Một thế kỉ truyện ngắn Nga

05.03.2018

Một thế kỉ truyện ngắn Nga

Những năm gần đây sáng tác của văn học Nga, trong đó có truyện ngắn, đã quay trở lại với bạn đọc Việt sau một thời gian dài vắng bóng. Nhiều tác phẩm văn xuôi cổ điển thế kỉ XIX, những tác phẩm tiêu biểu của văn xuôi thế kỉ XX được tái bản. Bạn đọc bắt đầu được làm quen với những tác gia lớn “quen mà lạ” như Nabokov, Solzenitsin cùng những tác phẩm nổi tiếng của họ.

Tập truyện ngắn mà bạn đọc cầm trên tay tuyển lựa theo khuynh hướng nêu trên, tức vừa chọn in lại những truyện ngắn mẫu mực của kỉ nguyên Bạc (giao thời thế kỉ XIX-XX), của thời kì Xô Viết, bổ sung thêm một số tác phẩm, tác giả chưa từng dịch ở Việt Nam, vừa cập nhật mảng truyện ngắn thời kì tiền và hậu Xô Viết (giao thời thế kỉ XX-XXI) ít được biết tới, để làm thành bức tranh toàn cảnh 100 năm truyện ngắn Nga.

Sự lựa chọn và cách thức sắp xếp thứ tự các tác phẩm của từng nhà văn trong tập sách không ngẫu nhiên mà theo một ý đồ rõ nét.

Thứ nhất, qua thứ tự sắp xếp nêu trên, lịch sử nước Nga nói chung, văn học Nga (trong đó có truyện ngắn), nói riêng, phần nào được tái hiện. Điều đó cho thấy, một mặt, tính gắn bó máu thịt của văn học Nga đối với thời cuộc, vị thế quan trọng của nhà văn đối với quốc gia, dân tộc - một đặc điểm riêng biệt làm nên giá trị của nó. Mặt khác, thấy được sự vận động liên tục và phát triển theo dạng xoáy của văn học Nga: sự đa dạng các trào lưu trường phái sáng tác kỉ nguyên Bạc qua các truyện ngắn của Gorki, Andreev, Bunhin..., trải qua sự độc tôn của của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa thời kì Xô Viết kéo dài, lại được lặp lại ở giao thời thế kỉ XX - XXI với sáng tác của thế hệ các nhà văn trẻ khát khao tìm kiếm và đã đạt được những thành tựu nhất định trong môi trường sáng tác tự do.

Thứ hai, truyện ngắn qua các thời kì nêu trên hiện diện đồng đại trong cuốn sách tạo điều kiện thuận lợi cho những liên tưởng, so sánh để thấy được sự phong phú về đề tài, phong cách, thi pháp của thể loại này, đặc biệt là sự đổi mới thể loại, sự thay đổi những quan niệm cổ điển về truyện ngắn. Ở đây chúng tôi muốn nói tới loại “truyện ngắn lớn” của Solokhov (“Số phận con người”), của Solzenitsin (“Ngôi nhà của Matryona”), của Aitmatov (“Gemilia”). Những tác phẩm này đã phá vỡ khung khổ của thể loại với quan niệm truyện ngắn thường chỉ là “một lát cắt cuộc đời”. Những truyện ngắn này không còn là “một lát cắt”, mà cả cuộc đời được dồn nén vào một truyện mang tầm vóc của tiểu thuyết. Ở đây “kí ức thể loại” (thuật ngữ của Bakhtin) đã làm công việc cần làm của mình để biến một tác phẩm có dung lượng truyện ngắn trở thành tiểu thuyết. Đó là sự định hướng của những truyện ngắn này tới kí ức những thể loại cao cả: nếu như “Số phận con người” phản chiếu sử thi, thì trong “Ngôi nhà của Matryona” phản chiếu những nét của liệt truyện về cuộc đời nữ thánh chịu kiếp nạn. Còn Jemilia – huyền thoại về tình yêu mãnh liệt nhưng đầy bi kịch của nàng Leila trong văn học dân gian Trung Á. Nếu trong “Số phận con người” lực đẩy của cốt truyện là sự kiện mạng tính sử thi – cuộc xâm lăng của quân thù, thì cốt truyện của “Ngôi nhà Matryona” – dòng chảy của đời sống nông thôn bình dị, không bị bất cứ chấn động nào từ bên ngoài phá vỡ, nhưng tự bên trong nó nỗi bất an ngấm ngầm diễn ra, nỗi sợ hãi không thể giải thích, linh cảm định mệnh, những điềm báo trước bí ẩn, nỗi ám ảnh từ lời nguyền xưa. Solzenitsin gắn trực tiếp những tội tổ tông “kinh thánh” đó với hiện trạng nông thôn Nga thời kì “tập thể hóa toàn diện”. Còn Aitmatov tái hiện thiên tình sử cổ tích muôn thủa trên nền thời hậu chiến nghiệt ngã để thấy được chất thơ của tình yêu cũng như sự dũng cảm vượt qua hủ tục nghìn năm của những con người hiện đại.

Sự cách tân thể loại truyện ngắn không chỉ nhờ cậy vào “kí ức thể loại”, mà còn ở việc tự “làm giàu” bằng sự dung hợp những cái hay, cái đẹp của tất cả các trường phái sáng tác nở rộ đầu thế kỉ XX, tái nở rộ vào đầu thế kỉ XXI trong văn học Nga. Nếu Bunhin mượn “giấc mơ Trang Tử hóa bướm” để quan sát sự đời qua con mắt của chú chó cũng tên Trang với những sự việc xảy ra không biết là mơ hay là thực, thì trong “Người sói”, hay “Chiếc trống thượng giới”, “Sông Okkervil”, các nhân vật ra khỏi những giấc mơ bàng hoàng không hiểu được những điều xảy ra có thực hay không. Trên đời làm gì có ma, được giáo dục chủ nghĩa duy vật trong suốt thời tuổi trẻ, Tania, nhân vật trong “Chiếc trống thượng giới” nghĩ rằng những cảnh vừa diễn ra sau cuộc gọi hồn của mụ già – chuyên gia trong lĩnh vực này, chỉ là giấc mơ thôi, nhưng trong tay cô vẫn còn chiếc sáo nhỏ - kỉ vật tình yêu của anh hùng phi công Xô Viết hi sinh trong thế chiến thứ II, vừa hiện hồn, tặng cô. Sự dung hợp nghệ thuật đã khiến những truyện ngắn này mang những ý nghĩa sâu xa, nhiều tầng bậc mà học giả Bakhtin gọi là tính phức điệu của truyện. Văn học nghệ thuật nhờ vào tính phức diệu này mà hạn chế tính giáo huấn thằng đuỗn, một chiều, bề mặt, để hiển hiện thành một thế giới sinh động rất đời, đầy hấp dẫn với người đọc.

Để bạn đọc hiểu sâu hơn về tác giả và tác phẩm, chúng tôi có những sapo nhỏ giới thiệu hết sức vắn tắt thân thế tác giả cùng những tác phẩm quan trọng và vị trí của truyện ngắn mà chúng tôi giới thiệu nằm trong toàn bộ sáng tác của nhà văn. Chúng tôi xem đó là sự bổ xung cho “lời nói đầu” không được phép dài này.

 PGS.TS. Đào Tuấn Ảnh
(nhavantphcm.com.vn)