Buổi chiều gió ngút & Những bài thơ cũ

07.07.2016

Buổi chiều gió ngút & Những bài thơ cũ


Nhà văn Đoàn Thạch Biền lần đầu tiên cho ra mắt bạn đọc tập thơ “Buổi chiều gió ngút & Những bài thơ cũ” khiến bạn bè văn giới và nhiều bạn đọc ngạc nhiên và cả... tò mò thú vị. Ngạc nhiên bởi lẽ Đoàn Thạch Biền nổi danh là nhà văn “áo trắng” chuyên viết truyện cho lứa tuổi “ô mai, mới lớn”... Anh đã có hơn 11 tập truyện ngắn, truyện vừa và truyện dài cho lứa tuổi này, vậy cơn cớ gì anh lại nhảy sang lĩnh vực thơ ca?

Lý giải về điều này, nhà thơ Lê Minh Quốc viết trên web của mình: “Nhà văn Đoàn Thạch Biền làm nhiều thể loại thơ. Đủ sức in một tập ra tấm ra miếng. Nhưng đến nay vẫn chưa. Là người em thua anh đúng một con giáp, là người bạn cùng khề khà đối ẩm chừng ba mươi năm nên tôi được đọc khá nhiều thơ anh. Hay nhất vẫn là thơ năm chữ. Loại ngũ ngôn, thoạt đầu tưởng dễ, nhưng tìm chỉ năm chữ đắc địa đứng chung một câu là điều không dễ. Mỗi bài thơ năm chữ của anh đều gọn gàng một tứ thơ. Chỉnh chu. Và Đẹp. Đẹp bởi chi tiết thô ráp của đời sống. Thêm một giọt nữa là thừa. Thiếu một giọt nữa là thiếu. Rót rượu như thế, nhà văn Nguyễn Tuân dùng cụm từ bay bướm “bồng mắt thỏ”, phải là những tay danh tửu hảo hán...” 

Tập thơ xinh xắn với tranh bìa của nhà thơ Đỗ Trung Quân qua sự trình bày của Lan Nhi và những phụ bản của hai nhà văn quen biết là Mường Mán và Đinh Tiến Luyện. Tập gồm một bài viết “Thay lời tựa” song có vẻ như một tự truyện, cho biết anh đã đam mê văn chương từ thuở còn học trung học ở Đà Nẵng. Cùng với 47 bài thơ sáng tác lâu nhất là năm 1967 và mới nhất là năm 2000.

Đọc bài thơ ở bìa gấp 2, xem như lời đề từ, Đoàn Thạch Biền viết: “Những bài thơ rượu lạt/ Chưa đủ say lòng mình/ Nấu khoai mì thay gạo/ Mời bạn uống lấy tình” để thấy anh tự thấy mình làm thơ “chưa hay”, chủ yếu vì cái tình muốn chia sẻ với bạn đọc.

Những bài thơ cũ, với nhiều thể loại, dài ngắn khác nhau, tự do, bảy chữ, lục bát, ngũ ngôn, bốn chữ...tùy hứng và có lẽ cũng tùy tâm trạng, nó nằm rải rác đâu đó trong sổ tay,   trên những tờbáo đã cũ, nay tập hợp lại, thổi bay lớp bụi thời gian để rồi có cớ nhìn ngắm lại, cùng vui, cùng buồn của thuở thanh niên vụng dại: “Rồi sẽ đến đây cơn gió tình cờ/ Rung đổ thân héo mục/ Tôi thổi to ngọn lửa trái tim còm/ Thốt cười/ Sao tôi chẳng dám nói yêu/ Những người tôi yêu dấu!” (Kẻ hèn nhát, trang 23). Đấy cũng là cái thời buồn của miền Nam trong những năm đầu thập niên 70, con người đôi khi không còn tin chính mình, kể cả sự hạnh phúc: “Mãi mãi anh còn ngây thơ/ Dù tuổi đời chồng chất/ Khi nhìn chiếc lá rơi/ Chỉ tin vào sự chết” và Mãi mãi anh còn ngây thơ/ Dù tuổi đời chồng chất/ Khi nghe tiếng ai cười/ Chỉ tin vào hạnh phúc...” (Cô bé âu sầu, trang 27). Giai đoạn thơ lúc này buồn, ít mượt mà, mang nhiều sự trở trăn của thế sự: “ Sao chẳng thể nói yêu em một lời/ Dù tim ta biển điên cuồng thúc giục/ Sao chẳng thể nói yêu nhau một đời/ Hay tình ta trái táo xanh đã rục!” (Tình khúc, trang 31).

Những bài thơ cũ cho người tình cũ “Trí nhớ chúng ta ngày một hao mòn/ Khuôn mặt nhau rồi chẳng còn nhớ được” (Giai điệu bass cho Th, trang 32).Thơ cũ còn dành cho bạn bè xưa cũ và cả những không gian cũ, ghi dấu...buồn: “Đến thăm bạn buổi chiều/ Nhà khác xưa nhiều lắm/ Sân trước tráng xi măng/ Giờ trồng đầy khoai sắn/...Lạng quạng ta ra vườn/ Đạp nát luống cải cúc/ Lòng bỗng thấy bàng hoàng/ Như đạp nhầm hạnh phúc”(Thăm Giao ở Sơn Trà, trang 35). Hay như: “ Đã bao lần ngồi quán/ Đâu phải riêng chiều nay/ Vậy mà bạn cụng nhẹ/ Một ly ta đã say/...”Còn rượu không chủ quán?/ Dạ thưa còn hũ đầy/ Nhẩm tính tiền túi hết/ bạn giả đò nói say.” (Ngồi quán với Định), Phải chăng đó là cái say của tình thân mà chưa thể...”thiên bôi thiểu” bởi cái chuyện vặt “tiền túi hết”, mới thấy đồng cảm mà rưng rưng bởi “Không có áo cừu bán/ Đãi bạn uống cho bưa”.

Xuất thân là một “giáo sư” dạy học (ở miền Nam trước 1975 dạy học từ bậc THCS trở lên gọi là giáo sư), lại là một nhà văn đang được các bạn trẻ ưa thích, đùng một cái Đoàn Thạch Biền trở thành... anh nhà nông ngơ ngác trên nông trường Bảo Lộc, rồi là anh công nhânbốc xếp ở Xí nghiệp Dệt 3 thành phố Hồ Chí Minh, thơ anh dường như cũng chỉ để trút bỏ nỗi lòng: “ Áo tơi vợ ta khoác/ Bạn đội nón hiền thê/ Xứ lạnh ngày mưa núi/ Cùng nhau đi hái trà/ Hương trà bay đâu mất/ Chỉ còn mùi xót xa...”(Ở bảo Lộc với Cảnh, trang 44).Và đây nữa: “Nay sáng đến nhà máy/ Trí óc cất ở nhà/ Làm công nhân bốc xếp/ Sức chân tay đem ra/... Đêm về nằm ngủ khỏe/ Mộng lớn, mộng con quên/ Quẳng bút đi khuân vác/ Tuổi thọ chắc tăng thêm.” (Làm công nhân bốc xếp, trang 45).

Cái mộng văn chương, muốn được các em tuổi teen gọi “ông”, và xưng “em” ngọt sớt, với lối viết trong trẻo, có khi tưng tửng, hóm hỉnh có lúc cũng đã hòa vào trong những câu thơ ngang ngang của mộtngười đã lắm phen lao đao lận đận, làm nên những vần thơ dễ thuộc, dễ nhớ và thú vị của Đoàn Thạch Biền, như: “Em vô tư, tôi vô tư / Ta vô tư quá làm hư cuộc tình” (trang 52), “Mưa lem nhem ướt lem nhem/ Tình lem nhem để hom hem một người” (trang 55), hoặc là: “Cám ơn em yêu lòng vòng/ Giúp tôi quanh quẩn đời rong rêu thừa” (trang 59).

Cũng bất chợt gặp đâu đó, những đau đáu nỗi lòng với nơi đã sống, đã yêu và đã đi, để rồi nhớ khắc khoải, khôn nguôi, đó là Đà Nẵng: “ Tôi về không kịp nữa/ Tuổi trẻ bỏ đi rồi/ Phiến đá hiên nhà cũ/ Cũng lạ lẫm chân tôi” (Tháng bảy về Đà Nẵng, trang 62), trên sông Thu Bồn: “ Đêm bạn bè đất Quảng hát hò vang/ Thật hạnh phúc những người có giòng sông để nhớ/ Tôi tâm hồn ngõ phố ngẫm mà thương” (trang 50), xa hơn tí nữa là Phan Rí: “ Năm năm ở Phan Rí/ Ta là kẻ không nhà/ Cám ơn các chú dông/ Giúp ta quên đường xa (trang 33), rồi nhẩn nha lên với Đà Lạt: “ Đà Lạt lúc nào đó/ Gần như sương quanh nhà/ Đà Lạt lúc nào đó/ Xa như ai và ta” (trang 61), bước chân anh lại có lúc xuống tận miền Tây sông nước: “Nép mình vào góc bắc/ Tránh cơn mưa vỡ òa/ Mưa trắng b.Sông rộng/ Như lòng người chia xa” (Mưa trên Bắc Cần Thơ, trang 57).

Người đọc thích thú khi trong tập anh dành ra hai bài thơ, một cho vợ: “Cứ ly bà ly tôi/ Rượu nếp một chai cạn/ Vợ tỉnh bơ nhìn trời/ Còn ta đâm lạng quạng...” (trang 40), và một tặng cho người thầy dạy triết kính mến ngày xưa: “Tình cờ gặp lại thầy/ Ở cửa hàng chất đốt/ Mừng thầy vẫn vui tươi/ Dù đổi đời đột ngột...”, để rồi mơ ước: “Hẹn năm sau trở về/ Mở cửa hàng chất đốt/ Lớn gấp mười tiệm thầy/ Để khỏi mang tiết dốt”. Bởi vìanh quan niệm: “Học trò biết ơn thầy/ Là phải vượt thầy cũ” (trang 38)Bao năm rồi nhỉ, liệu mơ ước ấy có thành?

Nhà văn làm thơ, nhà thơ viết văn xưa nay đâu phải là chuyện lạ? Bình thường thôi mà, chẳng có gì ầm ĩ, song cái tình thì cao quí, đáng trân trọng. Tôi cũng... hên, xui được ngồi nhậu vài lần với nhà văn Đoàn Thạch Biền, cảm cái hào sảng, duyên ngầm của anh mà cảm nhận tập thơ này, được xem nhà văn “rót rượu vào trong thơ” để: “Nhìn trời cao, mây trắng đã bay về”, thấu hiểu “Tình như ma hiện đùa thôi/ Em đừng hốt hoảng nghi tôi cô hồn”, để quí cái tình gửi gió anh tặng riêng cho bằng hữu, mãi mãi còn “Nồng như rượu nếp than”, trong một ngày gió ngút, lạnh căm...

 

Gò Dầu hạ, cuối tháng 6.2016

Trần Hoàng Vy 
(nhavantphcm.com.vn)