Người phụ nữ trong "Mùa xa" của Nguyễn Ngọc Yến
Tập truyện ngắn “Mùa xa” của nguyễn Ngọc Yến, NXB Hội Nhà văn năm 2015 gồm 12 truyện ngắn, khắc họa nhiều mảng đề tài khác nhau trong cuộc sống nhưng nổi bật nhất là thân phận người phụ nữ với những góc khuất trong xã hội thời mở cửa mà không phải lúc nào người ta cũng dám nói tới và nhìn nhận với một cách khách quan, công bằng và vị tha. Đó là những cảnh đời bất hạnh bị làn sóng mới xô đẩy nhưng vẫn sáng ngời những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, chuyên chở những ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.
Đây là nhân vật Sương trong truyện “Ca nương”. Bối cảnh câu chuyện đưa người đọc tới một hoàn cảnh đặc biệt: “Quán Mộng Tiên vốn là nơi gặp gỡ, đi về của những tao nhân mặc khách yêu và mến mộ ca trù” và câu chuyện tình của Huy, một doanh nhân thành đạt với Sương như duyên tiền định. “Từng đi du học, công tác nhiều nước trên thế giới, tiếp xúc với đủ các trào lưu, phong cách âm nhạc, nhưng không hiểu sao Huy cứ nặng lòng với thứ âm thanh xưa cũ, với “món hương hỏa mà tổ tiên để lại”. Huy mê mẩn trong lời ca mê hoặc và ánh mắt hút hồn của Sương: “Trong đôi mắt trong veo có phần vô hại ấy dường như đang chứa đựng một tham vọng thực sự, muốn chinh phục cả thế giới trong một hạt cát bé nhỏ”. Từng hát ca trù từ năm 14 tuổi, hồn cốt của từng lời ca, điệu hát đã ngấm vào tâm hồn Sương. Tiếng trống điểm “khen đàn, thưởng giọng, thưởng phách” của Huy như mối đồng điệu tương giao khiến Sương hát hay hơn, mỗi câu mỗi chữ như có hồn và họ đến với nhau như duyên trời mà sợi tơ hồng là tiếng đàn, giọng hát. Hoan tình giữa Huy và Sương, câu chuyện thắt nút rồi chợt vỡ òa với cái kết đầy chất bi thương: đứa con, kết quả tình yêu của Huy với Sương là đứa trẻ tật nguyền không hộp sọ… Chi tiết“những người phụ nữ trong họ Sương khi lấy chồng đều sinh ra ít nhất một đứa trẻ không lành lặn” khiến người đọc gai người và chợt hỏi, ẩn dưới tầng sâu hình ảnh đứa con quái thai kia là gì: Phải chăng là mối duyên tình của những tâm hồn tội lỗi đã để lại một lời nguyền? Phải chăng đó là di hại của chiến tranh? Phải chăng đó là sự hôn phối của sự vô tâm, thiếu trong sáng trước di sản của cha ông?
Bìa sách
Trong truyện “Chiều buông” lại khai thác một góc độ khác, Diên là một cô gái thôn quê, “lớn lên hồn nhiên như cây cỏ”, “từ khi Diên có ký ức thì cái nghèo, cái đói cứ đeo đẳng bám lấy đất này” và trong cảnh khốn khó ấy, Diên nung nấu một suy nghĩ làm sao thoát khỏi cảnh nghèo. Tình yêu chân thành của Minh không đáp ứng được những khát khao của Diên và bước ngoặt là khi Diên đỗ và đi học lớp trung cấp kế toán trên tỉnh rồi chạy theo Dương, Giám đốc công ty khai thác khoáng sản. Và “với Diên lúc này tiền là tất cả, đàn ông với Diên không cần trẻ, không cần đẹp, cũng không cần hiền lành tử tế. Tiền sẽ làm tất cả những người đàn ông trước mặt Diên trở nên ga lăng hào phóng - những thứ mà những người đàn ông quê Diên tuyệt đối không có, không dám có”. Oái oăm ở chỗ là người yêu đầu là “Minh thi hoài vẫn trượt” nên dẫu có yêu Diên tha thiết và chân thành thì Diên không để Minh vào mắt. Chỉ khi Diên vỡ mộng: Dương không bỏ vợ như đã hứa và sự lạnh nhạt dần và chạy theo những bóng hồng khác khiến Diên tỉnh ngộ, Diên trở về với làng quê xưa mà như được hồi sinh trong nhịp sống bình yên: “Lần đầu tiên trong đời Diên nghĩ đến việc gắn bó với mảnh đất mà cô luôn nghĩ rằng đó chỉ là nơi cô sinh ra chứ không thuộc về nó”. Và lời người bà như dòng suối mát tưới tắm tâm hồn Diên: “Đi xa con phải giữ mình như con suối, như cây trò đầu bản, sau này mới thành người tử tế”. Ý nghĩa của truyện vượt ra khỏi giới hạn của câu chữ, mang tình phổ quát cao, khiến người đọc phải suy ngẫm.
Ở truyện: “Nhạt” lại đưa người đọc tới một hoàn cảnh không xa lạ hiện nay: “Kim lấy A Sâng như một lẽ tình cờ, qua môi giới”và “đám cưới ồn ào sang trọng” diễn ra như mơ nhưng rồi tại sao “suốt ba tháng đầu Kim viện đủ lý do để ngủ riêng”. Thật là oái oăm và trớ trêu, ẩn chứa một cái gì vô cùng hệ trọng. Rồi người đọc bất ngờ khi “Kim tự nguyện cho A Sâng ngủ cùng trong một lần say bí tỷ và miệng cô luôn nhắc đến tên một người mà A Sâng không biết đó là đàn ông hay đàn bà”. Thì ra cuộc làm tình này là của hiện tại và quá khứ, của thực tại và mộng mơ và “từ hôm ấy ngày của A Sâng đêm là của Kim và ngày của Kim đêm của A Sâng, nó như một giao ước ngầm bất di bất dịch”. Đến khi “sự ra đời của Linh - cô con gái nhỏ giúp quan hệ hai người cải thiện đôi chút”. Nhưng Kim ngẫu nhiên gặp Toàn, người “giống Đức đến kỳ lạ, Đức là người đầu tiên và cũng là người cuối cùng mà Kim thực sự yêu cho đến khi lấy A Sâng” và Kim sa vào vòng tay Toàn ở chốn tha hương là sự tất yếu. Nhưng thật oái oăm, “mỗi lần gần gũi Toàn trước mắt Kim lại hiện lên hình ảnh A Sâng, ngực địu con, hai tay khệ nệ sách hai túi đồ to, còn Kim thảnh thơi trên đôi giày cao gót”. Cứ ngỡ đấy là được sống, được tự do yêu đương và thật khó mà hình dung nổi khi A Sâng biết tất cả mà vẫn vị tha: “Tôi đồng ý cho Kim về Việt Nam trong hai năm. Nếu Kim không hạnh phúc, nếu Kim khổ thì… Bố con tôi luôn cần Kim”. Rồi trải qua bao ngày trống vắng, trong Kim bỗng cất lên một tiếng gọi tha thiết mối tình mà mình từng rẻ rúng mà “Chút tự trọng cuối cùng không cho phép Kim bước về phía những cánh tay luôn giang rộng, chờ đón Kim”. Cực đoan hay lòng tự trọng? Quyết định nghiêm túc của Kim dù là gì thì cũng là sự phải đổi bằng bao trải nghiệm, đau thương và mất mát.
Mỗi số phận, mỗi cảnh đời như những vết cắt khó lành. Người đọc tự hỏi tại sao tác giả Nguyễn Ngọc Yến lại dành tâm sức khai thác những góc khuất của cuộc sống, những oan trái của người phụ nữ. Phải chăng, tâm hồn độ lượng, bao dung của chị luôn rung lên như sợi tơ lòng trước những đau thương, oan trái mà người phụ nữ phải gánh chịu trước làn sóng vô tình của thời mở cửa. Đây là nhân vật Nhi tìm quên trong những cơn say khi: “Một lần nữa cô phải dứt bỏ mầm sinh linh mới hình thành trong cơ thể” và những lời thoại cay đắng, vô vọng như thức tỉnh lương tâm:
- Cô sao thế, ổn không?
- …
- Nhà cô ở đâu?
- Tôi không có nhà.
Và sao mà xót xa, cay đắng khi Nhi phát hiện tấm ảnh người cha của người tình của mình chính là người đàn ông đầu tiên Nhi biết.
Rồi nhân vật Liễu trong “Đêm nghiêng”, không may lấy phải người chồng “không được bình thường”. Sau khi chồng mất do tai nạn giao thông, Liễu gặp Thịnh và “chấp nhận làm người đàn bà riêng của anh ta” nhưng rồi thêm một lần đổ vỡ. Lệ trong“Đò chiều”, con đò cuộc dời dẫu muộn vẫn cập bến bình an. Rồi nhân vật nữ không tên mang tính đa nghĩa trong “Không thể”. Dì Út trong “Mùa xa” như một bức tranh nhức nhối phản ánh tệ nạn bạo hành người phụ nữ đang là một trong những vấn nạn của xã hội. "Chỉ vì ghen bóng ghen gió" mà người chồng đánh đập vợ tàn nhẫn. "Có lẽ với chú, gì chỉ là tấm giẻ lau trong nhà để chú quăng quật, nhưng chú cũng không chịu đựng được cảm giác có người khác dùng đến". Những tưởng câu chuyện sẽ chuyển sang một cái kết có hậu là vợ chồng Dì Út ly dị và Dì sẽ hạnh phúc bên chú Nam, một người tốt bụng rất mực yêu Dì. Nhưng thật bất ngờ khi Dì Út lại trở về với người chồng cũ. Hình ảnh: "Khắp căn phòng, trên giá sách, phía đầu giường, cuối chân tường, cạnh cửa ra vào dán dày đặc những tờ giấy A4" của bé Na, con chung của chú và Dì Út: "Những tờ giấy vẽ hình một trái tim méo mó, trong đó có dòng chữ tô đậm:"Gia đình mình mãi hạnh phúc" như một thông điệp với các bậc làm cha, làm mẹ trước tương lai của con cái. Sự chịu đựng những trận đòn như với kẻ thù của Dì Út thật ngoài sức tưởng tượng sức chịu đựng của con người. Câu chuyện cũng đặt ra một câu hỏi mang tính thời đại: Dì Út, hay bất cứ người phụ nữ nào có chung cảnh ngộ có nhất thiết phải chịu đựng như vậy không? Chịu đựng như thế có đem lại hạnh phúc không..?
Rồi Nàng trong “Quyền lực”, Hà trong “Vết nứt”… Những nhân vật có tên và không tên đều hiện lên trong những hoàn cảnh trớ trêu, oan trái. Trong truyện của Nguyễn Ngọc Yến, tính cách nhân vật luôn hiện rõ qua từng câu, từng dòng, từng trường đoạn, dẫu có bị dòng đời xô đẩy vẫn sáng ngời một khát vọng, được sống và được yêu. Thông điệp mà tác giả Nguyễn Ngọc Yến gửi tới mọi người chăng?
Truyện của Nguyễn Ngọc Yến có cốt truyện mạch lạc, cá tính nhân vật được khắc họa rõ nét, mỗi nhân vật là một mảnh nhỏ của cuộc sống, hiện thân của mối quan hệ xã hội làm cho người đọc nhận thức sâu sắc về cuộc đời và tình người. Chi tiết nghệ thuật trong truyện của Nguyễn Ngọc Yến cô đúc cùng lối hành văn mang nhiều ẩn ý tạo cho tác phẩm một chiều sâu làm cho bạn đọc được tham gia đồng sáng tạo trong một không gian mở. Chị rất có trách nhiệm trước ngòi bút của mình và người đọc. Đọc truyện của chị ta thấy thương cảm cho thân phận những người phụ nữ, những con người luôn chịu sự thiệt thòi trong xã hội và các đấng mày râu cũng phải tự nhìn nhận lại mình. Và vút lên một tiếng thét ngang trời nỗi đớn đau, cùng khát vọng hạnh phúc khôn cùng của người phụ nữ!
Trần Vân Hạc
(vanhocquenha.vn)