Khói lam chiều - Mai Diễn

09.04.2017

Khói lam chiều -  Mai Diễn

Khói lam chiều -  Mai Diễn

Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê mà xưa là những cánh đồng lúa ngút ngàn. Giờ đây, vẫn những cánh đồng lúa, vẫn khói lam chiều bị gió thổi tạt ngang vào mắt cay cay, lòng tôi lại man mác pha chút tiếc nuối mùi hăng hắc của khói lam chiều.

Nhớ những buổi chiều tà, lũ con trai thường tụ họp chơi đánh trận giả, rồi vật nhau ngã lăn mấy vòng trên triền đê mượt cỏ. Đám con gái thì thư thả nằm trên cỏ nhìn những đám mây đang lang thang trôi trên bầu trời cao lộng gió, căng lồng ngực mà hít hà cái mùi nồng nồng của đất, mùi của hương lúa và mùi của khói lam chiều quyện vào nhau, cảm xúc đó thật đến khó tả! Từng vòng, từng mảng khói xuyên qua mái nhà tranh là là tản ra rồi biến mất. Mùi thơm của cơm mới tỏa ra ngào ngạt. Làng quê và tuổi thơ rất đỗi yên bình!

Đó là ngày mùa, mùa gặt. Ngày mùa trước đây, lũ trẻ chúng tôi thường theo chân người lớn ra đồng. Đứa còn nhỏ tuổi chưa giúp được gì thì chạy nhảy bắt châu chấu, muồm muỗm. Những đứa trẻ lớn hơn, hoặc giúp thu gom lúa, hoặc đi mót lúa sót trên các góc rạ mới gặt. Đám trâu, bò nhẩn nha gặm cỏ trên bờ chờ xe chất đầy lúa để chở về. Điều thú vị nhất của lũ trẻ là được leo lên xe ba gác (xe cải tiến, xe bò) ngồi theo ra đồng và bám đuôi xe chất đầy lúa về nhà.

Chiều chiều, khi mặt trời lẳng lặng khuất dần sau ngọn tre, lúc lũ gà cục ta cục tác gọi nhau trở về chuồng... ấy là lúc nhà nhà đỏ lửa thổi cơm tối. Bếp được nhóm bằng rơm, bằng rạ, lép bép nung cháy những cành củi khô đang gập lưng, cong mình hiến dâng từng ngọn lửa rực hồng. Những làn khói trắng bốc lên rồi vẩn vơ vương lại từng chùm treo trên những rặng tre. Khói nhà này tan theo khói nhà khác, cứ thế lan ra cả làng quê. Xa xa trông thấy khói lam chiều uốn lượn trên những ngọn cây, ôm lấy làng xóm như một dòng sông bạc trắng hiền hòa trôi giữa chiều tím hoàng hôn. Nhìn thấy khói lam chiều, người dân quê đang mải làm ruộng ngoài đồng xa biết rằng trời đã tối. Chẳng ai bảo ai, mọi nguời lục tục kéo về sum họp gia đình sau một ngày làm lụng vất vả.

Trên con đường làng, thấp các lão nông chậm rãi dẫn trâu về chuồng. Trước cổng nhà đã nhận được mùi thơm của cơm mới với vị mặn bùi của nồi cá kho và hương vị ngọt ngào của nồi canh rau tạp. Tối đến, dưới ánh trăng đang lên, trên cái chõng tre, vợ chồng cùng bầy con nhỏ xúm xít bên mâm cơm đầm ấm. Trong bữa cơm chiều của vùng quê, chỉ có tiếng cười trẻ thơ, lời trò chuyện nhỏ nhẹ về mùa màng của các cặp vợ chồng. Cuộc sống tuy nghèo, đơn sơ nhưng chứa chan tình yêu thương và ngập tràn hạnh phúc.

Chẳng biết tự bao giờ khói lam chiều - vị khói rơm nồng nồng khét khét như in hằn, ăn sâu vào tiềm thức của tôi. Chỉ biết rằng, những sợi khói ấy là chan chứa biết bao tình cảm, là linh hồn của làng quê nơi tôi sinh sống. Làng tôi, nguời dân chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, quanh năm suốt tháng với cái cày, cái cuốc, vất vả là vậy nhưng ai ai cũng luôn luôn lạc quan, yêu đời. Tôi lấy làm tự hào khi sống trong tình làng, nghĩa xóm với những tình cảm chân chất, mộc mạc ấy. Bao người con của quê tôi đã rứt ruột ra đi làm ăn ở những phương trời xa nhưng mỗi dịp tết đến hoặc hội làng là họ lại trở về tụ họp với gia đình, xóm làng. Lớn lên tôi mới hiểu được những lời dạy của bà: này cháu có học cao, đi xa thì cũng đừng bao giờ quên quê hương, quên nguồn cội gốc rễ của mình ở đây nhé”. Dù bà đã đi rất xa nhưng lời của bà vẫn văng vẳng bên tai mỗi khi tôi tìm về miền ký ức.

Có lẽ, trẻ con thành phố bây giờ (thậm chí cả nông thôn nữa) ít đứa biết đến khói lam chiều. Những bữa cơm nơi thành thị chủ yếu đuợc nấu bằng bếp ga, bếp điện... thật hiếm có nhà nào nấu bằng củi. Đun nấu bằng rơm, bằng rạ hay bằng những lá khô lại càng hiếm hơn. Còn ở nông thôn, khi đời sống của người dân khá giả, những ngôi nhà gạch khang trang mọc lên thay thế những ngôi nhà tranh. Nhà đẹp nên chẳng mấy người còn nấu bếp rơm, bếp củi. Và để tránh cho xoong nồi bị nhọ đen nhẻm thì người ta cũng dùng bếp ga, bếp điện. Vì thế, mà trẻ bây giờ chỉ biết đến những ngọn lửa vô hồn màu xanh rờn, không có khói và dường như chẳng chút mảy may rung động trước làn khói lam chiều phất phơ trong nắng chiều nhàn nhạt.

Khói lam chiều không phải là thứ khói từ bếp than đá, than tổ ong hay bếp dầu. Khói không vội vàng như đốt một đống củi to, mà ung dung, nhàn tản. Ban đầu, khói lan nhè nhẹ, khói lửng lơ ngang những bụi tre. Để tạo thành khói lam chiều nhất thiết thứ khói đó phải được đốt lên từ ngọn rơm, gốc rạ hay cành cây, ngọn cỏ mà người dân tận dụng.

Nói đến khói lam chiều là người ta liên tưởng đến nỗi buồn ảm đạm, đặc biệt là những kẻ tha hương. Khi xa quê, bất chợt nhìn thấy làn khói mỏng trong chiều hoàng hôn không ai không khỏi bâng khuâng với những kỷ niệm của thời thơ ấu. Bởi, khói lam chiều bắt nguồn từ những thứ thân thuộc nhất với làng quê, còn những thứ xa vời thì chẳng thể nào mà bịn rịn.

Chiều tà bao giờ cũng vậy, những cánh diều no gió cứ bay ngạo nghễ giữa bầu trời cao tít. Những cánh diều tuổi thơ cứ thế bay cao, bay xa. Có một điều mà tôi chiêm nghiệm sau bao năm tháng sống với quê hương, đó là dù cánh diều kia có xấu có đẹp, có bay gần bay xa, dù tiếng sáo có trong trẻo hay gợn đục...thì tất cả đều có một điểm chung là được nối bởi một sợi dây duy nhất, đó là sợi dây vô hình nối với quê hương, nối với cội nguồn. Khói lam chiều cũng giống cánh diều kia. Thật đáng quý biết bao.

Những ngày cuối thu, bắt đầu se lạnh với gió mùa về xen qua những cánh đồng và đưa khói về phố. Khói đem mùi vị của đồng áng vào từng ngõ ngách, lách vào từng ký ức, từng kỷ niệm và vị của bếp rơm, vị của nồng ấm ùa về... Giờ dù có xa quê và màu thời gian có phai thì mùi lúa chín, mùi rơm rạ, mùi của khói lam chiều, của mùa gặt vẫn không hề phai nhạt trong tâm hồn và ký ức tuổi thơ tôi.

 

M.D