Đổi mới tư duy tiểu thuyết
Nhằm có cái nhìn toàn cảnh qua 5 cuộc thi tiểu thuyết (từ 1998 đến nay), ngày 28/2, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Đổi mới tư duy tiểu thuyết”. Tại Hội thảo, các nhà văn đã cùng bàn luận về nhiều vấn đề của của tiểu thuyết vốn được coi là một thể loại nòng cốt của văn học.
Thay đổi quan điểm
Qua 5 cuộc thi tiểu thuyết (từ 1998 đến nay) đã có gần 1.000 tiểu thuyết được in ra hoặc còn trong dạng bản thảo. Đó là một con số biết nói. Nhưng vì sao gần 20 năm đầu thế kỷ XXI, tiểu thuyết tuy tăng trưởng về số lượng nhưng chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu chính đáng của công chúng nghệ thuật, thậm chí chính nhà tiểu thuyết cũng kêu lên “có rừng mà không thấy cây to”?
Theo nhà văn Nguyễn Bích Thu, tiểu thuyết đương đại Việt Nam đang có nhiều ngã rẽ. Với những tiểu thuyết viết theo hướng hiện đại, hậu hiện đại đã cho thấy hiện thực là phong phú, đa tầng... Tiểu thuyết viết theo xu hướng này có thể còn xa lạ, làm “mệt” hoặc thậm chí đánh đố người đọc nhưng nó mở ra một lối viết mới, một cách cảm thụ và tiếp nhận mới, kích thích liên tưởng và đồng sáng tạo.
Còn nhà văn Bùi Việt Sỹ lại nhìn nhận một số tiểu thuyết của một số nhà văn vốn có ngoại ngữ thường hay khoe các phương pháp sáng tác tân kỳ của phương Tây trong các tác phẩm của mình. Tôi không dám chê bai nhưng quả thật cảm thấy rất khó đọc. Rõ ràng vấn đề tiếp biến văn hóa đối với nhà văn rất quan trọng. Thiếu bản lĩnh văn hóa và nghệ thuật nhà văn sẽ dễ bị tâm lý “a dua”, đưa đẩy đến những bến bờ xa lạ với chính mình và công chúng nghệ thuật. Hậu hiện đại bản thân nó chỉ tốt tươi ở trên mảnh đất sinh ra nó, không phải ở Việt Nam. Nhưng đáng tiếc là, nhiều nhà văn chưa thấu triệt rằng văn chương, tiểu thuyết của ta chưa đi hết con đường hiện đại thì làm sao đặt chân lên hậu hiện đại được.
Trước những nhìn nhận của các nhà văn, nhà văn Trần Thanh Cảnh cho rằng với vấn đề đổi mới cách viết tiểu thuyết nói chung, nhà văn cần phải tạo ra một giọng điệu đủ để hấp dẫn độc giả, khiến cho họ muốn dõi theo dòng câu chuyện. Giọng văn hấp dẫn. Đó là điều tiên quyết. Thứ hai, về kết cấu cần phải hiện đại, nhưng vẫn phải mạch lạc sáng rõ, không đánh đố bạn đọc.
Kết cấu kiểu nhiều câu chuyện vừa hợp thành một câu chuyện lớn - cả cuốn sách, là một xu thế mà tôi thấy rất nhiều tiểu thuyết gia trên thế giới đã áp dụng thành công. Bạn đọc có thể xem trước một vài phần trong đó và rồi đọc dần cả quyển sau, cũng vẫn không bị ngắt mạch cảm xúc. Và thứ ba, theo tôi là chúng ta cần phải chọn chi tiết, dồn nén sự kiện tinh gọn, đủ đậm, đặc sắc để cho bật được hình tượng nhân vật trung tâm của cuốn sách nhưng vẫn đủ độ... ngắn cần thiết để cho độc giả khỏi hoang mang khi nhìn thấy cuốn sách to, dày, nặng nề theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng!
Sáng tạo tiểu thuyết lịch sử
Cũng tại Hội thảo, rất nhiều cũng nhà văn quan tâm đến đề tài lịch sử và những vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới tư duy tiểu thuyết. Với nhà văn Nguyễn Thế Quang, đổi mới là một nhu cầu tất yếu của cuộc sống, cũng là yêu cầu khẩn thiết của hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Tiểu thuyết lịch sử là một bộ phận ngày càng có nhiều thành tựu, ngày càng có nhiều độc giả thì nhu cầu đổi mới ngày càng có những đòi hỏi cao hơn. Viết tiểu thuyết lịch sử là khám phá về một thời đã qua, đã xa. Lịch sử có một, nhưng mỗi thời, mỗi người có một lượng thông tin khác nhau, có khi trái ngược nhau. Viết tiểu thuyết lịch sử, không chỉ quay lại tìm vẻ đẹp của người xưa mà cái chính là để đối thoại với hiện tại, chia sẻ cùng bạn đọc, hướng tới cái tiến bộ.
Nhà văn Lê Hoài Nam nhấn mạnh: “Đề tài lịch sử Việt Nam, do những đặc thù riêng mà nhiều vấn đề hãy còn khuất lấp, cũng đang rất cần sự khám phá . Viết về lịch sử, vấn đề thường trực được đặt ra với nhà văn là giải quyết tốt quan hệ giữa sự thật và hư cấu”.
Nhà văn Nguyễn Thế Quang từ kinh nghiệm của mình đặt vấn đề tỷ lệ giữa sự thật và hư cấu nên như thế nào? “Với chúng tôi đơn giản hơn nhiều. Từ mục đích tác phẩm, chúng tôi chọn sự thật nhiều hay ít. Viết để giải trí, để giễu nhại thì hư cấu, phóng đại phải nhiều hơn. Viết để người đọc tin thì yếu tố thực phải nhiều hơn. Chúng tôi không tính tỷ lệ, chỉ biết lựa chọn viết cái gì để đạt được ý tưởng của mình” - nhà văn Nguyễn Thế Quang lý giải.
Cùng với đó, theo nhà văn Trần Thanh Cảnh cho rằng trong xã hội hiện đại, chỗ đứng cho tiểu thuyết đã và đang bị thu hẹp dần bởi các phương tiện thông tin giải trí khác. Giờ đây sự ra đời và tồn tại được của các bộ trường thiên tiểu thuyết hàng ngàn trang thật là khó khăn. Ở đó, nhà văn Trần Thanh Cảnh cho rằng cần phải đối diện với thực tế gay gắt này để tự điều chỉnh mình sao cho phù hợp với thời đại. Nhà văn cần phải đổi mới cách viết, cách tiếp cận công chúng để làm sao cho tác phẩm của mình chiếm được một chỗ trong lòng độc giả. Đối với nhà văn Việt Nam chúng ta, tôi thấy khá nhiều người hình như bị đóng khung trong một cái mệnh đề về tiểu thuyết đó là, tiểu thuyết nghĩa là tự sự. Cho nên dẫn đến có khá nhiều cuốn tiểu thuyết tự sự dài dòng lê thê âm u ám muội, đọc như tra tấn bạn đọc!
Tôi thiết nghĩ chúng ta cần phải nhận thức lại về tiểu thuyết và cả vai trò của nhà văn. Mà thật ra, cũng không phải là nhận thức lại, chỉ là nhận thức cho đúng, đừng huyễn hoặc cái vai trò của mình. Nhà văn muôn đời vẫn chỉ là người kể chuyện mua vui cho độc giả. Vậy hãy kể một câu chuyện sao cho hấp dẫn, để hầu mong bạn đọc của mình được giải trí, mua vui một vài trống canh.
“Vậy nên với tiểu thuyết lịch sử tôi thiết nghĩ chúng ta nên mở rộng cái biên độ hư cấu, miễn làm sao đừng có phủ nhận sạch trơn các giá trị của dân tộc là được. Đây chính là “cái đinh” bởi điều này nó còn liên quan đến vận mệnh của dân tộc ta, đất nước ta”- nhà văn Trần Thanh Cảnh cho hay.
Hoàng Minh
(daidoanket.vn)