Có một dòng sông chảy ngược - Truyện ngắn Thu Loan

09.12.2015

"Đến mùa sông chở nặng phù sa rồi”! Chị thầm nghĩ khi nhìn dòng nước đỏ ngầu màu đất bazan lừ lừ trôi về phía núi. Tự dưng chị bần thần, nôn nao. Chính Lam phát hiện đây là con sông chảy ngược. Đó là một buổi hoàng hôn cách đây hơn mười năm. Như mọi hoàng hôn khác. Chị và Lam cùng ra sông, cùng ngồi trên tảng đá, thõng chân xuống nước. Đột nhiên Lam đứng bật dậy, kêu thất thần: “Ơ! Sông chảy ngược”. “Gì”? “ Sông chảy ngược”. Vẻ thẫn thờ, ngơ ngác xen lẫn chút hoảng loạn trên gương mặt hằn nét rầu rĩ, buồn thương. Vẻ mặt của ngày Lam cầm giấy báo tử. 
 

Có một dòng sông chảy ngược - Truyện ngắn Thu Loan


Đồng đội kể Quân hy sinh trong cuộc chiến đấu đẩy lùi các đợt tấn công lấn chiếm của kẻ địch ở Đức Cơ, vùng biên giới phía Tây Tổ quốc. Lúc Quân ngã xuống rừng lặng phắc. Không gian nồng thuốc súng. Hoàng hôn đỏ rực màu máu. Tờ giấy nặng hơn đá núi xô Lam ngã dụi, khóc không thành tiếng. Nước mắt ướt nhòe hai má.

Chị thường xuyên ở bên Lam chuyện trò, an ủi... Chỉ sợ Lam buồn quá hóa quẫn. Giờ đây, có lẽ Lam quẫn thật. Làm gì có sông chảy ngược! Nắm vững kiến thức địa lý lẫn giỏi văn suốt thời phổ thông, đọc bao tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ ca, chị cũng chỉ nghe các dòng sông đều chảy ra biển. Chị nhìn theo hướng Lam nhìn. Vẫn con sông quen thuộc. Dòng nước êm trôi. Hai bên bờ thấp thoáng những đám cỏ um tùm, cây dại. Chị sinh ra và lớn lên bên dòng sông này, quen từng mùa nước trong, nước đục, biết giờ nào nước dâng cao ngập tràn bãi đá, giờ nào nước rút trơ lại bãi cát đầy vỏ hến, cành cây, mảnh chai vỡ. Quen quá nên không nhận ra điều khác biệt? Hay khác biệt ở người thấy nó? Chị hoảng hốt nhìn lại Lam - người bạn thân từ ấu thơ. Quen Quân được 7 ngày, Lam hỏi chị được không. Chị bảo được. Thế là Lam đồng ý lấy Quân. Cứ như mắt của người này còn tim óc là của người kia. Ở với nhau 4 ngày, Quân trở lại đơn vị. Lấy chồng bộ đội phải quen với nhiều thứ chớp nhoáng. Người lính làm gì có nhiều thời gian cho gia đình ngoài những ngày phép ít ỏi? Chớp nhoáng gặp, chớp nhoáng yêu, chớp nhoáng cưới, chớp nhoáng về, chớp nhoáng đi... Riết rồi cái gì cũng quen. Chỉ có cái chết chớp nhoáng là không sao quen được. Lam ngất lên ngất xuống. Đầu tóc rối bù, áo quần xốc xếch. Thi thoảng Lam chạy ào ra sông như ma đuổi. Thi thoảng Lam gánh tòng teng đôi thùng không đi khắp làng. Trên gương mặt xinh tươi thường trực nếp nhăn, nỗi buồn. Mắt Lam thâm quầng. Người gầy rộc. Giá Quân kịp để lại đứa con, chắc Lam không đến mức suy sụp vậy.

 

Lúc đó, chị nhìn theo hướng Lam nhìn. Tất cả hoàng hôn, tất cả lần ra sông lấy nước, Lam đóng đinh duy nhất một hướng nhìn ấy. Đó là dãy núi phía Tây cao vút, nơi Quân ngã xuống. Mặt trời như bếp than đỏ rực tỏa xuống mặt sông sắc thắm đỏ, ánh vàng, soi rõ từng dợn sóng lăn tăn, dập dờn hướng về phía núi. Bình lặng, thản nhiên như từ bao giờ đã bất chấp quy luật tự nhiên, đi ngược với lối nghĩ thông thường. Chiều ấy, chiều hôm sau, liên tục những hôm sau nữa, mọi người trong làng kéo ra sông nhìn dòng nước chảy ngược như một chuyện lạ! Bao năm qua không ai để ý. Nhưng giờ thì đúng thật. Mặc tiếng ồ à, tròn mắt, khua tay, nhíu mày... dòng nước cứ lừ lừ trôi từ hướng biển về núi mang theo cả bầu trời, bóng cây, con cá... Bây giờ thì không ai ngạc nhiên nữa. Không những quen, dân làng còn tự hào vì quê hương mình có một dòng sông khác biệt.

Riêng chị, mỗi lần thấy mùa nước sông chở nặng phù sa lại thêm một lần sốt ruột: Thêm một năm Lam sống trơ trọi. Chị từng hăng hái làm bà mối, quyết tìm cho Lam một tấm chồng tử tế. Đàn ông ngủ với bao người vẫn lấy vợ như không. Đàn bà có một đời chồng, lấy lại chồng khác thật khó. Người cùng lứa mà được được thì đã có đôi có lứa. Người còn độc thân thì quá lớn hoặc quá trẻ, khó mà hợp! Cân cân nhắc nhắc... Năm tháng đi qua, đi qua... Cho đến lúc đôi bạn cùng giật mình: Tuổi xuân cũng đã trôi như dòng nước không hẹn ngày về. Ước muốn mỗi ngày nhỏ lại, thấp xuống. Trong ý nghĩ của hai người đàn bà, khái niệm CHỒNG bị tụt hạng. Số một là CON. Sống có thể không chồng, không vợ nhưng không có con thì buồn vô hạn. Ai không có những lúc ốm đau, tuổi già cô quạnh? Ai không thèm nghe tiếng trẻ thơ bi bô, nói cười ríu rít? Con cái còn là sự nối tiếp cuộc sống sau khi chết, là chốn nương thân, sự gửi lại… Chỉ tưởng tượng làn da mát mịn thơm mùi sữa, những bước chân chập chững thôi cũng đủ sướng run, máu chảy rần rật, người bừng bừng như sốt. Con! Chuyện này là điều tất yếu, lẽ đương nhiên của đời người. Nhưng hoàn cảnh của Lam, sao khó thế. Chính chị dẫn Lam lên thành phố thụ tinh. Nghe bác sĩ cho biết số tiền tối thiểu cần phải có, mặt chị và Lam tái nhợt như sắp hết máu. Lông mày, khóe môi trễ xuống. Thế mới biết tiền không là tất cả, nhưng không có tiền thật khổ. Làm gì cũng phải đắn đo, suy tính. Nhiều lúc không tiền nhục nhã, hèn kém. Thôi, đành vuốt ngực, nuốt nước bọt quay về làng, tìm phương pháp tự nhiên, phù hợp hơn với điều kiện của mình. Nhưng biết tìm ai. Ai chịu cho Lam một đứa con? Làng của chị đàn bà nhiều hơn đàn ông. Đàn ông lực lưỡng khỏe mạnh hầu hết bỏ làng lên phố làm ăn. Tết mới về dăm ba ngày. Có về thì họ cũng quấn lấy vợ con, chẳng mấy ai mắt liếc ngang liếc dọc. Từ đầu trên đến ngõ dưới xóm làng biết nhau tường tận. Chưa kể làng chị vốn truyền thống, nề nếp từ bao đời. Chị luôn dạy con gái: “Chữ trinh đáng giá ngàn vàng. Chỉ dành chuyện ấy cho chồng thôi. Không thì suốt đời không lấy được người tử tế con ạ”. Bạn chị ở phố nghe chuyện cười ngất: “Thời nay phải dạy con khi ngủ với trai phải sử dụng bao cao su. Phòng có thai và nhiều hậu quả khác”. Chị xua tay, đỏ mặt: “Thôi... thôi... tao là dân quê chứ không phải thành phố”. Cô bạn bĩu môi, nguẩy đầu, còn kể bao nhiêu chuyện chị không thể ngờ thực tế lắm thứ khủng khiếp thế. Nhưng rõ là cái làng nhỏ bé của chị khó lừa được đàn ông lên giường. Khó hơn nữa là thuyết phục họ cho mình đứa con. Cả kế hoạch minh bạch lẫn vụng trộm đều thất bại. Con sông đã trải qua bao mùa nước chở nặng phù sa. Chị thì chẳng sợ gì. Đã một chồng hai con. Gái trai đủ cả. Chỉ thương Lam. Trên da đã xuất hiện mấy chấm nâu nâu. Bới dưới mái tóc đen đã điểm nhiều sợi bạc. Thời gian chẳng đợi người. Tuổi xuân không chừng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

 

Chị mê mải ngắm sông. Dòng nước chầm chậm trôi, dờn dợn sóng như suy tư, như dao động hay chẳng là gì cả. Muôn đời vẫn thế. Chỉ biết sau mùa này phù sa bồi đắp ven bờ làm cỏ cây, nương bắp, nương mì càng thêm xanh. Tâm trí chị lang thang những đâu rồi cuối cùng cũng quay về Lam. Đời người chẳng biết thế nào. Lam ngoan hiền, dễ thương đến vậy mà tình duyên lại long đong. Thương quá. Chị hay thương người. Nhìn những cụ già ăn xin chị tưởng họ như bố mẹ mình. Nhìn những đứa trẻ lang thang ngoài phố nhặt nilon, vỏ lon, nhôm nhựa… chị thấy chúng như cháu như con. Không biết bao lần chị thầm mơ có thật nhiều tiền, lập một cơ sở từ thiện để có thể cưu mang tất cả những người lang thang cơ nhỡ, có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng chị cũng nghèo. Lo đủ cuộc sống bình dị cho mình cũng ướt mồ hôi. Thôi, để việc đó cho những người có điều kiện. Hơn nữa, những người kia chỉ là người lạ, tình cờ gặp nhau trong cuộc sống. Chị chẳng biết gì về họ và ngược lại. Còn Lam, hai đứa như dính keo. Không gặp một ngày thấy thiếu. Không gặp hai ngày thấy thấp thỏm. Buồn vui của người này cũng thành tâm trạng người kia. Làm sao chị có thể thờ ơ trước số phận người thân? Lam mong con cũng như chị mong. Nó sẽ là ánh lửa, nụ cười trong nhà Lam, là chiếc gậy cho Lam tựa khi sức yếu, là cái đích, phía sau của cuộc đời... Nhưng làm sao có được? Lần nào nói chuyện này, gương mặt hai người cũng thẫn thờ, mắt nhìn xa xăm, hơi thở dài sõng sượt. Bế tắc. Bế tắc. Bế tắc... Đầu óc chị bưng bưng như gặp bài toán khó không tìm ra cách giải.

Chiều nay đứng trước sông, gió thổi tung tóc, tung những ý nghĩ rối bời lùa vào đầu chị một ý nghĩ mong manh “Nhờ chồng”,“Nhờ chồng”. Chị xây xẩm mặt mày, nguây nguẩy đầu. Mình có điên không? Chị ngồi phịch xuống tảng đá, xoắn mái tóc chặt trong tay, búi lên thật cao cho mát mẻ, cho lòng trấn tĩnh, cho tâm trí trở lại minh mẫn. Chị biết mình hạnh phúc. Chị là người đàn bà được chồng yêu. Về nhà, không thấy chị là chồng gọi, chồng tìm. Hỏi sao phải làm thế. Nói nhớ. Không có vợ nhà như nhà hoang. Lạnh lắm. Đêm nằm không chị, anh quay phải, quay trái, giấc ngủ chập chờn. Hỏi sao phải khổ sở thế. Nói quen rồi. Không có người ôm lưng, gác chân, trò chuyện, buồn lắm. Vì thế, nhiều lần chị chẳng dám đi xa, sợ anh mất ngủ triền miên, người gầy rộc, mắt như lỗ đáo. Hơn hai mươi năm chung sống, lửa tình vẫn đượm, vẫn như nam châm hút sắt. Đêm nằm tay ấp, chân quặp. Da thịt vẫn mịn màng, láng mượt. Chị biết anh còn khỏe lắm. Có đêm say ngủ, khẩu súng căng cứng, âm ấm trong tay chị. Cả chị nữa. Nhiều đêm bỗng dưng thèm muốn rạo rực như lửa đốt, dầu sôi, như có một lớp tinh dầu thơm ngát, trơn láng trải khắp người. Vậy mà chị định dẫn chồng cho Lam. Người chứ có phải vật đâu mà ưng đặt thì đặt, ưng níu thì níu. Sống sượng, vô lý thật. Nhưng bóng Lam vò võ ngồi bên hè một mình dưới trăng, thui thủi quét sân, một mình tựa cửa... lại cứa tim chị đau thắt. Chị nghĩ nếu mình là Lam thì sao? Có phải cũng nửa đêm vùng dậy tắm, nửa đêm mang lúa ra xay, nửa đêm ngắt nhéo da thịt đau rát để sáng ra ngủ bù, bỏ luôn buổi làm đồng...  Ơ! cuộc đời người khác sao chị vận vào mình? Cớ gì chị cứ phải đặt mình vào vị trí của người khác để suy ngẫm? Nghĩ đi nghĩ lại rồi càng thương Lam. Con người lạ thế. Đã thương thì tròn méo gì cũng thương. Lam cần một đứa con. Chỉ vì ý nghĩ này mà nhiều đêm chị không ngủ, nghe chuột rúc trong góc, gió lùa qua kẽ vách, lá chuối phần phật sau nhà.

Đêm nay, chị quặp chặt chồng từ sau lưng. Chị áp bầu ngực hôi hổi vào mảng lưng hình chữ V săn chắc. Ý nghĩ trong đầu mưng nhức bật ra thành lời thủ thỉ dịu ngọt: Mình ơi, mình cho Lam một đứa con. Chồng chị xoay người. Môi chị mọng chạm phải đầu vú chồng. Chồng tưởng chị mê ngủ. Không phải. Chị nói lại, giọng vẫn mượt như nhung. Chồng chị tròn mắt: Bà điên à? Đêm thứ hai, thứ ba, những đêm sau nữa vẫn nội dung cũ. Vẫn những câu bẳn gắt: Bà có bị ấm đầu không? Khùng. Vớ vẩn. Điên quá. Mặc kệ. Chị cứ thẽ thọt. Thuyết phục, thuyết phục. Lam cần một đứa con. Mong muốn chính đáng chứ. Mà chồng cô ấy ngã xuống cũng vì dân vì nước. Mình đội ơn cô ấy chưa thỏa, sao để Lam phải chịu khổ một mình? Cứ thế, mưa dầm thấm lâu. Từ chỗ hất tay, hẩy chân, nhăn nhó, to tiếng…dần dần chuyển sang nằm im, thở dài, gác tay lên trán, suy nghĩ, ậm ừ… Chỉ cần chồng thương Lam một. Có chút thương là có thể làm chuyện ấy được rồi. Chồng chị vẫn lưỡng lự. Con vật còn biết thương con nữa là người. Đứa bé là con mình, bà tính sao? Thì vẫn là con! Mình không bỏ nó. Mình giúp mẹ nó cũng là giúp nó. Đứa bé sẽ là con cháu chung của hai gia đình. Tất cả cùng nuôi nấng, chăm sóc, dạy dỗ nó. Có gì đâu phải ngại. Mấy tháng sau, mặt anh thôi cau có, trán không còn nhăn, lông mày không còn nhíu. Anh gật.

Được thế mới xong nửa đường. Chị lại thành sứ giả đến bên Lam. Nói với chồng khó một, nói với bạn khó mười. Chọn thời điểm nào, khung cảnh nào thích hợp. Chuyện lớn chứ phải đùa đâu chỗ nào cũng nói được. Chị đợi lúc hoàng hôn. Chị cũng tòng teng gánh đôi thùng ra sông lấy nước, cũng xắn cao quần để lộ đôi chân trần rám nâu. Những đường gân mờ mờ xanh xanh trên chân Lam và chị thầm nhắc hai người sắp qua thời xuân sắc. Vẫn như mọi khi, Lam nhìn hút về phía núi, nơi người chồng thân yêu đã ngã xuống. Chị nhìn Lam: Đuôi mắt có thêm mấy nếp nhăn mới. Gió sông mát rượi. Nước chảy mênh mang. Nói vòng vo bao chuyện chị mới thu hết can đảm chuyển đề tài: Lam ơi, chồng mình sẽ cho Lam một đứa con. Hoàng hôn đang sập xuống bỗng giật mình, hắt những tia nắng cuối ngày chói sáng. Lam quay phắt lại, mắt mở như sắp rách, tưởng lạc cõi mê. Chị thì thào:

- Chồng mình sẽ cho Lam một

đứa con.

- Gì?

- Chồng mình sẽ cho Lam một

đứa con.

- Cậu có bị sao không? - Lam tròn mắt.

Chị kiên trì giải thích, vỗ về. Đầu Lam vẫn lắc. Hoàng hôn thứ hai, thứ ba, thứ tư… hàng chục hoàng hôn sau chị vẫn nhắc lại một nội dung cũ. Chỉ khác lần sau hối thúc, say sưa, nồng nhiệt hơn lần trước dù chỉ nhận được lời đáp:Vớ vẩn! Không đời nào! Kỳ cục! Điên chắc!... Mặc kệ. Chị đã có kinh nghiệm: Tư tưởng con người chứ phải gì đâu mà thay đổi nhanh chóng. Phải kiên trì, kiên trì, kiên trì...

Chị không nhớ qua bao buổi hoàng hôn, bao lần Lam hướng mắt nhìn núi. Núi xanh khắc một vệt nhấp nhô tím thẫm chìm dần trong ráng chiều. Từ lắc đầu quầy quậy, xua tay, nhăn nhó chuyển sang im lặng, suy tư, bờ vai tròn trặn hơi khom xuống. Chị không nhớ đến hoàng hôn thứ bao nhiêu thì Lam ừ. Chị lặng đi rồi ôm chầm Lam, siết tay Lam mừng vui như đã chiến thắng.

 

 Chị ép chồng ăn thịt bò, giá sống, uống mật ong lòng đỏ trứng gà. Bữa ăn nào chị cũng ngồi bên chồng tay quạt không nguôi, tay gắp thức ăn cho chồng đầy chén. Đêm chồng đến nhà Lam, chị làm đủ việc: Dọn bếp, nấu cám, gấp áo quần, soi trứng cho gà ấp... Càng mong thời gian qua mau thời gian càng chậm chạp. Chị cố quên chuyện ấy mà không sao quên được. Thỉnh thoảng, chị dõi mắt phía cuối con đường, lắng nghe tiếng cổng tre cót két. Lúc tiếng chân chồng vang lên trước thềm nhà, tim chị đập thình thịch, lòng đầy hồi hộp, lo âu. Chị gần như nhào ra.Tốt chứ. Tốt. Chị thở phào như trút được gánh nặng.

Chưa gì chị đã mừng. Mừng như điên, như chuyện sinh con là của mình. Chị hình dung chẳng mấy chốc Lam có bầu, cái bụng vượt mặt, bước đi ì ạch, nụ cười rạng rỡ. Làng xóm không ai thắc mắc tìm hiểu ai là cha đứa bé. Tất cả đều mừng Lam được làm mẹ ở tuổi ngoài bốn mươi. Hai người phụ nữ đếm đốt ngón tay tính từng tháng từng ngày. Chị áp chặt tai vào thành bụng Lam nghe nhịp tim thai mơ hồ vọng lại từ đâu đó dưới làn da, đường gân, thớ thịt, cảm nhận âm thanh mỏng mảnh đó bằng tất cả các giác quan cộng với nỗi đợi chờ, hy vọng. Lam cầm tay chị đặt lên thành bụng để thấy bàn chân nhỏ xíu đạp đạp. Nó muốn mau ra ngoài, gặp mặt hai người mẹ của nó đó. Hai người cười giòn tan. Chị hình dung ngày nào họ cũng hào hứng nói chuyện đứa bé. Nó sẽ trở thành một người khỏe mạnh, thông minh, bơi theo dòng sông chảy ngược về dãy núi phía Tây cao lừng lững, nơi chồng Lam đã hy sinh giữa tuổi thanh xuân. Những hình dung khiến ngày tháng của chị vừa vui tươi vừa bận rộn như thể chị sắp sinh con. Cứ như người này mang thai còn người kia lo nghĩ, chăm sóc. Chưa gì chị đã rạo rực chuẩn bị chào đón một sinh linh bé bỏng ra đời. Chị hớn hở mua vải khâu tã, đi khắp làng xin áo cũ của trẻ sơ sinh cho đứa trẻ sắp chào đời mặc, hy vọng sẽ dễ nuôi. Chị làm rượu nếp ủ trứng gà hạ thổ cho Lam ăn sau khi sinh, sẽ khỏe, nhiều sữa. Chị gửi người quen trên phố mua giùm sách nuôi dạy trẻ, tìm mua than hơ người đẻ, loại than đượm lửa, lâu tàn, không bị nổ...

Giữa ngày tháng tíu tít chuẩn bị là nỗi chờ đợi. Chu kỳ kinh nguyệt dài lê thê. Cả hai người đàn bà cùng đếm từng ngày, bấm đốt ngón tay, nhìn mặt trời mọc, lặn, mong một dấu hiệu bất thường. Chị hỏi Lam trong người có gì khác không? Có mệt không, chán ăn không, khó ngủ không... Tới kỳ, Lam rầu rĩ báo tin vẫn có kinh bình thường. Chị rũ xuống như lá héo. Thì ra không phải cứ ngủ với nhau là có con. Hồi mới lớn, có người bạn trong xóm đến nhà chơi, ngồi lên giường, chị tưởng mình sẽ có thai, vội vàng đem ngay chiếu ra sông giặt. Bây giờ không còn ngây ngô như ngày ấy mà chuyện phòng kín vẫn lắm non nớt. Chồng chị còn ngờ nghệch hơn nữa. Trách sao được đàn ông. Ở với nhau hơn hai chục năm mà chồng vẫn không biết gần tới kỳ “mỗi tháng có ba ngày” phụ nữ trở nên nóng tính, cáu bẳn, khó chịu, còn tròn mắt bảo: “Bà sao thế? Nói gì như quát. Ai chịu được?”. Chị ngại không giải thích, rồi giữ kín luôn nguyên nhân. Bây giờ nói Lam chưa có thai, phải làm lại chuyện ấy, chồng chị nhăn mặt, xẵng giọng:

- Tưởng một lần là thôi. Các bà coi tôi là con giống à?

Chị xuống nước, hạ giọng năn nỉ:

- Cho cô ấy một đứa con. Mượn anh tí rồi trả. Anh làm gì dữ dằn vậy.

 - Không dữ cũng phải dữ. Có thứ vợ đâu lạ lùng! Ép chồng cho người khác. Hay bà không thích tôi nữa thì nói

thẳng ra.

- Đã nói rồi. Hoàn cảnh của cô ấy thế.

Chẳng lẽ chị lại kể lần chồng sang nhà Lam, chị vẫn ngóng theo, không dám tưởng tượng hai người cởi áo quần thế nào, sẽ nói những gì trước khi lên giường chăn gối. Anh về muộn, chị ôm gối giả vờ say ngủ. Chị sợ anh sẽ bị ám ảnh ánh mắt chị, ám ảnh rằng chị nghe được từng hơi thở gấp hơn bình thường lẫn tiếng kêu rên khoái lạc... Tâm trạng không thoải mái sẽ ảnh hưởng lớn đến chuyện làm tình và khả năng có thai. May là chồng biết chị thật lòng muốn tốt cho bạn nên chỉ hấm hứ một lúc.

Chị lại ép chồng ăn thịt bò, giá sống, uống lòng đỏ trứng gà mật ong. Đêm đêm thắp nhang chị luôn cầu xin Trời, Phật phù hộ độ trì ban cho Lam một đứa con.

Hai tháng.

Ba tháng.

Bảy tháng trôi qua. Lam vẫn không có thai như mong đợi. Đây là tình cảnh chị hoàn toàn không ngờ tới, không lường trước. Phụ nữ lớn tuổi khó có thai là chuyện thường. Hơn nữa Lam chưa bao giờ sinh, bị tịt cũng không lạ. Vậy là chồng chị phải tiếp tục đi đi lại lại giữa hai người đàn bà. Một ngày cũng nên nghĩa vợ chồng. Bây giờ đã tới mấy chục ngày, có khi còn hơn nữa hoặc chẳng có điểm dừng nếu tình trạng này kéo dài. Chính chị đã kéo cả ba người vào cuộc phiêu lưu. Xen giữa nỗi lo âu, thi thoảng vài ý nghĩ khó chịu, hơi buồn buồn, không rõ rệt len vào tâm trí chị. Gần gũi thế Lam có thương nhớ chồng chị không? Chị thấy Lam lại đánh phấn, tô son, thay đổi quần nọ áo kia, sửa soạn như thời con gái. Còn chồng, liệu chỉ có thể là lòng tốt thôi không? Làn da Lam đang láng mướt trở lại, bầu ngực chưa cho con bú lần nào vẫn đầy đặn, tròn căng sau làn áo. Liệu chồng chị có so sánh, mơ tưởng về của lạ không? Chị nhớ trận bão vừa rồi nhà Lam bị bay mấy tấm tôn. Chồng chị sốt sắng đi mua, vội vàng trèo lên mái đóng lại. Nếu không có thời gian gần gũi vừa qua, làm gì chồng chị lo lắng thế, làm gì Lam thản nhiên nhờ chồng chị sửa lại xe đạp, chặt cành mít, rào hàng rào... Có phải giờ đây chồng chị cũng là một chỗ dựa vững chắc, tin cậy của Lam không? Chị cố xua đi cảm giác hờn ghen. Chính chị đẩy chồng đến với Lam rồi lại tự lo âu dằn vặt. Chị tự nhủ. Được vậy cũng tốt. Đâu nhất thiết chỉ có vợ chồng, người thân ruột thịt mới quan tâm, chăm sóc nhau. Ngày xưa chị chọn chồng vì những người xung quanh đã kể bao việc tốt anh làm. Anh chẻ củi, gánh nước, đẩy xe lúa… giúp mọi người trong làng. Anh đưa một cụ già không quen biết bị tai nạn giao thông lên bệnh viện cấp cứu. Trẻ con, người già, từ người vá xe, cắt tóc đến thầy cô giáo, bác sĩ đều yêu mến anh. Anh cũng như chị chăm sóc Lam, muốn đối xử tốt với Lam để Lam cảm thấy cuộc sống ấm áp hơn dù biết chỉ làm vơi một phần nỗi buồn, sự thua thiệt trong cuộc đời Lam thôi. Nhưng lo âu vẫn ám vào chị. Chị bỗng hay mơ. Toàn những giấc mơ không đầu không cuối làm chị giật thột, tỉnh giấc giữa đêm, người toát lạnh. Có lần chị nhớ được cả một đoạn đối thoại trong mơ.

Lam: Anh là người đàn ông nhất. Chồng: Em nói quá. Lam: Anh mang hạnh phúc cho em. Chồng: Vì nghĩa tình. Lam: Sau này không có anh, em không biết sống thế nào. Chồng: Lam cứ sống như đã sống. Lam: Anh biết đó là điều không thể. Quen có anh rồi. Chồng: Tôi không phải là người đàn ông duy nhất. Lam: Anh là duy nhất. Giá em gặp anh đầu tiên, trước những người yêu anh, vợ anh. Im lặng một lúc lâu. Lam thở dài: Anh sợ ư? Chồng: Sợ gì? Lam: Sợ em bắt mất anh.

Chị thức dậy trong cảm giác hụt hẫng, choáng váng, run lên vì sợ hãi, lo âu. Bần thần lúc lâu chị mới nhớ ra duyên cớ. Chị tìm đến sông, nằm lên thảm cỏ. Dòng nước trôi êm ả. Gió mát rượi. Chị nằm như thế chẳng biết bao lâu, mắt đăm đăm nhìn bóng đêm đổ xuống đen ngòm. Giấc mơ ám vào chị khiến chị bồn chồn, lo lắng. Chị ngu xuẩn. Chị khờ dại. Chị nông cạn. Chị không lường hết những điều bất trắc. Chính chị gây ra nguy cơ mất bạn, mất chồng. Nếu điều đó xảy ra thật, chị phải làm gì? Tay chân như bị cột chặt, trì níu, không nhấc nổi. Đầu óc như một khối đông đặc, không thể nghĩ được điều gì trôi chảy, rõ ràng.

Chị không nhớ là ngày thứ bao nhiêu chị ngắm dòng sông thao thiết chảy. Thảm cỏ êm êm ướt sương. Có một điều gì đó đặc biệt xảy ra trong chị. Nỗi dằn vặt đã nguôi đi. Không còn ghen tuông, giận hờn, bực bội... Chị xác định rồi. Nếu chuyện đó xảy ra chị đành chấp nhận. Dù có phải như con sông chảy ngược kia chị vẫn sẽ làm những việc mà chị thấy cần thiết, ý nghĩa, hoàn toàn không vì mình, cho mình..

- Có chuyện gì vậy? Có chuyện gì mà ngồi đây một mình?

Lam hỏi. Chị giật mình, dứt khỏi dòng suy nghĩ miên man.

-  Không... Có chuyện gì đâu.

- Nhìn kìa! Cậu gầy đi. Mắt thâm quầng. Có phải cậu lo chuyện mình và chồng cậu không?

- Không...

- Cậu không nghĩ thì mình cũng nghĩ. - Lam nghèn nghẹn -  Mình muốn nói với cậu là mình dừng lại đây. Không thể tiếp tục việc này. Mình đắn đo, suy tính nhiều lắm.

Thì ra Lam cũng lo lắng, sợ chị ghen ngầm. Tâm trạng phấp phỏng vậy càng khó có thai. Chút lăn tăn trong lòng chị đang rã ra, tan chảy. Chị càng thương Lam hơn. Hai người phụ nữ tay trong tay, mắt trong mắt.Từ lâu họ vừa là bạn vừa là chị em - một thứ tình cảm mới nảy sinh, mông lung, pha trộn, khó lý giải.

- Đừng nghĩ lung tung. Hãy lo việc của cậu, đừng bận tâm về mình. Một thời gian nữa, nếu không có thai, mình sẽ đưa cậu đi khám xem có bị vô sinh không. Nếu cậu không thể có con, bọn mình sẽ tính tiếp.

Lam rân rấn nước mắt:

- Dù có hay không, mình cũng thật sung sướng vì có người bạn như cậu.

Chị ôm Lam. Lam ngả đầu vào vai chị, tin cậy như ruột thịt.

- Lam à, - Chị thì thầm - cậu không cần phải biết ơn mình. Những người đang đầy đủ hạnh phúc như mình mới phải biết ơn cậu. Việc mình làm còn quá nhỏ...

Họ chẳng nói gì thêm. Gió sông mát rượi. Cả hai cùng ngắm dòng nước chảy ngược đỏ ngầu phù sa đang lừng lững trôi về núi như rộng hơn, dài hơn dưới vòm trời thanh thản, ấm áp.

T.L