Chắc lọc từ giấc mơ đời thực

26.09.2017

Chắc lọc từ giấc mơ đời thực

 

Tập truyện ngắn Sương trắng vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành là tập truyện ngắn đầu tay của tác giả Lê Nguyễn Quốc Việt (Đà Nẵng).

 

Sau nhiều năm lặng lẽ viết và thuỷ chung với niềm đam mê văn chương, 17 truyện ngắn đầy đặn trong tập truyện ngắn Sương trắng là những lát cắt ngắn về số phận con người được khắc hoạ qua ngòi bút của một người trẻ từng trải. Mỗi một câu chuyện là một cuộc đời mà trong đó, tác giả muốn nhân vật của mình bức phá và thoát khỏi những vòng vây trong cuộc mưu sinh miệt mài với ngồn ngộn những lo toan. Đây là những truyện ngắn chứa đựng trong đó nhiều giá trị hiện thực cuộc sống – mà con người – nhân vật chủ thể dẫu sống ở một vùng quê hẻo lánh, hay sống trong phố thị, hoặc là ký ức còn lại của chiến tranh – đều muốn bung toả bằng sức nặng của cảm xúc buộc người đọc phải suy ngẫm, cùng khóc, cùng cười, cùng hạnh phúc. Những nhân vật ẩn hiện sau từng lời nói, câu chữ, một tiếng thở dài hay những dấu chấm lửng đầy ngụ ý của tác giả được khắc hoạ rất thân quen, mà có thể mỗi chúng ta đã gặp, đã nghe, đã từng chứng kiến cuộc đời của họ.

 

Nói về tác phẩm đầu tay, tác giả Lê Nguyễn Quốc Việt chỉ nghĩ rằng, khi yêu văn chương và tìm tòi, sáng tạo trên từng con chữ, để có được một tập sách là thoả được mơ ước sống, trải nghiệm và viết. Cuộc sống là một bức tranh và từng con người sẽ là một nốt nhạc hay một chấm nhớ bé nhỏ trong đó. Bức tranh cuộc sống có đẹp và nhân văn hay không, đều do mỗi số phận con người tạo dựng. Qua tập truyện ngắn này, chỉ muốn gửi gắm lại một chút gì đó nho nhỏ cho cuộc đời.

 

Đọc tập truyện ngắn Sương trắng, người đọc có thể bắt gặp những mảnh đời rất đời thường trong các truyện ngắn như Người nhà quê, Luân hồi, Gia tài người cha, Hai mẹ con, Vàng ơi; hay những ký ức chiến tranh trong góc nhìn của một người sinh ra và trưởng thành sau chiến tranh như Lòng biển, Sương trắng, Đổi đời, Một vùng trời đỏ, Đằng sau chiến tranh…Có nhiều đoạn văn, chừng như được tác giả đứt ruột viết ra, như máu chảy đầu từng con chữ, như nỗi đau quyện hoà nước mắt: “Căn bệnh thế kỷ và đã lấy tiếp đi của gã đứa con còn lại. Ngày đám tang con trai, khi những xẻng đất phủ lên chiếc quan tài là lúc gã thấy đầu óc choáng váng…Gã nôn thốc nôn tháo. Gã bất tỉnh. Trong giấc mơ gã thấy mình đi giữa những tán rừng rậm rạp. Gã thấy thân cây đổ xuống. Nước từ những vết cắt chảy ra. Đó không phải là nhợ mà màu đỏ của máu…” (truyện Vàng ơi). Hay đó là cảm xúc của một gã thợ vàng đang đào bới trên chính mảnh đất quê mình để mong tìm được cơ hội đổi đời nhưng rồi nhận về mình cái kết đắng. Bức tranh với giấc mơ Vàng hiện ra trong đau đáu phận người: “Dần dần một đồi núi đầy dẫy hục hang, hầm hố đen ngòm lòi ra. Trơ trọi phơi mình. Những hang tối hun hút đấy nếu không quen đường tôi sẽ bị biến mất khỏi thế giới này không một ai hay biết, kể cả người đi trước cách không đầy ba bước chân. Cả bọn lầm lũi theo sự chỉ dẫn của ông chủ. Quèo qua, ngoặt lại con đường mòn zich zắc vừa vặn cho một người bước đi. Chúng tôi đến một khu lán chừng vài ba chục mét vuông, được giăng bởi tấm bạt. Xung quanh đóng cọc gỗ rừng. Máy xay đá nổ ầm ầm nghiến ken két, khói phụt đen. Màu vàng choé chảy dọc trên máng sắt hoen rỉ, lợn cợn đá. Mùi khét lẹt của hoá chất tẩy. Mùi hôi thối của bãi thải. Tất cả thứ mùi quện vào nhau làm tôi lộn mửa…Một tiếng nổ rung chuyển lòng đất làm tôi giật bắn người run cầm cập. Tim loãng ra. Thằng Dậu mặt cắt không còn một giọt máu, xanh lét” (truyện Sương trắng).

 

Đọc tập truyện ngắn Sương trắng, cảm nhận được tác giả có nhiều trải nghiệm đời thực. Nhiều truyện ngắn trong tập truyện này đã chạm đến những nỗi đau về thân phận con người, kể cả những giá trị của cuộc đời sau chiến tranh và sự khắc nghiệt của bức tranh nông thôn Việt Nam một thời kham khó sau những năm đổi mới. Đây không chỉ là cảm nhận của một người sinh ra và lớn lên sau chiến tranh đối với cuộc đời, mà còn là một góc nhìn nhân văn về những gì kỷ niệm nằm lòng từng trải qua, từng nghe, từng gặp. Hẳn nhiên, vẫn còn đó những nút thắt - gỡ cho từng truyện ngắn chưa thực sự đỉnh điểm của câu chữ, nhưng với một người “trái nghề” như Lê Nguyễn Quốc Việt, thì tập truyện là một hành trình đầy kham khó trong từng câu, chữ. Tác giả đã biết tận dụng được lối viết phóng khoáng với cách chọn câu dạng ngắn để ngắt và làm ngưng đọng cảm xúc trên từng trường đoạn truyện. Kết thúc một câu chuyện cũng đồng thời mở ra một cánh cửa cho nhân vật bước ra ngoài đời thực hoặc kết thúc cuộc đời với giấc mơ thoảng trong hương khói. Với cách chọn đề tài, sử dụng ngôn ngữ, tác giả đã thể hiện được một ngòi bút đầy nội lực, nhìn cuộc đời và nhìn con người ở góc nhìn nhân văn, cảm thông, san sẻ.

 

Trong dòng chảy văn chương với nhiều lối viết cách tân như hiện nay, có lẽ Lê Nguyễn Quốc Việt là một trong số ít nhà văn trẻ chọn cho mình văn phong giản dị và chân mộc. Bằng cách tận dụng và phát huy được những giá trị cốt lõi nhất của ngôn ngữ thuần Việt để từ đó, đi đến và chạm được cả sự khắt khe của những độc giả khó tính nhất. Đó là điều ghi nhận đầu tiên khi cầm trên tay tập truyện ngắn Sương trắng và cũng là nút thắt mở ra cho tác giả thêm một đường ánh sáng để đi đến tận cùng cảm xúc văn chương.

           

                                                                                                                                                                                                                               Nguyễn Thị Anh Đào