Ý nghĩa lịch sử và thời sự của Lệnh cấm trừ tệ

30.05.2024
Đặng Dũng Tiến - Đặng Ngọc Như

Ý nghĩa lịch sử và thời sự của Lệnh cấm trừ tệ

 Bia đá khắc nguyên văn chữ Hán Thân Cấm khu tệ (Lệnh cấm trừ tệ).

Suốt thời kỳ nhà Nguyễn, có lẽ không có viên quan triều đình nào lại bỏ công viết hẳn một tác phẩm bàn về nạn hối lộ và đức thanh liêm của người làm quan như Đặng Huy Trứ. Cũng chính Đặng Huy Trứ là người dâng sớ lên vua Tự Đức can ngăn việc thất dụng, bất dụng người tài mà điển hình trực tiếp là Hoàng Diệu.

Trong cuốn sách có cái tên và nội dung rất lạ là Từ thụ yếu quy, Đặng Huy Trứ nêu rõ trước người làm quan 5 trường hợp có thể nhận quà biếu104 trường hợp không được nhận vì đó là nhận hối lộ, là tham nhũng. Đặng Huy Trứ đã căn dặn những người làm quan rằng:

"Mình thiệt, lợi dân, dân gắn bó

Đẽo dân, mình béo, dân căm hờn

Hờn căm, gắn bó tùy ta cả

Duy chữ Thanh, Thanh đối thế nhân"

 

Chữ Thanh chính là thanh liêm. Đó là lời hứa trọn một đời sống trong sạch, cống hiến cho dân, cho nước.

Đặng Huy Trứ đã khẳng định Hoàng Diệu có những phẩm chất người làm quan, không hề vi phạm những 104 điều đã nêu, như chính tờ sớ ghi nhận, xin trình bày lại cho dễ nhận rõ:

- Thứ nhất, có trình độ, kiến thức, đỗ phó bảng năm 25 tuổi

- Thứ hai, cương trực, dám nói, dám làm

- Thứ ba, mẫn cán, khả năng hoàn thành nhiệm vụ cao

- Thứ tư, kinh qua công tác thực tế

- Thứ năm, thân dân, hết lòng vì dân

Đem thân thờ vua không bằng tìm người thờ vua. Đạo trị nước không lo không có phép trị mà chỉ lo không có người. Thần sợ rằng con đường dùng người chưa đủ rộng…huống chi lúc này nước nhà đang gặp nhiều việc, lại không sử dụng những người mà triều đình mất nhiều năm đào tạo dạy bảo mới được, như thế thật là uổng phí”

(Sớ dâng vua Tự Đức 1/8/1864).

Vua Tự Đức đã chuẩn y.

Nếu xét tiểu sử, Hoàng Diệu đỗ phó bảng năm 1854, nhận chức quan nhưng nghỉ chịu tang cha 3 năm. Trong 25 năm thực thụ tại chức dù 3 lần bị giáng rồi phục chức, ông từ một tri huyện lên đến thượng thư Bộ Lễ, thượng thư Bộ Binh, tham tri Bộ Lại, cả 3 bộ quan trọng thời bấy giờ, hoạn lộ thực ra khá hanh thông, đắc ý.

Học vấn của ông thấm nhuần Nho giáo, hình thành trong đời vua Minh Mạng, là thời kỳ cực thịnh Nho giáo nhà Nguyễn. Ở ông có phẩm chất đại quan triều đình, không nghiêng hẳn sang văn như Phan Thanh Giản, không nghiêng hẳn sang võ như Nguyễn Tri Phương, nối bước Nguyễn Tri Phương giữ thành Hà Nội trong hoàn cảnh ngặt nghèo, trở thành một đại thần trong bàn cờ chính trị triều Tự Đức. Đó là người chắc chắn phải có được sự khôn khéo, quyết liệt trong đối ngoại, lại phải quyết đoán, thực tế, gần dân trong đối nội. 

Đánh giá ông ở đây xin dừng lại những việc ông làm, phần hành động khi nhậm chức Tổng đốc Hà - Ninh (Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình). Hoàn cảnh đất nước bấy giờ quả là giặc trong giặc ngoài. Mà tệ nạn đầu nậu, bảo kê, nhũng lạm của viên chức cấp dưới, tại chỗ trở thành phỉ, đạo tặc, hà hiếp người nghèo trở thành nạn tai khắp chốn Hà thành. Ông đã đưa ra lệnh cấm trừ tệ với nhiều nội dung có ý nghĩa thiết thực có lợi cho dân, mang ý nghĩa lịch sử và thời sự rõ rệt ở chỗ:

1. Nó nêu ra vấn đề nội trị, đó là tình trạng pháp luật lỏng lẻo trong sự thi hành. Nạn đầu nậu bảo kê vẫn tồn tại như một thế giới ngầm trong mọi ngành, mọi nghề như một khổ nạn mà người muốn hoạt động sản xuất kinh doanh phải chấp nhận như một sự thể hiển nhiên phải chịu đựng nếu muốn công việc của giới mình, ngành nghề mình muốn tồn tại. Chính quyền không phải không muốn tiêu trừ, luật pháp không phải không qui định, nhưng bản thân bộ máy nhà nước qua sự quản lý chưa hiệu quả, thêm tệ tham nhũng như căn bệnh trầm kha, khó có thuốc chữa nên nó vẫn cứ hoành hành, tác oai tác quái, nhất là ở các thành phố lớn, nơi đang có những vấn đề xã hội, chính trị lớn hơn cần phải giải quyết theo chủ trương vĩ mô của chính quyền.

2. Hà Nội sở dĩ trở thành điểm nóng vì Hà Nội là nơi đang xảy ra tranh chấp về quyền lợi kinh tế giữa giới thương buôn người Hoa và các nước Phương Tây. Triều đình phải áp dụng chính sách mở cửa kinh tế cho Hà Nội và Hải Phòng. Lập tức giới thương buôn Hoa kiều lấn lướt. Người Pháp ra tay can thiệp bằng quân sự để tạo thế cân bằng. Hai lần Pháp đánh Hà Nội 1873 và 1882 đều minh chứng cho điều ấy. Sự yếu thế về quân sự càng làm cho chính quyền Tự Đức lúng túng và cả 2 lần lại đều cậy Pháp ở Nam Kỳ can thiệp. Một chủ trương như thế chắc chắn gặp sự chống đối của dân chúng, của giới văn thân. Mâu thuẫn cả đối kháng lẫn nội bộ xảy ra. Loạn lạc dù vì bất kỳ lý do gì thì người dân là bộ phận chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tình trạng đục nước béo cò, cường hào lý dịch càng lộng hành, câu kết với thành phần bất hảo, khiến đời sống dân chúng một cổ nhiều tròng. Hoàng Diệu nhận chức Tổng Đốc Hà - Ninh trong một tình trạng xã hội nội ngoại đều bị xâm lấn như thế, thì khi bắt tay hành đông, ông với kinh nghiệm trường trải về cả hành chính lẫn chính trị, quân sự, ông tất biết phải làm gì.

Trước hết phải trừng trị tận gốc nạn đầu nậu, bảo kê khiến dân chúng chịu đựng hết nổi, đến mức tức nước vỡ bờ.  

3. Lệnh cấm trừ tệ thể hiện nhãn quan về cả nội trị lẫn quân sự của một một người làm quan sâu sát với quyền lợi dân chúng, quyền lợi dân tộc, là biện pháp thời chiến nhưng còn là để bảo vệ kỷ cương xã hội lâu dài, phải khắc vào đá nơi cửa ô có kiến trúc xây dựng từ thề kỷ XVIII còn lại duy nhất cho dân thấy, cho trộm cướp chờn, và vì thế cách làm của ông xét về mặt luật pháp và giáo dục có ý nghĩa nhiều mặt.

- Về mặt văn bản pháp qui phải nhất quán, có hướng dẫn thực hiện cụ thể trách nhiệm thi hành cho từng đối tượng, không theo kiểu nghe qua rồi bỏ, đánh trống bỏ dùi.

- Quan lại, cả quan lẫn lại phải liêm chính, công minh, gương mẫu.

-Về quản lý, từ trên xuống phải theo khẩu hiệu ‘Chủ trương một (1), Biện pháp mười (10), Kiểm tra giám sát một trăm (100).

4. Điều luôn luôn đúng và có tính thực tiễn là người dân bất kỳ thời đại nào cũng chỉ được hoặc bị ảnh hưởng chính sách chung vĩ mô từ cấp trung ương một cách gián tiếp, nhưng họ luôn luôn phải trực tiếp tiếp xúc với các viên chức hành chính, nha lại hằng ngàỳ, phải chung đụng ‘chịu đựng’ bộ phận nhân viên cấp dưới, cấp cơ sở. Nhiều hiện tượng phản ánh tình trạng khi đã đi đến giới hạn tránh sao ‘tức nước vỡ bờ’, con không thể không khóc, lúc ấy dù mẹ ‘cho bú’ cũng đã trễ. Vì vậy những chủ trương của Hoàng Diệu ngay khi nhậm chức, trong tình hình nước sôi lửa bỏng, ông vẫn có những cách làm sâu sát từ những đáp ứng ngay bức xúc trong dân, bảo sao dân không tin. Vì thế, cái chết của ông đã gây chấn động lương tri, tạo nên “đại quy” của nhân tâm cả về mặt văn học lẫn tinh thần quật khởi của nhân dân Bắc bộ mà mặt trận Sơn Tây do Hoàng Kế Viêm tổ chức phản công ngay sau đó giết chết H. Rivière ở Ô Cầu Giấy như một sự đáp trả. Bao nhiêu bài văn, thơ, bài ca ngợi ca, nhớ tiếc xưng tụng của thân sĩ, dân chúng là minh chứng để khẳng định một người sống chết vì dân, một người hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, quyền lợi dân, khi ở cương vị lãnh đạo biết đề ra những chính sách nhằm giữ được sự trong sạch, vững mạnh của chính quyền, bắt đầu từ chính quyền cơ sở thì sẽ luôn được dân nhớ, dân tin theo.

Người ta đã nói nhiều về hành động tuẫn tiết của Tổng đốc Hoàng Diệu như một hành động xuất phát từ ý thức trách nhiệm cao cả bảo vệ thành Hà Nội. Nhưng với di huấn của ông qua Lệnh cấm trừ tệ còn có một ý nghĩa thời đại là dù ở thời nào thì ý nghĩa của nó vẫn còn nguyên giá trị. Hoàng Diệu đã bảo vệ Hà Nội - Thăng Long theo cách của mình và nhân dân luôn nhớ ơn ông. Ông luôn sống trong tâm tưởng nhân dân. 

Đ.N.T- Đ.N.N 

* Bài viết sử dụng tư liệu quay phim, chụp ảnh, sưu tầm tài liệu gốc của thầy Đặng Dũng Tiến tại Hà Nội.