Thêm một sự cảnh tỉnh về trái đất mong manh

19.07.2017

Thêm một sự cảnh tỉnh về trái đất mong manh

Tôi đọc “Rừng khô, suốcạn, biểđộc… và văn chương” của TS. Nguyễn Thị Tịnh Thy, giảng viên Khoa Văn, Đại học Sư phạm Huế vào những ngày bức bối trước đợt nắng nóng bất thường thiêu đốt không chỉ ở “chảo lửa” Bình-Trị-Thiên, Nghệ-Tĩnh… mà tận Hà Nội. Việc cảnh báo nhân loại đã, đang và sẽ bị thiên nhiên “trả thù” chính vì những hành vi thô bạo, hám lợi, vô ý thức của con người không phải là chuyện mới, nhưng trong văn học Việt Nam, thì đây là tác giả đầu tiên công bố một công trình dày dặn tập trung về vấn đề nan giải này của nhân loại.

Sách dày trên 500 trang, gồm 4 chương, bao gồm những khảo cứu khá công phu và toàn diện về những lý thuyết làm cơ sở lý luận cho văn học sinh thái và phê bình sinh thái ở thế giới và Việt Nam từ “khởi thủy” đến hôm nay. Với công chúng rộng rãi, có lẽ không nên đi sâu vào các luận thuyết, chỉ xin trích lời giới thiệu của PGS. TS. Đỗ Lai Thúy: “Sinh thái học thoạt tiên là một bộ phận của sinh học… Sau đó nó chuyển sang nghiên cứu mối quan hệ người - người và con người với môi trường xã hội: sinh thái học nhân văn. Cuối cùng là… sinh thái học văn hóa…”. Tác giả cho biết, thuật ngữ “sinh thái học” xuất hiện năm 1866 trong công trình của một bác sĩ người Đức, nhưng đến năm 1962, tác phẩm “Mùa Xuân im lặng” của nhà sinh vật học  hải dương Mỹ R. Carson (1907-1964) cảnh báo nhân loại cần thay đổi phương thức sống và quan niệm về tự nhiên, các nhà nghiên cứu mới cho rằng đây là công trình mở đầu thời đại văn học sinh thái.

Các cuốn tiểu thuyết được tác giả chọn để nghiên cứu cộng lại gần cả ngàn trang, khó mà chọn được “trích yếu” tiêu biểu, do vậy, trước hết xin dẫn một đoạn về thơ Haiku, phần lớn các tác giả “viết về tự nhiên một cách bình thản, nhẹ nhàng… như hơi thở, khí trời, như nắng gió…”, nhưng NTTT đã tinh tường chỉ ra triết lý “sinh thái” sâu thẳm của thơ Haiku trong “sự tôn trọng sinh mệnh… gửi gắm tình yêu thương, sự cảm thông, ước muốn chở che đến vạn vật” - vạn vật bình đẳng trước tạo hóa: “Con ếch xanh/ trên cành lá chuối / đánh đu một mình” và “Dưới làn nước trôi / một con cua nhỏ/ bò lên chân tôi”…  

Xin dẫn thêm truyện ngắn “Mối và người” của Trần Duy Phiên, một nhà văn đang định cư ở TP. Hồ Chí Minh. Anh viết truyện này năm 1989, nghĩa là sau đó hơn chục năm phê bình sinh thái mới được giới thiệu ở Việt Nam (theo NTTT là từ năm 2011), nhưng sự hùng vĩ đồng thời với cảnh con người tàn phá những cánh rừng Tây Nguyên đã khiến nhiều người “báo động”. Mấy chương đầu của truyện thật giản dị - chuyện mấy đứa cháu làm thăm cậu Bảy nuôi gà béo nhờ sáng kiến dùng ánh sáng nhử mối đến cho gà ăn. Nhưng rồi…

“…Sau buổi tiệc chia tay, mọi người say ngủ, lúc tỉnh dậy họ mới phát hiện trên mình không còn một mảnh vải che thân. Đêm qua, mối đã “tập kích nghiến sạch, không còn một sợi chỉ”. Áo quần, giường chiếu, tủ kệ, vách nhà… tất tật hóa thành mùn bủn… những con mối bé nhỏ đã thể hiện sức mạnh của mình. Chúng khiến cho con người khôn ngoan và mạnh mẽ bị vô hiệu hóa hoàn toàn…”.

Nguyễn Thị Tịnh Thy đã giới thiệu và phân tích câu chuyện như thế. Đã đành, đây là cảnh do nhà văn “hư cấu”, nhưng chúng ta đều đã biết nhiều căn nhà đã bị mối “tấn công” liên tục đến mất ăn mất ngủ và quan trọng hơn là “thông điệp” mà Trần Duy Phiên gửi gắm là đừng có ngộ nhận, kiêu ngạo nghĩ rằng “con người là trung tâm của vũ trụ”! Một đoạn đối thoại trong truyện cũng đã nói thẳng ý tưởng của tác giả. Khi người cháu khen cậu Bảy: “- …Cậu hướng cuộc chiến đấu của mình vào thiên nhiên. Cậu khai thác về cho mình và đồng loại” thì “tôi” (tức tác giả Trần Duy Phiên) nói: “Rồi một ngày thiên nhiên sẽ khai thác trở lại”. Và nhấn mạnh thêm là mình đã nghĩ đến điều đó từ lâu!

Gần hai chục năm đã qua, nhưng tôi vẫn còn nhớ cảm giác như ớn lạnh, khi đọc những trang Trần Duy Phiên miêu tả cuộc tấn công của mối và kiến đối với con người trên một số tạp chí lúc đó. Đáng tiếc là các truyện ngắn xuất sắc này chưa được các nhà phê bình chú ý đúng mức, chưa được phổ biến. Có lẽ vì thế, trong Phần “Phụ lục” của cuốn sách rất không nên bỏ qua, Nguyễn Thị Tịnh Thy đã đưa vào tập sách nguyên văn cả 3 truyện ngắn của Trần Duy Phiên “Kiến và người”, “Mối và người”, “Nhện và người”. Trong Phụ lục, đặc biệt có bài phát biểu của Mạc Ngôn (nhà văn đoạt giải Nobel) tại Diễn đàn văn học Đông Á (tháng 12-2010 tại Nhật Bản) với chủ đề “Ai là người có tội”, có thể xem như là “Tuyên ngôn” của các nhà văn về môi trường-sinh thái.

 “… Trái đất bốc khói khắp nơi, toàn thân run rẩy, biển lớn gào thét, bão cát mù trời, hạn hán lũ lụt cũng như các triệu chứng ác liệt khác đều có liên quan chặt chẽ với phát triển khoa học kỹ thuật dưới sự thúc đẩy bởi dục vọng tham lam của các nước phát triển. Trong thời đại như vậy, văn học của chúng ta kỳ thực gánh vác trách nhiệm to lớn, chính là trách nhiệm cứu lấy trái đất, cứu lấy nhân loại…”.

…Chúng ta cần dùng tác phẩm của mình để nói với những người phụ nữ có hàng nghìn chiếc váy, hàng vạn chiếc giày, rằng họ có tội…”.

Tất nhiên là nhà văn từng đoạt giải Nobel còn “kể tội” nhiều loại người nữa - từ các ông chủ có nhiều xe sang trọng và máy bay riêng… đến những kẻ đầu cơ, những tên tham quan… để rồi nhắc nhở: “Họ đều cùng ở trên một con thuyền, nếu như chiếc thuyền đó chìm rồi, bất kể là người mặc đồ hiệu, khắp người đầy châu báu, hay áo quần lam lũ, không có lấy một đồng, thì kết cục vẫn như nhau”. Và ông kết luận như một tín hiệu cấp cứu: “Những ngày tháng tốt đẹp của nhân loại đã không còn nhiều nữa!”.

Ông cũng tự nhận đây là kết luận bi quan. Điều đó càng chứng tỏ vấn đề quả là cấp bách, là trách nhiệm của mọi người, chứ không chỉ nhà văn trong vấn đề bảo vệ môi trường và hệ sinh thái chúng ta đang sống.

Nguyễn Khắc Phê
(nhavantphcm.com.vn)