Lăng Ông Tân Trà - Huỳnh Thạch Hà
Lăng Ông Tân Trà tọa lạc trong một khuôn viên rộng khoảng chừng 500 m2 bên bờ biển thuộc tổ 50, làng Tân Trà, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Nguyên đây là ngôi miếu thờ cá Ông/cá Voi, được người dân trong làng gọi một cách tôn kính là lăng Ông. Mỗi khi có cá Ông lụy (chết) thì ngư dân tổ chức lễ tang cá Ông rồi thỉnh Ông về thờ trong lăng.
1. Lăng Ông Tân Trà
Theo hồi cố của những bậc cao niên trong làng thì lăng Ông Tân Trà được xây dựng cách đây gần ba trăm năm, từ khi những bậc tiền hiền trong làng đến nơi này khai hoang lập nghiệp, sống bằng nghề đánh bắt thủy hải sản trên những khúc sông vắng hay trên biển thì đã dựng nên lăng thờ này.
Lăng Ông nằm trong quần thể kiến trúc gồm ba di tích: lăng Ông, miếu xóm và lăng Âm linh. Nhưng trải qua nhiều năm tháng, thiên tai, chiến tranh tàn phá1, cộng với quá trình đô thị hóa nên người dân địa phương phải di dời đến khu tái định cư mới, vì thế quần thể lăng Ông Tân Trà cũng bị hư hại nhiều. Trong quần thể kiến trúc này, chỉ còn lại lăng Ông tương đối nguyên vẹn, mang dấu ấn cổ xưa, còn miếu xóm và lăng Âm linh thờ những người chết trôi dạt trên biển thì đã đổ nát chỉ còn những mảng tường trơ trọi. Năm 2012, miếu xóm và lăng Âm linh được xây mới lại. Đến tháng 5 (âm lịch) năm 2013, dân làng Tân Trà đã tiến hành trùng tu lại lăng Ông.
Trước lăng là bức bình phong hình cuốn thư được xây bằng gạch và xi-măng. Mặt trước của bình phong không trang trí, mặt sau có bàn thờ lộ thiên và được trang trí các đồ án như: lưỡng long tranh châu, quả lựu, hình hoa lá. Các đồ án này được vẽ bằng sơn màu.
Lăng Ông được xây theo kiểu kiến trúc cổ, mái cuốn vòm có ba gian, mặt quay về hướng đông (quay ra biển). Bốn bức tường bao quanh lăng xây bằng gạch và xi-măng, mái lợp ngói âm dương, vẫn còn giữ được hệ thống kết cấu gỗ. Trên bờ nóc trang trí đồ án lưỡng long chầu nguyệt và tứ linh (long, ly, quy, phượng) tạo nên tính thâm nghiêm cổ kính của lăng.
Bên trong lăng được chia làm hai phần: gồm tiền đường và hậu tẩm. Phía trước tiền đường có vẽ một bức hoành phi bằng sơn màu trên tường, chính giữa có ghi hai chữ Hán: Anh linh; bên phải có lạc khoản ghi: Tuế thứ Giáp Dần niên (có lẽ bức hoành này được viết lại năm 1974?); bên trái ghi: Hòa Hải vạn bổn vạn đồng tu tạo: Các vạn ở Hòa Hải đồng tu tạo. Hai bên có hai câu đối chữ Hán nói về vị thế đất đai mà lăng tọa lạc: Bắc tiếp Hành Sơn hình lẫm lẫm. Nam nghinh Hòa Hải thế liên liên: Phía bắc giáp núi Hành Sơn. Phía nam cận Hòa Hải.
Ban thờ bên trái ghi chữ Dụ hậu, ban thờ bên phải ghi chữ Quang tiền. Hai chữ này lấy trong điển tích của sách xưa: “Quang ư tiền/ Dụ ư hậu”, nghĩa là: làm sáng rạng cho đời trước và rạng rỡ cho đời sau.
Trên các bệ thờ đều có trang trí hình chim phượng. Ban thờ ở giữa cao hơn hai gian thờ hai bên, bệ thờ trang trí đồ án “lý ngư hóa rồng” gợi nhớ đến truyền thuyết về cá chép vượt vũ môn vào ngày 8 tháng 4 âm lịch để hóa thành rồng, thể hiện ý nguyện của người dân về sự vinh hiển, thành công. Trên bệ thờ đặt một lư hương lớn và hai con hạc đứng chầu hai bên.
Trước gian hậu tẩm trang trí hai câu đối ca ngợi quyền năng siêu việt của cá Ông:Thân thống cửu châu kim phong vũ. Hình tri tứ hải ngọc long triều: Cá Ông làm mưa làm gió cả vùng Cửu Châu. Thông biết hết bốn biển, khi xuất hiện thì Long Vương cũng phải chầu).
Gian hậu tẩm là nơi dùng để cất giữ cốt cá Ông. Trước đây, các quách cá Ông xếp cao và chật gian thờ, về sau nhiều quách bị hư hỏng nên nay chỉ còn 13 chiếc. Trong đó có những chiếc xương đốt sống rất to.
Ngày xưa, mỗi lần cá Ông lụy trôi vào bờ biển Tân Trà, hễ dân trong làng ai là người trông thấy đầu tiên thì người đó sẽ làm trưởng nam, được bịt khăn tang, lo lễ táng cá Ông và người đó phải trai tịnh suốt trong 24 tháng. Ngày táng cá Ông, cả làng rước bạn chèo về làm lễ chôn cất, kể từ đó họ tin là đi biển sẽ được an toàn và luôn gặp nhiều may mắn khi đánh bắt cá. Sau khi cá Ông được chôn cất khoảng 3 năm thì người dân mới làm lễ mãn tang, hốt cốt Ông đưa vào lăng thờ.
2. Tín ngưỡng thờ cá Ông của người dân Tân Trà
Theo các nhà khoa học thì cá Ông/cá voi là một loài động vật có vú, sinh con, thở bằng phổi, thể trọng có thể đến 120 - 150 tấn, thích nghi với đời sống ở biển ôn đới cũng như hàn đới. Vì thở bằng phổi nên cứ từ 3 đến 5 phút, cá Ông phải ngoi lên mặt biển để thở, hấp thụ ôxy, đồng thời thường hay bơi theo thuyền đánh cá của ngư dân, nhất là khi có sóng to gió lớn cho đến tận gần bờ mới rời thuyền bơi ngược lại ra biển. Chính điều này có liên quan đến việc cá Ông cứu người hay ghe thuyền bị nạn giữa biển khi có gió to và bão. Ngư dân đánh cá biển nhận thấy cá Ông dù có thân hình to lớn, nhưng rất hiền lành và không làm hại người, ngược lại còn cứu mạng họ khi bị tai nạn đắm thuyền trên biển, nên được họ coi như một vị thần của biển cả và gọi theo sắc phong thần là Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân tôn thần. Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức chép: “Những khi thuyền bè gặp sóng gió nguy hiểm, thường thấy thần [cá Ông] dìu đỡ mạn thuyền bảo vệ người yên ổn. Hoặc thuyền bị chìm đắm, trong cơn sóng gió thần cũng đưa người vào bờ, sự cứu giúp ấy rất rõ. Chỉ nước Nam ta từ Linh Giang đến Hà Tiên mới có việc ấy và rất linh nghiệm, còn các biển khác thì không có”.2 Khi cá Ông sống, ngư dân gọi là Ông Sanh, khi cá Ông chết thì gọi là Ông Lụy. Khi còn sống, cá Ông là ân nhân cứu sống sinh mạng của họ những khi gặp giông tố trên biển, khi cá Ông lụy thì họ chịu tang như đối với người thân của mình.
Tục thờ cá Ông vốn là tín ngưỡng của người Chăm mà những lưu dân người Việt trên bước đường Nam tiến đã tiếp thu được trong quá trình giao lưu văn hóa. Trong thần thoại Chăm, cá Ông vốn là hóa thân của vị thần Cha-Aih-Va. Vì nôn nóng trở về xứ sở sau thời gian rèn luyện phép thuật, Cha-Aih-Va đã cãi lời thầy tự ý biến thành cá voi, ra sông lớn mà đi và sau đó bị trừng phạt. Cha-Aih-Va đổi tên và tự xưng là Po Riyah (thần Sóng Biển), cũng có lúc hóa thân thành thiên nga, trở thành ân nhân của những người bị đắm thuyền. Và trong dòng chảy của tín ngưỡng này, cùng tồn tại ở vùng Nam Đảo (châu Á), Nhật Bản những huyền thoại về các thần dạt vào từ biển. Đã có một truyền thuyết về con cá voi thần kỳ, chở đến cho người miền núi Nam Việt Nam một hài nhi cứu thế, giải phóng loài người khỏi bị đau khổ. Trong khi đó ở Campuchia lại không tìm thấy dấu vết gì về sự thờ cúng này.3
Dọc theo bờ biển vùng duyên hải miền Trung trở vào Nam, hầu hết các làng chài ven biển đều có lăng miếu thờ cá Ông với những nghi thức cúng tế hết sức trang trọng. Người dân xem cá Ông là con vật thiêng phù trợ cho họ trong đời sống hàng ngày với niềm xác tín mạnh mẽ. Trong tâm thức của họ, hình ảnh cá Ông độ mạng đã trở thành chỗ dựa tinh thần quý giá, là nơi gởi gắm niềm tin. Niềm tin này ban đầu là một nhu cầu giúp họ chịu đựng gian khổ, hiểm nguy trong công cuộc mưu sinh, dần dần dấu vết của niềm tin này hằn sâu vào tâm thức họ và trở thành tín ngưỡng dân gian.4
Các vua nhà Nguyễn đã phong tặng cá Ông là thần biển và cấp độ phong tặng qua các triều vua như sau: Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Chi Thần (triều Minh Mạng), Từ Chế Chương Linh Trợ Tín Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân chi thần (triều Thiệu Trị), Từ Tế Chương Linh Trợ Tín Trừng Trạm Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân chi thần (triều Tự Đức), Từ Tế Chương Linh Trợ Tín Trừng Trạm Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân chi thần (triều Đồng Khánh); Từ Tế Chương Linh Trợ Tín Trừng Trạm Dực Bảo Trung Hưng thượng đẳng thần (triều Duy Tân). Đồng thời, các vua nhà Nguyễn cũng quy định, làng nào bắt gặp cá Ông chết thì lý trưởng phải báo cáo lên cho phủ, huyện để cử quan đến khám định, cấp tiền tuất, hương đèn, vải và tổ chức khâm liệm, cấp đất xây lăng và ruộng hương hỏa để thờ cúng. Sau khi chôn cất cá Ông khoảng ba năm thì người ta làm lễ cải táng, xương cốt cá Ông được xếp vào các quách đặt trong lăng để thờ. Hàng năm, những nơi có lăng thờ cá Ông, người dân đều tổ chức lễ hội Cầu ngư.
Ở làng Tân Trà, những người dân làm nghề đánh cá trên biển còn lưu truyền rằng: Theo ông bà kể lại thì ngày xưa, làng biển này nghèo lắm, người đi biển thường dùng tre, nứa ghép thành mành để đánh bắt cá. Nhiều gia đình gượng sức lắm cũng chỉ làm được những chiếc ghe nhỏ để ra khơi. Vì vậy, vào mỗi mùa mưa bão, các tai nạn chìm thuyền, người rơi xuống biển do sóng to, gió lớn thường xuyên xảy ra, nếu ai may mắn sẽ được cá voi đội lên khỏi mặt nước rồi đẩy cả người và ghe vào bờ, vì thế sẽ được thoát nạn. Từ đó, người dân làng biển Tân Trà mang ơn loại cá này.
Nói về cá Ông, ông Phạm Văn Dương, một ngư dân ở làng Tân Trà kể rằng, vào năm nào đó mà bây giờ ông không còn nhớ chính xác, có một con cá Ông trôi vào bờ ở trước lăng, nhưng Ông vẫn còn sống chứ chưa lụy. Xung quanh Ông có một đàn cá khác nhỏ hơn đang dìu Ông vào, nhưng người dân trong làng thấy Ông còn sống nên nghĩ chẳng lẽ mai táng Ông bèn đẩy Ông ra lại biển. Nhưng khi đưa Ông ra thì đàn cá nhỏ đó lại đưa Ông quay vào bờ. Người dân Tân Trà cứ đẩy ra, đẩy vô như thế thì đến lần thứ ba đàn cá nhỏ lại đưa Ông đi nơi khác. Kể từ đó, người dân Tân Trà suốt ba năm liền làm nghề biển cứ thua lỗ mãi. Các cụ cao niên trong làng bèn đi xem bói về bảo rằng, Ông muốn yên nghỉ ở làng nhưng làng mình không chịu nên Ông phải đi nơi khác, do đó người dân làm ăn không được.
Trước năm 1975, thường cứ khoảng 5 đến 10 năm là có Ông lụy dạt vào vùng biển Tân Trà một lần. Từ đó đến nay, không thấy Ông lụy dạt vào nữa. Đặc biệt, vào những năm tháng chiến tranh, nơi đây chiến sự diễn ra rất ác liệt, lăng Ông đã từng là nơi trú ẩn an toàn của những người hoạt động cách mạng, ngay cả lính ngụy cũng sợ sự linh thiêng của vị thần trong lăng, thỉnh thoảng họ cũng thắp hương khấn vái.
3. Lễ hội Cầu ngư ở lăng Ông Tân Trà
Trước đây, hằng năm cứ vào ngày mồng 5 và 6 tháng 2 âm lịch, lễ hội Cầu ngư được người dân làng Tân Trà tổ chức tại lăng Ông để cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, cá tôm đầy thuyền.
Nghi thức của lễ Cầu ngư ở lăng Ông Tân Trà phần lớn cũng giống với lễ Cầu ngư ở các làng làm nghề biển khác tại Đà Nẵng như: Mân Thái, Thọ Quang, Thanh Khê, Nam Ô,... Ngày đầu người ta tổ chức thiết lễ tiên thường, ngày hôm sau là lễ tế chính thức. Lễ tiên được tổ chức vào buổi chiều ngày mồng 5, đoàn người đại diện cho nhân dân trong làng do ban nghi lễ trong trang phục áo dài, khăn đóng,… dẫn đầu đi quanh các đình, miếu trong làng làm lễ rước các vị thần, những người có công lập làng, cô bác âm linh, rồi đi dọc theo ven bờ biển để cúng và rước thần Hà Bá về lăng Ông cùng dự hội với con cháu trong làng. Ban nghi lễ này là các cụ cao niên, hiền đức, có uy tín với bạn chài và không bị mắc tang chế, trong đó người trưởng lễ phải là người có uy tín, đạo đức, lanh lẹ, siêng năng, cần cù, có sức khỏe và hợp tuổi để đứng lễ chính cáo bái với thần linh,… do người dân trong làng bầu chọn.
Lễ tế chính thức diễn ra vào sáng sớm ngày mồng 6 với sự tham gia của nhân dân Tân Trà và cư dân ở các vùng lân cận. Tuy nhiên, tham dự lễ cúng trong lăng chủ yếu là nam giới, còn phụ nữ không được phép vào lăng. Buổi lễ bắt đầu bằng tuyên bố của vị chủ tế, tiếp theo là bài văn kể lại quá trình hình thành vùng đất, ý nghĩa thiêng liêng của lễ cúng, cũng như thể hiện sự thành kính, ca ngợi công đức, dâng trọn niềm tin sâu sắc và lòng biết ơn đối với sự che chở, bảo vệ của Đức Ông,... Nghi thức cúng cũng theo trình tự Sơ - Á - Chung hiến lễ (3 tuần) như nghi thức cúng tại các đình. Lễ vật dâng cúng thần gồm: hương đèn, giấy tiền, hoa, rượu, bánh, chuối, xôi, chè, gạo muối, heo hoặc gà... không được dâng lễ vật làm từ hải sản.
Khi vị chánh tế kết thúc buổi lễ thì mọi người tập trung lại xem hát bả trạo. Đến chiều thì tổ chức đua thuyền, các đội đua thường là của các làng chài cạnh nhau như: Bến Tráng, Bến Tình, Xã Đay, Bến Làng (còn có tên là Trùm Lang). Người ta quan niệm rằng, đội nào giành được giải sẽ đem về may mắn cho làng mình năm đó. Trước đây lễ Cầu ngư ở lăng Ông được tổ chức rất lớn, các vạn chài Thanh Khê, Mân Thái, Thọ Quang cho đến Hà My, Bình Dương đều cử đại diện về dự lễ. Lễ Cầu ngư ở lăng Ông Tân Trà đã thể hiện lòng biết ơn của cư dân nơi đây đối với cá Ông và cầu mong Ông phù trì cho những ngày đi biển tiếp theo được thuận lợi.
Ngoài dịp lễ lớn như lễ Cầu ngư thì vào những ngày Tết, ngày sóc, ngày vọng, nhân dân trong làng đến thắp hương, bái lễ. Đặc biệt vào Tết Nguyên đán, dân làng tổ chức làm lễ dựng nêu tại lăng Ông (ngày 26 tháng 12 âm lịch và làm lễ hạ nêu vào ngày 6 tháng 1 âm lịch). Nhưng sau năm 1975 đến nay, do nhiều nguyên nhân, kể cả quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn như hiện nay, người dân làng Tân Trà phải di dời vào khu tái định cư mới (ở khối Đông Hải), vì thế nghề chài lưới chỉ tồn tại ở một số gia đình, họ cũng chỉ đánh bắt gần bờ nên việc tổ chức cúng lễ không làm lớn như trước mà chỉ tổ chức cúng ở lăng Ông trong một ngày là ngày 6 tháng 2 âm lịch. Lễ cúng cũng đơn giản hơn, gồm hương vàng, áo giấy, hoa quả và thịt heo, gà,... không còn nhộn nhịp như trước.
Qua đó phần nào cho thấy, tín ngưỡng thờ cá Ông của cộng đồng cư dân làng Tân Trà là một dạng thức tín ngưỡng thờ vật linh, phản ánh sự may rủi và bất trắc khi ngư dân lênh đênh đánh bắt trên biển. Nếu nhìn theo sự phát triển của hình thức đánh bắt thì tín ngưỡng thờ cá Ông ở đây ban đầu là hình thức tín ngưỡng của cư dân làm nghề chài lưới, đóng đáy ở cửa sông và ven bờ. Do vậy, họ mới có quan niệm cá Ông giữ nhiệm vụ trấn giữ các cửa sông để cứu người, đưa vào bờ để không bị trôi dạt ra khơi. Mặt khác, cũng thấy rằng, con người không chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào cá Ông mà còn cứu giúp cá Ông khi bị mắc cạn… Đó là mối quan hệ có qua có lại, mang tính hai chiều, phản ánh sự gắn bó, hài hòa giữa con người với tự nhiên, phản ánh triết lý nhân quả “cứu người thì người cứu ta” của ngư dân. Có thể nói, lăng Ông Tân Trà là một thiết chế tín ngưỡng dân gian, gắn liền với lịch sử hình thành cộng đồng ngư dân trên vùng đất Đà Nẵng nói chung, Ngũ Hành Sơn nói riêng suốt hàng trăm năm qua.
H.T.H
Chú thích
1 Theo lời kể của ông Nguyễn Trúc Tâm, sinh năm 1946, cư trú tổ 122, khối Đông Hải, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn thì trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, các chiến sĩ cách mạng đã đào công sự dưới lăng Ông để cất dấu vũ khí, đạn dược và ẩn nấp nên nơi này nhiều lần bị địch ném bom phá hoại, do đó di tích cũng bị đổ nát và được trùng tu lại nhiều lần.
2 Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí (Lý Việt Dũng dịch và chú giải), (Biên Hòa: Tổng hợp Đồng Nai, 2005), 237.
3 Jean Chevalier - Alain Gheerbrant, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, (Đà Nẵng: Đà Nẵng - Trường viết văn Nguyễn Du, 1997), 122.
4 Nguyễn Thanh Lợi, “Giao lưu văn hóa Việt - Chăm, nhìn từ tục thờ cá Ông”, Văn hóa dân gian, (Số 2, 2003), 24-27.