Giao thoa văn hóa Việt – Chăm nhìn từ đồng dao (同谣) - Võ Văn Hòe
Trong sách "Văn học Chăm" tác giả Inrasara cho rằng: "Đồng dao Chăm là những bài thơ có vần điệu được trẻ con Chăm hát truyền khẩu cho nhau qua nhiều thế hệ". [[2]] Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên định nghĩa đồng dao: "là lời hát dân gian truyền miệng của trẻ em, thường kèm một trò chơi nhất định". [[3]]
Hiện tại xét về mặt đồng đại, đồng dao không còn được các em tập trung tổ chức hát, chơi trò chơi đi kèm, thường xuyên tại các trường học, thôn làng, nên việc sưu tầm ghi chép lại thể loại văn học này trên một địa bàn cư trú cụ thể gặp khó khăn không ít. Tuy nhiên, thảng vẫn còn nhưng các em chỉ đọc đồng dao để nghe với nhau, hoặc được tổ chức dàn dựng đưa lên sân khấu hoặc truyền hình, hoặc tổ chức trong các trường Tiểu học với chủ đề chung "Trường học thân thiện", theo đó đồng dao mất tính xác thực như nó đã vốn có cả về từ ngữ lẫn trò chơi và nhịp điệu đi kèm.
Trong bài viết này, chúng tôi khảo sát đồng dao người Việt, người Việt miền Trung và người Chăm để tìm nét tương đồng hoặc có giao thoa nhau trong tiến trình giao lưu, tiếp biến văn hóa dân gian khu vực miền Trung Việt Nam. Thực hiện lát cắt trên quan điểm đồng đại để tìm hiểu trong một giai đoạn diễn biến từ khi người Việt đặt chân vào phương nam, muộn nhất từ năm 1471 đến đầu thế kỷ XX làm đối tượng cho nghiên cứu, đối sánh để tìm hiểu sự tương đồng, giao thoa trong đồng dao của trẻ em người Việt - Chăm.
Qua khảo sát, xem xét 20 đơn vị đồng dao trẻ em người Chăm trong sách: "Văn học Chăm" của tác giả Inrasara, đối chiếu với 16 đơn vị đồng dao sách "Văn hóa dân gian Hòa Vang" [[4]], "Văn nghệ dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng" (tập 1/1983), một số đơn vị đồng dao trẻ em ở Khánh Hòa (mạng internet), và 713 đơn vị đồng dao trong sách “Đồng dao người Việt” [[5]] cho thấy các bài đồng dao trẻ em người Việt có thể loại kết hợp mỗi câu 2 tiếng, 3, 4, 5, 6, 7 và có câu lục bát 6/8. Qua đối chiếu với ca dao trẻ em Chăm rất ít bài đồng dao có câu 3, 4 tiếng (có 2/20), ít tìm thấy thể đồng dao 2 tiếng, 3, 4, 5, 6, 7 tiếng mà tập trung phần nhiều là các bài đồng dao hỗn hợp, có bài câu 3 tiếng lẫn với câu 4, 5 tiếng, do đó bài đồng dao của trẻ em Chăm câu có số tiếng không bằng nhau. Ngược lại trong đồng dao trẻ em người Việt miền Trung cơ cấu câu 2 tiếng đến 3, 4, 5, 6, 7, và câu lục bát 6/8 vẫn có và chiếm tỉ lệ lớn. Tuy nhiên vẫn có trường hợp đan xen câu 3 tiếng đến 4 tiếng, có khi 2 tiếng trong một bài như đồng dao trẻ em Chăm. Ví dụ bài đồng dao sau đây của trẻ em người Việt, mỗi câu 3 tiếng, nhưng vẫn phá vở tiết tấu để thể hiện thanh điệu, ngữ điệu và nhịp trong biểu hiện gắn với trò chơi cùng với lời càng lúc càng nhanh dần:
-Đúc cây dừa
Chừa cây nạng
Cây lồng ống
Cây bí đao
Cây nào cao
Cây nào thấp
Cây nào rập
Cây nào rà
Mồng tơi, bí đỏ
Quan văn, quan võ
Ăn cắp trứng gà
Bọ xa, bọ xít
Bò ra tay này
Mà gầy tay nọ
Mà bỏ tay ni !
bài đồng dao trẻ em Chăm thể 3 tiếng:
-Kwik kwik
Kwik dik cabbak
kơu lauk gilaung
Kwik hu kaung
Kơu hu krah
Kwik hu brah
Kơu hu jien...
Kwik Kwik
Kwik leo cổng
Tao chui rào
Kwik có còng
Tao có nhẫn
Kwik có gạo
Tao có tiền...
Bài đồng dao trẻ em Việt thể 4 tiếng:
-Ru ru kiến kiến
Con kiến ở nhà
Con gà bươi bếp
Con rệp thắp hương
Chàn hương bới tóc
Cá nóc cầm chèo
Co mèo tát nước
Con vạc đi ăn
Mụ vằn đi chợ
Mua mật mua mỡ
Về cho kiến ăn
Làm nhà năm căn
Cho con kiến ở
Kiến không thèm ở
Kiến bỏ kiến đi.
Bài đồng dao của người Chăm thể 4 tiếng/câu:
-Bluk bluk blu blu
Gà chú một đôi
Bồ câu một giỏ
Phát rừng làm rẫy
Rẫy chú trồng đậu
Đậu chú xanh xanh
Cà chú lớp lớp
Cơm nước no bụng.
(Bluk bluk blu blu
Mưnuk cei sa yơu
Katrơu cei sa habai
Jah glai ngap puh
Puh cei pala ritak
Ritak cei vei vei
Traung cei dak dak
Cei hwak trei tung).
Bài sau đây của trẻ em người Chăm là tổng hợp câu có số tiếng không bằng nhau:
Japlwai lội nước [[6]]
Con chồn lội bẫy
Nắm lấy cẳng
Quảng vào cột
Ông Dơm Sơng [7]
Đứng trước mặt mẹ Japlwai.
(Japlwai lwai ia
Mưja hwa gaiy
Pan di laiy
Cabauh di gơng
Ong Dơm Sơng
Ânk maik Japlwai.)
Bài đồng dao trẻ em Việt miền Trung có số tiếng 4, 5, 7 đan xen nhau, tương đồng với đồng dao trẻ em Chăm:
-Đàn dê lên rừng
Thấy hang hổ xám
Thì dừng lại ngay
Hổ xám có nhà không?
Hổ xám còn rình mồi!
Hổ xám rình mồi chi?
Rình mồi bắt đàn dê đầu đàn!
Dê đầu đàn húc lại?
Hổ xám rình bắt dê con!
Dê con chạy nhanh
Cả đàn che chở [[8]].
Theo đó, cho thấy rằng thể đồng dao trẻ em Chăm là thể loại hỗn hợp câu 2, 3, 4, đến 5 tiếng đan xen nhau trong một bài đồng dao, do đó phối thanh không đồng đều và đôi khi không đối thanh, mà thường thể hiện nội dung là chủ yếu của bài đồng dao. Điều này thấy có sự giống nhau không điển hình giữa đồng dao trẻ em người Việt miền Trung và đồng dao trẻ em Chăm.
Có thể nhận thấy trong đồng dao trẻ em Chăm và trẻ em Việt miền Trung vẫn có sự tương đồng nhau trong thể 4 tiếng, có đan xen 3 tiếng/câu, khi ấy vấn đề nhịp điệu vẫn được xem là có sự tương đồng nhau và cả vần lưng cũng được thể hiện. Đồng dao trẻ em Việt có nhịp 2/2, 2/4, 3/3,… thì đồng dao trẻ em Chăm vẫn có các loại nhịp như vậy.
Ví dụ: nhịp 2/3, 3/3 đan xen nhau:
- Ppok jaung / Đaung đak
Cadak mưhlei
Lisei hwak / Ia mưhum
Tum rideh / Tâtih ai bilan
Pôk jong / cong thẳng
Bắn bông / cơm ăn ước uống
Tum xe tròn / Hệt quầng trăng
Cá dưới sông / Cọp trong rừng …
Hoặc nhịp 3/3:
- Japlwai lwai ia / Mựa hwa gaiy
Pan di laiy / Cabauh di gơng
Ong Dơm Xơng / Anak maik Japlwai
Japlôi lội nước / Chồn kéo ghe
Nắm lấy cẳng / Quảng vào cột
Ông Dơm Sơng / Trước mặt mẹ Japlôi.
(…)
Một số bài đồng dao trẻ em Chăm và trẻ em Việt miền Trung tuy về thể đồng dao có khác nhau, nội dung thể hiện khác nhau trong sử dụng lời ăn tiếng nói, nhưng tựu trung phản ảnh các sinh hoạt thường ngày của trẻ em nên vẫn có sự tương đồng nhau trong cách thể hiện trò chơi, như các sự vật và hiện tượng chung quanh các em trong nhà, xóm, làng được phản ảnh, hoặc đọc lời đồng dao cho nhau nghe trong những giờ vui chơi.
Ví dụ bài đồng dao sau đây của trẻ em Chăm có cách thể hiện đối đáp giống với trẻ em Việt như bài Rồng rắn lên cây (chỉ giống hình thức đối đáp nhau mà thôi, còn nội dung phản ánh lại khác):
Cò ơi sao mày ốm nhom? Do tôm không nổi
Tôm ơi sao mày không nổi? Bởi cỏ quá nhiều
Cỏ ơi sao lại mọc nhiều? Trâu chẳng chịu ăn
Trâu ơi sao chẳng chịu ăn? Thằng cọc không mở
Cọc ơi sao mày không mở? Thằng Sứt không chăn
Sứt ơi sao mày không chăn? Bởi đau bụng
Bụng ơi sao lại kêu đau? Do cơm sống
Cơm ơi sao mi lại sống? Bởi củi mục
Củi ơi sao mi ướt mục? Mưa phùn dầm dề
Mưa nhé sao mãi dầm dề? Lũ nhái kêu la
Nhái ơi sao bay kêu la? Bởi trời sinh ra ta đã vậy.
(Akauk hagait hư lavang? Hadang o dong
Hadang hagait o dong? Harơk ralo
Harơk hagait hư ralo? Kbaw o talaih
Kabaw hagait o bbơng? Jamơng o talaih
Jamơng hagait Jabbaih o glơng
Jabbaih hagait o glơng? Tian pađik
Tian hagait hư paik? Lisei mưtah
Lisei hâgit hư mưtah? Nhjuh bauk
Nhjuh hagait hư bauk? Hận tâthiy
Hận hagait hư tâthiy? Kiep cadu
Kiep hagait hư cadu? Ywa lingik padauk kơu yơu nan.)
Bài đồng dao sau đây của trẻ em Việt miền Trung có hình thức trò chơi hỏi đáp tương đồng nhau:
-Rồng rắn lên cây
Cây có bóng mát
Có bà chủ nhà không?
Không!
Có bà chủ nhà không?
Không!
Có bà chủ nhà không?
Có!
Cho xin tí lửa?
Lửa tắt!
Cho xin cái quạt?
Quạt chưa mua!
Cho xin cái đảy?
Cái đảy đựng trầu!
Cho xin cái đầu?
Đầu cứng!
Cho xin khúc giữa?
Giữa xương!
Cho xin cái đuôi?
Đuôi mềm! Bắt được cái đuôi thì ăn! [[9]]
Trong điều kiện sưu tầm số lượng đồng dao trẻ em người Việt miền Trung và trẻ em Chăm còn lại không nhiều, chúng tôi khảo sát 20 đơn vị đồng dao như vậy chưa nói lên được sự giao thoa, tiếp biến lẫn nhau, do đó vẫn chưa phong phú trong cách thể hiện tìm ra nét tương đồng mang tính phổ biến được. Trong đồng dao trẻ em Việt và trẻ em Chăm môi trường tự nhiên, các loài thú luôn là chủ đề phản ảnh, ngợi khen hoặc phê phán, bởi đây là môi trường mà các em thường xuyên tiếp xúc khi còn nhỏ. Chính vì vậy trong đồng dao của các em thường phản ảnh thiên nhiên, con người ở mức độ tiếp cận nhẹ nhàng, chưa sâu sắc, chưa mang tính triết lý hay tư duy lô gích về sự vật và hiện tượng thiên nhiên, con người một cách đầy đủ các thuộc tính vốn có. Tuy nhiên, qua đây cho thấy có yếu tố tương đồng dễ nhìn thấy trong đồng dao trẻ em người Việt miền Trung và trẻ em người Chăm.
Về vần điệu có thể nhìn thấy các em bỏ vần lưng, cho dễ đọc, dễ nhớ. Ví dụ bài đồng dao trẻ em Chăm:
-(Akauk hagait hư lavang? Hadang o dong
Hadang hagait o dong? Harơk ralo
Harơk hagait hư ralo? Kbaw o talaih)
Cò ơi sao mày ốm nhom? Do tôm không nổi
Tôm ơi sao mày không nổi? Bởi cỏ quá nhiều
Cỏ ơi sao lại mọc nhiều? Trâu chẳng chịu ăn
Trâu ơi sao chẳng chịu ăn? Thằng cọc không mở
(...)
Hoặc sự tương đồng về vần có thể gặp trong một số bài gieo vần lưng. Bài đồng dao trẻ em Chăm:
Mưnuk cei yơu
Katrơu cei sa bai
Jah glai pala ritak
Ritak cei veivei.
Bài đồng dao trẻ em Việt:
-Trời mưa lâm râm
Cây trâm có trái
Con gái có duyên
Đồng tiền có lỗ
Bán tổ thiệt ngon
Bán bèo thiệt béo
Cái kéo thợ may
Cái cày làm ruộng
Cái xuổng đắp bờ
Cái lờ thả cá
Cái ná bắn chim
Cây kim may áo
Cái giáo đi săn
Cái khăn bịt đầu
Cái cầu đi chợ
Có vợ đàn ông
Có chồng con gái
Có trái mù u
Có khu bà già [[10]]
Có cha con nít.
Kiểu vần này tạo thành nhịp đôi cho cả bài đồng dao, tương thích với trò chơi có bước đi của trẻ em, hoặc có thể huơ tay lên làm dấu hiệu biểu tượng, vừa hát đồng dao vừa nhảy, vỗ tay làm cho cuộc chơi phối hợp bài bản, trò diễn, nhịp điệu thể hiện được chức năng của đồng dao thêm sinh động, vui tươi theo kiểu vần chân.
Cim cak cak
Padai bak jak
Lac bak lii
Hận klơm ni.
Đồng dao trẻ em người Việt miền Trung và người Chăm thường thể hiện chức năng giúp các em nhận biết sự vật và hiện tượng xảy ra trong tự nhiên, xã hội và cuộc sống chung quanh. Nội dung giúp nhận biết thường đơn giản về một sự vật hoặc hiện tượng nào đó, mối quan hệ với bạn bè, anh chị em trong gia đình và đôi khi quan hệ với xã hội nhưng vẫn với tinh thần nhẹ nhàng, đơn giản phổ biến. Đây là nét chung thường gặp trong đồng dao trẻ em người Việt - Chăm. Thí dụ nhận biết:
-Trời mưa lâm râm
Cây trâm có trái
Con gái có duyên
Đồng tiền có lỗ
Bán tổ thiệt ngon
Bán bèo thiệt béo
Cái kéo thợ may
Cái cày làm ruộng
Cái xuổng đắp bờ
Cái lờ thả cá
Cái ná bắn chim (...)
hoặc bài đồng dao trẻ em Chăm, thể hiện sự nhận biết:
-Cim cauh ritaung
Cim jhaung ikan
Cim rwak tian
Cim jauh angwa
Cang ai ka
Tamư sang swowr
Đa bhiw savah
Mưk ba pơr
Ngauk hala padai
Cim nau mai
Cim vaiy cabbwơc
Jalan ia đwơc
(...)
Chim bói cá
Ăn cá lòng tong
Chim đi sông
Chim duỗi cẳng
Vô nhà táng [[11]]
Rời tổ lìa cành
Nhớ chờ anh
E lũ ó
Thộp cổ mang đi
Trên cánh đồng
Chim qua lại
Méo mỏ chim
(...)
- Công bằng làng Chung Mỹ
Rành lệ làng Bàu Trúc
Hữu Đức hay thơ văn
Khó khăn làng Vụ Bổn
Chộn rộn xứ Văn Lâm
Ngang tàng làng Phất Thế
Khốn khó vùng Labơk
Vô lo dân Hiếu Thiện
Lắm chuyện người Nghĩa Lập
Đỗ dồn dập về Thành Tín
Thâu gọn ở Caklaing.[[12]]
Trên, chính là tạo diều kiện cho trẻ em nhận biết những đặc điểm tự nhiên, loài vật, xã hội con người và nhận biết các phong tục, tập quán liên quan đến đời sống người dân. VVH./.
[1] Đồng dao với cuộc sống dân tộc Thái ở Tây Bắc, Tô Ngọc Thanh, Tạp chí Văn học, số 4/1974.
[2] Văn học Chăm, Inrasara, Nxb. Văn hóa dân tộc, 12/2004.
[3] Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê (chủ biên), Nxb Đà Nẵng & Trung tâm từ điển học, in lần thứ 12, tr. 342, 2006.
[4] Văn hóa dân gian Hòa Vang, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Võ Văn Hòe, Nxb. Dân Trí, 2012.
[5] Đồng dao người Việt (sưu tầm, tuyển chọn, bình giải), Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Triều Nguyên, Nxb.Lao Động, 2011.
[6] Jăpwai: tên riêng, Ja được đặt trước tên con trai cũng như Mư được đặt trước tên con gái. Dẫn Theo Inrasara trong Văn học Chăm.
[7] Dơm Sơng: tên nhân vật trong truyền thuyết Chăm, như Đam San của đồng bào Tây nguyên. Dẫn Theo Inrasara trong Văn học Chăm, Nxb. VHDT. 12/2004.
[8] Đồng dao được đọc cùng với trò chơi Đàn dê lên rừng.
[9] Đồng dao được chuyển thành trò chơi Rồng rắn lên cây.
[10] Khu: (phương ngữ xứ Quảng) là cái đít.
[11] sang swơc: nhà táng đem đốt với thi hài trong ngày đám tang của người Chăm Balamôn.
[12] Là làng Mỹ Nghiệp
Nguồn: dangiandanang