Nguyễn Anh Đào đã làm được điều ấy suốt nhiều tập sách, và đến tuyển tập truyện ngắn mới nhất - Thà cứ một mình rồi quen - vẫn đúng chất của chị, đẹp thật đẹp, tình thật tình mà buồn cũng thật buồn.
Cái đẹp của cuốn sách nằm ở những thứ rất dung dị, rất gần gũi - ví như những viên sỏi trong trò chơi xếp hình, hay những bông mận trắng, hoặc giả chỉ là ô cửa sổ… - được Nguyễn Anh Đào thổi vào một cái hồn, bằng lối viết nhẹ nhàng, ngọt ngào và rất sâu lắng; bật hết dậy những khắc khoải của yêu thương, của đớn đau và cả của hy vọng. Chỉ là cái hàng rào mồng tơi, hay luống rau sau vườn, qua góc nhìn của một trái tim biết yêu, tự nhiên sẽ trở thành đẹp đẽ!
Cái “tình” ở tập sách thứ sáu của Nguyễn Anh Đào không thể xa rời khỏi cái đẹp ấy được - buồn đau cũng phải tình! Thế nên, chị mới có thể hình dung ra được câu chuyện của một người trồng bạc hà bên cửa sổ, đợi chờ một người đã lặng lẽ ra đi ngày “biển chết”; hoặc giả là cho Lam của mình dám nhấn chuông, “một lần bị tổn thương nữa, cũng có sao đâu…” để tìm cho bằng ra được “lửa từ trái tim em”. Ừ thì, có tổn thương cũng phải tình!
Không phải là truyện “đinh” của tập, nhưng Lao xao hoa mận trắng là một điểm nhấn đáng giá cho Thà một mình rồi quen, bởi đây là một điển hình cho “tình yêu lớn” - giữa con người với con người. Chỉ trái tim mới chạm được vào nhau, thế nên với một kẻ chỉ biết “hềnh hệch cười” trước bất kỳ tình huống nào gặp phải trong đời, rồi cũng có lúc bật khóc vì sung sướng, vì hạnh phúc khi gặp lại được một người tưởng chỉ là người dưng.Chỉ là… đọc của Nguyễn Anh Đào, buồn quá! Những nỗi buồn rất đẹp nhưng để lại dư vị không dễ chịu chút nào - gọi là ám ảnh. Không nhất thiết phải là hình ảnh của cái miếu thờ người xấu số nghi ngút khói hương (Những đồng xu may mắn) thì mới ám ảnh; đôi khi chỉ là mùi dầu gió xanh ám vào đời nhân vật, ám vào cả những giọt nước mắt không thể gọi tên (Mùi dầu xanh), hoặc những thùng nước vừa sức - công việc hàng ngày quen thuộc - với sự tự trăn trở của nhân vật, rằng rồi mọi thứ có thể trở lại như ban đầu được hay không (Mảnh vỡ)… cũng đủ khiến người đọc thở dài, buồn đến chùng lòng lại.
Nguyễn Anh Đào hiếm hoi viết về đàn ông, có vẻ vì “cái tình” chị dành cho đàn bà quá lớn; nhưng đã viết thì lại ám ảnh khôn nguôi, và rõ ràng truyện ngắn này là một minh chứng.
Không khó để tìm thấy những nút thắt có vẻ “ma mị” trong tác phẩm của Nguyễn Anh Đào, bởi chị là kiểu phụ nữ tự nhận mình thủ cựu, cổ hủ, nên thích đưa vào văn chương những quan niệm nghe có vẻ “quen quen” với người đời. Thì lần này cũng vậy, nhưng rõ ràng khéo léo hơn và chắc tay hơn, nên sau một nỗi đau, chị cho nhân vật mình được quyền hướng đến cái quyền được sống, được yêu thương và được hy vọng. Tưởng không có mắt xích gì, thế nhưng xâu chuỗi lại được, thì Tái sinh là một bức tranh hoàn hảo, đặt những nhân vật gần như không có điểm tương đồng vào cạnh nhau một cách thật sự đẹp đẽ và quá liêu trai.
Thay vì quẩn quanh với bếp núc, nhà cửa và những nỗi cô đơn chồng chất của nhân vật nữ như trước đây; ở Thà cứ một mình rồi quen, Nguyễn Anh Đào có vẻ đã tiếp cận được với thế giới hiện đại, tạo ra một “hư danh” trong thế giới ảo, theo một cách nhìn tuy hãy còn nhẹ nhàng so với thực tế nhưng vẫn rất đáng suy ngẫm.
Chị cũng đã thừa nhận những man trá trong thế giới này, ở Mùi trinh nguyên, thay vì xây cho mình hy vọng về một cuộc đời hoàn hảo như trước đây!... Tạo ra một tập sách đa chiều, đáng đọc, đáng dừng lại và tự hỏi bản thân mình đã nhìn ngắm cuộc đời ra sao?! Rời hẳn khỏi quan điểm “đọc sách của Anh Đào là muốn tự tử” hay “chán ghét vì sự cam chịu thái quá của những nhân vật nữ trong tác phẩm của Anh Đào”… như trước đây độc giả đã nhận xét.
Thà một mình rồi quen thật sự ghi dấu sự trưởng thành vượt trội của tác giả Nguyễn Anh Đào trên con đường sáng tác văn chương của chị - từ góc nhìn, đến xử lý tâm lý nhân vật, tạo tình tiết gây ám ảnh và dụng câu không thể chê được, rất đẹp - rất tình!
Trương Thanh Thùy(news.zing.vn)