Thực trạng và giải pháp chăm sóc đời sống tinh thần văn nghệ sĩ cao tuổi - Bùi Văn Tiếng
Nói đến chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nói chung, văn nghệ sĩ cao tuổi nói riêng, người ta thường nghĩ đến việc chăm sóc đời sống sinh học của người tuổi cao. Già rồi ăn uống ngày càng khó, bởi bộ nhai cũng yếu dần theo thời gian năm tháng, chẳng hạn khó mà nhai xương rau ráu như hồi còn trẻ. Đó là chưa kể người già hay thương con thương cháu, món gì ngon cứ nhường cho cháu cho con, chứ ăn không đành.
Do vậy cái ăn của người già là vấn đề cần phải chăm sóc chu đáo. Cái ngủ của người già cũng vậy, thao thao thức thức mãi vẫn không sao dỗ được giấc ngủ, chợp mắt được một chút lại có việc phải rời giường, càng khó mà ngủ tiếp…
Đáng quan tâm hơn cả là vấn đề phòng và chữa bệnh cho người cao tuổi - bởi già hay đi đôi với yếu, tuổi già thường sức yếu. Bệnh tật không phải là đặc sản của tuổi già, nhưng tuổi già hay lắm bệnh, thậm chí là bệnh… tưởng! Người già rất dễ bị tổn thương về sinh lý - bao nhiêu là nguy cơ về bệnh tim mạch, bệnh xương khớp… đang chờ chực làm khổ họ. Người già nói chung là không còn đủ sức làm việc như thời trai trẻ kể cả lao động chân tay lẫn lao động trí óc - lao động nghệ thuật của văn nghệ sĩ chủ yếu là lao động trí óc nhưng cũng có loại hình nghệ thuật rất cần sức mạnh và sự dẻo dai của cơ bắp như nghệ thuật múa, rất cần sự trong trẻo của chất giọng như nghệ thuật ca hát... Sở dĩ như vậy là vì khó ai vượt qua được sự nghiệt ngã của thời gian. Người cao tuổi thường không giữ được độ minh mẫn và tinh tường như xưa vì trong quá trình lão hóa tự nhiên, đôi mắt đã mờ nhòa hơn trước không thể đọc lâu, xương cốt đã khô mỏi hơn trước không thể ngồi lâu, đầu óc đã lú lẫn hơn trước không thể nhớ lâu… Cho nên các bệnh viện phải thành lập lão khoa, và bệnh học tuổi già - kể cả tính dục học tuổi già - đang trở thành một ngành thời thượng trong y học.
Bài viết này tập trung vào một khía cạnh khác: chăm sóc đời sống tinh thần văn nghệ sĩ cao tuổi. Thật ra chăm sóc đời sống sinh học cho có hiệu quả cũng đã góp phần tích cực vào việc chăm sóc đời sống tinh thần, bởi ăn không ngon ngủ không yên lại thêm ốm đau bệnh tật thì vui sao nổi - đau là khổ mà. Tuy nhiên cần thấy điều ngược lại: lạc quan chính là phương thuốc diệu kỳ có thể giúp người già - nhất là những người già lao động nghệ thuật - vượt qua thậm chí chữa lành những cơn đau thể xác.
*
Người già thời nào cũng có, và thời nào người ta cũng cố tìm cách giải quyết những vấn đề mang tính thế hệ của các bậc cao niên. Người ta rất quan tâm đến mối quan hệ xã hội của người già, chẳng hạn thời xưa người ta khuyên người già nên lão giả an chi - tức là an phận tuổi già không để ý đến việc đời nữa, ngược lại thời nay người ta ra sức khuyến khích người già - nhất là giới trí thức/văn nghệ sĩ - tiếp tục sống hữu ích, không ngừng đóng góp cho cộng đồng.
Nguồn thu nhập của người già cũng luôn được đặt ra: lương hưu là cách xã hội lo giữ ngày giữ bữa cho người lao động để khi về già không còn đủ sức làm việc như thời trai trẻ vẫn có thể sống được bằng một khoản tiền lương hằng tháng; rồi bản thân người già - trong đó có các văn nghệ sĩ hoạt động tự do, kiếm sống chủ yếu bằng lao động nghệ thuật - cũng đã tự mình lo tích lũy ít nhiều ngay từ khi còn trẻ, và với nhiều người thì của để dành đáng giá nhất, ăn chắc nhất vẫn là con cái thành đạt (cho nên không ít người chấp nhận đầu tư cho tương lai, sẵn sàng hy sinh đời bố củng cố đời con).
Người cao tuổi nói chung rất dễ bị tổn thương về tâm lý, rõ nhất là thường xuyên phải đối mặt với hội chứng cô đơn. Văn nghệ sĩ thường lấy cô đơn làm động lực sáng tạo nghệ thuật (Nhà thơ Inrasara từng viết cuốn sách Chưa đủ cô đơn để sáng tạo), nhưng không phải lúc nào họ cũng đang trong trạng thái sáng tạo, không phải lúc nào họ cũng cần cô đơn để sáng tạo, cho nên hội chứng cô đơn vẫn ám ảnh văn nghệ sĩ cao tuổi giống như những người già khác. Người trẻ ở phương Tây có xu hướng tự lập sớm, thường sống xa cha mẹ ngay khi vừa đến tuổi trưởng thành, nên người già Tây phương có vẻ dễ thích nghi với cảnh sống cô độc tĩnh lặng hơn người già Đông phương, và không phải ngẫu nhiên mà người già Đông phương nói chung, người già Việt Nam nói riêng hay xem trọng việc sinh con nối dõi tông đường - tức có người phụng dưỡng cha mẹ ông bà lúc tuổi già và thờ cúng ông bà cha mẹ trong mai hậu. Tất nhiên cô đơn khác với cô độc, bởi con người có thể cảm thấy rất cô đơn và thậm chí càng cảm thấy cô đơn hơn ở chỗ… đông người. Cho nên những trại dưỡng lão chỉ giúp người già cảm thấy bớt cô độc chứ chưa chắc đã giúp được họ vơi bớt nỗi cô đơn, và những người già có đông con cháu chưa chắc đã ít cô đơn hơn những người hiếm con muộn cháu cùng cảnh ngộ. Và cũng chính vì luôn cảm thấy cô đơn nên người già thường có tâm lý hoài cổ, thích ngoái nhìn về quá khứ xa xưa.
Tất nhiên số người già bất hạnh phải sống lang thang cơ nhỡ tứ cố vô thân đói cơm lạt muối vẫn còn không ít và không phải ai cũng có điều kiện để được cộng đồng giúp đỡ cưu mang, nhưng đối với số đông người già ngày nay thì không chỉ được ăn no mặc ấm mà còn được ăn ngon mặc đẹp, trước hết là những người già có của để dành đáng giá nhất, ăn chắc nhất vừa đề cập trên kia. Mặt khác nhờ những thành tựu về bệnh học tuổi già ngày càng phong phú và không ngừng phát triển nên người già thời công nghiệp hóa sống thọ hơn người già các thời trước, và mặc dầu bài thuốc cải lão hoàn đồng trong cổ tích vẫn đương còn là một ước mơ nhưng ngày càng có nhiều người già đầy phong độ - kể cả trong đời sống tính dục, chỉ riêng căn bệnh cô đơn của người già thời công nghiệp hóa thì cơ hồ vẫn chưa có thuốc chữa và dường như còn trầm trọng hơn xưa.
Công nghiệp hóa thường đi liền với đô thị hóa, cho nên nhiều người già vốn là lão nông tri điền nay đang trở thành thị dân sống cùng con cháu giữa phố phường chật hẹp người đông đúc (thơ Tú Xương). Con người đô thị nói chung sống chen chúc nhưng xa cách. Nhiều ngôi nhà đô thị kín cổng cao tường khiến con người sống ở đó vừa có cảm giác yên tâm không bị ai quấy nhiễu lại vừa như đang tự giam mình trong nỗi cô đơn. Đó là chưa kể trong bối cảnh đạo đức xã hội có phần suy thoái như hiện nay, tuy chưa phổ biến nhưng không còn cá biệt những trường hợp người già bị chính con cái mình bạc đãi khiến phải chịu cảnh cô đơn ngay giữa căn hộ/ngôi nhà từ lâu đã không còn là tổ ấm, thậm chí ngược đãi đẩy ra đầu đường xó chợ hết sức đau lòng.
Người già không có việc làm ngay từ khi chưa già và người đã già thậm chí rất già vẫn phải làm nhiều việc lam lũ nhọc nhằn hơn hồi còn trẻ, đó chính là vấn đề nổi cộm của người già thời công nghiệp hóa. Như đã nói trên, công nghiệp hóa thường đi liền với đô thị hóa và hệ quả là không ít người già ở nông thôn buộc phải thoát ly nghề nông ngay từ khi chưa già. Cũng có người có năng lực thích nghi cao để có thể chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp nhưng không phải ai cũng được như vậy, nhất là với những người ly nông bất ly hương vẫn tiếp tục trụ lại ở làng quê. Đáng nói hơn là người đã già thậm chí rất già vẫn phải nai lưng làm nhiều việc lam lũ nhọc nhằn hơn hồi còn trẻ để mưu sinh kiếm sống không chỉ để nuôi mình mà còn để nuôi người thân - có thể là người bạn đời không còn khả năng lao động lại thường xuyên đau ốm, cũng có thể là người con đáng thương phải chịu cảnh tật nguyền từ bé… Mặc dầu đây cũng không hẳn là đặc sản của thời công nghiệp hóa - thời nào mà chẳng có những cảnh ngộ tương tự, nhưng thời công nghiệp hóa với khoảng cách giàu/nghèo ngày càng doãng ra, càng làm cảnh ngộ thương tâm ấy nổi bật trên cận cảnh đời sống xã hội.
Cũng có không ít người già thỉnh thoảng được những người trẻ đồng thanh khen rằng cụ cao tuổi thế mà suy nghĩ hãy còn sáng suốt quá, nói năng hãy còn mạch lạc quá… Lời khen ấy có thể thực sự chân thành nhưng cần thấy cái sáng suốt và mạch lạc ở đây chỉ là sáng suốt và mạch lạc hơn so với những gì mà người trẻ hình dung về cách suy nghĩ và nói năng của người cao tuổi, chứ làm sao mà sáng suốt và mạch lạc hơn so với chính người già hồi còn trẻ và nhất là so với người đương còn trẻ còn sung sức trong một thế giới đang bùng nổ thông tin thời công nghiệp hóa.
Nếu không thấy được sự khác biệt này, không chừng người già lại mắc thêm bệnh hoang tưởng về bản thân - căn bệnh tưởng chỉ có thể phác tác hoành hành ở những người chưa thực sự từng trải và lịch lãm. Đương nhiên cũng có một số người già nói chung, văn nghệ sĩ cao tuổi nói riêng được xem là gừng càng già càng cay, năm tháng trôi qua vẫn chưa làm họ giảm đi sự sắc sảo và năng động về tư duy, và so với nhiều người đương còn trẻ thì họ vẫn vượt trội cả về tầm nhìn lẫn cách nghĩ; có điều những người già như vậy vốn xưa nay hiếm - cổ lai hy…
*
Cần làm gì để chăm sóc ngày càng tốt hơn đời sống tinh thần người cao tuổi nói chung, văn nghệ sĩ cao tuổi nói riêng? Trước hết phải làm sao để người già có ý thức và đủ khả năng tự chăm sóc cuộc sống tinh thần của mình. Mặc dầu sự vui/buồn của mỗi người thường bị tác động bởi tâm lý đám đông, nhưng nhìn chung thế giới tinh thần của con người vốn mang tính riêng tư. Chính vì vậy cần thấy khả năng tự chăm sóc của từng người già là hết sức quan trọng - ngay đời sống sinh học là phương diện con người có thể dựa phần lớn vào sự hỗ trợ từ bên ngoài mà vẫn rất cần đến khả năng tự chăm sóc, huống hồ...
Từng người già phải tự tìm cho mình nguồn vui tinh thần phù hợp với cảnh ngộ và thị hiếu của bản thân. Các giải pháp khách quan chỉ có ý nghĩa khi tạo điều kiện cho người già thỏa mãn được nguồn vui tinh thần do chính họ chủ động lựa chọn hoặc chấp nhận vào cuộc một cách tự nguyện. Không phải ngẫu nhiên mà người Trung Quốc phiên âm từ Club trong tiếng Anh thành từ Câu lạc bộ, trong đó có từ tố lạc nghĩa là vui - câu lạc bộ là nơi người ta đến vì thấy vui, lấy vui làm chính.
Ở trên tôi có nói đến những căn hộ/ngôi nhà từ lâu đã không còn là tổ ấm như một tác nhân khiến không ít người già cảm thấy cô đơn, vì thế cần khuyến khích mô hình gia đình tam đại/tứ đại bất đồng đường. Mô hình này cho phép không cần sống chung dưới một mái nhà mà vẫn có sự liên kết mật thiết giữa các gia đình hai thế hệ, thông qua những bữa cơm gia đình/những cuộc gặp mặt thân mật nhân ngày giỗ, ngày tết cổ truyền hoặc sinh nhật/mừng thọ, Mother’s Day/Ngày của Mẹ, Father’s Day/Ngày của Cha… Đó là cách làm cho người già nói chung, văn nghệ sĩ cao tuổi nói riêng có thể vơi bớt nỗi cô đơn thường nhật ngay trong gia đình.
Trên lĩnh vực nghề nghiệp, những hoạt động giao lưu giữa văn nghệ sĩ với công chúng nghệ thuật, giữa văn nghệ sĩ với nhau cũng rất cần thiết để giúp văn nghệ sĩ vơi bớt nỗi cô-đơn-sau-sáng-tạo. Hồi đầu năm Ất Mùi, tôi có đến dự buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Thơ Hàn Giang tổ chức hôm mồng mười tháng giêng âm lịch. Đây là câu lạc bộ của những người cao tuổi yêu thơ ở một quận nội thành Đà Nẵng. Họ hào hứng đọc thơ/ngâm thơ cho nhau nghe - có không ít bài được sáng tác tại chỗ. Trong trò chơi hỏi-đáp hôm ấy, có một câu hỏi về lao động nhà thơ rất ấn tượng: Người làm thơ hay và người hay làm thơ, ai tốn nhiều công sức hơn? Câu trả lời là người làm thơ hay! Đương nhiên đa phần người tham gia câu lạc bô này chỉ là người hay làm thơ. Nhưng với họ, chỉ cần vậy thôi đã đủ để thêm yêu thơ yêu đời yêu người, đã đủ để đời sống tinh thần của họ tỏa sáng hơn. Theo tôi, Hội Người Cao tuổi thành phố nên phối hợp với Hội Nhà văn thành phố nhân rộng mô hình này nhằm tạo thêm sân chơi cho những người già ngày càng mê đắm thi ca… Người không chuyên còn thế huống chi người trong nghề!
Đương nhiên đối với văn nghệ sĩ, vui không dễ, vì đã là nghệ sĩ thì “có thể sống sung sướng không kém thiên hạ, nhưng anh ta không có quyền đau khổ và dằn vặt ít hơn mọi người; nỗi đau đời là một trong những nét đặc trưng cơ bản nhất của tâm hồn nghệ sĩ (…) nghệ sĩ khác đời là ở chỗ người ta khổ một anh ta khổ hai, người ta vui ít anh ta vui nhiều và thậm chí buồn trong cả khi vui” [1]. Do vậy niềm vui của văn nghệ sĩ chỉ là niềm vui được sáng tạo, được thỏa mãn nhu cầu tự bộc lộ giãi bày bằng ngôn ngữ của nghệ thuật những điều ấp ủ nung nấu trong lòng - được viết/được vẽ… không phải vì có thể viết/có thể vẽ mà chủ yếu vì không thể không viết/không thể không vẽ. Cho nên không một ai, ngoài bản thân văn nghệ sĩ, có đủ khả năng tạo nên được cái nhu cầu tự thân ấy, và thông qua khả năng tạo nên và giải quyết cái nhu cầu tự thân ấy, từng văn nghệ sĩ cao tuổi thể hiện khả năng tự chăm sóc cuộc sống tinh thần của mình.
B.V.T