Những nỗi buồn mọc cánh
Một bận, tình cờ thấy “Lũ buồn hoang”, tôi vội cầm về bàn, và để đó, nơi ánh nắng vẫn tràn lan mỗi ban sớm. Đơn giản vì thấy thích cái tựa đề, thích cái tên Miên Di, dù chẳng biết tác giả ấy là ai.
Và thích cái bìa sách, từ bức tranh phảng phất dáng dấp của Nguyễn Quang Thiều, đến cách cột “Lũ buồn hoang” vào nhau bằng một sợi dây thừng. Lúc đó, tôi chợt nghĩ, cột lũ buồn lại với nhau rồi, làm sao nó đi hoang được nữa, lại cứ quẩn quanh trong đời tác giả thôi…
Một buổi chiều, thấy lòng bỗng dưng rỗng không, ngay cả nỗi buồn cũng rỗng, tôi ngồi lật Lũ buồn hoang của Miên Di ra đọc. Đọc chậm rãi, nhấn nhá từng từ, nhấn nhá từng nỗi buồn đẹp cứ bàng bạc từng trang, từng trang. Dường như bài thơ nào cũng phảng phất một nỗi buồn dìu dịu, một nỗi buồn an yên của người đã đi qua quá nhiều cay đắng và đớn đau trong cuộc đời, nên nỗi buồn cũng trở nên vô thường trong thơ anh.
Hiếm có một cuốn thơ nào khiến tôi đủ kiên nhẫn lật dở từng trang để đọc từ đầu đến cuối như Lũ buồn hoang. Không phải vì không hay, nhưng có những lúc, nỗi buồn đau cứ nghèn nghẹn rồi bục vỡ nơi lồng ngực, thấy đời đau quá không đọc được nữa. Miên Di cũng viết về nỗi buồn, nhưng nó không khiến người đọc cảm thấy khó thở. Nỗi buồn nào của anh cũng đẹp, cũng vĩnh yên, cũng thoang thoảng chất thiền - một nỗi buồn dễ làm cho người ta “nghiện”.
Anh viết nhiều về vợ của mình, về hạnh phúc không được vẹn tròn, nhưng đẹp, và sâu. Không trách móc, không đổ lỗi, chỉ thấy da diết những kỷ niệm, những khoảng trống cứ ngày càng mênh mông và những nỗi buồn cứ mọc cánh bay lên từ tâm hồn người tình - người chồng - người cha. Vắng em sau yên xe/ Anh chuyện trò với khoảng trống/ Chiếc áo em mua anh vẫn còn đang mặc… (Vợ đi lấy chồng). Hay: Em dắt buồn tôi đi đâu/ Để lại tôi đứa trẻ bạc đầu/ Nghịch đồ chơi là những muộn phiền/ Có ghép lại cũng chỉ là rạn nứt/ Mong em chạm vào/ Để lại được đổ vỡ cũng là vui (Chỗ vắng trong người).
Những nỗi buồn tưởng chừng rất ngọt, rất an yên, nhưng khiến trái tim người đọc đập những nhịp đập xót xa và tiếc nuối cho những yêu thương nay đã chuyển màu buồn. Kéo mền đắp một khoảng không/ Thương em cả lúc căn phòng mất nhau (Thói quen cũ). Tiếc nuối đấy, thương và đau đấy, nhưng không làm cho những vần thơ của anh bị vỡ. Những nỗi buồn dìu dịu cứ như tơ nhện giăng mắc trong những câu chữ và tâm hồn. Sợ tôi buồn, em bảo tôi đi bước nữa/ Em thương tôi bằng những bữa cơm người/ Còn em ở vậy thổi cơm cho thằng bé/ Sợ con buồn, em chẳng nỡ để ai yêu (Sau li dị). Có thương, có yêu lắm mới có thể viết những lời nhỏ nhẹ và hàm ơn như thế cho người vợ của mình sau lần đổ vỡ.
Đọc thơ Miên Di, thấy hình dáng của một người đàn ông vừa yếu đuối vừa mạnh mẽ, vừa trẻ thơ vừa gai góc trải đời, vừa an yên vừa bão tố. Thỉnh thoảng thăm mẹ một hôm/ Xòe tay xin ít trẻ con, rồi về (Tâm sự với mẹ). Có lần, anh tự thú: Tôi là một khối trầm tư/ Hiện diện như thể một hư vô. Buồn, hay Hình như tôi là vô hình/ Đựng trong một cái lọ bình xác thân (Tìm gặp vô ngã).
Có cảm giác như giờ đây, khi bước vào tuổi bốn mươi, rong chơi khắp khổ đau cõi ta bà, anh bình thản đón nhận mọi chuyện, bình thản buồn, bình thản đi tiếp những tháng ngày nhân sinh nơi quán trọ cuộc đời và cuộc người. Tôi tu bằng những ưu phiền/ Lắng nghe thật tính trong miền khổ đau (Khúc tu phiền), nên đến những lũ buồn anh cũng dạy chúng phải ngoan. Ngày qua ngày dạy lũ buồn hoang/ Có đau cũng phải đau ngoan, nhen buồn (Buồn ngoan).
Những câu thơ cứ thoang thoảng lũ buồn an yên và đẹp. Ban đầu, khi mới cầm tập thơ trên tay, tôi cứ ngỡ là của một cô gái mỏng manh vô định, không nghĩ rằng những vần thơ vừa mềm mại vừa sâu sắc này là của một người đàn ông tuổi bốn mươi. Xen lẫn trong những bài thơ ấy, là những “ghi chú rời rạc” mang đậm triết lý cuộc đời, đậm sự trả giá mà vẫn rất “thơ”. Trong tình yêu, người ta chỉ hạnh phúc với ai có thể làm mình đau khổ, bởi, có những đau khổ trong đời, mà nếu được làm lại, ta vẫn rộn ràng không từ chối. Dù cuộc đời có bất công thế nào đi nữa, thì vẫn ban tặng ta một thứ quý giá, đó là sự trải nghiệm. Có nếm thử mùi vị đớn đau, cô đơn đến rỗng toác nỗi buồn, mới an nhiên đón nhận mọi thứ như nó đang là. Hãy bình thản khổ đau, như chờ xe bus về một nơi rất vui.
Tôi thiết nghĩ, nếu tập thơ được chọn lọc hơn, cất đi một vài bài về thế sự, gia đình, chỉ để phảng phất nỗi buồn về tình yêu và những ghi chú rời rạc, thì có lẽ đây là một tập thơ tình rất tình, rất yêu và rất dễ nghiện.
Sau cùng, xin mượn câu ghi chú đầu tiên trong tập thơ để làm lời kết khi viết về anh: Có một tài sản vô biên, đó là tình yêu thương. Đó cũng chính là sợi chỉ ngầm xuyên suốt trong mỗi trang viết của Miên Di, dù buồn, dù đau, nhưng là buồn ngoan, đau ngoan thoát ra từ một trái tim đầy yêu thương và nhẹ nhõm.
Những nỗi buồn mọc cánh, và bay đi…
Ngô Thúy Nga
(*) Thơ Miên Di, NXB Hội Nhà văn ấn hành
(thegioitiepthi.vn)