Con gái - Trần Thị Lệ

13.03.2014

Thùy ngã người nằm nhoài trên giường. Tám giờ liền trên ô tô từ Nha Trang về đây, chân tay cô như rã rời. Lúc nãy đón cô về, Khánh chú ý cho xe chạy qua những quãng đường dễ chịu nhất. Anh mang va li vào nhà rồi vội vàng đi đón con gái.

Thùy nhìn lọ violet tươi rói trên chiếc đàn piano. Đó là món quà Thùy thích nhất sau mỗi lần đi công tác về. Nhìn căn phòng nhỏ gọn gàng, ngăn nắp, Thùy chợt  thấy nhớ  chồng da diết mặc dù Khánh vẫn đang hiện hữu bên cô.

Con gái - Trần Thị Lệ

Vắng Thùy mười ngày, Khánh vẫn chăm sóc gia đình chu đáo, có khi còn chu đáo hơn cả lúc Thùy ở nhà. Đó là thuận lợi lớn nhất để cô có thể nhanh chóng trưởng thành trong nghề nghiệp như những gì cô đã đạt được hôm nay.

Cô với tay lấy cái khăn ướt lau mặt. Thùy nghĩ đến đoạn đường về quê ngày mai. Ngày mai cô phải về giỗ nội. Nếu không vì thế, Thùy đã không phải xin rút ngắn chuyến công tác để về vào hôm nay. Trời mưa tầm tã thế này, đường vào làng sẽ lầy lội lắm. Sang năm, chắc phải về nói chuyện với các bác trong làng tính sửa sang lại đoạn đường đó thôi. Thùy nhớ bà nội, nhớ ba, rồi mỉm cười khi nhớ đến cảm giác sung sướng lần gặp bác Phụng trong ngày giỗ nội năm ngoái. Thùy nhớ giọng cười sang sảng của bác Phụng: “Con Ba Vinh về rồi đó hả? Bác cứ nói miết với mấy đứa cháu trong nhà, chú Ba Vinh ngó rứa mà chừ sướng, có hai đứa con gái rứa cũng mở mày mở mặt, học hành đến nơi đến chốn, việc ở nhà nội cũng như nhà thờ họ nói ra là lo xong trước, chớ quanh đi quẩn lại ở đây cho nhiều thằng rồi chạy ăn cũng đớ…mấy đứa nhỏ ngó đó, lo mà học mà hành…

          Thùy bật cười một mình, lim dim mắt, mặc cho dòng suy nghĩ miên man…   

                                                                                                                                                          

*     *     *

 

Ba mươi Tết, Thùy dắt tay em Thúy đón xe buýt về nội. Nhà nội không xa lắm, chỉ khoảng ba mươi cây số. Chừng đó, nhưng ba mẹ không yên tâm để con đi một mình. Thùy quả quyết xin đi cho bằng được. Vì như vậy, Thùy thấy mình đã lớn. Hai chị em, tay xách, vai mang lểnh khểnh các thứ quà Tết mà mẹ đã chuẩn bị để về biếu nội. Thùy tưởng tượng nhiều điều lý thú, nào là ruộng cải, ruộng ngô với những hàng dâu non xanh mướt; nào là ruộng hoa cúc, hoa lay ơn  rực rỡ đủ sắc màu, nào là chú mục đồng vắt vẻo trên lưng trâu thổi sáo... và cả những ngọn núi xa tít tắp mà Thùy sẽ chỉ cho bé Thúy biết đâu là ngọn núi mà ngày xưa ông nội và ba đi củi, đốt than… Thùy tưởng tượng ra đêm giao thừa năm nay ở nhà nội chắc sẽ vui lắm.

Sáng mồng Một, hai chị em xúng xính trong bộ váy mới. Thùy lăng xăng rót nước mời khách, cố thể hiện vẻ dịu dàng, ngoan ngoãn, nhưng lại khá nhanh nhẹn của một đứa con gái mới lớn, một chị Hai, một đứa cháu đích tôn mà ba đã “phong” cho Thùy.

-Con đứa mô đây?  Bác Phụng xoa đầu Thùy, hỏi.

-Dạ, con là con ba Vinh.

-Vinh hả, đứa nào con Vinh nữa?

-Dạ còn em con đây.

-Chu choa, hai đứa con gái hết thì “vinh” răng được mà “vinh”?

Nó tròn mắt:

- Dạ???

-Dạ chi mà dạ, con gái thì không “vinh” được, hiểu chưa? Chưa hiểu thì lớn lên rồi hiểu?

          - Nhưng … con có chi thua con trai đâu bác?

 Chú Tư giọng hài hước xen vào:

 - Hì..hì... ông Vinh rứa là sướng, có hai đứa con gái sướng tới chết. Có mô như anh em mình chết rồi mới “sướng”... hì... hì...

Thùy nhìn sang ông nội vẻ cầu cứu, nhưng ông nội không nói gì, mắt nhìn xa  xăm …

 Hai má đỏ bừng, mắt âng ấng nước, Thùy lấy hết bình tĩnh, cố dằn từng tiếng:       

- Nhất định, con sẽ làm “vinh” cho ba con!

Cả nhà cười ồ. Đâu đó phía dưới nhà bếp vọng lên: “Hai đứa con gái hết à? Tội hỉ...mai mốt đi lấy chồng hết là xong, chồng biểu chi làm nấy,  hì… hì..., cha mẹ đau ốm có muốn về thăm mà chồng không cho cũng chịu...”.  Lại ai đó chen vào: “ Bữa sau chết, có được đứa con trai, chỉ cần hắn xúc lát đất lấp lại thôi cũng hơn chục đứa con gái”. Thùy xịu mặt nhưng rồi nhận ra giọng chầm chậm của bà nội: “Năm mới, nói bậy nói bạ, trai gái chi không cần, đứa mô hay về thăm nội là đứa hiếu thảo, là đứa nội quý nhất, phải không con!”. Nội đến bên Thùy, vuốt nhẹ lên mái tóc của đứa cháu  yêu.    

            Lời của nội làm dịu đi phần nào suy nghĩ của Thùy, nhưng mỗi lần nhớ đến chuyện xảy ra hôm mồng Một Tết, máu trong người Thùy như dồn lên hai bên thái dương, nghe rần rần cả người. Thùy thương ba lắm, không muốn vì chị em Thùy mà ba không mở mày mở mặt được với họ hàng. Thùy ngưỡng mộ ba, tự hào về ba, ba là tấm gương của người cha giàu nghị lực mà Thùy đã từng viết trong một bài văn được cô giáo cho điểm 10 năm học lớp 4. Sao Ba lại không “vinh” được chứ?  Thùy vô cớ căm ghét những gì thuộc về một đứa con gái đang hiển hiện trên cơ thể mình. Thùy còn hơn cả khối đứa con trai trên lớp kia mà.  Thùy lẩm nhẩm “Nhất định ta sẽ là  một đứa con trai, một đứa con trai thực thụ của ba”…

         Từ hôm ấy, Thùy không bao giờ mặc váy. Thùy cố vứt bỏ những  gì mà người lớn bảo đó là việc của con gái. Nhìn tay mẹ nhào trộn, cắt tỉa những chiếc bánh nướng thơm lừng, Thùy thích lắm. Trước kia Thùy đã từng nghĩ mình sẽ làm được những chiếc bánh ngon hơn mẹ. Nhưng bây giờ thì... đừng hòng. Bà vẫn bảo, con gái phải “công dung ngôn hạnh”, Thùy sẽ không “công dung ngôn hạnh” gì hết,  Thùy phải là một đứa con trai. Thùy cố làm bằng được những gì mà người lớn bảo rằng đó là việc của con trai. Mẹ bảo, con gái ốm yếu đừng đi xe đạp ra đường một mình. Vậy là, Thùy kiên quyết tập đi xe, rồi tự đạp xe đi học để xem con gái tự đạp xe ra đường thì thế nào. Ở trường tổ chức các lớp học năng khiếu, Thùy ghi tên vào lớp học võ, mặc dù từ lớp sáu Thùy đã mê mẩn những nghệ sĩ chơi đàn piano. Tụi con trai bảo Thùy, cả lớp võ có một mình mày con gái thôi đấy nhé. Thùy cong cớn: Thì đã sao, bọn bay chống mắt lên mà xem con gái thì thế nào? Lên lớp tám, ba Thùy bảo, con gái không nên học chuyên toán, học toán khô khan lắm, coi chừng xấu con gái của ba. Chỉ như vậy thôi, là hôm sau nó đã mang về khối sách toán để theo đuổi mục đích phải vào lớp chuyên toán bằng được mặc dù trước đó Thùy đã có ý định  tập trung vào môn hóa vì thấy môn hóa hấp dẫn hơn. Thêm vài tuổi, mẹ tỉ tê, con gái học vừa thôi, chỉ cần có công ăn việc làm ổn định, rồi còn lấy chồng nữa, “học cho nhiều, làm cho cao mà không lấy chồng cũng chẳng để làm chi đâu con”. Không muốn làm mẹ buồn, Thùy gật gù cho qua chuyện, nhưng từ đó, Thùy nung nấu ý định nhất quyết không lấy chồng, sẽ “đá văng tưng” bất cứ thằng con trai nào dám lân la tán tỉnh.

         Rồi, một ngày kia, con bé Thùy ương ngạnh ngày nào đã trở thành thiếu nữ. Tuổi mười tám rạng ngời, Thùy biết cảm nhận được hương vị ngọt ngào của những cơn gió lạ, biết nghe lòng bồi hồi, con tim biết xao xuyến nhịp đập của tuổi đôi mươi. Thùy “đá” thế nào để rồi bây giờ trở thành nửa còn lại của thằng bạn học chung lớp 12. Cái “thằng” mà chiều nay vừa đặt lên chiếc đàn dương cầm của Thùy bó hoa violet tím biếc mà Thùy rất thích...    

                                                      

*         *         *

       Bip...bip..,tiếng còi xe nghịch ngợm của bé Cún cắt ngang dòng suy nghĩ miên man của Thùy. Cô mở mắt, để mặc cho hai đứa con gái bé bỏng hôn chùn chụt lên má, rồi chúng giật tóc, đứa níu  bên này, đứa kéo bên kia.

   - Để mẹ nghỉ nào con, ngày mai mình còn về giỗ nội đó em. Ăn uống rồi nghỉ sớm cho khỏe.

   - Ơ, con gái cũng được giỗ nội hả mẹ? Sao con thấy mấy cô ở quê bảo chỉ có con trai thôi mà?

   Khánh mỉm cười, xoa đầu con:

  -Vì mấy cô đó chưa biết làm con trai đấy con à! Cún và Tý của ba đây rồi mai mốt cũng sẽ là những đứa con trai của ba và của cả họ nhà ta đấy thôi.

  Thùy âu yếm nhìn Khánh, nhìn cái áo Thùy tự tay may cho Khánh, cái áo mà Khánh thích mặc nhất và Khánh vẫn mặc những lúc đón Thùy công tác trở về. Cô ngồi vào đàn, bản True love ngân vang như thầm nói lời cám ơn với Khánh. Nhờ có Khánh, Thùy đã có thể sống với những cảm xúc thật sự của một người con gái, của một phụ nữ với thiên chức làm vợ, làm mẹ. Thùy có thể tự tin khi nhận mọi nhiệm vụ được giao, có thể cống hiến cho xã hội hết khả năng của mình bởi đằng sau Thùy là sự sẻ chia của Khánh. Cô biết quý những bữa cơm gia đình do tự tay cô nấu, cô thích được đơm từng cái cúc áo cho chồng, cô thích làm cho chồng món bánh nướng mà ngày xưa mẹ vẫn làm cho ba....niềm hạnh phúc mà Thùy luôn tự nhủ phải vun vén hằng ngày...            

              Bàn tay thon thả vẫn mềm mại lướt trên phím đàn, Thùy lim dim mắt nghe tâm hồn lắng lại, hạnh phúc ngập tràn trong căn phòng ấm áp.

                                                                       

T.T.L