Có một nhiệt đới buồn - Đặng Ngọc Hùng

18.03.2014

Trên một ngọn đồi nhìn ra biển cả ở một nơi gần như tận cùng trái đất, không ai biết có một ông lão sớm tối đi về một cái hang được kiến tạo như một cái lô cốt. Phần trên của cái lô cốt tự tạo là gỗ vụn, cành cây khô, những lá tôn đủ các cỡ, vải vụn và trăm thứ bà giằn khác. Cách cái hang bí ẩn đó chừng hơn trăm bước chân là một cái tháp bị bỏ quên. Toàn bộ cảnh tuợng này gần giống với khung cảnh ở một miền nhiệt đới khác khoảng 60 năm trước.

Không ai biết ông lão cho đến một ngày nọ có một thầy giáo dạy toán lang thang lên ngọn đồi nhìn ra biển cả.

 Có một nhiệt đới buồn - Đặng Ngọc Hùng

Thoạt đầu, anh ngỡ đó là một lão cướp biển Virking đội mồ sống lại giữa châu Phi nắng lửa. Mái tóc dài vàng ệch vì nắng gió, da sạm lại vì bụi và hơi mặn của biển, bộ dạng lênh khênh, ông lão kia cười và vẫy tay chào. Như bị thôi miên, người thầy giáo theo ông lão vào hang. Mất một lúc để mắt quen với bóng tối gần như miên viễn, người thầy giáo trẻ thấy một dòng chữ viết bằng phấn trắng trên một tấm gỗ sứt sẹo.

“Ông là người Pháp?”, Mallam, người sắp được trao học vị tiến sĩ đại số ở một trường đại học danh tiếng của Pháp, hỏi. Tiếng nói của anh nghe rất nhỏ, như thể không còn chút hơi nước nào trong vòm họng.

“Vâng, người Pháp”, ông lão cười, “Lâu lắm rồi”.

Bẵng cả năm trời, tôi và Khánh không có liên lạc gì. Trước đây, thỉnh thoảng cậu ta roaming, nói đủ thứ chuyện. Toán học và nước Pháp. Gần đây, luận án giải tích của Khánh ở vào giai đoạn nước rút. Chắc cậu ta “phong bế” mọi thứ để tập trung cho “trận Normandie” cuối cùng ở một trường đại học miền tây bắc nước Pháp.

Rồi một chiều chủ nhật tôi nhận được email của Khánh.

“S thân. Mình bận quá. Viết luận án song ngữ, khá mất thời gian. Sư phụ hướng dẫn mình bảo một nhà xuất bản ở Paris đang “nghía” để đăng luận án của mình thành sách tham khảo, nhuận bút theo nguyên tắc tứ lục. Phấn khởi quá. Mà này, nội dung chính của mình không phải khoe cuốn sách phương pháp giảng dạy giải tích có thể ra đời ngay ở nước Pháp. S biết gì không? Một số phận ly kỳ. Anh bạn Mallam dân Algérie học bên đại số trao cho mình 2 quyển ghi chép của VanVN.Net - Trên một ngọn đồi nhìn ra biển cả ở một nơi gần như tận cùng trái đất, không ai biết có một ông lão sớm tối đi về một cái hang được kiến tạo như một cái lô cốt. Phần trên của cái lô cốt tự tạo là gỗ vụn, cành cây khô, những lá tôn đủ các cỡ, vải vụn và trăm thứ bà giằn khác. Cách cái hang bí ẩn đó chừng hơn trăm bước chân là một cái tháp bị bỏ quên. Toàn bộ cảnh tuợng này gần giống với khung cảnh ở một miền nhiệt đới khác khoảng 60 năm trước.

 một cựu binh sĩ viễn chinh từng đóng quân ở quê mình. Quá xúc động, mình đã chuyển ngữ những chỗ quan trọng nhất. Chết tiệc ở chỗ, gần đây virus gặm mất cha cái file đó. May mà còn bản giấy (mình tận dụng mặt sau chỗ giấy in chương dẫn luận bị hư). Anh Tuấn học cùng ngành giải tích với mình, trên mình 2 khoá, mượn đọc. Anh qua nhận bằng tiến sĩ và quay về Đà Trang cách đây 2 tuần. ảnh nói đọc xong sẽ gửi cho cậu. Nếu cậu rảnh, có thể kể lại câu chuyện này chăng? Số phone của anh Tuấn là 0987...”.

Sáng thứ Hai, tôi xuống trường. Gặp tôi ở cầu thang, sếp bảo: “Cậu đi với anh Thành Hiệu phó lên Đà Trang ký hợp đồng mở một lớp cử nhân Anh, văn bằng 2”. Tôi “vâng” ngay như chỉ chờ có vậy. Chà, tôi sắp chạm vào số phận một cựu binh sĩ viễn chinh cách đây hơn nửa thế kỷ.

Quyển ghi ghép của cựu binh sĩ viễn chinh Pháp được trình bày theo kiểu nửa hồi ký, nửa biên khảo, nói chung là một thứ tạp ghi khá có chất văn chương của người có học. Tôi đi Đà Trang, tiếp nhận, đọc, tổng hợp những chỗ Khánh đã chuyển ngữ và kể lại những điểm chính như sau.

Khi trận Normandie kết thúc, Corgnet đang ở Marseille. Paris được giải phóng. Marseille cũng vỡ oà trong ngày hội mừng độc lập. Corgnet muốn học cho xong đại học. Nhưng mẹ anh viết thư bảo anh về kế nghiệp xưởng rượu. Trong thư, mẹ anh viết: “Con là con trai duy nhất của gia đình. Con không tiếp nối cái nghề gia truyền mấy đời này thì sao đây? Mẹ yếu rồi. Vả lại, cứ để vợ ở nhà rồi đi biền biệt là không hay đâu…”.

Corgnet quay về Bordeaux. Nhớ Hélene quá. Chỉ vì mê ngành nhân học mà anh phải cố xa vợ tới thành phố cảng theo học ngành này. Corgnet tự nhủ đằng nào anh cũng quay về làm chủ xưởng rượu. Anh học nhân học chỉ vì thích. Không ai mưu sinh bằng cái môn này cả. Cha của Corgnet qua đời sớm, mẹ anh phải gắng gượng chèo chống xưởng rượu của nhà chồng. Chính mẹ anh đã chọn Hélene cho anh. Ngay từ lần đầu găp Hélene, Corgnet đã yêu. Hélene đẹp, thuỳ mị. Nhưng sống đời vợ chồng với nhau hơn năm, Corgnet cảm thấy ở cô có một sự xa cách nào đó. Cô càng thuỳ mị, anh càng cảm thấy cô cố xa cách anh. Mấy năm sau, trong những đêm nhiệt đới Việt Nam nóng hầm hập, trong lô cốt, trong những đêm đi phục kích Việt Minh, Corgnet cố giải mã cái nguyên uỷ của sự xa cách nơi Hélene: Có lẽ cô chỉ hợp với những người đàn ông thực tế, trong khi đó Corgnet thì lịch sự nhưng quá ưu tư. Cô chỉ yên tâm khi cô làm chủ tâm hồn người đàn ông mà cô yêu. Corgnet bẩm sinh là người nghĩ ngợi. Chính anh đã tự xa cách cô trước. Và một ngày anh đã để mất cô.

Mùa thu năm 1944. Bordeaux đẹp mê hồn. Trên con đường làng rẽ vào vườn nhà, Corgnet ngắt mấy đoá tường vi để làm quà cho vợ. Anh vội vã và thở hổn hển vì hồi hộp. Mẹ anh không có nhà. Mấy người làm thuê đang lúi húi ngoài vườn nho. Anh đẩy cửa phòng hai vợ chồng: Hélene đang trần truồng với Charles, một người anh họ bên mẹ của Corgnet. Vẻ mặt cô lúc ấy càng thuỳ mị, và viên mãn. Mấy đoá tường vi rơi xuống sàn. Corgnet chạy qua rất nhiều vườn nho, đến khi anh cảm thấy kiệt sức và nằm xuống bất động.

Mẹ Corgnet không thể hiểu tại sao con mình đăng lính. Việt Nam là một nơi rất nguy hiểm. Mà có ai bắt nó đi lính đâu chứ ! Với Corgnet, cuộc sống trở nên vô nghĩa. Bị vợ phản bội, điều đó thật kinh khủng. Anh không thể chấp nhận được. Anh phải làm một việc gì đó thật lớn lao để bù vào sự mất mát đó.

Và Corgnet đăng lính đi khai hoá xứ An Nam.

“Cậu điên rồi”, Dirar, bạn cùng lớp đại học của Corgnet, cố can bạn, “Khai hoá? Khai hoá hay vơ vét tài nguyên, khoáng sản?”.

“Những xứ sở như An nam cần chúng ta mở mắt”, Corgnet khăng khăng.

“Thế ư? Không có kiểu khai hoá nào mở đầu bằng đại bác! Lý luận của cậu là sản phẩm của ngoại giao pháo thuyền”, Dirar nổi nóng.

Corgnet chém tay vào không khí: “Thôi, mình đi đây”.

Dirar nói với theo: “Câu thử nhớ lại lúc bọn Đức xâm chiếm nước ta, cảm giác của cậu thế nào. Sinh viên nhân học phải nghĩ đến điều đó chứ! Rồi cậu sẽ thấy trận đại hồng thuỷ. Những con người nhỏ bé đó ở xứ nhiệt đới đó sẽ vùng dậy với một sức mạnh không gì ngăn nổi. Chủ nghĩa thực dân hết thời rồi!”.

Nhờ một người chú họ là thiếu tá đang hành quân ở Đông Dương, Corgnet sớm có mặt ở Việt Nam. Đó là những ngày trước cơn bão. Sự “khai hoá” trước đó của Pháp và sự tận vét của Nhật đã khiến hai triệu người ở Bắc Kỳ chết đói. Những gì diễn ra ở Việt Nam những ngày đó như trong những giai thoại về ngày tận thế: những làng quê không người, ruộng đồng nứt toác, những người chưa gục xuống chỉ còn xương bọc da lê bước như những bóng ma giữa ban ngày. Nhật đảo chính Pháp. Rồi ngày 15 tháng 8 năm 1945, sau khi bị Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hirosima và Nagasaki, Nhật giơ tay đầu hàng đồng minh. ở miền Nam Việt Nam, do không màng đến sách báo, Corgnet không biết Dirar đã nói đúng: Ba ngày sau, Việt Nam giành chính quyền. Những con người nhỏ bé ở xứ nhiệt đới đã vùng dậy. Bốn hôm sau, hoàng đế cuối cùng của Việt Nam thoái vị với mấy câu nói nổi tiếng: “Riêng về phần Trẫm, trong hai mươi năm ở ngôi, Trẫm đã trải qua bao nhiêu cay đắng. Trẫm muốn được làm dân một nước tự do, hơn làm vua một nước bị trị. Từ nay Trẫm lấy làm sung sướng được làm dân tự do trong một nước độc lập”. Corgnet cũng không biết vào ngày 2 tháng 9, nhà ái quốc Hồ Chí Minh, người từng có những năm tháng đấu tranh cho chủ quyền An nam tại quê hương của anh, đã tuyên bố với thế giới rằng Việt Nam thực sự độc lập. Corgnet càng không biết 13 tháng 9, quân đội Anh do tướng Douglas Gracey đến Sài Gòn ngày để giải giới quân đội Nhật và chỉ mấy hôm sau đã trao quyền lại cho quân đội Pháp. Corgnet chỉ biết mười hôm sau, cấp trên của anh bảo: Nào tiến lên, chúng ta tiếp tục công cuộc khai hoá (!?).

Từ Biên Hoà, cùng với các đơn vị khác, tiểu đoàn của Corgnet được lệnh tấn công ra Bình Thuận. Nhưng kế hoạch bị thất bại do quốc lộ 1 bị Việt Minh phá nhiều đoạn để ngăn chặn. Cánh quân này bèn quay lại và trực chỉ tiến chiếm Di Linh, Đà Lạt theo đường 20. Từ Đà Lạt, một bộ phận được lệnh tấn công Phan Rang theo đường 11, sau đó áp dụng chiến thuật tràn ngập Ba Ngòi, Cam Ranh, Ninh Hoà, Nha Trang. Ngày 30/1/1946, Corgnet theo đội hình xe tăng, thiết giáp từ Phan Rang tấn công vào Phan Thiết.

Trong những ngày đó, tâm trạng của Corgnet thật khó tả. Anh tự hào trước hoả lực áp đảo của quân đội Pháp. Đồng thời trong anh dâng lên một sự thán phục mơ hồ trước tinh thần chiến đấu quả cảm của những chàng trai bản địa nhỏ bé chỉ cao ngang ngực đối phương. Họ, như nhóm quân phục kích đoàn chiến xa của Pháp ở một nơi có cái tên rất lạ - Duồng, xông vào kẻ thù đến người cuối cùng chỉ với tầm vông, dao, mác. Điều đáng nói là sự thán phục kia tuy còn mơ hồ nhưng nó bắt đầu rõ nét hơn ý niệm “khai hoá” ở Corgnet. Tại một thị trấn nhỏ bé có tên là Phú Long, Việt Minh bắn hỏng một chiến xa, quân Pháp tức tối tràn vào ngôi chợ ven đường khạc đạn, 30 thường dân phơi thây. Thảm kịch xảy ra vào đúng ngày tết cổ truyền của người An nam. Lúc hội quân, Corgnet chứng kiến tất cả và bắt đầu cảm nhận dấu hiệu của những cơn sốt, một thứ biểu hiện lâm sàng mà nhiều năm về sau anh tự định nghĩa là những cơn ngầy ngật nhiệt đới.

Đoàn chiến xa tiếp tục tiến về thị xã Phan Thiết. Chiếc thiết vận xa đi đầu cắm cờ đỏ sao vàng và một binh sĩ Nhật Bản mặc đồ Việt Minh ngồi ở mũi xe. “Sao lại treo cờ đối phương?”, Corgnet rụt rè hỏi. “Thằng ngốc. Quân cơ bất khả lộ mà”, một trung uý dày dạn chiến trường cười phá lên, “Phen này Việt Minh chạy đằng trời”. Đúng là người Phan Thiết đã bị nhầm và thiệt hại nhưng từ đêm đó, tiếng súng chống ngoại xâm vang rền cả miền nam Trung phần.

Những cơn ngầy ngật nhiệt đới. Quân Pháp khai hoá bằng những tràng tiểu liên, những quả pháo tăng vào những xóm làng trù phú. Ngày hôm kia, ba cánh quân hùng hậu tập kích vào Xóm Mía. Điên tiết vì chỉ hạ được hơn tiểu đội Việt Minh, quân đội “Đại Pháp” của Corgnet tàn sát hơn 70 dân thường. Càng truy lùng Việt Minh thì Việt Minh càng mất hút. Chỉ vài năm sau, Corgnet tình cờ biết Việt Minh ở trong dân. Tại sao cả dân tộc này đồng loạt chống lại sự “khai hoá”? Corgnet ôm đầu nghĩ.

Những cơn ngầy ngật nhiệt đới. Máu. Khai hoá bằng máu. Đâu cũng máu. Một trận càn trắng tay. Việt Minh bốc hơi. Bắt được một nông dân, quy cho tội chứa chấp Việt Minh và đánh đến chết, rồi cột vào ngựa kéo lê để thị uy. Ba hôm sau, tóm được bốn cán bộ Việt Minh, treo cổ cả bốn. Tuần sau, phục bắt một cán bộ Việt Minh, mổ bụng. Tháng sau, vây bắt một chỉ huy Việt Minh và cho chó berger cắn đến chết vì không khai thác được gì. Một buổi sáng, trên bãi biển, quân Pháp lột trần truồng một số cụ già, bắt chạy hàng một và cười sặc sụa vì khoái trá.

Những cơn ngầy ngật nhiệt đới. Một năm trôi qua, Corgnet tham gia không biết bao nhiêu trận càn quét, đơn vị của anh phối thuộc với commando lùng sục vào những ngôi làng và thả sức lia đạn vào thường dân. Máu. Corgnet buồn nôn khi chứng kiến mười diễn viên văn công của Việt Minh bị đồng đội anh bắn ngã rạp như những thân cây bị chặt ngang thân bên một bàu nước cách tỉnh lị Phan Thiết 20 cây số về phía nam.

Và Dirar đã trở thành tiên tri: Những người nhỏ bé đã đứng dậy. Đội tự vệ ông Tương xuất quỷ nhập thần, tấn công đồn bót Pháp ngay giữa ban ngày. Rồi Phòng nhì cho biết Việt Minh địa phương đã thành lập trung đoàn. Đồng đội của Corgnet cười khẩy. Hôm sau, nụ cười ấy tắt ngấm. Một trung đội Pháp vừa ra khỏi Mũi Né để đi càn đã bị Việt Minh “tịch thu” quân số. Mấy hôm sau, tại Triền, một trung đội Pháp khác bị xoá sổ.

Giữa quyển 2, Corgnet ghi: Cuối cùng mình trở thành lính đồn. Đồn đóng trên đồi Bà Nài cách trung tâm Phan Thiết 7 cây số về phía đông nam. án ngữ ở độ cao này, đồn quan sát mọi động tĩnh của Việt Minh, nhất là các cuộc chuyển quân. Cảnh vật thật là sơn thuỷ mỹ tú. Dưới kia là biển liếm vào đất liền tạo thành những cái vịnh hình chữ C nước trong như nước hồ. Ba ngôi tháp, một ngôi lớn và hai ngôi nhỏ hai bên, mang phong cách ấn Độ nhìn ra biển cả. Tay thông ngôn cho biết tháp thờ Pô Sha I nư, công chúa con của hoàng đế Po Parachanh trị vì Vương quốc Chăm pa khoảng thế kỷ XV, người có công chỉ huy khai phá vùng đất Bình Thuận. Mình không phải hành quân, không phải xả súng vào những nông dân nhỏ bé.

Hôm qua, cấp trên cung cấp cho đồn một khẩu đại liên vicker. Cả đồn vui như hội. Với độ cao và khẩu đại liên này, Việt Minh có mà chạy đằng trời, đồn trưởng quả quyết. Corgnet không hoà vào với cái hội vui ấy được. Đầu óc anh chật cứng những ý nghĩ khác. Hélene và Dirar. Khai hoá và phúc âm hoá.

Cũng trong quyển 2, Corgnet viết: Những ngày qua, lang thang khắp nơi. Khó có nơi nào các tôn giáo sống vui vẻ bên nhau như ở xứ xở này. Cư dân xứ này đã có những phúc âm từ mấy ngàn năm trước: từ ấn Độ, từ chính bản địa và từ Trung Hoa. Phúc âm Phật giáo có thể tìm giữa cõi trần nếu biết đoạn bỏ vô minh, đến An nam bằng con đường hoà bình. Nho giáo theo gót ngựa ngoại xâm. Lão và Đạo cũng từ Trung Hoa nhưng cách xâm nhập khác với Nho giáo. Bị xâm lăng quá sớm, không kịp tạo dựng, các triều đại phong kiến Việt Nam đành dùng Nho giáo để xây dựng thể chế nhà nước và cai trị quốc dân. Nhưng chính đó là lý do để trong dân gian hình thành một nền văn học truyền khẩu phản phong mạnh mẽ và đầy sức sống qua trường kỳ lịch sử để bảo vệ phụ nữ và quyền tự do luyến ái của con người.

Vì sao một số hoàng đế Việt Nam sát đạo? Vì sao một số sĩ phu chống Ki tô? Nhưng đó có phải đó là lý do để nã súng vào Sơn Trà, Gia Định, Hà Nội? Để cai trị đất nước này suốt hơn 70 năm qua? Có mối quan hệ tất yếu nào giữa phúc âm hoá với kim loại kẽm, thiếc, vàng, cao su...? Vì sao dân chúng bảo vệ Việt Minh?

Ngày 14 tháng 6 năm 1947, vào lúc hơn 5 giờ sáng, cái nóng nhiệt đới làm nung chảy sinh lực của lính đồn. Sức nóng luồn vào lục phủ ngũ tạng mấy gã lính Âu, tưởng chừng hai lá phổi không còn độ đàn hồi. Gần sáng mà nóng vẫn hầm hập. Giữa lúc ấy, một toán lính Pháp - Việt do một quan ba và một quan một chỉ huy hành quân đến đồn lính Pháp trên đồi Bà Nài. Gã lính gác bồng súng chào. Toán lính kia theo quan ba vào trong đồn. Được thuộc hạ gọi dậy, đồn trưởng vội ra chào quan ba. Viên quan ba hạ lệnh đồn trưởng tập hợp toàn thể quân lính và đưa cho đồn trưởng một bức thư. Liếc qua tờ giấy, biết bị sa bẫy, đồn trưởng chực phản ứng nhưng bị viên quan một xả một loạt tiểu liên. Lính đồn túa chạy về các vị trí chiến đấu nhưng đã muộn. Súng vẫn còn trên giá nhưng “toán lính Pháp-Việt không biết từ đâu đến” đã chiếm các vị trí và thi nhau quét đạn vào lính đồn. Một số ít đồng đội của Corgnet liều lao xuống đồi toàn đá tai mèo và chạy ra vịnh. Corgnet như mất sức. Như không sức sống. Như tê cứng. Anh vùng chạy một đoạn rồi ngồi thụp xuống bên một vạt cây dại. Một người lính Việt Minh trong trong phục lính Tây phát hiện ra anh và tiến lại gần. Corgnet giơ tay đầu hàng theo quán tính. Corgnet hỏi, thều thào: “Ông có bắn tôi không ?”. Thề có chúa chứng giám, người lính Việt Minh nhìn trân trối Cornet và trả lời, bằng tiếng Pháp, rất chuẩn: “Không cần nữa, dù sao chúng tôi cũng thắng hoàn toàn trận này”. Corgnet biết rằng trong đời người, có hai thời điểm con người không bao giờ quên biến cố đã xảy đến với mình: từ cõi chết trở về hoặc suýt phải chết. Mãi mãi hình ảnh người chiến sĩ Việt Minh hoá trang lính Pháp tha chết cho Corgnet được tàng trữ và cố định hoá trong bộ nhớ của anh. Khuôn mặt điển trai, lông mày rậm, mũi hơi cao rất thanh tú và đôi mắt á Đông có lúc nheo lại một cách tinh nghịch. Trước khi rút đi, anh ta chỉ tay xuống chỗ Corgnet ngồi và nói: “Các anh sẽ thua nay mai thôi”. Theo hướng chỉ của người lính Việt Minh, Corgnet nhìn xuống: một vũng nước đái của chính anh!

Corgnet không biết đó là trận kỳ tập kinh điển của đại đội Hoàng Hoa Thám thuộc Trung đoàn 82 Bình Thuận. Người đại đội trưởng chỉ huy trận đánh đó về sau trở thành vị tướng lừng danh trên chiến trường Nam Trung bộ, một nhà tác chiến thực tiễn nổi tiếng của quân đội nhân dân Việt Nam. “Tay” quan ba và quan một là hai chiến sĩ quốc tế giúp Việt Minh, một người Đức và một người Tây Ban Nha. Chỉ mất 15 phút, Việt Minh tiêu diệt 20 lính Pháp, bắn bị thương 12 tên, thu toàn bộ quân dụng và vũ khí của đồn, trong đó có khẩu đại liên Vicker do thượng cấp trang bị cho đồn ngày hôm trước. Corgnet cũng không thể biết hôm sau, tại Rẫy Thơm, cách đồn Bà Nài chỉ hơn mười cây số đường chim bay, Việt Minh  tổ chức mừng công và đem khẩu Vicker ra thử, dân chúng mục kích và vỗ tay như sấm.

Những ngày tới với Corgnet vẫn là những cơn ngầy ngật nhiệt đới. Corgnet được cấp trên chuyển qua nhiều đơn vị. Ngày nọ, anh lại trở thành lính đồn. Đồn Thạch Linh án ngữ một làng chài ven biển, lính Pháp và tay sai bắt được một số Việt Minh rải truyền đơn kêu gọi bất cộng tác với giặc Tây. Năm người bị trói tại đồn. Mấy hôm sau, người trẻ nhất mới mười ba tuổi được cho đi cắt cỏ và chăn ngựa. Bốn người còn lại được “khai thác”. Lạ, khuôn mặt khá thanh tú và hàng lông mày rậm, đôi mắt nheo nheo. Buổi trưa, tranh thủ mọi người ăn cơm, Corgnet tranh thủ nhìn vào chỗ giam. Thôi chết rồi, chủ nhân đôi lông mày đó chính là ân nhân của anh. Người Việt Minh bỗng ngẩng lên nhìn ra cửa sổ. Không thể nhầm được, thề có chúa. Sao lại rải truyền đơn? Lính chính quy Việt Minh cơ mà?!  Một luồng điện chạy xuyên qua xương cùng Corrgnet: Cứu anh ta để đền ơn? Nhưng giải thoát bằng cách nào?

Corgnet không có cơ hội đền ơn cứu mạng. Người tù mười ba tuổi lấy ngựa của đồn chạy trốn và hai hôm sau dẫn đường cho một trung đội Việt Minh tập kích đồn và giải thoát bốn tù nhân còn lại. Lính đồn phối thuộc với một đơn vị Pháp khác trả thù. Một cuộc tảo thanh, bắt bốn Việt Minh khác đem chôn sống. Nhưng năm mươi nóc nhà dân bị đốt sạch. Quân Pháp treo giá: “Ai lấy được đầu Phạm Đình Hoà, Bí thư xã Quang Kính thì được thưởng 10 ngàn Đông Dương”.

Cấp trên của Corgnet sốt ruột vì Nam trung phần và Tây Nguyên đã bình định nhưng Việt Minh xứ này vẫn xuất quỷ nhập thần. Sau chiến thuật triệt hạ trâu bò, Phòng nhì nắm tin tức và đề xuất tiếp chiến thuật “rút sức sống” của Việt Minh bằng cách khống chế nguồn nước. Lại có tin Việt Minh thành lập chiến khu ở miền đông Hàm Thuận, nơi muốn có nước uống Việt Minh phải đổi bằng máu. Tay sai và hội tề thề rằng có những thời điểm Việt Minh phải uống nước trong bọng cây, ăn củ, lá rừng cho đỡ khát hoặc “tắm nắng, tắm lửa” (hơ nắng, hơ lửa cho đổ mồ hôi rồi dùng khăn lau sạch). Các nhóm Partisan của Pháp phục kích bắn hạ được một số Việt Minh. Nhưng bộ chỉ huy Pháp muốn dọn sạch chiến khu chứ không chấp nhận ăn đong kiểu phục kích của Partisan. Địa hình hiểm trở, cây rừng ken dày cộng với cái nóng sa mạc khiến quân Pháp phải suy nghĩ. Và một chiến dịch tấn công được ban tác chiến Pháp hoạch định với xe tăng mở đường. Tám tiểu đoàn vừa Âu - Phi vừa có Việt Binh Đoàn từ Huế vào chia làm hai cánh đồng loạt tấn công. Corgnet được tham gia chiến dịch này.

Nóng. Nóng như lửa. Không khí quánh lại. Hai lá phổi thắt lại. Tiền pháo hậu xung. Bộ binh Pháp tràn lên. Một số bị rơi xuống bẫy chông. Việt Minh từ các hào chống pháo, chống tăng vọt lên như thiên la địa võng, vận động linh hoạt. Cả hai cánh của quân Pháp đều bị chặn đánh dữ dội. ở cự li gần, pháo tăng bị vô hiệu hoá. Gần trưa, lính Phi vẫn xông xáo nhưng lính Âu há miệng như cá mắc cạn. Không phải nắng mà là lửa, thứ lửa mỏng mịn vàng óng của miền nam Trung phần hừng hực phả vào quân Pháp. Già nửa trung đội còn lại của Corgnet truy kích một nhóm năm Việt Minh. Muốn kết thúc nhanh, quân Pháp xả đạn không thương tiếc. Bên Việt Minh thoắt ẩn thoắt hiện và bắn cắc bụp nhưng chính xác lạ lùng. Lại chông. Rồi mìn Việt Minh, một thứ mìn tự tạo bằng cách trộn mảnh thuỷ tinh, sắt vụn trong chai mống đậy kín có hạt nổ. Chỉ sau nửa giờ, lạ thay, hơn nửa trung đội Pháp chỉ còn Corgnet. Phía Việt Minh cũng chỉ còn một nguời lao về phía một khu vực cây cối rậm rịt. Bản năng tự vệ giục Corgnet đuổi theo. Một lúc, Corgnet nhận ra đối phương hết đạn. Và kìa, bóng anh ta bên một mô đất. Đoàng, người lính Việt Minh ngã xuống. Corgnet lao tới. Khuôn mặt khá thanh tú và hàng lông mày rậm, đôi mắt nheo nheo. Chúa ơi, không thể nhầm được. Hai bên nói mấy câu bằng tiếng Pháp. Tiếng của người lính Việt Minh rất khó nghe vì máu đã trào lên cổ họng. Mấy câu cuối cùng, trong âm thanh khò khè, nghe như tiếng một cuộn băng ghi âm bị dập: “Nói tiếng Pháp ả? ừ, tôi học dang dở thành chung… Phải cầm súng chống xâm lăng… Nếu là ông, tôi cũng sẽ truy kích. Chiến tranh mà, biết sao được… Nhưng các ông sẽ sớm thua thôi”. Đầu người lính Việt Minh ngật sang một bên.

Corgnet bắn lên trời mấy phát đạn cuối cùng. Anh gào lên giữa sa mạc. Trời mùa hạ nhiệt đới xanh thẳm. Nắng giữa trưa đã quánh lại. Tiếng gào gắt, và cô độc. Và bất lực. Tiếng kêu rên hối hận tột cùng của kẻ đã nhỡ tay giết ân nhân lớn nhất của đời mình. Corgnet xốc thi thể người chiến sĩ Việt Minh đi vô định. Không một tia gió. Khi mồ hôi đốt cay xè hai mắt, Corgnet dừng lại. Chờ mắt dịu đi, anh mở ra. Trước mắt anh là một cái bàu nước đẹp như tranh vẽ. Một bàu nước xanh biếc giữa sa mạc. Ven bàu toàn sen. Những con chim nhiệt đới mà Corgnet không biết tên kêu chao chát. Corgnet khom người đào mộ bằng tay. Bằng tất cả chút sức lực còn lại. Nước mắt ròng ròng. Hạ huyệt người ân nhân xong, Corgnet quăng khẩu Carbine. Anh quay lại, đi về phía sa mạc. Không thấy đồng đội. Không bóng Việt Minh. Chỉ có nắng, cát và sự trống rỗng tuyệt đối trong Corgnet.

Những năm về sau, Corgnet vẫn đi hành quân. Đạn ăn lên, tên ăn xuống. Corgnet cứ chĩa súng lên trời kéo cò. Lạ, đạn của Việt Minh hình như cũng “chừa” anh. Anh cũng không có gan đào ngũ. Tin thất trận của quân Pháp tới tấp đưa về. Sau này, đọc thư của Dirar, Corgnet mới biết mấy chữ “la sale guerre” (cuộc chiến bẩn tưởi) bắt đầu lan từ toà nhà Quốc hội Pháp ra ngoài đường phố. Rất lâu về sau, đọc công trình của Bernard B. Fall, một nhà Đông Dương học và là nhà thực dân chủ nghĩa cực đoan, Corgnet mới vỡ lẽ: “Trận đánh long trời lở đất ở lòng chảo Điện Biên Phủ đã kết thúc. Gần 10.000 binh sĩ Pháp bị bắt sống và được đưa đến các trại tù của Việt Minh cách đó 300 dặm về phía đông; khoảng 2.000 binh sĩ bỏ xác trên chiến trường. Với thất bại trên của Pháp, cách Điện Biên Phủ tám ngàn dặm, tại Geneva, đoàn đại biểu Việt Nam và Trung Quốc tham dự hội nghị chín nước giải quyết vấn đề Triều Tiên và Đông Dương đã nâng cốc chúc mừng sự kiện trọng đại này bằng rượu sâm banh của… Trung Quốc”.

Đội quân của Corgnet được lệnh triệt thoái. Từ Bình Thuận, họ kéo về Bà Rịa, Vũng Tàu. Thua ở Đông Dương, chủ nghĩa thực dân Pháp già nua quyết hốt canh bạc chót ở Bắc Phi. Corgnet được điều chuyển qua Algérie. Với anh, đó vẫn là những ngày dài hành quân chĩa súng lên trời kéo cò. Mấy năm sau, chủ nghĩa thực dân cũ cáo chung. Trong đám tàn binh kéo về Pháp, người ta không thấy binh sĩ Corgnet.

ít lâu sau, tại môt cảng cá hẻo lánh, người ta thấy một người da trắng làm nghề cửu vạn, ăn bờ ngủ bụi ngay tại một ngôi chợ. Lúc đầu, ai cũng thấy lạ. Đất nước này chỉ có một phần trăm người da trắng mà toàn là những người giàu có. Nhưng về sau, thói hiếu kỳ cũng lắng dần. Không ai để ý đến người da trắng đó nữa.

Một ngày nọ, người cửu vạn da trắng biến mất khỏi cảng cá.

Trong quyển chi chép số 3 của Corgnet, loại sổ rẻ tiền đã bị khai tử ở Algérie, có đoạn: “Có lẽ mình bị hội chứng lãng quên. Cố quận Bordeaux ở nơi nao. Không nhớ nữa. Trong đầu mình chỉ có những hình ảnh của nhiệt đới An nam. Pháo nhả đạn. Thiết vận xa Pháp nguỵ trang cờ đỏ sao vàng. Những trận càn. Những cuộc xả súng. Những ngôi làng cháy. Lửa. Máu. Nhoáng nhoàng. Inh tai. Những tiếng kêu khóc. Đồi Bà Nài. Sợ đến vãi đái. Đoàng đoàng. Chiến khu sa mạc. Ân nhân ngã xuống. Tất cả, tất cả diễn ra, một cách mỉa mai, như một đại vũ kịch với chủ đề khai hoá và phúc âm hoá mà phông mỹ thuật tràn một màu đỏ. Màu của máu và bạo trị”.

Một hôm, người đàn ông da trắng tên là Corgnet bỗng phát hiện một ngọn đồi nhìn ra biển cả, cách cảng cá vài mươi cây số. Nó có ngôi tháp La Mã bị bỏ hoang. Quanh đó có những chòm cây dại. Chỉ thiếu cái lô cốt. Và ông bắt tay kiến tạo nó. Gần giống với đồi Bà Nài ở Việt Nam. Thỉnh thoảng ông đi làm thuê vài việc nhì nhằng, có lúc còn xin bố thí. Rồi chui vào cái hang để ghi ghi chép chép. Tuổi già ập đến với bệnh phì đại tuyến tuyền liệt. Dù vậy, trong những đêm sâu, mỗi khi nhớ về nhiệt đới An nam, một dòng nước đái tuôn ra thành vũng. Không phải vì sợ. Chiến tranh đã xa ngái. Ông đái vì một cơn rùng mình nhiệt đới. Rùng mình vì ân hận. Bởi ở An nam, ông đã bắn hạ người đã tha chết cho ông. ý nghĩ đó hoá thành khối u choán cả vùng trí nhớ về quê quán và người thân.

Từ nhiệt đới Algérie, ông già Corgnet khôn nguôi nỗi nhớ nhiệt đới An nam. Một ngọn đồi. Một bàu nước. Nắng nhiệt đới soi rõ cánh mũi thanh tú và đôi lông mày rậm, đôi mắt Á Đông dài. Một ngôi mộ đào vội.

Như một cơ duyên, ông lão Corgnet gặp thầy giáo Mallam. Câu chuyện của ông chủ yếu nói về Việt Nam, đất nước của một người bạn đang tu nghiệp tiến sĩ ngành giải tích. Và ông Corgnet đã trao Mallam 2 trong 4 quyển ghi chép nhờ chuyển cho anh bạn Việt Nam. Đó là Khánh, bạn tôi. Trước ngày về Algérie, Mallam hứa với Khánh sẽ tìm hiểu quyển số 1 và quyển số 4. Nhưng khi tôi liên hệ, Mallam bảo: Ông Corgnet đã biến mất. Cố vắt óc, Mallam nhớ mang máng quyển số 4 có chủ đề chung được tác giả chú bằng chữ in hoa: MỘT NHIỆT ĐỚI BUỒN

ĐNH
Nguồn: http://vanvn.net