Đình Nại Hiên Đông - Lê Văn

16.08.2019

Đình Nại Hiên Đông là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật được hình thành khá sớm trên mảnh đất Đà Nẵng. Đây còn là di tích lịch sử cách mạng, ghi dấu chiến công của quân và dân quận Sơn Trà trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ngay từ những ngày đầu chúng nổ súng tấn công bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Giữa thế kỷ XX, đình còn là nơi hội họp và là nơi đặt hòm thư mật của lực lượng vũ trang Khu Đông. Ngày nay, đình tọa lạc trên đường Phạm Văn Xảo, thuộc khối phố Nại Thịnh Đông, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.

Đình Nại Hiên Đông - Lê Văn

1. Lược sử quá trình hình thành đình Nại Hiên Đông

Vào năm 1306, Chế Mân (vua Chăm) đã dâng hai châu Ô, Rí (còn gọi là Lý) cho Đại Việt làm của hồi môn để cưới công chúa Huyền Trân, đó là vùng đất kéo dài từ phía nam tỉnh Quảng Trị cho đến phía bắc tỉnh Quảng Nam ngày nay. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Bính Ngọ năm thứ 14 (1306), mùa hạ, tháng 6, gả công chúa Huyền Trân cho vua nước Chiêm Thành là Chế Mân”. Đến năm Đinh Mùi (1307),mùa xuân, tháng Giêng, vua “đổi hai châu Ô, Rí làm châu Thuận và châu Hóa, sai Hành khiển Đoàn Nhữ Hài đến vỗ yên dân”. Và đây cũng là khoảng thời gian bắt đầu cho những đợt di cư của người Việt từ đồng bằng Bắc Bộ vào miền đất mới liên tiếp diễn ra.

Tuy đã có cư dân của Đại Việt đến định cư sinh sống và xây dựng làng xã tại Đà Nẵng, nhưng một số quan lại của Champa đã không từ bỏ ý định lấy lại các vùng đất mà Chế Mân đã dâng cho Đại Việt. Việc người Chăm tái đánh chiếm vùng đất đã mất, cướp phá, bắt người, dung nạp những tù nhân bị lưu đày của Đại Việt,… liên tục diễn ra trong nhiều thế kỷ. Trong Chiếu bình Chiêm, vua Lê Thánh Tông đã liệt kê tội trạng của Champa là: “đánh cướp Hóa Châu, giết người đồn trí; đàn ông, đàn bà của ta thì bắt làm nô lệ; tù tội của ta thì hết thảy bao dung; dân lưu vong phải chụm chân mà chịu oan; suốt cả nước muốn kêu trời mà không thấu”. Nên ngày 7 tháng Giêng năm Tân Mão (1471), nhà vua thân chinh dẫn hơn 1.000 chiến thuyền, 70 vạn tinh binh tiến đánh Chiêm Thành. Quân Chiêm tan vỡ, bắt sống được vua Chiêm là Trà Bàn cùng hơn 50 người trong hoàng cung và 3 vạn tù binh. Chiến thắng này không những khôi phục được bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, mà còn mở rộng bờ cõi Đại Việt đến núi Thạch Bi (giáp ranh giữa tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa ngày nay). Đồng thời vua Lê Thánh Tông còn lập nên Thừa Tuyên đạo Quảng Nam.

Lúc bấy giờ vịnh Sơn Trà là một vùng biển có phong cảnh đẹp, có núi Hải Vân, núi Sơn Trà bao bọc, là nơi dừng quân đầu tiên của đoàn chiến thuyền của vua quân nhà Lê. Với hùng tài và sự anh minh về chính trị, quân sự lẫn kinh tế, vua Lê Thánh Tông đã nhìn xa trông rộng, xây dựng kinh tế lâu dài. Chính vì vậy, sau khi thắng trận, bắt được vua Chiêm là Trà Toàn và quay trở về kinh đô, vua Lê Thánh Tông không rút hết mà đã để một số binh lính, tướng lĩnh chinh chiến trong đoàn quân của mình ở lại để giữ gìn an ninh, quản lý xã hội trên vùng đất mới thuộc Thừa Tuyên đạo Quảng Nam. Đồng thời, vua Lê Thánh Tông cũng cho di dời dân cư từ đồng bằng Bắc Bộ vào khẩn hoang, lập ấp. Trong bối cảnh lịch sử như vậy, các tộc phái ở Nại Hiên Đông nằm trong số những cư dân đầu tiên định cư tại đây, họ cùng nhau chung tay khai rừng, phá núi, xẻ sông lập nên làng xã dọc theo hai bờ sông Hàn, lấy tên là Nại Hiên.

Khởi thủy, Nại Hiên Đông có tên dân dã là xứ Cồn Nhàn. Có người cho rằng không phải Cồn Nhàn mà là Cồn Nhạn. Chữ “Nhàn” do chữ “Nhạn” đọc chệch mà ra. Nguyên xưa kia, đây là vùng đầm lầy nước đọng, chịu ảnh hưởng nặng nề của dòng nước thủy triều. Khi thủy triều lên xuống, những con tôm, cá, cua biển theo dòng nước tràn vào. Chim nhạn tập trung kiếm ăn khá đông, đặc kín cả cồn vì thế có tên “Cồn Nhạn”. Chúng thường làm tổ trên mái hiên đình nên làng Nại Hiên Đông còn có tên gọi là “xứ chim nhạn”. Theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, Nại (耐) là chịu đựng (nó còn có nghĩa khác nữa là xứ làm muối); Hiên (軒) là mái hiên; và Đông (東) là hướng đông. Như vậy, Nại Hiên Đông là tiền đình hướng đông, nhẫn nại chịu đựng mưa sa gió bão.

Buổi đầu định cư trên vùng đất mới, đời sống của người dân hết sức khó khăn, họ phải khai phá vùng đất còn hoang hóa được bao phủ bởi lau sậy bạt ngàn. Thêm vào đó, đất trũng lại sát biển nên khó khăn trong việc sản xuất nông nghiệp. Nhưng từ những khó khăn đó, những cư dân đầu tiên ở Nại Hiên Đông đã chăm chỉ khai hoang, lập ấp, tận dụng địa hình để sản xuất nông nghiệp, làm muối, đánh bắt thủy hải sản và lên núi khai thác lâm sản,… Theo thời gian, đời sống của họ đi vào ổn định, dân cư phát triển đông đúc. Để có nơi thờ phụng, cúng tế chư vị Tiền Hiền, liệt tổ, liệt tông, họ quyên góp tài lực, vật lực để dựng lên ngôi đình lấy tên của làng là Nại Hiên Đông.

Tài liệu xưa nhất đến nay còn hiện diện có thể giúp chúng ta đoán định khoảng thời gian xây dựng đình là tấm bia đá được viết bằng chữ Hán ở chùa An Long, sau lưng Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng có ghi tên ngôi đình nằm trên đất Nại Hiên Đông ngày nay. Vào năm 1920, ông Henri Cosserat người Pháp đã dịch tấm bia này sang Pháp văn và đăng trên tạp chí BAVH (Những người bạn cố đô Huế) với tựa đề “La pagode Long Thủ à Tourane” và được ông Nguyễn Sinh Duy dịch sang Việt ngữ đăng trên các tạp chí Giác ngộ, Huế Xưa & Nay,… Đọc văn bia chùa Long Thủ ta có một số nhận định sau:

- Làng Nại Hiên đã có ngôi đình từ lâu, đến năm 1657, các quan lại, đạo hữu Phật giáo và dân chúng đã đóng góp, hiến cúng tiền và ruộng đất để làm ngôi chùa “Thủ Long” (An Long) vì các sự báo mộng, ứng hiện điềm lành.

- Trong danh sách cúng tiền và mua ruộng để phục vụ cho chùa có địa danh: một sở ruộng trước cửa đình, hai sở ruộng ở Giếng Vũng. Như vậy, ngôi đình có trước ngôi chùa, ngôi đình nằm ở nơi khác với chùa, ở về phía phần đất Nại Hiên Đông ngày nay. Địa danh Giếng Vũng là chỉ cho phần đất Vũng Thùng (Cồn Nhạn xứ) vịnh Nại Hiên Đông.

Nhiều người hiện nay lầm tưởng và cho rằng, đình làng Nại Hiên Đông tức chùa An Long là không đúng. Bởi đình và chùa thường biệt lập nhau. Làng Nại Hiên vào thời gian đó chỉ có một Tổ đình duy nhất nằm về phía phần đất Nại Hiên Đông ngày nay. Về phần đất của Cổ Viện Chàm (phường Bình Hiên, quận Hải Châu) gọi là xứ Cồn Chùa bởi sau khi có chùa (1657) thì mới có tên đất; trong khi đó, Nại Hiên Đông là xứ Cồn Nhạn đã được hình thành từ trước đó. Như vậy, có thể khẳng định rằng, đình làng Nại Hiên Đông được xây dựng trước chùa An Long (tức trước năm 1657).

Trong Phủ biên tạp lụcLê Quý Đôn cho biết: “Huyện Tân Phước có ba tổng: tổng Hòa Mỹ, tổng Phước Sơn và tổng Phước Long. Tổng Hòa Mỹ có 18 xã. Xã Nại Hiên Đông thuộc tổng Hòa Mỹ, huyện Tân Phước, tỉnh Quảng Nam”. Đến năm 1812, dưới thời vua Gia Long, trong địa bạ triều Nguyễn, Nại Hiên lúc bấy giờ gồm cả Đông và Tây xã và là một trong 27 làng thuộc tổng Bình Thái Hạ, huyện Hòa Vang. Lúc bấy giờ diện tích của toàn xã là 20 mẫu, 8 sào, 10 thước, 7 tấc. Trong đó, đất tư (trồng dâu) là 7 sào; tư điền của người nơi khác là 8 mẫu; đất thần từ (đất thờ cúng) là 1 mẫu, 4 sào, 7 thước, 5 tấc; đất mộ là 2 mẫu, 9 sào, 14 thước, 5 tấc; đất cát trắng là 6 mẫu, 1 sào; đất hoang nhàn là 1 mẫu, 7 sào, 14 thước, 5 tấc; còn muối: 65 nại. Địa bạ còn cho biết phía đông của xã giáp thôn Trường Lệ và sông, phía tây giáp xã Phước An, xã Hóa Khuê Trung Tây, xã Hóa Khuê Đông (tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Khánh, phía nam giáp xã Phước An, lập cột đá làm giới, còn phía bắc giáp xã Thạc Giản, xã Hoa Lũy, lập cột đá làm giới.

Đặc biệt, cũng dưới thời Gia Long, xã Nại Hiên Đông đã được lập sổ địa chính, có sổ bộ được viết vào các ngày: Gia Long thập niên, tam ngoạt, thập chánh nhật (Ngày 10 tháng 3 năm Gia Long thứ 10); Gia Long thập niên, thất ngoạt, tam thập lục nhật (Ngày 30 tháng 7 năm Gia Long thứ 10 sao chép lại); Gia Long thập thất niên, thất ngoạt, thập lục nhật (Ngày 16 tháng 7 năm Gia Long thứ mười một). Sổ bộ này do toàn xã Nại Hiên Đông đồng ký.

Ngày 24.12.1955, chính quyền Ngô Đình Diệm bảo sao lục lại sổ địa chính, tách chia phần đất Nại Hiên Đông Tây thành Nại Hiên Đông và Nại Hiên Tây. Phần đất Nại Hiên Đông gồm có 21 tờ trong sổ địa chính, có dấu công chứng đóng liếp lai của chính quyền đương thời. Nại Hiên Đông có con dấu riêng kể từ đó. Con dấu khắc “Quốc gia Việt Nam. Trung Việt. Đô thị Đà Nẵng. Hội đồng Hương chính. Xã Nại Hiên Đông”.

Đến nay, trải qua gần 400 năm với biết bao biến đổi và thăng trầm của lịch sử. Từ một mái đình tranh tre nứa lá để rồi dần dần được xây dựng bằng gạch, vôi vữa truyền thống. Đến năm 1901, những bảo vật, chuông đồng, khí cụ,… quý giá của đình bị người Pháp cướp đoạt hoặc trưng thu đem đi nơi khác, hay đem về Cổ viện Chàm do thực dân Pháp quản lý. Đến năm 1947, thực dân Pháp san bằng đình thành bãi đất trống vì đình là nơi hội họp của cán bộ chiến sĩ Khu Đông. Năm 1950, do sự xử trí mềm dẻo của các cụ bô lão Chư phái tộc trong làng đã xin phép chính quyền Pháp lúc bấy giờ cất lại một ngôi đình tạm bợ để thờ cúng chư vị Tiền Hiền bằng tranh tre, mây lá trên nền đất cũ của đình. Năm 1957, các cụ trong Chư phái tộc đã vận động được nhân dân đóng góp tiền của, công sức để xây dựng ngôi đình bằng gạch ngói và Sở Âm linh để thờ các chiến sĩ trận vong. Năm 1994, ngôi đình và Sở Âm linh được trùng tu mới như hiện nay.

2. Đình Nại Hiên Đông

Đình Nại Hiên Đông tọa lạc trong một khuôn viên có diện tích 1.640 m2 (dài 41 m x rộng 40 m). Mặt tiền quay về hướng tây nam. Đình có tường rào bao bọc xung quanh, xây bằng gạch, xi-măng, cốt thép.

Bước qua cổng đình, chúng ta bắt gặp bức bình phong hình cuốn thư nằm án ngữ ngay trước mặt, mặt trước đắp nổi và cẩn sành sứ hình hổ - vị chúa tể của sơn lâm, đang trong tư thế đứng với hai chân sau chấm đất, còn hai chân trước đang co lên, miệng nhe nanh trông rất dữ tợn. Người ta quan niệm, hổ là một con thú có mãnh lực siêu phàm, nó có thể chống lại những thế lực ma quỷ nên được trang trí trên bức bình phong để trấn áp tà ma, không cho xâm phạm vào nơi ngự trị của thần. Còn mặt sau cũng đắp nổi và cẩn sành sứ đồ án hình chim phượng.

Bước qua một khoảng sân rộng chúng ta sẽ vào chánh điện của đình. Bố cục mặt bằng của đình có hình chữ đinh (丁). Kiểu kiến trúc này thường được gọi là kiểu “chuôi vồ”, ngoài chánh điện còn có gian hậu tẩm nối liền phía sau gian giữa của chánh điện. Diện tích của chánh điện khoảng 70 m2, xây bằng gạch, xi măng, cốt thép. Mái lợp ngói âm dương, hệ mái trang trí mô-típ “lưỡng long tranh châu” bằng kỹ thuật nề vôi vữa và được các nghệ nhân dùng kỹ thuật khảm sành sứ một cách cầu kỳ, tạo nên sự thanh thoát cho mái đình. Trên tầng mái của đình, hai bên trước hiên được xây nhà trống và nhà chuông, tạo cho mái đình mang phong cách “trùng thềm điệp ốc”, nổi bật giữa một vùng phủ đầy lau sậy.

Đình được chia thành ba gian và có ba lối đi vào. Trên cửa chính trước khi vào đình có đắp nổi ba chữ Hán 亭耐東 (Đình Nại Đông). Hai bên có hai câu đối bằng chữ Hán ca ngợi vị thế nơi đình tọa lạc và công đức cao dày của các vị thần được dân làng ngưỡng vọng thờ tự trong đình.

Bố cục mặt bằng của đình được chia thành ba gian: Gian chánh điện nằm ở giữa, thờ tthần Thành Hoàng, hai bên là gian Tả ban và gian Hữu ban thờ các vị Tiền Hiền, Hậu Hiền đã có công mở đất, dựng nên làng xã. Cả ba gian thờ đều được bày trí trang trọng, sơn thếp màu sắc rực rỡ..

Ở gian Chánh điện, trên hàng cột thứ nhất từ ngoài bước vào có trang trí câu đối viết bằng chữ Hán, ca ngợi vị thế của làng, của đình:

- Chữ Hán:

日出東軒萬物向陽含古色

龍環西鴈千秋衍派仰文光

- Phiên âm:

Nhật xuất Đông hiên vạn vật, hướng dương hàm cổ sắc

Long hoàn Tây Nhạn thiên thu diển phái ngưỡng văn quang.

- Dịch nghĩa:

Trời mọc hướng đông vạn vật đều quy ngưỡng, nuôi dưỡng dựng lên muôn màu sắc

Rồng bay chim Nhạn múa, nghìn năm phát triển về hướng Tây đều không quên nơi xuất phát.

Tiếp theo hàng cột thứ nhất là hàng cột thứ hai của Gian chánh điện còn trang trí câu đối chữ Hán, ca ngợi ơn đức của bậc tiền nhân đã có công tạo lập nên làng, đã đem đến cho người dân trong làng một cuộc sống yên bình:

- Chữ Hán:

聖澤雲燸文物衣冠相此地

神功造化太景象氣於天

- Phiên âm:

Thánh trạch vân nhu văn vật y quan tương thử địa

Thần công tạo hóa thái hòa cảnh tượng khí ư thiên.

- Dịch nghĩa:

Đất thánh văn chương, êm dịu, áo mão cân đai nơi xuất xứ

Trời cao màu nhiệm, thái hòa, tạo nên cảnh tượng chính là đây.

Ngoài ra, bên trong đình còn nhiều hoành phi, thể hiện ý chí và đức độ thần thông của vị thần được thờ tự tại đình như: 正氣 (Chính Khí), 萬德神通 (Vạn Đức Thần Thông),…

Trong khuôn viên của đình còn có Sở Âm linh. Sở Âm linh gồm có ba miếu thờ, mỗi miếu có diện tích khoảng 3 m2. Miếu thờ chính giữa ghi hai chữ Hán 英靈 (Anh Linh), hai miếu hai bên là 左班 (Tả Ban) và 右班 (Hữu Ban). Phía trước có một khoảng sân rộng để làm nơi cúng tế. Điều này cho thấy, tín ngưỡng thờ Âm linh (hay Cô hồn) vốn là một tín ngưỡng truyền thống của cư dân người Việt ở Nại Hiên Đông. Tập tục này liên quan đến các tín niệm dân gian và có cả những yếu tố của Đạo giáo, Phật giáo chi phối. “Âm linh” hay còn gọi là “Âm hồn” là những khái niệm dùng để chỉ linh hồn những người chết nói chung có nguồn gốc từ anismism (thuyết vạn vật hữu linh, thuyết duy hồn, thuyết vật linh). Trong tâm thức dân gian, âm hồn và linh hồn đôi khi chỉ được hiểu là linh hồn của những người chết “bất đắc kỳ tử”, chết không nơi thờ tự, chết vì tự tử, tai nạn, thú dữ, chết yểu,… Theo cách hiểu này, thì âm hồn hay âm linh gần nghĩa với vong hồn cô độc (cô hồn), sống lang thang vất vưởng, không nơi nhang khói nên thường gieo rắc tai họa. Đó là đối tượng mà thế nhân phải tìm cách giải trừ. Cộng đồng cư dân người Việt gọi một cách kính trọng là Cô Bác.

Đối với quỷ thần, Nho giáo chủ trương “kính nhi viễn chi”, do quan điểm hướng sự quan tâm chính yếu vào các vấn đề nhân sinh. Thái độ ứng xử với các vong hồn cô độc, không người tế tự là biểu hiện của lòng nhân nghĩa thông qua lễ cúng âm linh. Còn Đạo giáo nỗ lực thoát khỏi định mệnh của cái chết bằng việc mưu cầu sự bất tử và những chuyến du hành tiêu dao cõi tiên là những cơ may có một không hai. Các hình thức nghi lễ nhằm chức năng giải trừ tà ma.

Theo thuyết luân hồi của nhà Phật, vong hồn, tùy theo tội phước đã có lúc sinh tiền, hoặc được “trực vãng Tây phương/tiêu diêu cực lạc”, hoặc chưa thoát khỏi sinh tử thì chu chuyển trong vòng “tứ sanh - lục đạo”. Theo cách giải thích của dân gian thì “tứ sanh” là bốn loài: (1) Loài đẻ thai/thai sanh; (2) Loài đẻ trứng/noãn sanh; (3) Loài thủy tộc máu lạnh/thấp sanh; (4) Loài chuyển hóa như (tằm, nhộng)/hóa sanh. “Lục đạo” là sáu con đường chuyển tiếp của linh hồn gồm: (1) Công hầu khanh tướng; (2) Quan quả cô độc; (3) Loài đẻ thai; (4) Loài đẻ trứng; (5) Loài máu lạnh; (6) Loài chuyển hóa. Còn “thập loại cô hồn” thì đó là mười loài tổng hợp của tứ sanh và lục đạo. Nói chung, đó là những vong hồn đủ loại, từ vua quan đến thứ dân, từ giàu sang đến nghèo hèn, từ con người đến côn trùng thú vật. Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng và Trương Ngọc Tường cho rằng: “Tục thờ cô hồn của dân gian có ảnh hưởng Phật giáo, nhưng quan niệm của dân gian cũng khá sâu đậm”.

Ở Nại Hiên Đông, cô hồn phần lớn là những người chết không nơi nương tựa, những chiến sĩ trận vong, vong hồn những người mất xác trên biển vì bão lũ hay vong hồn những vị tiền chủ của vùng đất “tiền Việt”. Nhân dân gọi với danh xưng tôn kính là Âm linh, Cô Bác. Theo quan niệm của người dân thì vong linh, cô hồn có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân. Mà theo họ nếu thờ phụng chu đáo, biết kính trọng thì Cô Bác sẽ phù hộ độ trì cho. Khi trong làng xảy ra dịch bệnh, trộm cắp, ốm đau hay mất mùa,… thì phải mời thầy về tụng kinh, ăn chay nằm đất ở Sở Âm linh để cầu sự chở che, bảo hộ.

Trải qua nhiều thế kỷ, vùng đất Đà Nẵng là nơi giao tranh giữa nhiều thế lực khác nhau. Đặc biệt dưới thời nhà Nguyễn, đây là nơi diễn ra những trận đánh giữa quân Đại Việt và quân Pháp rất ác liệt, và sau này trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cứu nước, nơi đây có biết bao người đã ngã xuống. Vì vậy, nhân dân lập Sở Âm linh để thờ các chiến sĩ trận vong không kể người ở “phía bên nào”. Đối với nhân dân, việc lập Sở Âm linh để thờ phụng thể hiện tấm lòng thương yêu đồng loại, cầu mong cho họ có được chỗ dựa của tình người và cũng là niềm tin những vong hồn này sẽ phù hộ độ trì cho cuộc sống người dân.

Đặc biệt trong khuôn viên của đình làng Nại Hiên Đông có một ngôi mộ cổ. Kết quả khảo sát cho thấy tấm bia mộ vẫn còn nguyên vẹn nhưng ngôi mộ đã được phục chế bằng xi-măng theo hình dáng cũ, với hình dạng vòng thành gãy góc và nấm mộ hình kèo ngựa rất độc đáo. Trước đây, ngôi mộ nằm cách Tổ đình khoảng 50 m về hướng tây theo đường chim bay. Lúc bấy giờ, ngôi mộ còn khá nguyên vẹn, có nhiều khi bị gió cát phủ bằng, bị chôn vùi trong lòng cát trên 50 năm. Ngôi mộ được làm bằng đá, diện tích mộ khoảng chừng 16 m2. Sau đó, do chỉnh trang đô thị nên ngôi mộ được dời về vị trí như hiện nay nằm cạnh bên đình.

Ngôi mộ hiện nay được xây bằng xi-măng, riêng tấm bia được làm bằng sa thạch, cao khoảng 70 cm, rộng 50 cm, lòng văn (51 x 31 cm), trán bia rộng 15 cm, hai dải hoa văn bên thân bia rộng 0,9 cm. Hoa văn trang trí trên bia được chạm rất sâu, trán bia nổi bật với hình ảnh mặt trời, mây mác và sáu đao lửa phân bố hai bên, diềm bia tạo hình dải hồi văn chữ T, đế bia đã bị che lấp không thể nhận dạng.

Khuôn viên ngôi mộ hình vuông, mỗi bề chừng 4 m, có thành đá bao bọc. Phần trên tấm bia có hai chữ: 越故 (Việt cố) khắc theo hàng ngang; chính giữa là dòng chữ khắc theo hàng dọc: 顯考屬次隊長潘貴公諡明智之墓 (Hiển khảo thuộc thứ đội trưởng Phan quý công thụy Minh Trí chi mộ); lạc khoản bên phải khắc dòng chữ: 太歲乙丑年孟秋穀日立(Thái tuế Ất Sửu niên mạnh thu cốc nhật lập), lạc khoản bên trái khắc các chữ: 孝子二次潘… (Hiếu tử nhị thứ Phan... ) (có mấy chữ bị mờ, không đọc được).

Ngôi mộ này đã được Hội đồng chư phái tộc đình làng Nại Hiên Đông bảo quản trên 300 năm, đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố. Trong văn tế cúng đình làng Nại Hiên Đông có ghi tên ngài “Phan quý công” là chủ nhân ngôi mộ này. Vì chỉnh trang thành phố, nên ngôi mộ được di dời về sát cạnh ngôi đình (trước đây ngôi mộ nằm cách đình Nại Hiên Đông khoảng 50 m về hướng tây). Căn cứ vào hai chữ Việt cố và Ất Sửu niên nên chúng ta đoán định ngôi mộ tọa lạc ở đình Nại Hiên Đông có thể có niên đại khoảng năm 1625 hoặc xa hơn nữa là 1565 (?).

3. Những sự kiện lịch sử, lễ hội liên quan

Nại Hiên Đông là làng quê nằm sát biển, người dân Nại Hiên Đông có lòng yêu quê hương đất nước nồng nàn. Họ luôn kiên cường, bất khuất, sẵn sàng hi sinh để chống lại các thế lực ngoại bang xâm lược. Điều này đã thể hiện qua nhiều biến động của lịch sử, chẳng hạn khi thực dân Pháp tấn công Đà Nẵng lần thứ nhất (1858), vua Tự Đức cử tướng Nguyễn Tri Phương làm Tổng chỉ huy mặt trận Đà Nẵng, lập chiến lũy từ Sơn Trà đến Mỹ Thị thì làng Nại Hiên Đông là tiền đồn chống giặc ngoại xâm, hứng chịu hậu quả nặng nề nhất của cuộc chiến tranh năm đó. Biết bao nhiêu người con của quê hương Nại Hiên Đông đã ngã xuống để bảo vệ từng tất đấc của quê hương để rồi người ta lập nên Sở Âm linh để thờ phụng. Đặc biệt trong phong trào Cần Vương (1885 - 1887), do Trần Văn Dư rồi sau đó là Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo (gọi là Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam), riêng trên mảnh đất Nại Hiên đã sản sinh ra một người có công đối với quê hương đất nước là Án sát Nguyễn Hanh (Nguyễn Quang Hanh) tục gọi là Án Nại.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân quận Sơn Trà, đình làng Nại Hiên Đông là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (02.9.1945), làng Nại Hiên Đông được xếp vào khu phố Nguyễn Thái Học. Nhân dân Đà Nẵng và Nại Hiên Đông chưa hưởng hạnh phúc độc lập được bao lâu thì ngày 01.4.1946, hơn một nghìn quân Pháp do thiếu tá Coste chỉ huy đổ bộ lên Đà Nẵng. Nhân dân Đà Nẵng bước vào cuộc chiến đấu mới - kháng chiến chống Pháp năm 1945 - 1954. Căn cứ kháng chiến trên núi Sơn Trà được thành lập; và Tổ đình Nại Hiên Đông là trụ sở sinh hoạt của Khu ủy Khu Đông ở vào giai đoạn đó. Chính vì lẽ này năm 1947, chiến dịch Thu Đông của Pháp càn quét, khủng bố, đàn áp kháng chiến, dồn dân tập trung vào khu Cồn Tràm (nay là Ngã năm An Hải, quận Sơn Trà) để dễ bề kiểm soát dân chúng và bao vây căn cứ cách mạng, không cho liên lạc với nhân dân, đồng thời đốt cháy xóm làng, và bọn chúng biết được Tổ đình Nại Hiên Đông là nơi “Cộng sản hoạt động”, chúng ra lệnh thủ tiêu, thiêu rụi, tàn phá, san bằng Tổ đình thành mảnh đất trống.

Trong giấy xác nhận đình làng Nại Hiên Đông là nơi hội tụ của lực lượng vũ trang Khu Đông Đà Nẵng vào ngày 25.01.2002 (được UBND phường Thạch Thang xác nhận ngày 25.01.2002). Ông Trần Chiến ngụ ở phường Thạch Thang, quận Hải Châu (năm 1946 - 1949, ông là cấp ủy trực tiếp chỉ huy lực lượng vũ trang Khu Đông. Năm 1950 - 1957, ông là Thành ủy viên làm Bí thư Đảng bộ B36 - Quân Hải cảng và Khu sông Đà) cho biết: “Trong kháng chiến chống giặc Pháp, đình Nại Hiên Đông là nơi lưu trú và hội họp của lực lượng vũ trang Khu Đông Đà Nẵng. Như: đặc vụ quân sự, đội biệt động, tự vệ chiến đấu, dân quân du kích, vì nơi đây là một điểm rất thuận lợi cho việc triển khai quân đi các nơi và sau đợt hoạt động, họp bàn các việc đã làm được, và làm được nhiệm vụ bảo vệ cơ quan Ủy ban kháng chiến hành chính Khu Đông đóng tại nhà ông Tư Nhi (tức Huỳnh Văn Thân). Cán bộ cách mạng ở nhà ông bà Tư Muộn đến năm 1950 - 1952, cơ quan B36 cũng dùng nơi này làm hòm thư Mật để trao chuyển các tài liệu cách mạng đi ra các tàu thủy ở vịnh Đà Nẵng và các nơi khác của Quân Hải cảng và Khu sông Đà”.

Đặc biệt trong giấy xác nhận cơ sở hoạt động cách mạng thời kháng chiến I chống Pháp vào ngày 27.01.2002 (UBND phường An Hải Bắc xác nhận ngày 28.01.2002), bà Trần Thị Anh Kim, sinh năm 1920, thường trú tại 107 Nguyễn Công Trứ, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà cho biết, trong thời kỳ kháng chiến I chống Pháp, bà là cán bộ của Ủy ban kháng chiến Khu Đông. Ủy ban kháng chiến có đóng cơ quan tại nhà ông Trương Văn Hưng (Chánh chủ bái đình Nại Hiên Đông - Hội chủ), vợ Đặng Thị Thìn, con gái là Trương Thị Muộn (thường gọi là Tư Muộn). Lúc này bà có nghe anh em trong ủy ban nói, bọn thực dân Pháp đã đốt phá đình làng Ngại Hiên Đông vì bọn Pháp nghi đình Nại Hiên Đông là nơi cán bộ kháng chiến đóng ở đây nên bọn Pháp đốt phá.

Cũng trong giấy xác nhận cơ sở hoạt động cách mạng thời kháng chiến I chống Pháp vào ngày 27.01.2002 (UBND phường Bình Hiên xác nhận ngày 28.01.2002), ông Võ Tỵ, sinh năm 1929, thường trú tại 57 Trưng Nữ Vương, phường Bình Hiên, quận Hải Châu cho biết, trong thời kỳ kháng chiến I chống Pháp, ông là Ủy viên thường vụ Đảng bộ Khu Đông (quận Sơn Trà) và cảng Đà Nẵng (B36). Khi ông ở Khu Đông, ông biết đình Nại Hiên Đông bị thực dân Pháp đốt cháy thành mảnh đất trống vì liên quan đến cách mạng.

Có thể nói, từ một ngôi đình làng với chức năng tín ngưỡng, chức năng hành chính và chức năng văn hóa, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của quần chúng nhân dân; thì nay, đình làng Nại Hiên Đông đã đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Với những giá trị về mặt lịch sử đó, đình Nại Hiên Đông được Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 1844/QĐ-UB ngày 18.3.2002 công nhận đình Nại Hiên Đông là di tích kiến trúc nghệ thuật và lịch sử cách mạng.

Trong văn bia di tích được dựng ở đình Nại Hiên Đông đã khẳng định những giá trị lịch sử đó: “Đình Nại Hiên Đông là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật lâu đời, được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ thứ XVII. Qua thời gian và do chiến tranh tàn phá, đình đã nhiều lần được trùng tu, tái tạo và vẫn bảo tồn những giá trị lịch sử, biểu hiện nếp sống văn hóa, cúng tế, mỹ tích tự ngàn xưa. Trong kháng chiến chống Pháp, nơi đây là trụ sở của lực lượng vũ trang Khu Đông, được cơ quan B36 sử dụng làm “Hòm thư mật” để trao chuyển các tài liệu cách mạng cho các tàu thủy đậu tại vịnh Đà Nẵng”.

*

*          *

Cũng như nhiều làng quê khác, đình Nại Hiên Đông cũng được xây dựng từ rất sớm. Hàng năm, người dân Nại Hiên Đông thường tổ chức lễ tế Xuân và tế Thu. Tế Xuân nhằm ngày 12 tháng 2, tế Thu vào ngày 20 tháng 8 âm lịch. Tế Xuân là tế sống, nghĩa là khi cúng phải cúng bằng heo sống, cúng nguyên cả con, sau đó mới đem heo xuống xẻ thịt, xào nấu,… Mùa thu là lễ cúng Âm linh nhằm vào ngày 12 tháng 7 và tế Tiền Hiền vào ngày 20 tháng 8 âm lịch.

Phong tục cúng tế tại đình Nại Hiên Đông có một đặc điểm là tế sống, là cúng heo sống, thịt sống, tức là con vật đã bị giết rồi nhưng chưa nấu chín, có kèm theo lông và huyết của nó, người ta gọi là “uế mao huyết”. Đây là phong tục cổ xưa nhất phát sinh từ thời Hồng Bàng, thời kỳ con người còn ăn lông ở lỗ - cộng sản nguyên thủy. Các tỉnh phía Nam từ đèo Hải Vân trở vào nói chung, quận Sơn Trà nói riêng không có ngôi đình nào cúng “uế huyết mao”, chỉ riêng đình Nại Hiên Đông có cách cúng tế này. Như vậy, bảo tồn phong tục xa xưa, trên hành trình thiên di từ Bắc vào Nam, người dân Nại Hiên Đông vẫn còn lưu giữ được vốn văn hóa truyền thống đó, không để cho nó bị gián đoạn hoặc bị thời gian xâm thực của nền văn minh, văn hóa hậu lai, cận đại và hiện đại làm phủ lấp cái đẹp, cái tốt của ông cha ngày xưa.

Có thể nói, tế Xuân, tế Thu là dịp để dân làng tụ tập lại, vừa tưởng nhớ ông bà tổ tiên, những người đã có công lập làng, lập xóm, xây nên cơ nghiệp để lại cho những thế hệ con cháu. Sau là dịp để biểu thị ý thức tôn trọng văn hóa truyền thống của dân tộc, hưởng thụ hình thái sinh hoạt tinh thần cộng đồng vốn có nhiều gắn bó với phong tục tập quán. Đồng thời cũng là dịp để cho bà con ăn uống no say, hàn huyên tâm sự, hàn gắn những rạn nứt trong cuộc sống đời thường, thắt chặt sự đoàn kết giữa các tộc họ với nhau. Bởi thế, lễ hội ở đình Nại Hiên Đông đã trở thành nét văn hóa độc đáo, vô cùng thiêng liêng, có sức cộng cảm trong cộng đồng cư dân nơi đây.

4. Kết luận

Có thể nói, đình Nại Hiên Đông hiện nay không còn mang dáng dấp của những ngôi đình cổ xưa đã từng hiện diện trên mảnh đất Đà Nẵng, bởi do thời gian, chiến tranh và bom đạn của kẻ thù… Nhưng đình Nại Hiên Đông vẫn còn đó những dấu ấn lịch sử thời kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân Nại Hiên Đông. Ngày nay, quá trình hội nhập kinh tế, văn hóa thế giới đang diễn ra mạnh mẽ, Nại Hiên Đông là một trong những làng quê ven biển Đà Nẵng, chứa đựng nhiều dấu ấn về lịch sử văn hóa, sẽ là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa. Đồng thời sẽ là nơi giáo dục văn hóa truyền thống cũng như tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm của người dân Đà Nẵng.

Đình Nại Hiên Đông được Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng xếp hạng di tích cấp thành phố theo Quyết định số 1775/QĐ-UBND ngày 03/4/2017.

L.V.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Dương Văn An (1553). Ô Châu cận lục (Nguyễn Khắc Thuần dịch, hiệu đính và chú giải). Hà Nội: Giáo dục Việt Nam. 2009.

Hà Văn Tấn - Nguyễn Văn Kự (2014). Đình Việt Nam. Hà Nội: Khoa học xã hội.

Huỳnh Ngọc Trảng - Trương Ngọc Tường (1999). Đình Nam Bộ xưa và nay. Đồng Nai: Đồng Nai.

Lê Văn Hảo (2002). “Làng Nại Hiên Đông”. Xưa & Nay. Số 120 (166)-IV.

Lê Văn Hảo (2010). “Về những ngôi mộ cổ ở Đà Nẵng”. Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng. Số 7 + 8.

Lê Quý Đôn toàn tập (1977). Tập 1: Phủ biên tạp lục. Hà Nội: Khoa học xã hội.

Léopold Cadière (2010). Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo của người Việt. Ba tập. Huế: Thuận Hóa.

Ngô Sĩ Liên (2011). Đại Việt sử ký toàn thư. Hà Nội: Thời đại.

Nguyễn Đình Đầu (2010). Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: Dinh Quảng Nam. Tập 1. Thành phố Hồ Chí Minh: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Phạm Hữu Đăng Đạt (2013). Chuyện xưa đất Quảng. Đà Nẵng: Đà Nẵng.

Phan Khoang (2001). Việt sử xứ Đàng Trong. Hà Nội: Văn học.

Phạm Phúc. “Nại Hiên Đông - Di tích đình làng trên 300 năm”. Du lịch thành phố Đà Nẵng. Số 4 (Bộ mới) 7.2002.

Tạ Chí Đại Trường (2006). Thần người và đất Việt. Hà Nội: Văn hóa thông tin.