Hai cô gái - Truyện ngắn của Trần Thu Hằng
Yến và Hoa làm cùng tổ, ở cùng nhà trọ. Hai cô cùng một quê, hồi còn phổ thông học cùng một lớp. Nhưng đến khi Hoa mua được xe máy thì cô tách ra, không ở cùng với Yến nữa. Ngày thường, việc gì Yến cũng dựa vào Hoa, nên khi Hoa đi, cô rất hoang mang, bứt rứt. Nhất là thấy Hoa “lên đời” nhanh quá, từ xe đạp chuyển sang đi xe máy, từ đồng phục công nhân bợt màu đến những bộ cánh lạ mắt. Các cô cùng tổ xì xào bàn tán, lườm nguýt ra mặt. Nhưng Hoa cứ cơng cơng thách thức, còn lên giọng dạy đời Yến:
-Mày đừng nghe lời tụi nó. Bây giờ tao không ở được cái chỗ giống như cái ổ đó. Mày cũng phải chịu khó mà thay đổi, giống tao đây này. Tội gì mà khổ như con ăn mày quanh năm suốt tháng như vậy, phải không?
Nghe đâu, Hoa cặp bồ với ông quản đốc người nước ngoài, nên mới khá lên nhanh như vậy. Yến lo sợ lắm, cô chưa có mảnh tình vắt vai, chứ đừng nói gì cặp đến một ông quản đốc đầu hói, mắt sắc cạnh, miệng hét ra lửa như vậy. Mỗi lần nhìn thấy Hoa, Yến như thấy có vầng hào quang lấp lánh bao quanh. Cô bạn gái thân thiết trở nên xa vời vợi như một hành tinh lạc vào xưởng máy đầy mồ hôi và bụi bặm này. Yến thấy khiếp sợ…
Nhưng chẳng bao lâu sau, chẳng thấy Hoa đâu cả. Nghe mấy cô bạn cùng tổ nói thì Hoa bị đánh ghen, đã nghỉ việc rồi. Thỉnh thoảng vẫn thấy ông quản đốc đi qua hành lang phân xưởng, đầu vẫn hói, mắt vẫn tóe lửa, giọng nói vẫn như sấm rền. Đứa con gái nào đang ăn vụng, nói chuyện riêng hay sửa áo ngực là thấy ông xuất hiện "nhắc nhở" ngay. Chẳng biết thực hư thế nào, Yến vẫn ngày đêm chạy theo ca kíp, không có nhiều thời gian để đi tìm cô bạn thân thời đi học của mình.
2.
Đùng một cái, Yến cũng bị cho nghỉ việc. Phòng nhân sự phát hiện ra việc công nhân làm hồ sơ giả, hộ khẩu giả, nên sa thải một loạt. Cả bọn kéo nhau đến cổng công ty để yêu sách, đi tới đi lui mấy bận thì hiểu rằng mình sai, không có quyền đòi hỏi gì cả. Đang lớ ngớ giữa những con đường của Khu công nghiệp rộng mênh mông thì Yến gặp Hoa. Mặt hoa da phấn chói lọi, cưỡi một "con xe” màu hồng xinh xắn, đằng trước là một cái bị lớn đầy quần áo.
Hoa hỏi thăm, biết Yến đang thất nghiệp, Hoa cười mà nói:
-Tao cũng làm hồ sơ giả, nên có cơ hội là "biến” trước. Bây giờ thì ổn rồi, phi thương bất phú, mày hiểu không?
Yến lắc đầu không hiểu, Hoa giảng giải một tràng, làm cô bạn khù khờ nghe ong cả đầu vì những chuyện "một vốn bốn lời”, "hụi họ”, "làm giàu”. Bây giờ Hoa đang ở nhà trọ với một anh kỹ sư quê tận miền Trung, anh ta bỏ vốn cho cô buôn bán quần áo siđa. Tiền lời Hoa chơi hụi. Hiện giờ cô đang làm chủ mấy dây hụi, sáng sáng chiều chiều phóng xe máy đi chào hàng, thu tiền hụi.
Yến nghe bùi tai. Số tiền ki cóp bao năm qua, cô góp hụi với Hoa. Bắt chước nhiều cô chủ khác, Yến kiếm một cái xe đẩy cũ, bán đồ ăn sáng và trái cây cho công nhân. Ngày ngày cô rong ruổi từ ngã tư này đến ngã tư khác, đứng trước những công ty lớn bán cho những người công nhân khác kiếm lời. Yến vốn chậm chạp nên bị mất đồ luôn. Được vài tháng, mặt cô xạm đen, xương cổ xương sườn nhô lên sau lớp áo siđa Hoa bán rẻ cho. Có vài đợt công an đi kiểm tra trật tự an toàn giao thông đô thị, Yến đẩy xe chạy có cờ, có khi còn làm rơi cóc ổi, bưởi lả tả trên đường.
Có một đêm, Yến ôm mặt khóc hu hu trước mặt Hoa. Cô nhớ mẹ, nhớ nhà, lo gia đình biết mình bị đuổi việc, đi buôn bán bị lỗ vốn… Hoa cười, nháy mắt cho anh kỹ sư của mình:
-Nè, có gì đâu mà khóc. Mày nhìn tao nè, vẫn sống nhăn chứ có sao đâu… Hay là mày chuyển qua làm việc khác, chỉ cần mày gật đầu, anh yêu của tao sẽ giúp mày ngay.
Yến nín khóc, ngước lên như bắt được vàng:
-Làm việc gì? Mày chỉ tao làm việc gì?
Hoa lại nháy mắt với "anh yêu” mà cười:
-Ảnh quen nhiều đại gia trong khu công nghiệp lắm. Mày thích, tao sẽ bảo ảnh kiếm cho mày một ông giàu có, sạch sẽ đàng hoàng. Sao, thấy sao hả cưng?
Yến rụt tay lại như đỉa đụng nước sôi:
-Bộ mày muốn tao… Không, tao không làm được đâu…
-Thôi tùy mày. Cứ suy nghĩ đi, rồi nói chuyện với tao sau. Đi anh.
Anh kỹ sư cười cười, nhìn Yến đầy vẻ ngụ ý rồi phóng xe đi, để lại một vệt khói đen sì. Yến ép chặt hai cánh tay vào ngực, run rẩy như đang bị bóc trần.
Hơn một tuần sau, Yến lấy hết can đảm tìm đến nhà trọ của Hoa và anh kỹ sư nọ. May mắn sao, Hoa có ở nhà. Yến xòe bàn tay gân guốc ra, giọng run run nài nỉ:
-Mày trả tiền hụi cho tao đi. Tao đang cần nó.
Hoa hất mặt một cách sành điệu, hỏi lại:
-Mày làm gì?
-Tao… trả tiền nhà, đi học luật lao động, kiếm việc làm khác…
Hoa lập tức đanh nét mặt:
-Bây giờ tao không có tiền. Tao cũng giống mày, đang làm ăn thua lỗ đây…
-Nhưng mà còn anh người yêu của mày. Ảnh giúp mày mà…
-Thằng chả đua mất xác rồi – Hoa rút điếu thuốc đưa lên môi một cách bất cần đời – Tao vừa mới đi "giải quyết” về đây, mày có biết không?
Yến lập bập hỏi lại:
-"Giải quyết” cái gì? Mày bị làm sao?
-Thì đi nạo thai đó. Con khờ. Hiện giờ tao đang có mối ngon lắm, mày đi với tao không?
Thấy mắt Hoa sáng lên, Yến cũng mừng theo, chẳng ngờ Hoa đề nghị:
-Tao định lên Sài Gòn, kiếm ít vốn. Ở đây hết đất làm ăn rồi, mày biết không?
-Không, tao không đi được đâu. Mày trả tiền cho tao, một ít thôi cũng được…
Hoa quát to:
-Tao không có tiền. Đã nói mà không hiểu hả?
3.
Công an khu vực và tổ dân phố mời tất cả những công nhân đang ở trọ lên làm việc. Nhiều người sợ quá trốn chui trốn lủi vì sợ bị phạt. Nhưng Yến chẳng còn gì để mất nữa, cô xách theo cả cái rương rỗng vào trụ sở công an phường, mong ngóng có ai đó nhận ra và bảo lãnh cho mình.
Chẳng ngờ, các anh công an phổ biến quy định mới, phát cho mỗi người một tờ khai, yêu cầu khai trung thực tên tuổi, quê quán, trình độ học vấn để có hướng giúp đỡ những công nhân… lỡ khai man lý lịch. Yến cũng được một tờ, cô hí hoáy điền vào những ô trống. Ở mục "Nguyện vọng”, cô viết:
"Tôi muốn xin một việc làm, để khỏi ăn bám bố mẹ, cũng không phải làm gái đứng đường. Xin các anh công an bỏ qua cho tôi việc làm gian dối trước đây. Tôi xin chân thành cảm ơn…”
Một tuần sau, nhờ sự giới thiệu của phường, Yến lại đi làm trong một công ty may công nghiệp. Cô hưởng lương học việc, nếu học tốt thì vài tháng sau sẽ được ký hợp đồng chính thức. Yến lại lao vào công việc, nhưng giờ đây không còn phải nơm nớp lo sợ việc mình làm hồ sơ giả, xin việc chui và bị một ông quản đốc nào đó hét ra lửa lật tẩy mình.
Đêm đêm, chiếc xe ca đưa Yến đi vào con đường khu công nghiệp rộng thênh thang. Cô nhìn những hàng cây, những ngọn đèn sáng chói nổi bật giữa trời đêm tĩnh lặng. Tiếng máy vang lên đều đều, những ngôi sao nhấp nháy. Yến nhìn hút mắt ánh sáng phản quang từ chiếc áo của những chị công nhân vệ sinh. Cô nhớ đến Hoa, giờ này đang lang thang ở một góc đường nào đó, lẩn khuất dưới màn đêm./.
T.T.H.