Không phải bằng máy ảnh và những cuộn film, những khoảnh khắc được Takuji Ichikawa tôn vinh bằng câu chữ, bằng lối kể chuyện thủ thỉ tạo nên danh tiếng của tác giả này trên văn đàn. Thế giới này kết thúc dịu dàng đến thế là một bức ảnh tuyệt đẹp, dệt bởi câu chữ.
“Linh hồn bị máy ảnh hút vào, tất cả đều ở đó. Cậu nhớ chăm sóc cho phần hồn của tớ nhé”, ở đâu đó trong quá khứ, Yukino (Shirakawa Yukino) đã truyền tải cho Yuu (Yoshiwara Yuu - nam chính) giá trị của những bức ảnh.
Để rồi sau này những bức ảnh chính là công cụ lưu giữ tình cảm của đôi bạn trẻ. “Tôi dùng chiếc máy ảnh cũ rích của ông nội, chụp vài chục tấm ảnh nàng, tấm hơi mờ nét, tấm sáng quá, tấm tối quá. Theo một cách nào đó, chúng tôi đang miệt mài lưu trữ linh hồn của nhau. Những cảm xúc trong thời điểm đó, bầu không khí và ánh sáng, thời gian ở bên nhau, in tất tật lên một tờ giấy nhỏ và biến chúng thành vĩnh cửu”.
Phải chăng vì thế mà ai đó đang chiếu thứ ánh sáng màu xanh kia lên Trái Đất, để nó từ từ lan ra như cách một người chậm rãi họa bức tranh lên trang giấy hay như cách ánh sáng đi xuyên qua ống kính máy ảnh khắc ghi khoảng khắc của thế giới lên một khổ ảnh.Và ở đâu đó trong quá khứ, Yukino cũng đã nói về giá trị của việc chụp ảnh cũng như hội họa: Ta kéo màn chập máy ảnh hay đưa bút trên khổ giấy vẽ cốt để lưu giữ lại những khoảnh khắc mà ta trân trọng. Nhưng khoảnh khắc đẹp nhất.
Nếu liên hệ với hai hình thức nghệ thuật kể trên, việc tàn nhẫn như đóng băng cả thế giới bỗng trở nên thật nên thơ. Ai đó vì muốn lưu giữ một khoảng khắc đẹp nhất của Thế giới mới làm vậy.
Chính bởi ánh sáng xanh ấy mọi xô bồ của cõi người bỗng nhiên trở nên vô nghĩa. Nếu ai cũng biết ngày mai mình sẽ chẳng còn sống nữa mà đứng yên như một pho tượng thì việc gì phải lo toan cho cuộc sống nữa. Thế nên mới có chuyện anh chàng Mizuki bỏ hết chuyện bôn ba kiếm tiền để tìm về quê nhà gặp lại người con gái mà anh vì trẻ tuổi và bồng bốt mà đánh mất. Thế nên mới có chuyện gia đình tụ họp và người chồng ngưng say xỉn để lại yêu thương vợ như những ngày xưa cũ. Thế nên mới có chuyện người con đi tìm mẹ rồi an yên ngồi vào trong lòng người mẹ đã hóa băng từ lâu. Thế nên mới có chuyện chàng trai hiền lành Yuu vượt bao khó khăn để gặp lại cô gái duy nhất mà anh yêu.
Nhưng bức vẽ không chỉ có từng ấy màu sắc, Takuji Ichikawa vẫn tô điểm cho ta vài mảng màu ấm: Những buổi chiều hoàng hôn.Chắc hẳn còn nhiều câu chuyện nữa mà Takuji Ichikawa rất muốn kể nhưng chừng ấy là quá đủ. Chừng ấy đủ để độc giả thấy được một bức tranh ấm áp tình người, tình cảm gia đình, lứa đôi trong cái tông màu xanh pastel lạnh lẽo.
Ở đầu truyện những buổi chiều hoàng hôn là khung cảnh sum họp của bộ ba Yuu – Yukino – Hiroyuki. Tình bạn của ba đứa trẻ dị biệt nảy nở giữa khung cảnh mang gam màu ấm đó. Ở kết truyện, Yuu và Yukino cùng nhau vượt biển trong ánh hoàng hôn. Hạnh phúc lứa đôi được tô bằng một gam màu ấm trên nền xanh chủ đạo.
“Một kẽ nứt xuất hiện trong đám mây phủ kín bầu trở. Từ khe hở đó, ánh sáng chối lòa rọi xuống trần gian.
Nàng đã từng nói cho tôi biết. Ấy gọi là tia hoàng hôn. Chiếc thang của thiên sứ.
Đẹp quá, một hoàng hôn lộng lẫy phát khóc đang lan rộng khắp bầu trời.”
Chỉ bằng một nét chấm phá, Takuji Ichikawa muốn người đọc hiểu cho, hi vọng luôn tồn tại cho dù nghịch cảnh có khó khăn tới đâu.
Chưa bao giờ sự kết thúc hay cuộc gặp mặt cuối cùng lại được Takuji Ichikawa miêu tả dịu dàng, nâng niu đến thế. Thế giới kết thúc nhẹ nhàng đến thế lại họa cho ta một Takuji Ichikawa mới mẻ nhưng vẫn mang đầy đủ nét đặc trưng vốn có.
Một lần nữa, Takuji Ichikawa viết về cái chết. Takuji Ichikawa vẫn luôn viết về cái chết như một sự chia lìa, một ranh giới. Cho dù không bi lụy, cái ranh giới ấy chẳng thể bị xóa nhòa. Nhưng ở Thế giới kết thúc dịu dàng đến thế cái chết có phần dị biệt và mơ hồ. Tất cả những người bị đóng băng, họ chỉ là ngưng mọi hoạt động, ngưng mọi nhận thức. Không ai xác nhận họ chết cả nhưng họ cũng không ở trạng thái sống nữa. “Cái chết” lúc này là sự vĩnh cửu, là cái mỹ học của khoảnh khắc. Giống như một bức ảnh, tất cả những gì tốt đẹp giờ đây được ngưng đọng và lưu trữ lại.
Nói về nhân vật, ở Thế giới kết thúc nhẹ nhàng đến thế, độc giả vẫn có thể dễ dàng bắt gặp những nhân vật quen thuộc trong sách của Takuji Ichikawa. Ta có thể bắt gặp hình bóng của Yuji (Gặp người nơi ấy xin cho tôi gửi lời chào) ở Hiroyuki, ta có thể bắt gặp bất kỳ nữ chính của những câu chuyện khác nơi Yukino. Và ta có thể bắt gặp Satoshi, Makoto hay Takumi nơi Yuu - những “hoàng tử lập dị”.
Từng ấy nhân vậy cứ như luân phiên đi lại giữa những tác phẩm của Takuji Ichikawa. Tất nhiên, chính vị tác giả này cũng đã trả lời phỏng vấn rằng ông chỉ có một câu chuyện. Có lẽ cái ông làm không phải là kể một câu chuyện mới mà là đưa đến cho độc giả cái nhìn khác về một-câu-chuyện-kia.
Không vì thế mà những trang sách của ông trở nên nhàm chán hay rập khuôn. Nhân vật của ông càng nhìn gần hơn ta lại càng thấy nhiều điểm sai khác, chính nhờ lăng kính mà tác giả đang nhìn qua để khắc họa chỉ-một-hình-mẫu-gốc.
Riêng về Yuu, anh giống những nhân vật khác của Takuji Ichikawa trầm tĩnh, hiền hậu và giàu tình thương. Thậm chí, cả sự dị biệt đẩy xa chàng khỏi thế giới mà tác giả vẽ ra cũng tương tự như nhiều nhân vật khác. Nhưng lăng kính lần này tác giả sử dụng để quan sát không phóng đại những phẩm chất ấy. Bằng hành trình tìm tới nơi ở của Yukino cái được tô đậm ở Yuu là sự kiên cường và bền bỉ, nêu bật lên trái tim nhân ái.
Kết lại, vẫn với lối kể chuyện phi tuyến tính đậm chất hoài niệm, những ly biệt và hội ngộ với những cảm xúc mãnh liệt, dữ dội và giằng xé đặc trưng Takuji Ichikawa lại một lần nữa chinh phục trái tim độc giả yêu thích nhà văn này. Thế giới kết thúc dịu dàng đến thế là cuộc hội ngộ của độc giả với “cậu bé” Takuji Ichikawa viết về tình yêu và cái chết, nhưng không bằng màu sắc bi lụy.
Chí Kiên
(news.zing.vn)