Ký ức - Truyện Võ Lê Thục Nhàn
Người lớn say vì bia rượu, còn trẻ con say bởi côca
H.M
Cẩn thận! Tiếng kêu ấy vọng từ phía bên kia đường, ánh đèn pha sáng lóa lên, rồi tắt ngấm. Trời chi chít những sao. Ồn ào những tiếng lao xao, những thứ tiếng hỗn loạn ấy rồi cũng chùn xuống đến tĩnh lặng. Có ánh mắt nào hốt hoảng kịp nhìn vào nhau, những ánh mắt đáng thương...
***
“Ký ức” - thứ danh từ mỹ miều ấy thường được người ta trân trọng nhắc về những điều đã qua, về những kỷ niệm, về quá khứ. Nhưng, ờ thì nhưng, sao nhóc cứ mở to đôi mắt như hai hòn bi ve ấy nhìn tôi, ngơ ngác hỏi:
- Thế ký ức có đẹp không anh?
Nhóc bé nhỏ của tôi, “ký ức”có lúc đẹp, lúc không. “Ký ức” có lúc vui, lúc buồn. Nó là những gì đã qua trong cuộc đời. Và phút giây ta đang sống đây cũng sẽ là “ký ức” của ngày mai.
- Thế sao em không có “ký ức” hả anh? Ngày hôm qua, hôm kia. Và hôm kia nữa, sao em chẳng biết mình là ai? Sao em không có quá khứ?
Nếu tôi biết, nhóc ơi, tôi sẽ chẳng ngần ngại gì để trả lời ánh mắt khẩn khoản đến nao lòng của nhóc thôi. Nhưng may sao, lúc ấy, tôi chưa được biết nhiều như thế. Cũng như lúc nhóc hé mở đôi mắt kia, lạ lẫm nhìn xung quanh, lạ lẫm cất tiếng hỏi: “Đây là đâu?” Rồi lạ lẫm nhìn tôi như khẩn cầu. Nhóc đã từng quen tôi? Chúng ta từng gặp nhau? Tôi, thậm chí, chỉ đứng lại tò mò nhìn nhóc như một thứ hiếu kì, để rồi, lại “lượm” về một đứa em gái rơi... Để rồi, lòng tôi lại thêm chút ánh sáng để bước đi...
***
Nhà con bé nằm trong một xóm nhỏ. Cái xóm của lam lũ và nghèo nàn. Cái xóm của những con người ngày đêm lăn lộn với cái ăn, cái mặc trong dòng đời bươn bả mưu sinh. Đầu cái xóm nghèo nàn ấy, nổi bật lên, ngôi nhà ngói cao tầng nằm chễm chệ đến lạc lõng giữa những mái nhà lụp xụp. Nghe đâu, đấy là nhà một quan to nào xây để con trai làm chỗ “trú chân” cho những cuộc chơi. Cuối xóm, là nhà nó. Ngôi nhà được dựng lên giữa hai bức tường của hai ngôi nhà chung quanh, lắp thêm miếng tôn làm mái, bên trong có chiếc giường gỗ mục, một bàn thờ, và chiếc bàn nhỏ - đó là nhà của con bé.
Nó lớn lên, không có cha. Mẹ nó bảo, cha đã đến một nơi rất xa, nếu nó ngoan, cha sẽ trở về. Và con bé ấy, bằng trí tưởng tượng của trẻ con đến ngô nghê của mình, đợi chờ một người cha hiền từ và nhân hậu trở về vào một ngày không xa. Nỗi mong chờ ấy, rồi cũng dần lắng xuống theo tháng năm nó lầm lũi lớn lên bên xóm nhỏ nghèo nàn, bên tuổi 16 đã thôi cho nó những giấc mơ trẻ con, thôi cho nó hy vọng... Nhưng, (trên đời này con bé ghét nhất chữ nhưng ấy) nó chả bao giờ có thể ngờ được rằng, người cha tuyệt vời trong mỗi giấc mơ của nó, lại trở về, sự trở về, đáng lẽ nên vui mừng?
Người ta nhìn nó mỗi khi nó ra ngoài, người ta xầm xì, khinh khi nó bởi vì, cha nó là một tù nhân. Không hiền từ với bàn tay thô ráp mà ấm áp như lời mẹ, không cao lớn, vạm vỡ mà nhân hậu như trong tưởng tượng, cha nó - vừa mãn hạn tù trở về, cha nó - đã-từng-là-tội-phạm.
***
Ông chủ tịch có giọng nói ồm ồm và thân hình bệ vệ đến cục mịch. Ông có hẳn vài tòa biệt thự cất quanh thành phố và mấy chiếc xe con đưa đi đón về. Cái gì ông cũng có đầy, duy chỉ có độc một mụn con trai. Hẳn nhiên, cậu quý tử ấy đương là hàng hiếm của ông rồi. Và ông nâng niu cậu con trai, với tất cả những gì mình có. Thật ra thì nhà cậu cũng mới “phất” lên đây thôi. Cái hồi mẹ cậu còn sống, nhà cửa gia cảnh cũng chả khá giả bao nhiêu. Hồi ấy, mẹ cậu mắc bệnh nặng lắm, nhà không đủ tiền thuốc thang, nên cuối cùng, chỉ còn hai cha con... Thế mà bẵng đi vài năm, cha cậu đã “làm ăn” phát đạt nhanh đến chóng mặt. Những đồng tiền được vung vào những cuộc chơi thâu đêm. Cậu nhanh chóng trở thành “công tử” ăn chơi trác táng. Thôi không còn là cậu bé nghịch ngợm đáng yêu, thôi không còn là một thằng-con-nhà-nghèo. Cậu “chơi” cho hả những tháng ngày khó nhọc và nỗi đau mất mẹ. Cha cậu từ dạo nào đã thôi không la mắng, trách cứ cậu. Ông đã quá bận rộn bên những hợp đồng và mối quan hệ ngoại giao của mình. Tháng ngày phù du “vui vẻ” của cậu cứ trôi qua trong nỗi chán đời.
***
Người ta bảo, trẻ con khóc chán rồi ngủ say. Nhóc cũng đang nhẹ nhàng mơ ngủ đấy. Khóe mắt còn ngấn giọt nước mắt chưa kịp khô. Mười sáu tuổi, chừng ấy có còn được gọi là trẻ con? Mười sáu tuổi, nhưng trí óc trắng trơn như đứa trẻ mới sinh. Mười sáu tuổi, nhóc nằm im trên chiếc giường trắng toát thiêm thiếp ru những giấc mơ. Dải băng trắng buộc ngang đầu che vết mổ chưa kịp lành. Gương mặt trẻ con trôi dạt trong hơi thở nhẹ nhàng. Không biết giấc mơ nào đem “ký ức” về cho nhóc được đây?
***
“Này, biết gì không, ba của nó là tội phạm đấy!”. “Hả? Thật không? Ba nó đi tù à?”. “Ừ! Nghe nói mới ra tù tuần trước đấy. Con của tội phạm chắc bụng dạ cũng chẳng lương thiện chi đâu”. Con bé nghe đau nhói trong lồng ngực, những lời nói khó nghe đó cứ bám theo, ám ảnh nó, khiến nó đau khổ. Nó là con một tội phạm. Mọi người dị nghị, xa lánh như sợ hãi khinh bỉ nó, chỉ vì, cha nó đã từng đi tù. Nó ghét cha: ghét người đàn ông đó. Phút chốc trở về, ông đã làm sụp đổ bao hình tượng đẹp đẽ của cha bấy lâu, thay vào đó, một người trần trụi xấu xa đến đáng sợ.
- Con ghét ông ta, con ghét người đàn ông đó, ông ta không phải cha con! Con bé hét lên.
- Đồ hỗn xược! Mẹ nó tát thẳng vào mặt nó. Ánh mắt bà giận dữ đến đáng sợ. Đó là lần đầu tiên mẹ đánh nó.
Con bé lao ra khỏi nhà, giọt nước mắt chua xót rơi trên đôi mắt trẻ con chưa kịp lớn.
***
“Công tử” đã chán những cuộc chơi của mình. Cậu muốn tìm đến những trò chơi mới, thú vị, hấp dẫn hơn, tất nhiên, cậu chẳng tiếc gì mấy đồng tiền vung vãi trong đó cả.
- A lô, có trò gì mới không mày, tao đang chán!
- OK. Đợi tí, chúng ta chơi trò mới, sẽ vui thôi.
Những xe con “hàng hiệu” lập tức được triệu tập đến chỗ hẹn. Toàn những “công tử”, “tiểu thư” con nhà quý tộc.
- Ê, đua đi tụi mày. Xem đứa nào đến vũ trường TĐ trước!
- Oh! Ý hay đấy. Thử cảm giác mạnh xem nào.
Và những chiếc xe phóng vội đi, trên dòng đường, tất nhiên, có chàng “công tử” quý hóa của chúng ta... Cậu vừa bước qua tuổi 18.
***
- “Ký ức” của anh có đẹp không? - Trẻ con thường hay hỏi những câu hỏi mà người lớn thật khó để trả lời. Tôi không biết “ký ức” mình có đẹp hay không nữa. Đối với nhiều người, một cuộc sống đủ đầy dư giả như tôi có thể gọi là hạnh phúc, còn đối với tôi,“ký ức”bao giờ cũng buồn và thăm thẳm xa. Thế thì nhóc ơi, mất đi ký ức, có khi, cũng tốt đấy chứ. Người ta có thể quên hết những đau khổ mình trải qua đi, có thể không cần phải suy nghĩ đắn đo gì nữa, có thể đối với tôi biết đâu, mất đi quá khứ lại tốt hơn...
- Cha mẹ chúng ta đâu hả anh? - Cha mẹ của nhóc? Hay của tôi? Nếu là cha mẹ nhóc, thì giờ, họ đang vất vả tìm nhóc nơi đâu đấy. Họ đang khóc lóc hỏi thăm đứa con gái bé bỏng của mình đang ở nơi đâu đấy. Còn nếu là cha tôi, giờ, ông đang ở thành phố xa xôi nào, trong một hội nghị quan trọng nào đó, mà quên mất cái thằng con này rồi.
***
Cha mẹ con bé tất tả chạy khắp nơi tìm con. Người mẹ đau đớn nhận ra mình đã quá tay trong cơn nóng giận, người cha tự oán trách mình đã trở về không đúng lúc. Ông chủ tịch bỏ cuộc họp quan trọng đáp chuyến bay hoảng hốt về khi nghe tin con mất tích. Ông nhận ra mình đã quên không làm tròn bổn phận làm cha bấy lâu. Cuộc hội ngộ bất ngờ nơi bệnh viện, có lẽ, là màn kết có hậu cho câu chuyện buồn...
Bác sĩ cho tôi biết rằng, đứa trẻ bị tôi đâm vào chính là nhóc, người khiến nhóc mất đi trí nhớ chính là tôi, bánh xe oan nghiệt đã đâm thẳng vào nhóc chính là cuộc đua xe quên đời của tôi. Cha mẹ nhóc đến đưa nhóc về nhà đấy kia. Tôi nói đâu có sai mà. Những con người yêu thương nhóc bằng tất cả cuộc sống ấy đã tất tả tìm nhóc đấy thôi. Họ sẽ đem đến một ký ức mới cho nhóc. Nhóc đừng nhìn tôi bằng đôi mắt ấy, đôi mắt trong veo soi cả vào tâm hồn tội nghiệp của tôi. Một tuần làm anh nhóc là đủ. Đủ để tôi nhận ra cuộc sống còn những điều tôi phải sống. Nhưng thôi, tôi không cần nhóc quan tâm đâu, nhóc cứ về với cha mẹ của mình. Hãy cứ để tôi là “ký ức” đẹp của nhóc đi. Cho dù, tôi không xứng đáng. Người lớn như tôi không cần nhóc phải lo lắng đâu, không cần ai đâu, vì đã lâu rồi, tôi chỉ có một mình... một mình thôi mà...
***
Ông chủ tịch hối hả chạy vào bệnh viện, ông mừng rỡ khi nhìn thấy con trai không bị thương gì nghiêm trọng. Ông ôm lấy cậu, miệng lắp bắp xin lỗi con, giọt nước mắt mặn chát rơi trên khuôn mặt lấm những mưu sinh cuộc đời.
***
Có lẽ người lớn cũng có lúc sai nhóc ạ. Có lẽ tôi, vẫn chưa kịp lớn đâu nhóc. Có lẽ, tôi cũng đã nhầm... Ít ra, trên thế giới này, tôi không một mình nữa đâu nhóc...
VLTN
Rút từ tập: Chong chóng gió