Khúc biến tấu của giấc mơ

11.11.2015

Khúc biến tấu của giấc mơ

Người thích "chơi" thơ

 

                                                      Thanh Quế


Tôi quen biết Nguyễn Văn Tám từ ngày chúng tôi còn là học sinh phổ thổng ở trường học sinh miền Namsố 24, Hà Đông với biệt danh là Tám “sol”.Ngày ấy anh đã là một người nổi tiếng đa tài từ bóng đá, bóng chuyền, đến làm thơ, vẽ tranh, viết nhạc, đàn hát…Đến khi lên Đại học, Nguyễn Văn Tám vào trường Đại học Giao thông là kỹ sư Cầu-Hầm và làm cán bộ giảng dạy của trường. Nhưng cái nghiệp Văn nghệ thể thao vẫn đeo đuổi anh suốt đời. Nguyễn Văn Tám vẫn làm thơ và sôi nổi nhất là từ khi anh vào chiến trường đầu thập niên 1970 của thế kỹ trước.  Sau này anh đã in tập trường ca Lửa xanh, hai tập thơ Bài hát của người lớnHương cỏ. Qua nhiều năm tháng và tuổi tác tôi không còn nhớ được nhưng bài thơ “Ký ức dòng sông Đáy” anh viết lại những kỷ niệm thời học sinh miềnNam thì không sao quên được, nó mãi còn thổn thức trong lòng mỗi chúng tôi. Nguyễn Văn Tám mang đến cho chúng tôi nhiều cảm xúc bởi tâm hồn anh là một tâm hồn giàu cảm xúc, tâm hồn của một nghệ sĩ đích thực.

Tập thơ Khúc biến tấu của giấc mơ cũng là tập thơ giàu cảm xúc: Cảm xúc về đất nước, quê hương, về những con người mà anh từng gặp, từng sống chung trong chiến tranh cũng như hiện tại. cảm xúc của anh được chắt lọc qua ký ức, qua sự mất mát, đau khổ, chia ly của Đất và Người. Cái “Làng tôi” của anh là cái làng trong ký ức tuổi thơ  “Cứ lẻo đẻo theo tôi đến cuối đất cùng trời”. Quê mẹ Quảng Ngãi là nơi “ Làng xóm giờ điêu tàn / Mẹ tôi không còn nữa / Bạn bè cùng trang lứa / Mỗi đứa dạt mỗi phương”, để “Ngày về”  “Ngập tràn trong nước mắt”. Vùng đất Quảng Đà là chiến trường gian khổ, ác liệt cũng vậy. Buổi chiều bên sông Vu Gia hoàng hôn cháy đỏ trên vuông đất giữa trời bạn anh nằm. “Hà Nội ngày về” chính là ngày chia ly với “Người đã bỏ ta đi xa lắm rồi”. Những con người anh gặp cũng vậy: Đó là cô gái giữ kho sống cô đơn giữa rừng sâu, là những cô gái thanh niên xung phong can trường một thời, giờ đang sống trong cảnh lỡ lứa, thui thủi một mình, là người đồng đội bị nhiễm chất độc Đi-ô-xin đang sống dở chết dở, là người lính đảo sống giữa đảo xa và trên hết là hình ảnh của Bác, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi để lại cho toàn dân tộc bao mất mát, tiếc thương…

Chính viết về kỷ niệm, về xa cách, đau thương, mất mát, chia ly nên thơ anh mang mang buồn sâu lắng, có gì đó làm cho ta thổn thức thương nhớ khôn nguôi. Và ta càng thương yêu thân phận con người,  yêu quê hương đất nước qua cái giọng thơ man mác buồn của anh. Cũng chính vì mang sẵn nỗi yêu thương chất chứa trong lòng nên anh càng xa xót, hờn giận trước những thói ham tiền, ham quyền, ham chức “ Cơ quan tôi”, thói ganh tị mạnh được yếu thua “Chuyện trong rừng”, thói bằng mặt không bằng lòng nhức nhối “Không đề”… của con người, nhất là những con người thân quen với giọng thơ đùa đùa tưng tửng nhưng bên trong đọng lại hương vị chua xót.

Nguyễn Văn Tám tự nhủ mình: “Thơ đến với tôi như cuộc chơi”, nhưng thơ anh lại rất chuyên nghiệp, đầy nghiêm túc, đầy trách nhiệm công dân, đầy tính nghệ sĩ…vì anh mang sẵn trong tâm hồn mình một tâm hồn thi sĩ. Tập thơ chứa đựng nhiều đề tài từ đất nước, quê hương, chiến tranh, tình đồng đội, tình bạn, tình yêu, tình cảm gia đình với cha mẹ, vợ con, cháu…đến vấn đề thời cuộc. Những bài thơ được trải dài hơn 40 năm với giọng thơ đầy xúc động, đầy trải nghiệm chen với giọng đùa tưng tửng buồn buồn khi nhìn những nhân tình thái thế. Nhiều bài thơ hay và xúc động như: “Thơ và tôi”, “Làng tôi”, “Làng Lòi”, “Về quê”, “Với Người”, “Bên dòng sông Kiến Giang”, “Chiều Vu Gia”…được nối tiếp với bài “Ký ức dòng sông Đáy” trước đây của anh tạo nên chân dung Nguyễn Văn Tám – một người tự nhận mình là kẻ thích “chơi” thơ lại là nhà thơ chuyên nghiệp!.

 

Đà Nẵng, tháng 8 năm 2015

T.Q