Người kể chuyện về một thời đã qua trên những ngả đường đời
Ký ức hiển hiện về một thời đã xa
Lật tìm thông tin, ngỡ ra, tác giả Trịnh Văn Sỹ không phải là cái tên quá xa lạ với giới văn chương. Hơn 1 năm trước, khi cuốn sách “Trong ngôi nhà của mẹ” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều ra đời, những người yêu văn chương đã biết đến Trịnh Văn Sỹ với tư cách là người kể chuyện. Đó là câu chuyện có thật - của gia đình ông - về cuộc đời của mẹ ông với những thông điệp về kiếp người và lẽ sống.
Ở đó hiện lên hình ảnh cuộc đời của một người phụ nữ nông dân đồng bằng Bắc bộ, đằng đẵng một đời khổ ải, đã sống trong đói rét, ốm đau, sợ hãi, bệnh tật nhưng tất cả chẳng là gì bởi trong trái tim người phụ nữ ấy luôn ắp đầy tình yêu thương với mơ ước vào một ngày mai tốt đẹp cho những đứa con của mình.
Và cho dù cuộc đời này có biết bao thăng trầm, có lúc tuyệt vọng đến cùng cực, những đứa trẻ trong dòng họ Trịnh Văn ở làng Đa Sỹ, Hà Đông vẫn nhận ra rằng - được sinh ra và lớn lên trên thế gian này là một điều may mắn. Bởi, chúng được sống và chứng kiến biết bao câu chuyện đời, chuyện người…
Không còn vai trò là người kể chuyện như “Trong ngôi nhà của mẹ”, với cuốn hồi ký này, Trịnh Văn Sỹ đã đứng ở một vị thế khác - tác giả. Mỗi câu chuyện trong “Trên những ngả đường đời” đều mang đến cho bạn đọc sự nhẹ nhàng và nó cũng được tác giả kể theo cách rất nhẹ nhàng. Bắt đầu từ những ngày tháng đầu tiên - năm 1977 khi tác giả nhận quyết định nhập học tại trường Sĩ quan Cảnh sát nhân dân cho tới những ngày công tác cuối cùng, chờ nhận sổ hưu.
Thế hệ sinh ra vào những năm cuối thập niên 70 như tôi bây giờ, dù có đọc bao nhiêu trang sách cũng không thể hình dung một cách tỏ tường thế hệ cha mẹ chúng tôi, thế hệ của tác giả Trịnh Văn Sỹ… đã phải trải qua những ngày tháng đất nước gian khó thế nào. Bữa ăn tập thể chỉ có cơm độn bo bo, bánh “nắp hầm” rồi thì “canh toàn quốc”, đói thì triền miên nhưng tình cảm bạn bè, thầy trò gần gũi, thực lòng yêu thương bao bọc che chở cho nhau.
Lòng yêu nghề của lứa học viên năm ấy được bồi đắp dần qua lời răn dạy và cả tấm gương đạo đức của những thầy cô ở trường học năm ấy. Đó còn là tấm lòng nhân ái của những người dân ở Suối Hai, những khó khăn trong công việc, những dày vò và cả những cạm bẫy của “nghề nguy hiểm”…
40 năm, 300 trang viết và tình cảm, niềm vui, nỗi buồn, sự rung động
Nếu bảo, cuốn hồi ký “Trên những ngả đường đời” của tác giả Trịnh Văn Sỹ là chuỗi ký ức của một cá nhân thì cũng đúng, nhưng nếu nói nó là một câu chuyện “bếp núc” của một nghề thì cũng không sai. Không đi sâu vào những công việc mang tính chuyên môn, tác giả dành nhiều thời gian để kể lại những câu chuyện đầy lòng nhân ái.
Đó là vào năm 1996, khi những cán bộ của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Hà Tây (cũ) điều tra một vụ gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy khiến cơ quan công an phải “tung” các mũi điều tra khắp nơi. Chuyến đi Sơn La để xác minh thông tin khi ấy của tác giả cùng đồng đội của mình đã trở thành một chuyến công tác “nhớ đời”. Trời. Mưa. Núi lở. Vùi lấp đường đi.
Rất may, không ai bị thương, dìu nhau lội được qua nương ngô mà nước đã ngập tới thắt lưng thì Trịnh Văn Sỹ và đồng đội của mình gặp được một nhà dân. Hai vợ chồng người dân tộc Mông khi ấy không chỉ đốt lửa hong khô quần áo, nấu cơm để cán bộ dưới xuôi ăn cho đỡ đói bụng mà còn giúp cán bộ đẩy xe ra khỏi nơi núi sạt… Đó cũng là lần tác giả Trịnh Văn Sỹ tình cờ gặp hai vợ chồng người địa phương tìm đến trạm Xuân Mai, sụt sịt khóc cảm ơn cán bộ trong trạm đã cứu con mình khi đứa bé bị tai nạn giao thông…
Trong cuốn sách này, Trịnh Văn Sỹ dành nhiều “đất” để nói đến những người đồng đội của mình, có người hơn anh về tuổi nghề lẫn tuổi đời. Lại có những người mới chập chững bước những bước đầu tiên, nhưng nhìn cách họ sống với đồng nghiệp, cống hiến cho công việc ông tâm sự rằng ông học được ở họ rất nhiều.
Hỏi tác giả Trịnh Văn Sỹ cú hích nào khiến ông cầm bút viết lại một phần cuộc đời mình. Ông cười bảo, chẳng có cú hích nào cả, 40 năm là một khoảng thời gian đủ dài để ông ngẫm ngợi lại mọi chuyện đã qua, những tình cảm, niềm vui, nỗi buồn và cả sự rung động… Tất cả đều hiện lên trước mắt khiến ông muốn viết ra như là lẽ tự nhiên. 300 trang sách, hẳn là chưa đủ đối với một hành trình dài 40 năm theo, gắn bó và yêu nghề. Thượng tá Trịnh Văn Sỹ tâm sự rằng nếu còn duyên, ông vẫn sẽ tiếp tục thực hiện những trang viết về nghề Cảnh sát Giao thông.
“Dù mọi thứ có thay đổi đến đâu thì có một thứ không thể nào được phép đổi thay. Bởi nếu thay đổi điều đó thì chúng ta sẽ rơi vào vực thẳm của bóng tối - đó là lòng nhân ái và sự dâng hiến cho con người của mỗi cá nhân cho dù họ ở bất cứ công việc nào, vị trí nào trong xã hội. Chính vì lý do đó mà Trịnh Văn Sỹ đã ngồi xuống viết về đồng đội anh, những cán bộ chiến sĩ Cảnh sát Giao thông Hà Nội. Thông qua lực lượng Cảnh sát Giao thông Hà Nội, chúng ta sẽ phần nào hiểu hơn những cán bộ chiến sĩ Cảnh sát Giao thông Việt Nam”.
Quỳnh Vân
(anninhthudo.vn)