Khai thác tiềm năng du lịch quận Liên Chiểu thành phố Đà Nẵng - Huỳnh Thạch Hà
Liên Chiểu là một quận của thành phố Đà Nẵng được thành lập theo Nghị định số 07/CP ngày 23.1.1997 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Toàn quận hiện có 5 phường gồm: Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam, Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam và Hòa Minh. Phía đông giáp quận Thanh Khê, phía tây giáp huyện Hòa Vang, phía nam giáp quận Cẩm Lệ (thành phố Đà Nẵng), phía bắc giáp huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế). Diện tích toàn quận là 7.912,70 ha, dân số 147.472 người.1Quận nằm trên trục giao thông Bắc - Nam, với Quốc lộ 1A đi qua, là cửa ngõ hướng ra biển Đông, có hệ thống sông nối liền vùng núi ở phía tây, đổ ra biển ở phía đông.
Bên cạnh đó, Liên Chiểu lại nằm gần cảng biển, sân bay quốc tế, bến xe, nhà ga đường sắt,… là điều kiện thuận lợi trong việc giao thông bằng đường thủy, đường bộ, đường sắt, đường không,… nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của quận.
Nhiều nguồn sử liệu hiện tồn cho biết, trước đây, vùng đất Liên Chiểu là nơi sinh tụ của cư dân Champa. Đến thế kỷ XV, những cư dân người Việt trong cuộc hành trình Nam tiến vào đây định cư, họ đã lập nên các ngôi làng nằm ở dọc ven sông, ven biển mà hiện nay vẫn còn như: Xuân Dương, Đà Sơn, Nam Ô,… Theo thời gian, họ từng bước ổn định và phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của mình. Đến nay, Liên Chiểu là một trong những địa phương có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và lịch sử hình thành, phát triển lâu đời, điều đó đã tạo cho quận Liên Chiểu có những tiềm năng để phát triển, nhất là du lịch.
Tiềm năng và thế mạnh về du lịch của quận Liên Chiểu
Tiềm năng du lịch thiên nhiên
Du lịch núi: Vùng đồi núi của quận Liên Chiểu phân bố chủ yếu ở phường Hòa Hiệp Bắc; Đà Sơn, Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam); Thanh Vinh, Đa Phước (phường Hòa Khánh Bắc); Phước Lý (phường Hòa Minh). Đất rừng của quận là 3.245,91 ha, chiếm 39,07% đất toàn quận. Rừng tự nhiên chủ yếu là rừng đặc dụng Hải Vân, phong phú về tài nguyên động thực vật. Đặc biệt núi Hải Vân được thiên nhiên ban tặng cho cảnh quan hùng vĩ vốn được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” (Cửa ải hùng vĩ nhất thiên hạ), bên là rừng bạt ngàn, bên là biển xanh hun hút, lại có con đường đèo quanh co, uốn lượn dài khoảng 20 km. Vào cuối thế kỷ XV, vua Lê Thánh Tông trong một lần ngự giá thân chinh đem quân chinh phạt Chiêm Thành (khoảng trung tuần tháng 3 năm 1471), ông đã miêu tả cảnh đẹp của Hải Vân qua bài thơ Hải Vân hải môn lữ thứ (Nghỉ lại ở cửa biển Hải Vân).
Thích Đại Sán, một Thiền sư Trung Hoa, trụ trì chùa Trường Thọ (Quảng Châu), được chúa Nguyễn Phúc Chu mời sang Thuận Hóa hoằng dương đạo pháp năm 1695, khi qua Hải Vân đã miêu tả: “Quá trưa, lên đèo, đường đá gập ghềnh rất khó đi, hai bên đường toàn bụi rậm, dây leo chằng chịt. Càng lên cao, phía trên, hai hàng cây cao vút chừng vài mươi trượng, không có cành phụ cong queo. Mỗi cây đều bắt rễ trong rừng sâu, phải vượt lên cao để cướp hứng sương mốc. Quay nhìn xuống biển, thấy thuyền cá nghìn buồm đứng chong. Vì đứng cao nhìn xuống, nên trông thấy hình như mọi thuyền đứng yên. Cũng như ngửa trông lên trời, chẳng thấy các hành tinh vận hành vậy. Trông lên đỉnh núi che khuất trong mây, chỉ thấy một dòng suối từ trên cao chảy xuống trắng toát như cây lụa”.2
Đại Nam nhất thống chí, bộ sách dư địa chí về địa lý, lịch sử Việt Nam được viết bằng chữ Hán do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn dưới triều Tự Đức (1848 - 1883) cũng đã miêu tả: “Núi Hải Vân: Ở cách huyện Hòa Vang 38 dặm về phía bắc, mạch này từ các núi Đại Tu Nông, núi Tiểu Tu Nông, núi Tía và núi Kền Kền ở biên giới Ai Lao về phía tây, từng đợt kéo đến, ngọn núi trùng điệp cao vót từng mây thẳng đến sát biển. Trên núi có cửa Hải Vân, là chỗ tiếp giáp giữa Thừa Thiên và Quảng Nam (về phía bắc cửa quan ải thì xem Thừa Thiên phủ chí), phía nam thuộc địa phận huyện Hòa Vang. Trước cửa quan chừng vài ba trượng, núi đá dựng đứng rất là hiểm dốc. Trước kia họ Trịnh đắp lũy để chống Tây Sơn, nên gọi là Đỉnh Lũy. Phía nam chân núi là núi Thông Sơn, tục gọi là hình hành, năm Minh Mệnh thứ 4 cho tên là núi Định Hải, có xây pháo đài ở đây”.3
Ngày nay, du khách trong nước và quốc tế mỗi khi có dịp qua đèo Hải Vân đều dừng chân trên đỉnh đèo, nơi có chiếc cổng lớn hình vòm, xây bằng gạch, khắc ba chữ Hán: Hải Vân Quan. Đây là nơi lý tưởng để ngắm cảnh sắc núi, trời và biển cả trong cuộc hành trình xuyên Việt, là cửa ngõ của tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng trong tuyến du lịch “Con đường di sản miền Trung”.
Có thể nói, Hải Vân Quan là điểm du lịch hấp dẫn không thể thiếu trong các tour du lịch của các đơn vị lữ hành. Lượng khách du lịch tham quan đèo Hải Vân hàng năm ngày càng tăng, chủ yếu là khách quốc tế, mỗi ngày có thể lên tới hàng ngàn khách, thông qua các loại hình du lịch đường biển, đường hàng không và đường bộ, khách du lịch tới đây tham quan, chụp ảnh, mua đồ lưu niệm.
Không chỉ có núi Hải Vân là thắng cảnh được thiên nhiên ban tặng mà vùng đất Liên Chiểu còn chứa đựng trong mình những ngọn núi khác cũng không kém phần hấp dẫn, thu hút du khách mỗi khi có dịp ghé thăm. Về phía đông bắc của quận có núi Hoa Ổ, người ta còn gọi là Suối Đá, núi Cu Đê. Đại Nam nhất thống chí cũng chép rằng: “Núi Cu Đê: ở cách huyện Hòa Vang 29 dặm về phía tây nam, lại có tên là núi Hoa Ổ (tục gọi động Suối Đá), núi nhiều ve ve, người địa phương bắt nấu ăn, vị rất ngon; mùa thu mùa đông cầu vồng hiện ở phía nam núi, người ta lấy đấy mà chiêm nghiệm mưa lụt. Núi thấp nhỏ, gỗ tạp mọc um”.4 Phong cảnh núi Cu Đê cũng rất đẹp soi bóng xuống dòng sông Cu Đê, du khách đi thuyền đến nơi đây có thể hòa mình vào phong cảnh sông núi thơ mộng…
Du lịch sông: Sông Cu Đê(còn có tên là sông Trường Định) bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn, gồm hai chi lưu là sông Bắc và sông Nam. Khi chảy đến Cầu Sập, thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) thì hai chi lưu này hợp lưu với nhau tạo thành sông Cu Đê. Từ đây, sông chảy theo hướng tây - đông, qua huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu, rồi đổ ra biển Đông tại cửa biển Nam Ô cách chân đèo Hải Vân khoảng 5 km. Xưa kia, cửa sông Cu Đê “ăn” đến chân của núi Xuân Dương và núi Ghềnh Nam Ô, chia cửa sông này thành hai dòng “hiền và dữ”. Đại Nam nhất thống chí cũng ghi: “Ở cách huyện Hòa Vang 8 dặm về phía bắc có hai nguồn: một từ ngọn núi Đại Giáo Lao thuộc phủ Thừa Thiên, chảy đến đổ vào vực ngã ba, đấy là đường nước phía tây bắc nguồn Cu Đê, một ngọn từ núi Trà Ngạn ở trong Man chảy đến, cũng đổ vào vực ngã ba, đấy là nguồn nước phía tây nam nguồn Cu Đê; hai ngọn hợp lưu ở vực ngã ba, chảy qua xã Cu Đê, đến đây có nước sông Hoa Ổ chảy vào làm sông Cu Đê, đổ ra cửa biển Cu Đê”.5 Núi sông hòa hợp gắn liền với nhau tạo nên cảnh sắc độc đáo, là nguồn tài nguyên để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái.
Du lịch biểnL: Liên Chiểu có bờ biển dài khoảng 26 km, có nhiều bãi tắm đẹp như Xuân Thiều, Nam Ô, Bắc Ninh. Những chỗ núi đá ăn sâu ra biển tạo thành những ghềnh đá tuyệt đẹp như ghềnh đá Nam Ô là nguồn tài nguyên cho du lịch biển. Bãi tắm Xuân Thiều sạch, đẹp và còn hoang sơ, cát trắng mịn, nước biển lúc nào cũng xanh biếc. Trước đây, bãi tắm này được binh lính Mỹ gọi là “Red Beach” (tức Biển Đỏ).6 Năm 1992, khu du lịch Xuân Thiều được thành lập với hệ thống dịch vụ đa dạng như: khách sạn, nhà hàng, một số dịch vụ vui chơi giải trí, phục vụ tắm biển…
Cách đó khoảng 3 km là bãi tắm Nam Ô ở cạnh chân núi, với ghềnh đá ăn sâu ra biển tạo thành những mô đá rất đẹp. Khi đến đây, du khách có thể vừa được tắm mình trong làn nước xanh biếc, vừa có thể ngắm nhìn bán đảo Sơn Trà và thành phố Đà Nẵng từ xa. Từ bãi tắm Nam Ô, du khách có thể dùng thuyền ngược về hướng tây theo dòng sông Cu Đê, thực hiện một tour du lịch sinh thái, thăm làng đồng bào dân tộc Katu ở xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), được thưởng thức những món ăn dân dã được chế biến từ các loài thủy sản đánh bắt trên sông Cu Đê.
Hiện nay, tuyến đường du lịch ven biển dài 15 km từ cầu Thuận Phước đến chân đèo Hải Vân đi ngang qua bãi biển Xuân Thiều và bãi biển Nam Ô, là cơ hội thuận lợi để quận Liên Chiểu khai thác đúng mức tiềm năng của hai bãi biển này.
Với hệ thống núi, sông, biển hết sức phong phú, đa dạng, thêm vào đó, quận Liên Chiểu nằm trong chế độ khí hậu gió mùa mang tính đặc thù của khí hậu ven biển Nam Trung Bộ. Biên độ nhiệt dao động giữa ngày và đêm không lớn, chế độ ánh sáng, lượng mưa, độ ẩm phong phú. Nhiệt độ trung bình hằng năm là 250C, mùa đông nhiệt độ ít khi xuống dưới 120C. Nhiệt độ trung bình vào mùa hè là 280C - 300C, giờ nắng trung bình là 2.150 giờ/năm. Khí hậu mùa hè không quá nóng và mùa đông không quá lạnh, điều này rất thuận lợi trong việc phát triển du lịch nghỉ dưỡng.
Tiềm năng du lịch nhân văn
Các di tích lịch sử - văn hóa: Liên Chiểu là vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Trước thế kỷ XIV, vùng đất này là nơi cư trú của cư dân Champa. Năm 1306, vua Chăm là Chế Mân đã dâng hai châu Ô, Lý (Rí) làm sính lễ để cưới công chúa Huyền Trân thì vùng đất này thuộc về Đại Việt. Nguyễn Văn Mai trong Nam Việt sử lược cho biết: “Năm 1306, Anh Tông đưa công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm-thành là Chế-Mân. Chế-Mân dâng hai tỉnh Ô và Rí cho An-nam, sau cái gọi là Thuận-Châu và Hóa-Châu”.7
Từ thời nhà Trần, nhà Hồ, nhà Lê (thế kỷ XIV - thế kỷ XVIII), những cuộc di dân từ vùng đồng bằng Bắc Bộ vào vùng đất mới có lúc diễn ra liên tục, có lúc đứt đoạn do những nguyên nhân lịch sử. Đặc biệt là dưới thời các chúa Nguyễn, nhất là khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Quảng, ông đã đưa dân vào khai phá và phát triển vùng đất Đàng Trong ngày càng trở nên phồn thịnh hơn. Kỷ yếu làng Hòa Mỹ năm 2001 do Hội đồng chư phái tộc Hòa Mỹ xuất bản, cho biết: "Hòa mình cùng dòng người theo chân chúa Nguyễn trong cuộc Nam tiến, những cư dân từ Thanh Hóa, Nghệ An đã vào đây khai canh lập ấp".8
Trải qua nhiều thế kỷ khai hoang lập ấp, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân Liên Chiểu từng bước ổn định và phát triển, nhất là đời sống tinh thần cũng rất đa dạng và phong phú. Hầu như làng nào cũng có những đình làng riêng cho mình như đình làng Đà Sơn, Hòa Mỹ, Trung Nghĩa, Hòa Phú, Nam Ô, Xuân Dương, chùa chiền, nhà thờ tộc, lăng, miếu,... Một số ngôi đình đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa như: đình làng Xuân Dương, đình làng Đà Sơn, đình làng Trung Nghĩa, đình làng Hòa Mỹ. Ngoài ra còn có rất nhiều di tích chùa chiền như: chùa Xuân Thiều, chùa Đà Sơn; lăng miếu: miếu bà Liễu Hạnh, miếu Huyền Trân, miếu Bà Hàm Trung, miếu Tam Vị,…; lăng mộ: mộ công chúa Trần Thị Ngọc Lãng, mộ ông Phan Công Thiên, mộ Tiền hiền làng Nam Ô; di tích lịch sử cách mạng như: Kho xăng Liên Chiểu, Chiến thắng Đồn Nhất, Bia tưởng niệm kháng chiến Khu I (Hòa Hiệp Bắc);…
Ngoài những loại hình văn hóa truyền thống được họ mang theo từ quê hương cũ thì khi đến vùng đất này, họ cũng tiếp thu nhiều yếu tố văn hóa của người Chăm bản địa, tạo nên những nét văn hóa mới, độc đáo, điều đó thể hiện khá rõ qua ẩm thực, tín ngưỡng dân gian, qua những dấu tích của người Chăm còn sót lại như phế tích tháp Chăm (Xuân Dương), những chiếc giếng vuông (Nam Ô)…
Mặc dù hiện nay quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên địa bàn quận, nhiều ngôi làng cổ đã “thay da đổi thịt” cũng làm cho những giá trị văn hóa truyền thống ít nhiều bị biến đổi hoặc mai một. Tuy nhiên ở một số làng, những lễ hội truyền thống như lễ hội đình làng, lễ hội cầu ngư, lễ cúng miếu,... vẫn được người dân gìn giữ suốt bao đời qua, phần nào đã phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của cư dân nơi đây. Du khách nếu đến đây trong mùa lễ hội, sẽ được hòa mình vào không khí trang nghiêm và sôi động, để rồi trong ký ức của mỗi người khi bước chân ra đi, có thể sẽ lưu lại những dấu ấn khó quên về một vùng đất với đời sống văn hóa tinh thần hết sức phong phú.
Du lịch làng nghề: Do có đường bờ biển dài nên cư dân Liên Chiểu từ sớm đã biết đánh bắt, khai thác thủy hải sản. Bên cạnh việc đánh bắt và chế biến thủy hải sản, ở Liên Chiểu có làng nghề nước mắm Nam Ô rất nổi tiếng. Làng nghề sản xuất nước mắm Nam Ô nằm ven theo vịnh Kim Liên và vịnh Nam Chơn. Nghề làm nước mắm Nam Ô phát triển mạnh vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Nước mắm Nam Ô được chế biến theo phương thức cổ truyền của cư dân làng Nam Ô cộng với thổ nhưỡng nơi đây đã tạo nên một loại nước mắm thơm ngon hiếm có. Do đó, nếu như kết nối phát triển làng nghề sản xuất nước mắm Nam Ô với phát triển du lịch làng nghề thì đó sẽ là việc làm hết sức quan trọng, bởi gắn với du lịch thì sản phẩm làng nghề được sử dụng và quảng bá rộng rãi hơn; ngược lại, làng nghề cũng là một địa điểm tham quan, tìm hiểu và nghiên cứu của du khách.
Đến Nam Ô, du khách có thể hưởng thụ phong cảnh làng quê thanh bình và tham quan làng nghề nước mắm Nam Ô, đồng thời có thể chọn lựa nước mắm Nam Ô để làm quà biếu, tặng sau khi tới thăm vùng đất này.
Ẩm thực: Ngoài ra, khi đến thăm vùng đất Liên Chiểu, du khách sẽ được thưởng thức nét đặc sắc của văn hóa ẩm thực nơi đây như: gỏi cá Nam Ô, mứt (rong khô) biển Nam Ô và các loại thủy hải sản…
- Gỏi cá Nam Ô: là món cá sống được chế biến hết sức công phu, cẩn thận và tỉ mỉ gồm gỏi khô và gỏi ướt. Món gỏi cá này không chỉ ngon nhờ nguồn nguyên liệu mà còn nhờ vào cách chế biến khéo léo tinh túy. Gỏi cá Nam Ô có thể được chế biến từ cá mòi, cá tớp, cá cơm, nhưng cá trích là nguyên liệu để làm nên món gỏi có vị thơm ngon nhất. Cá để làm gỏi phải thật tươi, săn chắc, được cắt đầu, đuôi, lọc bỏ xương, lạn mỏng thành từng miếng nhỏ. Món gỏi ướt được chế biến bằng cách: cá vừa qua sơ chế, làm sạch được ép vừa phải chắt lấy nước dùng cho món gỏi; tiếp đó ướp gừng, riềng, tỏi băm nhuyễn vào cá sau đó ngâm trong hỗn hợp nước dùng được đun sôi hòa với nước mắm Nam Ô là thành món gỏi ướt. Còn muốn làm gỏi khô thì chỉ cần lăn những miếng cá đã được ướp gừng, riềng, tỏi băm nhuyễn qua bột thính (bột bắp khô) vàng rộm vừa thêm hương vị, vừa khử khuẩn hiệu quả. Chén nước chấm là hỗn hợp nước dùng đun sôi hòa với nước mắm Nam Ô cho thêm vào bột năng, ớt bột, vị tinh, thêm đậu phộng giã nhỏ là có chén nước chấm sền sệt như nước sốt để chấm.
Khi thưởng thức gỏi cá Nam Ô, người ăn còn cảm nhận thêm một hương vị mới lạ khác là hương vị rau rừng. Người dân Nam Ô không sử dụng món rau sống thông thường để dùng chung với gỏi mà họ hái những chiếc lá non còn đẫm sương đêm (được hái vào lúc sáng sớm) của cốc rừng, tim lan, lành ngạnh… dưới chân đèo Hải Vân về trộn với khế chua, chuối chát để dùng chung với món gỏi cá đặc biệt này.
Cuốn những miếng gỏi cá, cùng với rau sống vào chiếc bánh tráng lề, chấm với thứ nước chấm mặn mòi mà thơm ngon, thực khách sẽ cảm nhận được hương vị đặc biệt của gỏi cá Nam Ô.
- Mứt biển Nam Ô: là một loại rong biển ăn được, rong mứt porphyra, loài tảo đỏ này lúc còn non có màu hồng, lúc về già có màu đỏ thẫm tím. Tại Nam Ô, rong mứt sinh trưởng mạnh ở các ghềnh đá, mùa hái mứt biển hằng năm vào cuối thu đầu đông. Mứt biển không chỉ làm thức ăn mà còn làm thực phẩm “chức năng” có thể chữa bệnh. Ngoài thành phần chất đạm rất cao, mứt biển còn chứa rất nhiều khoáng chất, các yếu tố vi lượng và các loại vitamin. Do đó, dưới góc độ y học dinh dưỡng, mứt biển Nam Ô nói riêng và rong biển nói chung đúng là một thực phẩm “dưỡng sinh” tốt phối hợp trong điều trị nhiều bệnh mãn tính. Tại làng Nam Ô hiện có một xóm chài dường như chỉ toàn phụ nữ chuyên sống với nghề hái rong mứt, người dân Đà Nẵng vẫn quen gọi đây là “xóm Mứt”.
Ngoài ra, vùng đất Nam Ô còn nổi tiếng với những món ăn được chế biến từ cá đối như: cá đối kho dưa, cá đối hấp… Cá đối dường như có ở nhiều nơi, nhưng cá đối ở sông Cu Đê thì béo và ngon hơn cả. Nhiều người cho rằng, có lẽ do sông Cu Đê chảy giữa hai bên núi, cá ăn nhiều phù du nên béo và mềm hơn. Muốn nấu món cá đối ngon thì quan trọng nhất là chọn mua được cá đối còn sống, làm sạch, rửa cá nhiều lần rồi sau đó rửa lại với rượu gừng để loại bỏ mùi tanh của cá. Ướp cá với gia vị, dùng ít nghệ tươi giã nhỏ để món kho có hương thơm cũng như màu vàng đẹp mắt, cá đối có thể kho chung với dưa trái, dưa cải hoặc hấp chín rồi dùng với nước mắm Nam Ô thì có vị ngọt béo đậm đà khó quên.
Hoặc vào những ng hè, lúc trời thanh biển lặng, du khách có thể đi thuyền dạo chơi ven biển rồi dừng lại ở các mỏm đá ven ghềnh, nơi có hàu bám. Sau đó chọn những tảng đá có hàu bám nhiều, đợi khi thủy triều xuống khoảng nửa mét đến 1 mét thì dùng lau lách khô chất lên hòn đá có hàu bám rồi đốt lửa lên. Khi lau lách cháy sạch thì lúc đó hàu cũng được nấu chín, múc nước biển dội lên cho sạch tro rồi gỡ hàu ra ăn.
Có thể thấy, khi đến với vùng đất Liên Chiểu, du khách vừa được thưởng ngoạn phong cảnh, vừa được hòa mình vào trong làn nước biển yên bình, mát mẻ, vừa được đắm chìm vào không gian cổ xưa với các di tích lịch sử - văn hóa, làng nghề, các lễ hội dân gian của cư dân nơi đây, lại vừa được thưởng thức các món ăn đặc sản của vùng đất thì không gì thú vị hơn.
Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có để phát triển du lịch, trong những năm qua, lãnh đạo quận Liên Chiểu cùng với các tổ chức, cá nhân và nhân dân địa phương đã và đang khai thác một số địa điểm du lịch như bãi biển Xuân Thiều, bãi biển Nam Ô, khu du lịch Suối Lương, khu du lịch sinh thái Hải Vân Quan, các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội cầu ngư, đua thuyền… phần nào đã đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước, nâng cao đời sống và tạo việc làm cho nhân dân địa phương.
Hiện nay khu đô thị sinh thái Quan Nam - Thủy Tú có diện tích hơn 382 ha do Công ty cổ phần Trung Nam (thuộc Tập đoàn Trung Nam) làm chủ đầu tư tọa lạc tại phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) và xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang), với sự kết hợp hài hòa giữa cây xanh, ốc đảo, sông nước và kiến trúc đô thị được thiết kế rất hiện đại tạo nên không gian đa mục đích sử dụng hứa hẹn sẽ góp phần làm cho du lịch Liên Chiểu có bước phát triển mới.
Tuy nhiên, du lịch quận Liên Chiểu vẫn tồn tại nhiều hạn chế, cần sớm được khắc phục như:
- Tại các khu du lịch điều kiện cơ sở vật chất còn nghèo nàn, xuống cấp. Chẳng hạn khu di tích Hải Vân Quan đang xuống cấp trầm trọng, gạch đá ngổn ngang lối đi, hệ thống vệ sinh nước sạch, dịch vụ không có để phục vụ du khách (dịch vụ phục vụ khách ở đây chỉ có một số quán của người dân địa phương dựng tạm bợ, bán nước giải khát và một số mặt hàng đá mỹ nghệ), tình trạng chèo kéo, đeo bám khách vẫn đang diễn ra… Hoặc tại các di tích đình làng trên địa bàn quận, trong quá trình trùng tu, tôn tạo không còn giữ được dáng vẻ ban đầu; các ngôi miếu cổ như: miếu Ông Mốc, miếu Bà Hàm Trung… thì đã xuống cấp nhưng chưa được trùng tu.
- Hệ thống sông Cu Đê nối liền các điểm du lịch trong quận và nối tiếp với các điểm du lịch ở huyện Hòa Vang cho thấy loại hình du lịch đường sông là một loại hình du lịch có tiềm năng phát triển lớn ở quận Liên Chiểu. Tuy nhiên, hiện nay loại hình du lịch này vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Nguyên nhân chính là chưa có sự đầu tư, quy hoạch phát triển đối với loại hình du lịch này. Cho đến nay, trên địa bàn quận mới chỉ có một phương tiện vận chuyển có công suất 15 CV của Công ty Tân Cường Thành, còn lại đều chưa có sự chuẩn bị cho việc chuyển đổi hoặc nâng cấp để phục vụ cho loại hình dịch vụ du lịch này.
- Về các dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng phục vụ khách du lịch còn hạn chế. Thiếu nhân lực cho việc phát triển du lịch, các nhân viên phục vụ nhà hàng thiếu tính chuyên nghiệp.
- Lễ hội tại các đình làng tuy được người dân chú trọng tổ chức hàng năm, nhưng vẫn còn đơn điệu, hầu như ít thu hút được sự quan tâm của du khách.
- Việc đầu tư khai thác và kêu gọi xã hội hóa phát triển ngành dịch vụ du lịch của quận còn chưa quyết liệt; việc xây dựng văn hóa du lịch, cụ thể như: các vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm còn hạn chế, mạng lưới giao thông thiếu an toàn… nên chưa tạo cho du khách không khí lưu luyến khi chia tay và hẹn ngày gặp lại.
- Việc quảng bá các điểm du lịch ở quận Liên Chiểu qua các phương tiện truyền thông đại chúng còn hạn chế, công tác xúc tiến mở rộng quan hệ với các đối tác du lịch, đơn vị lữ hành vẫn còn lúng túng, bị động.
Trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, đồng thời nhằm phát triển kinh tế - xã hội của quận trong thời gian tới, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp để phát triển du lịch quận Liên Chiểu như sau:
- Đa dạng hóa các loại hình du lịch, phát triển các loại hình du lịch văn hóa, du lịch thể thao, làng nghề truyền thống. Kết hợp với huyện Hòa Vang trong việc hình thành các tour du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, nhất là phối hợp để khai thác du lịch nghỉ dưỡng tại khu du lịch Bà Nà - Suối Mơ.
- Chính quyền cần quan tâm đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông, đảm bảo việc lưu thông thông suốt phục vụ du lịch.
- Với điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, quận Liên Chiểu cần khai thác, phát triển du lịch đường sông theo Chương trình phát triển du lịch thành phố giai đoạn 2011 - 2015 đã định hướng tập trung xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái tuyến sông Cu Đê nhằm phát triển vùng tây bắc thành phố Đà Nẵng, tạo thành sản phẩm du lịch ấn tượng, thu hút du khách.
- Ưu tiên về vốn vay và có chính sách khuyến khích để thu hút các nhà đầu tư xây dựng bến tàu, hình thành đội tàu du lịch có chất lượng cao kết hợp với đầu tư các điểm dừng chân phục vụ khách trên sông Cu Đê, tạo nên sự liên kết du lịch sinh thái sông - núi - biển. Xây dựng những quán ăn, nhà hàng bán các món ăn đặc sản; các cửa hàng bán đồ lưu niệm mang đặc trưng của vùng đất Liên Chiểu ở một số điểm dừng dọc hai bên bờ sông. Cần khai thác đúng mức lợi thế, các yếu tố tiềm năng sông, núi, biển kết hợp với di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội dân gian để phát triển du lịch,… Đặc biệt, phải chú trọng đến giải pháp quy hoạch hai bên bờ Cu Đê. Để thực hiện được giải pháp này, cần có sự hỗ trợ lớn từ phía thành phố cũng như chính quyền địa phương và cả những người dân có kinh nghiệm về lĩnh vực sông nước.
- Hình thành các khu vực nuôi trồng thủy sản ven biển và ven sông Cu Đê; khôi phục và phát triển những nghề thủ công truyền thống như: nghề đan lưới, nghề làm guốc mộc Xuân Dương, nghề làm bánh tráng, nghề làm nước mắm Nam Ô,... để những nơi này trở thành điểm dừng chân cho du khách được tham gia trải nghiệm thực tế.
- Khuyến khích đầu tư phát triển các dịch vụ vui chơi giải trí trên biển, các hoạt động du lịch nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, cần tập trung đẩy mạnh đầu tư tuyến đường Nguyễn Tất Thành chạy dọc ven biển để tạo thành chuỗi dịch vụ - thể thao - giải trí hấp dẫn. Để du lịch biển trở thành sản phẩm chủ lực, làm động lực để phát triển và thu hút du khách đến với quận Liên Chiểu.
- Muốn du khách lưu trú lại lâu và quay trở lại thì các cấp chính quyền cần đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động du lịch, tăng cường an ninh trật tự, an toàn xã hội. Bên cạnh đó, cũng cần có những chính sách hợp lý để thu hút người dân tham gia vào các hoạt động du lịch nhiều hơn. Đồng thời xây dựng mối quan hệ thân thiện, lịch sự của người dân địa phương đối với khách du lịch tạo sự thoải mái cho du khách mỗi khi lưu trú và tham quan tại địa phương; xây dựng hệ thống nội quy về bảo vệ môi trường và tổ chức tuyên truyền đến người dân trong toàn quận; thành lập đội vệ sinh môi trường chuyên làm nhiệm vụ thu gom rác thải tại địa điểm tham quan; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra làm công tác cứu hộ và quản lý an ninh trật tự du lịch biển nhằm xây dựng Liên Chiểu với hình ảnh an toàn, thân thiện, văn minh đối với du khách.
- Ngoài ra, cần phải hoàn chỉnh hệ thống viễn thông, công nghệ thông tin; xây dựng đồng bộ và hiện đại các hệ thống biển báo, chỉ dẫn giao thông và du lịch, cung cấp đầy đủ mạng lưới điện và nước sạch đến từng điểm du lịch. Cần chú ý chất lượng nơi lưu trú của du khách, tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các cơ sở lưu trú nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ ở các điểm du lịch.
- Tạo chuỗi liên kết giữa các hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển, nhà hàng... dưới sự tham gia hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước để tạo nên sản phẩm có chất lượng, giá cả hợp lý nhằm thu hút khách. Tổ chức chương trình kích cầu du lịch thường niên bằng những gói kích cầu giảm giá hấp dẫn vào mùa thấp điểm và khai thác nhiều hơn nữa các điểm vui chơi, tham quan, giải trí nhằm giữ chân du khách lưu trú nhiều ngày tại các điểm du lịch.
- Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch có chất lượng nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp trong tổ chức hoạt động và phục vụ khách du lịch. Đầu tư nguồn nhân lực ở tất cả các lĩnh vực du lịch: lữ hành, khách sạn, nhà hàng, hướng dẫn viên, thuyết minh viên, vận chuyển, khu điểm du lịch, cán bộ quản lý nhà nước,... Đây là yếu tố có vai trò quyết định và nòng cốt để phát triển bền vững du lịch Liên Chiểu trong thời gian đến. Bên cạnh đó, quận cần phải hỗ trợ một phần kinh phí để tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý và nhân viên nghiệp vụ trong các khách sạn, doanh nghiệp lữ hành, các cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch, khu, điểm du lịch; bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh viên du lịch, lái xe, lái tàu du lịch.
- Có quy định đối với các chủ đầu tư dự án du lịch phải có phương án chuẩn bị nhân sự và đội ngũ lao động từ khi dự án bắt đầu triển khai, nhằm chủ động nguồn nhân lực phục vụ khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động.
- Vận động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu du lịch Làng Vân theo hướng hiện đại, mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở hạ tầng khu du lịch Xuân Thiều - Nam Ô - Hải Vân.
- Thường xuyên quảng bá hình ảnh du lịch Liên Chiểu thông qua các ấn phẩm như: sách giới thiệu và hướng dẫn du lịch, tập gấp, brochure, bản đồ du lịch, đĩa phim tại các quầy thông tin du lịch ở nhà ga, sân bay, bến tàu, bến xe và đăng tải trên các máy tra cứu thông tin, trên các website, cổng thông tin du lịch và các kênh truyền hình… Đồng thời quận cần tổ chức các lớp tập huấn “Nụ cười thân thiện” để nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp về bảo vệ môi trường du lịch, thực hiện nghiêm chế tài đối với các điểm, khu du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch có hành vi vi phạm.
Khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch trên địa bàn quận Liên Chiểu là góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị nhân văn, lịch sử, văn hóa của địa phương, đồng thời cũng tạo ra sự gắn kết giữa các quận, huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng với quận Liên Chiểu nói riêng; các tỉnh, thành trong cả nước với quận Liên Chiểu nói chung. Để làm được điều đó, quận Liên Chiểu cần khai thác, phát huy tiềm năng và thế mạnh về du lịch của mình, cần kết hợp du lịch sinh thái ssông - núi - biển với các làng nghề truyền thống trên địa bàn quận, điều này không chỉ thỏa mãn nhu cầu tham quan đa dạng của du khách, gia tăng số ngày lưu trú, tạo sự hấp dẫn thu hút du khách quay lại nhiều lần, mà còn góp phần tạo công ăn việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội đáng kể cho địa phương và vùng phụ cận. Từ đó, thúc đẩy ngành du lịch của quận phát triển một cách hiệu quả và bền vững, thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
H.T.H
Chú thích
1 Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, Niên giám thống kê thành phố Đà Nẵng 2012, (Hà Nội: Thống kê, 2013).
2 Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, (Huế: Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam - Viện Đại học Huế, 1963), 190-191.
3,4,5 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 2, (Huế: Thuận Hóa, 2006), 402, 406, 422.
6 Bãi tắm Xuân Thiều gắn liền với sự kiện lịch sử: Tháng 3.1965, Lữ đoàn số 9 - Thủy quân lục chiến Mỹ đã đổ bộ vào đây, mở đầu cho chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ tại Việt Nam. Bãi tắm này trước năm 1975 chỉ dành riêng cho binh lính Mỹ vì đây là khu quân sự, có sân bay dã chiến và kho quân nhu của Mỹ, cùng hệ thống bố phòng bảo vệ Đà Nẵng từ phía bắc. Binh lính Mỹ gọi bãi tắm Xuân Thiều là “Red Beach” (tức Biển Đỏ - có lẽ do cảm giác trực quan khi nhìn bình minh lên và cả lúc mặt trời lặn, mặt nước biển phản chiếu có màu đỏ?).
7 Nguyễn Văn Mai, Nam Việt sử lược, (SaiGon: Emprimerie et Librairie J. Viet, 1919), 22.
8 Ban tổ chức lễ hội đình làng Hòa Mỹ, Kỷ yếu làng Hòa Mỹ năm 2001, Hội đồng chư phái tộc Hòa Mỹ.
Tài liệu tham khảo
1. Ban Tổ chức Lễ hội đình làng Hòa Mỹ, Nội san: Kỷ yếu làng Hòa Mỹ năm 2001, Hội đồng chư phái tộc Hòa Mỹ.
2. Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng. 2013. Niên giám thống kê thành phố Đà Nẵng 2012. Hà Nội: Thống kê.
3. Hội Văn nghệ Dân gian Đà Nẵng. 2011. Ẩm thực đất Quảng. Đà Nẵng: Đà Nẵng.
4. Nguyễn Công Thuần. 2005. Hải Vân thiên hạ đệ nhất hùng quan. Thành phố Hồ Chí Minh: Trẻ.
5. Nguyễn Văn Mai. 1919. Nam Việt sử lược. SaiGon: Emprimerie et Librairie J. Viet.
6. Thích Đại Sán. 1963. Hải ngoại kỷ sự. Huế: Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam - Viện Đại học Huế.
7. Quốc sử quán triều Nguyễn. 2006. Đại Nam nhất thống chí (Tập 2). Huế: Thuận Hóa.