Từ văn học đến điện ảnh: Chuyển thể những mộng mơ
Chuyển thể Văn học - Điện ảnh (*) là một trong số không nhiều những công trình chuyên sâu, có tính hàn lâm, nghiên cứu về mối liên hệ giữa Văn học và Điện ảnh ở Việt Nam những năm gần đây. Áp dụng lý thuyết Liên văn bản, tác giả chuyên luận đã có những khám phá ở chiều sâu của nghệ thuật, kỹ thuật trong quá trình chuyển vị từ loại hình nghệ thuật này (Văn học) sang một loại hình nghệ thuật khác (Điện ảnh).
Lý thuyết liên văn bản xuất hiện trên thế giới quãng những năm cuối thập kỷ 60 của thế kỷ XX. Có thể xem xét nguồn gốc trực tiếp của lý thuyết này từ M. Bakhtin với quan điểm về tính đối thoại, đa thanh, phức điệu trong tiểu thuyết, sau đó chính J. Kristeva đề xuất khái niệm Liên văn bản mở ra những nghiên cứu tiếp theo với các tên tuổi khác J. Derrida, P. Ricoeur, R. Barthes… Cho đến giờ, lý thuyết liên văn bản không còn xa lạ với những người nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn ở Việt Nam. Trong cách hình dung đơn giản nhất, các nhà nghiên cứu liên văn bản đều tán đồng rằng, văn bản là những liên văn bản. Bất kỳ văn bản nào được viết ra cũng là những liên văn bản bởi sự liên hệ đến những văn bản đã có. Sự đan dệt của quá khứ lên những tạo tác đến sau luôn là một điều không thể tránh khỏi. Liên văn bản nói lên mối liên hệ nội tại của các văn bản (hiểu rộng hơn là văn hoá) trước sự dịch chuyển ngẫu nhiên hay hữu ý của lịch sử. Vận dụng lý thuyết này, tác giả chuyên luận đã hình dung được tính khả dụng của nó trong việc kiến giải hiện tượng chuyển thể từ Văn học sang Điện ảnh - như một mô hình sáng tạo, tái tạo phổ biến của nghệ thuật.
Nghiên cứu chuyển thể Văn học - Điện ảnh ở Việt Nam, theo quan sát của tác giả luận án, chưa có được sự quan tâm thoả đáng, xứng tầm. Câu chuyện từ một loại hình nghệ thuật này đến một loại hình nghệ thuật khác vẫn được xem xét khá giản đơn, đôi khi máy móc, thậm chí xem nhẹ sự chuyển vị này. Chính vì thế, đặt mối quan tâm liên tục vào mối liên hệ của Văn học và Điện ảnh, Lê Thị Dương đã đem đến cái nhìn sâu hơn vào hiện tượng này. Chuyên luận bố cục 4 phần kèm theo 3 phụ lục, thể hiện khá mạch lạc tư duy của tác giả.
Phần 1. Nghiên cứu về chuyển thể - những góc nhìn đa dạng. Phần này thể hiện cái nhìn bao quát của tác giả về lịch sử nghiên cứu vấn đề chuyển thể Văn học - Điện ảnh trên thế giới. Quan niệm chuyển thể là một hình thức dựng phim hầu như đã tìm được sự thống nhất. Điều này mở ra những vấn đề rộng lớn hơn bản thân Văn học và Điện ảnh. Đó là vấn đề mối liên hệ giữa các loại hình nghệ thuật. Chuyên luận đã trình bày một cách khái quát những nghiên cứu ở Nga, Trung Quốc, khu vực Âu - Mỹ, Việt Nam về vấn đề chuyển thể. Từ đó đi đến kết luận, chuyển thể là hiện tượng tất yếu và phổ biến trong mọi nền điện ảnh. Xoáy sâu vào hướng nghiên cứu liên văn bản, phần này của chuyên luận cũng chỉ ra những thành tựu nghiên cứu liên văn bản Văn học - Điện ảnh ở Việt Nam. Trong bối cảnh những quan tâm còn rời rạc, vấn đề này được lần nữa đặt ra cùng tham vọng kiến giải một cách thoả đáng của tác giả.
Phần 2. Tiếp cận vấn đề chuyển thể từ lý thuyết liên văn bản. Phần này, các vấn đề quan trọng được đề cập như: Khởi nguồn và phát triển (của Liên văn bản); Liên văn bản - cách đọc mới; Quan niệm về chuyển thể; Cơ sở của chuyển thể; Chuyển thể như một phương thức liên văn bản; Chuyển thể và người đọc. Những trình bày về đường đi của lý thuyết liên văn bản đã đem đến cái nhìn bao quát quá trình từ cấu trúc đến giải cấu trúc những hệ thống tự trị khởi phát từ F. Saussure đến M. Bakhtin, J. Kristeva, R. Barthes. Dường như, trên mọi cấp độ của những hiện hữu văn bản (diễn ngôn), người ta đều có thể nhận ra những “kiếp trước” của nó. Đó là cơ sở cho những phân tách, luận giải về tính không biệt lập của các hiện tượng trong đời sống, mà, Văn học - Điện ảnh chỉ là một sự hiện ra của mối liên hệ ấy. Tuy nhiên, vấn đề luôn đặt ra thử thách cho những kiến tạo đến sau là cái mới phải được xác lập trên cơ sở của những điều tưởng như đã cũ.
Phần 3. Chuyển thể “trung thành”: cuộc tái sinh từ văn học. Phần này tập trung vào một hình thức chuyển thể căn bản: chuyển thể trung thành. Có thể hiểu hình thức chuyển thể này bám sát nguyên tác, ít thay đổi về cấu trúc, cốt truyện, nhân vật, tình tiết,… Đi sâu vào hình thức chuyển thể này, chuyên luận tiến hành khảo sát trên các phương diện: Không gian, Cốt truyện/ tình tiết, Nhân vật. Những dẫn liệu từ tác phẩm Văn học, Tác phẩm Điện ảnh như: Bến không chồng, Tướng về hưu, Cánh đồng bất tận đã đem đến hình dung khá sáng rõ về sự chuyển vị những không gian, cốt truyện/tình tiết và nhân vật Văn học vào trong Điện ảnh. Tỉ lệ văn bản nguồn được sử dụng trong văn bản phái sinh là cơ sở đánh giá sự trung thành. Tuy nhiên, như một tư tưởng duy trì xuyên suốt, “không thể có sự tương đương hoàn toàn” là điều có thể nhận ra ở hầu hết những chuyển thể (dù được gọi là trung thành).
Chương 4. Chuyển thể tự do: cuộc kiến tạo từ văn học. Hình thức chuyển thể này dường như đang trở nên phổ biến hơn trong các hoạt động Điện ảnh. Không phụ thuộc vào các hình thức cũ, trao cho nhà làm phim những quyền năng lớn hơn, chuyển thể tự do mang lại cơ hội cho trí tưởng tượng, những khả năng sáng tạo trên những gợi dẫn từ một hoặc nhiều tác phẩm nguồn. Như “những người đẹp không chung thuỷ”, chuyển thể tự do “bất chấp các phán xử về tính trung thành/ chung thuỷ để chiếm lĩnh các sân khấu lớn của thời đại” (tr. 183). Các hình thức liên văn bản thể hiện tính tự do trong chuyển thể được khảo sát đó là: trích dẫn, cắt dán/ từ nhiều văn bản/ từ văn bản văn học và phi văn học (báo chí, lịch sử,…)/ phóng tác. Chuyển thể tự do, như thế, hứa hẹn những phiêu lưu của con người trong một thế giới khác. Và điều đó, dường như là phẩm tính của thời hậu hiện đại, nơi mà chủ thể người đọc/xem, cái khác, sự sáng tạo được tôn trọng.
Ngoài 4 chương cô đọng, súc tích, chuyên luận Chuyển thể Văn học - Điện ảnh (nghiên cứu liên văn bản) còn có 3 phụ lục: Một số phim điện ảnh Việt Nam chuyển thể (từ 1986 đến nay); Mối quan hệ liên văn bản giữa trần thuật học văn học và trần thuật học điện ảnh - lấy điểm nhìn và phức điệu làm ví dụ; Vận dụng lý thuyết liên văn bản trong phê bình điện ảnh. Phụ lục 1 đem đến cái nhìn cụ thể hơn về tình hình chuyển thể Văn học - Điện ảnh Việt Nam từ đổi mới đến nay. Hai phụ lục sau là những công trình nghiên cứu chuyển thể Văn học - Điện ảnh ở Trung Quốc được dịch sang Tiếng Việt, vừa là những minh chứng về sự hiện diện của liên văn bản trong nghiên cứu chuyển thể Văn học - Điện ảnh, vừa là những tham chiếu cho lập luận của tác giả.
"Lặng yên dưới vực sâu"- tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đỗ Bích Thúy đang thu hút đông đảo khán giả màn ảnh nhỏ
Thế giới là những ký hiệu. Chuyển thể, về bản chất là sự dịch chuyển từ hệ thống ký hiệu này sang hệ thống ký hiệu khác. Những nghiên cứu chuyển thể Văn học - Điện ảnh đặt hai hệ thống ký hiệu ấy trong mối lên hệ “trung thành” hoặc “tự do” để trình hiện những bản chất vốn có của một thế giới không tách rời, biệt lập hay đông cứng. Như thế, cái gợi lên từ một chuyên luận, ngoài những gì có thể thu nhận về tri thức, thái độ đối với đời sống xem ra lại là điều hữu ích căn bản đối với tất cả chúng ta.
Nguyễn Thanh Tâm
(vanhocquenha.vn)
----------
(*) Bài viết nhân dịp Giải Cánh diều 2017
(**) Chuyển thể Văn học - Điện ảnh (nghiên cứu liên văn bản) là chuyên luận của TS. Lê Thị Dương do Nxb KHXH ấn hành năm 2016. Sách dày 312 trang.