh thầm lặng của hôm qua. Chúng ta không được quên. Không được quyền quên. Tiến: Cháu Vân! Xin cháu hãy hiểu cho chú. Vì lúc đó địch có trăm mưu ngàn kế. Hải: Địch có trăm mưu ngàn kế, nhưng chúng không có cái điều mà ta có, đó là lòng tin, tin ở đồng đội, tin vào sức mạnh của những con người. Nếu thiếu vắng niềm tin ấy thì dù có trong tay tất cả cũng trở thành không có gì hết.

 

Hơn ba mươi năm kể từ ngày Lưu Quang Vũ viết Chuyện tình bên dòng sông Thu nhưng những lời thoại đầy day dứt của anh vẫn còn nóng bỏng tính thời sự, vẫn còn lay động lòng người. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều khán giả - trong đó có người viết tham luận này - đã rưng rưng nước mắt ở Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh chiều ngày 30 tháng 10 năm 2014,  khi Hội Nghệ sĩ Sân khấu thành phố Đà Nẵng một lần nữa cho công diễn Chuyện tình bên dòng sông Thu. Thông điệp mà khán giả Đà Nẵng cảm nhận được từ Chuyện tình bên dòng sông Thu của Lưu Quang Vũ chiều hôm ấy vẫn giống hệt, vẫn vẹn nguyên như ba mươi năm trước: Chiến tranh không chỉ để lại những thương tật và những xác người, mà còn để lại những hoài nghi và những oan khuất thời hậu chiến.

Xin nói thêm là tư duy nghệ thuật của Lưu Quang Vũ dường như rất nhạy cảm với những oan khuất của người đời. Năm 1988, sau khi đọc các bài báo Phiên tòa ngày maiNgười vô danh của tác giả Hồ Hồng Tuyến đăng trên báo Tiền Phong, xúc động trước nỗi oan khuất của nguyên mẫu Nguyễn Sĩ Lý giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên do bị kết án oan mà phải ngồi tù đến 17 năm, Lưu Quang Vũ đã viết vở kịch Trái tim trong trắng - còn có nhan đề Hai ngàn ngày oan trái và khi Đạo diễn Phạm Thị Thành dựng vở cho Đoàn Cải lương sông Hàn ở quê hương Lưu Quang Vũ, vở diễn được mang tên Vụ án hai ngàn ngày. Trong vở kịch này, Lưu Quang Vũ cũng nhấn mạnh đến vấn đề lòng tin vào con người qua đoạn đối thoại cực kỳ ám ảnh giữa Phương người yêu của Luân nhân vật chính: Anh ấy không giết người, tôi tin như thế - với ông thẩm phán: Lòng tin có ích gì? Lòng tin không phải là bằng cớ trước tòa, không có giá trị gì hết…[7] Trong Chuyện tình bên dòng sông Thu, nhân vật Phương nhiều năm chịu oan khuất vì cô độc không có ai tin mình; còn trong Trái tim trong trắng, nhân vật Luân không cô độc bởi có người tin mình, nhưng vẫn chịu oan khuất hàng chục năm trời, vì lòng tin không phải là bằng cớ trước tòa, không có giá trị gì hết. Rất đúng mà rất đau!

Gần một tháng sau khi xem lại Chuyện tình bên dòng sông Thu - đêm 28 và đêm 29 tháng 11 năm 2014, khán giả Đà Nẵng tiếp tục chìm đắm trong thế giới nghệ thuật của Lưu Quang Vũ khi xem lại vở Bệnh sĩ - được xem là tác phẩm sân khấu cuối cùng của anh - do các nghệ sĩ Nhà hát kịch Việt Nam biểu diễn tại Nhà hát Trưng Vương và tại một vài sàn diễn khác. Nói xem lại là bởi ba mươi năm trước, sân khấu Đà Nẵng từng là sân khấu Lưu Quang Vũ đông nghịt người xem với những vở kịch để đời như Bệnh sĩ, Tôi và chúng ta, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lời thề thứ chín, Khoảnh khắc và vô tận, Vụ án hai ngàn ngày

 

Khán giả Đà Nẵng chào đón kịch Lưu Quang Vũ không chỉ bởi đó là những vở kịch hay, chạm tới nhiều vấn đề bức bối của xã hội, đậm chất nhân văn và thấm đẫm nhân tình, mà còn bởi đó là những vở kịch của một người Đà Nẵng. Kịch Lưu Quang Vũ cùng thơ Lưu Quang Vũ đã chạm đến trái tim người Đà Nẵng, và hơn thế nữa, với tài năng nghệ thuật xuất chúng cộng thêm “khí tiết cứng cỏi bạo nói” của dân Quảng[8], Lưu Quang Vũ luôn ở trong trái tim người Đà Nẵng. Không phải ngẫu nhiên mà năm 1989 nhân giỗ đầu của vợ chồng/bố con Lưu Quang Vũ, Nhà xuất bản Đà Nẵng đã kịp cho ra mắt bạn đọc cuốn sách Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh gửi lại. Cũng không phải ngẫu nhiên mà năm 2002 - chỉ bốn năm sau ngày Lưu Quang Vũ đột ngột ra đi vào cõi vô cùng, người Đà Nẵng đã sớm đặt tên đường Lưu Quang Vũ. Để vinh danh anh, để tưởng nhớ anh và cũng để anh càng gần hơn với quê hương Đà Nẵng…   

 

B.V.T

 

 

Tài liệu tham khảo chính:

1. Kịch bản Chuyện tình bên dòng sông Thu của Lưu Quang Vũ (chuyển thể ca kịch: Nhạc sĩ Hoàng Lê), bản lưu trữ của Hội Nghệ sĩ Sân khấu thành phố Đà Nẵng;

2. Lưu Khánh Thơ (tuyển soạn): Di cảo Lưu Quang Vũ, Nhà xuất bản Trẻ, 2018.

 

 

Chú thích:

[1]
Từ trước ngày 8-3-1965 là thời điểm Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng để trực tiếp tham chiến ở Việt Nam, ở thành phố này đã có nhiều lính Mỹ sống và làm việc dưới danh nghĩa cố vấn quân sự. Vụ bạo động tại Thanh Bồ - Đức Lợi ngày 25-8-1964 (trên đường Cường Để trước đây/đường Đống Đa ngày nay) từng có sự xuất hiện và tham gia của một số cố vấn Mỹ.

[2] Lưu Khánh Thơ (tuyển soạn): Di cảo Lưu Quang Vũ, Nhà xuất bản Trẻ, 2018, tr. 111, 112

[3] Sách đã dẫn, tr.129

[4] Vương Trí Nhàn: Lưu Quang Vũ và một mảng đời, một mảng thơ thường bị quên lãng, Trang tin điện tử phebinhvanhoc.com.vn, ngày 13-6-2012

[5] Vở kịch Chuyện tình bên dòng sông Thu được xem là do Lưu Quang Vũ viết chung với Nhà viết kịch Hồ Hải Học, nhưng thực ra Nhà viết kịch Hồ Hải Học chỉ đứng tên trên danh nghĩa.

[6] Các lời thoại trong Chuyện tình bên dòng sông Thu được tác giả tham luận này trích nguyên văn từ kịch bản do Hội Nghệ sĩ Sân khấu thành phố Đà Nẵng cung cấp.

[7] Dẫn theo Nguyễn Thị Thanh Vân: Trái tim trong trắng - Từ một vụ án đến kịch Lưu Quang Vũ, Trang tin điện tử của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, 7-12-2013

[8] Theo đánh giá của Quốc sử quán triều Nguyễn trong Đại Nam Nhất thống chí.