KÝ ỨC –Truyện ngắn của Hoàng Nhật Tuyên

30.11.2011
Tôi không thể ngờ rằng, sẽ có một ngày mọi ký ức về lão Hà – một người đàn ông mà tôi thường ghét cay, ghét đắng lại bất ngờ ùa về, xâm chiếm tâm trí và làm tôi trăn trở. Cũng thật kỳ lạ, chẳng có mối quan hệ nào cả giữa lão và em, nhưng khi nghĩ về lão tôi lại nghĩ tới em .

KÝ ỨC –Truyện ngắn của Hoàng Nhật Tuyên

Mọi chuyện bắt đầu từ đâu nhỉ ? A! Phải rồi, dù tôi có xáo tung tất cả các mảnh ký ức, để sau đó bình tâm xếp lại theo những mô hình riêng thì bao giờ cái nút đầu tiên của câu chuyện cũng không thể không kể tới một buổi chiều.

Hơn hai mươi năm trước.

*
* *

Hơn hai mươi năm trước, khi gia đình tôi dọn tới đây thì khu vực này đã xuất hiện và tồn tại cái tên rất riêng – Khu bãi rác. Tôi được nhập trường mới ngay sau mùa hè mà gia đình dọn nhà, và em – cô nữ sinh lớp 12, có nụ cười dòn như mía bóc vỏ bẻ ngang lần đầu đến chơi đã làm trái tim tôi rớm máu .

Dạo ấy cơ chế thị trường bắt đầu bung nở như bông cúc đại đoá vào xuân và sự phân biệt giàu nghèo đã len vào cả những trái tim lẫn ánh mắt trước đó vốn trong trắng, ngây thơ. Thùy Dương là tên của em, một cái tên đi kèm theo một con người mà theo tôi, từ vóc dáng đến khuôn mặt đều được tạo hóa ưu ái ban cho với nghĩa trọn vẹn của từ: hoàn hảo. Thầy giáo, Hội phụ huynh cùng các cha mẹ qua nhiều cách biểu hiện luôn đưa đến học sinh thông điệp: Không nên yêu khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Tôi và em chưa hề ngỏ tiếng yêu nhau, song nói thế nào đây nhỉ ? Đúng rồi, em đã để ý tôi qua những kiểu nói, kiểu nhìn rất lạ, và tôi – lúc nào cũng thấy lòng xao xuyến. Trái tim mười tám của tôi lần đầu tiên thấy nhớ nhiều về một người xa lạ. Hình bóng em xen vào ý nghĩ của tôi trong mọi lúc, kể cả trong giấc ngủ. Trên trang đầu của cuốn sổ tay, tôi đã tô hai con chữ THÙY DƯƠNG thận trọng bằng nét bút chì màu rực rỡ bên dòng chữ tiếng Anh vừa học được : Foget me not!

Thế rồi em đến. Em đến thăm nhà tôi cùng một bạn gái tên Thủy. Hai chiếc xe đạp mi ni Trung Quốc xinh xinh sơn màu mận chín khó nhọc đi qua mấy bờ ruộng giữa mấy vũng sình lầy, sau đó băng qua khu bãi rác. Bất hạnh cho tôi, chỉ một lát kể từ khi em và bạn vào nhà thì trời lại đổ mưa.

- Ồ mưa rồi! –Người bạn tên Thủy lo âu.

Khuôn mặt em tỏ vẻ đăm chiêu rồi chuyển sang buồn hẳn với câu hỏi nửa như tiếc rẻ, nửa như trách móc :

- Sao nhà Huy lại chọn một nơi thế này để ở ta ?

Câu hỏi tưởng chừng bâng quơ nhưng đó là cách nhìn nhận đánh giá của em về hoàn cảnh của tôi mà sau này tôi mới hiểu. Lại thêm một bất hạnh nữa, bởi lúc đang mưa tầm tã ấy, từ đâu đó chẳng rõ, đi ngang qua, lão Hà đầu trần, chân dép, áo quần ướt đẫm bước vào nhà .

Thùy Dương của tôi giật mình, mặt tái. Cô bạn gái của em cũng bất chợt nhún vai, co ro người lại. Khuôn mặt của lão Hà đã làm cho cả hai cô sợ hãi. Đó là khuôn mặt đầy những vết sẹo to, sẹo nhỏ trải khắp từ má xuống cằm.

- Mẹ đi khỏi hả ? – Lão Hà nhìn tôi rồi bật ra một câu hỏi trống không. Những vết sẹo, cái đỏ, cái tím bầm trên khuôn mặt chưa ráo nước mưa trông càng ghê.

-Không có.- Tôi lắc đầu và đáp với vẻ chẳng hề có chút thiện cảm .

Không khí trong nhà trở nên lạnh nhạt. Lão Hà nhướn đôi mắt mà da chung quanh đầy vết lỗ chỗ như lớp vỏ khoai bị sùng đục nhìn chúng tôi rồi lặng lẽ rời khỏi nhà .

-Eo ơi! Ông này ở đâu mà trông kinh quá? – Thuỷ hỏi ngay khi lão Hà vừa bước ra khỏi ngõ. – Ông ta là một người tâm thần à ?

-Không phải đâu – Tôi giải thích, rồi chỉ tay ra cái bãi rác rộng mênh mông – Nhà ông ta ở phía bên kia .

-Chắc là bạn thân của nhà Huy… Em phụ họa rồi bỏ lửng giọng giữa cặp môi non hồng hơi cong lại .

Linh cảm bảo rằng em đang mỉa mai, nhưng khuôn mặt thanh tú của em đã xoá ở tôi ý nghĩ ấy. Tôi chỉ cười giả lả – nụ cười hơi nhạt. Trời còn mưa lất phất song em chẳng nhìn tôi mà liếc mắt về bãi rác, giọng không lấy làm vui:

-Bọn này về!

-Đợi lát nữa! – Tôi tỏ vẻ ngạc nhiên – Làm gì nôn nóng vậy ?

-Về thôi Thuỷ!- Em giục bạn và quay sang tôi – Chiều nay bọn này bận lắm! Lần sau sẽ đến chơi lâu hơn .

Một thằng con trai mười tám tiễn hai tiểu thư mười tám. Lãng mạn thật, nhưng đi qua bãi rác sau cơn mưa thì thấy quá ái ngại bởi mùi hôi thối. Em bịt mũi và bạn em cũng đưa tay lên mũi. Tôi hơi chạnh lòng, song nhủ thầm: Chuyện nhỏ .

*
* *

"Lần sau đến lâu hơn” – Thùy Dương nói thế nhưng không bao giờ tới nhà tôi nữa dù nắng, dù mưa. Những ngày sau đó tôi buồn. Lớp học 12A với tôi ngày ấy chẳng còn đầy ắp niềm tin như trước. Em không còn cười nói với tôi hay ném về tôi những cái nhìn là lạ của một thời. Mấy con chữ Thùy Dương tô màu xanh đỏ, tôi đã xé đi để trang đầu của cuốn sổ tay trở nên nham nhở. Không phải chỉ dừng ở linh cảm mà là sự thật. Thùy Dương đã xa lánh tôi với lý do đơn giản: nhà tôi nghèo.

Nhiều buổi tan trường, tôi về mang theo vẻ mặt lạnh câm, mẹ hỏi : "Ốm hả con?” . Tôi lắc đầu rồi ra sân. Một bãi rác mênh mông trước mặt và lão Hà đang cào, đang đốt. Tấm lưng trần cũng đầy sẹo dài, sẹo ngắn như trên khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi. Lão làm hùng hục. Tôi chui đầu vào lùm dâm bụt và hét thật to: Lão khùng!

Dường như biết tôi ám chỉ, lão Hà chỉ nhìn quanh nhưng rồi lại tiếp tục say sưa với việc cuốc, cào.

Ngày mới dọn tới, thấy nơi mình ở là ngôi nhà lụp xụp bên bãi rác, tôi tỏ ra hơi chán. Anh Phú – anh trai tôi bảo : Này, mày giỏi thì đi kiếm tiền để mua nơi khác, ngon hơn, sang hơn !”. Thấy anh Phú to tiếng, mẹ liền ôn hoà giải thích: "Mình nghèo, cứ ở nơi này rồi sẽ tính sau!”. Tôi lặng im nghe lời mẹ. Vâng, trước đó, nhà tôi ở một thành phố khác. Ngôi nhà không to nhưng có mái đúc hẳn hoi. Cơn bạo bệnh bất ngờ xuất hiện ở ba tôi đã kéo theo tất cả vốn liếng mà gia đình dành được. Tuy nhiên, tiền của mất đi song mạng sống của ba vẫn không cứu nỗi.

Nghe đâu cái bãi rác này đã có tận thời Mỹ. Từ những cái hố sâu, lâu ngày, rác của thành phố dồn về, cao thành đụn như núi. Người ta đồn rằng, xưa kia, nơi này, đêm đêm, không ai dám tới ngoài lũ chó đi hoang. Rồi ba năm trước, có một người xin đến. Người đó là lão Hà. Sau lão Hà là một gia đình nghèo tôi chưa gặp. Hai chỉ vàng còn lại cuối cùng sau khi ba tôi mất, anh Phú đã dùng để mua lại ngôi nhà của gia đình nghèo nọ .

Ngày tôi dọn tới, lão Hà đã liên hệ với thành phố để rác được chuyển đi đổ nơi khác. Lão cũng đã làm được giấy tờ xin phường để quản lý khu bãi rác này .

Ai cũng cười lão Hà là điên, là khùng. Tôi không ưa gì lão về việc ngày ngày lão cứ ra sức cuốc cào, muốn san bằng bãi rác hôi thối. Đã thế, lão lại hay lân la muốn trò chuyện với mẹ tôi. Nhà nghèo, chỉ vì sa cơ – tôi nghĩ – nhưng không thể có một người bạn như lão Hà được.

"Chắc là bạn thân của nhà Huy” – Câu nói của em hôm nào đã trở thành mũi kim nhọn len lỏi trong ý nghĩ của tôi để tôi càng có cớ ghét thêm lão .

*
* *

Nào phải chỉ có xa lánh tôi. Những nụ cười thật tươi cùng bao cái nhìn âu yếm một cách kín đáo có thời từng là sở hữu cho riêng tôi, chẳng mấy lâu sau Thùy Dương đã chuyển sang địa chỉ mới toanh – thằng Thanh cùng lớp, ngồi phía trước, cách tôi chỉ hai cái bàn .

"Sao người ta tàn nhẫn thế!”. Tôi muốn bật ra thành lời song miệng tôi cứ như vỏ hến khép lại. Tôi không muốn nhìn thấy cái cử chỉ rất tình tứ của người ta song chẳng lẽ trong lớp học lại không hướng mặt về phía bảng. Tôi tức, tôi giận và hình như tôi cũng đã ghen. Cái ghen học trò không ồn ĩ, nhưng người mang nỗi ghen trông mới khổ sở làm sao. Tôi đã học đòi từ một chi tiết trong cuốn tiểu thuyết diễm tình và mấy lần viết trên giấy hai chữ đàn bà, sau đó, dùng bút gạch lên chi chít.

Một lần, đi học về, tôi thấy mẹ đang đứng trò chuyện cùng lão Hà ở đầu sân. Hình như người đàn ông có khuôn mặt xấu xí ấy đang giải thích điều gì đó về bãi rác với vẻ phấn chấn lắm, còn mẹ tỏ ra đồng tình, gật đầu lia lịa .

Tôi lùi lũi vào nhà, ném xịch chiếc cặp ở đầu giường, rồi đợi khi lão Hà đi khỏi, liền cau có :

-Con không thích mẹ tỏ ra thân thiết với ông già ấy đâu!

-Hàng xóm mà con ! – Mẹ ôn tồn. – Ông ta là người tốt đấy! Ông vừa nói với mẹ bãi rác này là vàng và rồi đây ông ta sẽ biến nó thành những vườn cây.

Hai tiếng "người tốt” của mẹ làm tôi khó chịu hẳn và tôi đã không kìm chế được mình, phát ra những lời nặng nề:

-Tốt cái gì mà tốt! Không đầu trộm đuôi cướp thì cũng là đối tượng bất hảo .

Mắt mẹ tròn hẳn:

-Sao con lại nói về người ta như vậy? Ông ấy nguyên là một trung tá của ta về hưu đấy!

- Ô hô! Mẹ thật quá dễ tin – Tôi cười nửa môi – Con chưa thấy có ông cán bộ lớn nào lại tìm đến đống rác hôi thối này để sống cả.

Mẹ cố giải thích nhưng tôi bỏ đi, không muốn nghe. Anh Phú là kỹ sư làm ở nhà máy đèn. Đêm hôm ấy anh về, có lẽ mẹ đã nói lại mọi việc nên anh kéo tôi ra sân tâm sự. Anh bảo, anh đã hỏi một số cán bộ ở thành phố và ai cũng cho biết , lão Hà là một cán bộ quân đội về hưu. Thời chống Mỹ lão là một cán bộ an ninh được cấp trên cài vào hàng ngũ địch. Tin tức và việc làm của lão Hà đã mang lại nhiều kết quả rất lớn cho cách mạng. Thế rồi trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng chỉ 5 năm thì việc làm của lão bị bại lộ. Bọn địch tra tấn lão dã man, trong đó có việc mỗi ngày chúng dùng dao, rạch vào mặt hoặc vào người lão Hà một lần. Nhưng lão Hà không hề khai báo điều gì. Lão bị đày ra Côn Đảo. Ngày đất nước thống nhất, lão Hà trở về thì những người thân của lão bị chết hết bởi chiến tranh. Công tác thêm một thời gian, lão xin nghỉ hưu rồi xin nhận vùng đất ở bãi rác này làm nơi sinh sống.

Cũng như mẹ, anh Phú đã cho tôi bài học về đạo đức trong cách ứng xử với người lớn tuổi. Tôi ậm ừ cho qua chuyện song vẫn không tin lời anh nói.

Tuổi mười tám vốn hiếu thắng và nông nổi, luôn xét người, xét việc bằng những biểu hiện bên ngoài. Tôi hồi ấy là một con người như thế. Tôi nghĩ, nếu không phải là người không tốt thì lão Hà cũng là kẻ tâm thần. Một cán bộ có cống hiến như lão thời kỳ đó ai cũng xin nhà, xin cửa ở các khu trung tâm. Thế mà lão…

Tôi làm phép so sánh lão với ba Thuỳ Dương – một cán bộ đường bệ luôn luôn có xe đưa, xe đón để từ đó phân tích theo nhận định của mình .

Tôi ngày ấy chứa đầy mâu thuẫn. Cái mối thân thiện hơn bình thường dành cho tôi mà Thùy Dương chuyển sang thằng Thanh – bạn cùng lớp đã làm tôi ghét em đến mức căm thù. Nhưng éo le thay, tôi luôn nghĩ tới em và lấy cái tiêu chí mà em nhìn nhận về tôi để đem ra làm tiêu chí cho mình trong cách suy nghĩ, cư xử với lão Hà. Tôi ghét và tuyệt giao với thằng Thanh, ngược lại, đôi lúc tôi ao ước được rơi vào hoàn cảnh như nó – gia đình đầy đủ mọi thứ, nói chung không phải tầng lớp nghèo hèn .

Học kỳ một kết thúc. Mùa thi đã gõ cửa và mở tung nỗi lo trong tâm trí mỗi học sinh lớp 12. Em không phải đứa lười. Thanh cũng vậy. Những cuốn sách luyện thi tốt nghiệp và luyện thi đại học được em và thằng Thanh trao nhau làm tôi càng khó chịu. Tôi cười, nói và dồn hết tâm trí cho bài vở nhưng trong lòng lúc nào cũng rười rượi một nỗi buồn .

Biết tôi vẫn khó chịu, tuy nhiên, mẹ và anh Phú vẫn luôn thân thiện với lão Hà. Với đồng lương hưu mất sức của giáo viên và lương kỹ sư của anh Phú, cuộc sống hằng ngày của gia đình tôi chưa đến nỗi nào. Lão Hà hay sang nói chuyện với anh Phú và thỉnh thoảng nhờ mẹ đi chợ mua thức ăn. Đã thế, anh Phú còn xin của lão Hà một khu vực ở bãi rác để những ngày chủ nhật mang sức trẻ của mình ra đào, bới, san, lấp. Thậm chí, có đêm sáng trăng, anh với lão cùng làm và trò chuyện rôm rả.

Tôi lặng lẽ tỏ thái độ không bằng lòng và nửa đùa nửa thật với anh Phú :

-Một kỹ sư sống gần một lão khùng và kết quả tạo ra một cặp khùng, đúng hơn cả hai sẽ tạo thêm sự chập mạch.

-Này, tao cấm mày không bao giờ được nói cái kiểu ấy nữa nhé! – Anh Phú quát – Nhiệm vụ của mày là lo học. Sắp đến, không đậu vào đại học thì liệu hồn!

Rồi ngày ấy đã xảy ra một sự kiện, một sự kiện mà tôi đã bám vào đó để tự coi mình là kẻ đắc thắng trong nhà. Ở cái xóm nhỏ gần khu bãi rác, có cô gái mồ côi nghèo, rất đẹp lại câm. Lão Hà, chẳng rõ nguồn cơn do đâu lại hay lui tới giúp đỡ cô gái. Và bất ngờ bụng cô gái đã to đùng.

-Lão già mắc dịch!

-Lão già dê!

-Đồ mất nết!

Cô gái câm còn quá trẻ, chỉ bằng tuổi tôi. Người ta đồn nhau, tác giả làm bụng cô gái phình lên không ai khác ngoài lão Hà và họ gán cho lão đủ thứ tên. Mẹ và anh Phú giữ thái độ ngờ vực. Còn tôi, lúc nào tôi cũng nhắc tới, thậm chí trong cả bữa ăn. Có lần anh Phú phát bực :

-Chuyện người ta, kệ người ta, mày còn nhỏ không lo học sao cứ nói chuyện này hoài!

Tôi "lơ đẹp” lời quở trách của anh trai và thỉnh thoảng lại khẳng định, lão Hà là người chẳng ra gì. Tôi lao vào nghiền ngẫm bài vở nhiều hơn với mong muốn sớm được xa lánh cái bãi rác, xa lánh những người như lão Hà. Một đôi khi tôi tiếp tục cái trò con trẻ, chui vào bụi rậm, hét thật to:

-Lão già mất nết!

Lão Hà tỏ ra phớt lờ trước bao lời dị nghị, vẫn tới lui nhà cô gái câm, cho tiền, cho gạo và nhẫn nại với cái việc san bằng bãi rác, lấp đi các vũng nước sình lầy. Chẳng rõ nghe ai kể lại mà một giờ ra chơi, thấy tôi đứng ở góc sân, Thùy Dương lân la lại gần rồi hỏi :

-Nghe nói ông già bạn của nhà Huy vừa có chuyện hay lắm phải không ?

-Ông già bạn nào ? – Tôi hỏi.

-Ông già có khuôn mặt gớm òm hôm mình gặp ở nhà Huy ấy !

Tôi chợt hiểu Thuỳ Dương muốn nói tới ai rồi. Tôi cười, nuốt giận.

 

*

* *

Em và Thanh đã đậu vào trường Đại học Kinh tế. Tôi trúng tuyển Y khoa, có giấy báo tựu trường đúng vào dịp cô gái câm mồ côi sinh nở… Một thằng bé bụ bẫm ra đời và lần nữa những lời xì xào, chê bai, khinh thường lão Hà đã có cơ hội trỗi lên. Người ta bàn tán nhau rằng, thằng bé giống lão Hà như đúc. Riêng mẹ tôi, vì tính tò mò cũng ghé vào căn lều rách nát của cô gái câm và về nhà giải thích:

-Giống đâu mà giống.

Môi tôi lại nở nụ cười chẳng đồng tình, rồi phán quyết như mình hiểu rõ sự tình :

-Không phải con ông ta thì con ai vào đó!

Lão Hà giống người giả câm, giả điếc bỏ ngoài tai tất cả tiếp tục giúp đỡ cô gái nghèo, bất hạnh. Năm thằng bé bốn tuổi thì mẹ nó qua đời. Lão Hà nhận nó về nhà nuôi – đặt tên là thằng Lâm. Và lúc này cả cái bãi rác mênh mông ngày nào đã phủ đầy màu xanh của những cây táo.

Từ trường đại học tôi về nghỉ phép, anh Phú chỉ những vườn táo hỏi tôi ngắn gọn :

-Mày coi thường nữa không ?

Tôi im lặng một lát rồi chống chế:

-Riêng chuyện ông ta với cô gái câm thì em không thể không coi thường lão .

Bảy năm học đại học, tôi ra trường trở về và làm việc ngay tại bệnh viện thành phố. Nhà lão Hà giàu lên nhờ táo và nhiều loại trái cây khác. Chung quanh khu bãi rác ngày xưa, người ta đổ xô đến mua đất làm vườn. Miếng đất lão Hà nhường cho anh Phú đã giúp anh và mẹ tôi thu được khá tiền. Anh Phú đã cưới vợ và đã dành dụm đủ tiền để xây nhà mới. Những gì tôi khó chịu với lão Hà cũng nhạt nhoà dần.

Nhưng thật bất ngờ, cách đây hơn năm, lão Hà ngã bệnh, vào viện vì ung thư dạ dày. Một ca phẩu thuật được tiến hành và tôi là thành viên phụ mổ. Trong lúc làm vệ sinh cơ thể bệnh nhân, tôi bàng hoàng nhận ra rằng, lão Hà không thể có con được, bộ phận ấy của lão đã bị cắt đi tự bao giờ. Chẳng may, ca phẩu thuật hôm ấy không thành công và lão Hà qua đời. Người thân của lão Hà có mặt tại bệnh viện là một đại tá về hưu. Tôi tò mò hỏi và được biết, những điều mà anh Phú tôi kể về lão Hà trước đây là hoàn toàn chính xác. Vị đại tá về hưu cũng giải thích cho tôi rằng, lão Hà không thể sinh con. Bọn giặc tàn ác đã cắt đi phần cơ thể quan trọng ấy của lão trong những ngày lão bị tra tấn, tù đày.

Tôi đưa tang lão Hà, muốn bày tỏ một lời xin lỗi nhưng chỉ biết nói thầm trong miệng. Theo di chúc của lão Hà, cả khu vườn táo mênh mông được vị đại tá về hưu chuyển giao cho một trại mồ côi cùng thằng Lâm.

Hôm qua, tôi gặp lại Thùy Dương. Mối tình học trò của em và Thanh không còn nữa. Em đã lấy người khác làm chồng, có cô con gái, nhưng sống không hạnh phúc nên đành ly dị. Em nói với tôi như thể trầm trồ "Khu vực nhà Huy ở bây giờ đẹp ghê ấy!”. Nhìn mắt em, tôi biết em nói thật. Tôi báo cho em tin lão Hà, người mà ngày xưa em gặp ở nhà tôi, giờ đã qua đời. Rồi kể với em về lão.

Đôi mắt đẹp chớp chớp, em bảo :

-Nhớ hồi xưa…

Lại một câu nói bỏ lửng nữa. Tôi hiểu chữ ngày xưa như thế nào đây?

Đêm nay Đài truyền hình có chiếu một phóng sự về cuộc gặp gỡ giữa những cán bộ lão thành từng tham gia hoạt động trong lòng địch. Tôi chợt nhớ tới lão Hà. Thật đáng tiếc, khi tôi hiểu đầy đủ về lão thì lão đã qua đời. Tôi bước ra sân. Trăng mười sáu đang tràn trên vườn cây mênh mông. Hình như có ngọn gió đang thổi qua. Những chiếc lá nhỏ xíu lung linh, lao xao ánh vàng và lòng tôi bổng ùa về bao mảnh ký ức.

Em đã nói với tôi: "Nhớ hồi xưa…”, bây giờ tôi đang nghĩ về lão Hà và lòng tôi đang ắp đầy nuối tiếc: "Giá ngày xưa…!”

H.N.T