Thạc Gián và chuyện người khai phá

30.05.2024
Trần Trung Sáng

Thạc Gián và chuyện người khai phá

Khu mộ của tiền hiền Huỳnh Văn Phước nằm chen giữa khu dân cư Thạc Gián.

Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Nguyên, Ông Ích Khiêm, Thoại Ngọc Hầu (Nguyễn Văn Thoại), Nguyễn Tri Phương, Lê Đình Lý, Thái Phiên, Hà Thị Thân (Bà Thân)… là những hình ảnh, tên tuổi quen thuộc chúng ta thường ghi khắc hàng ngày, mỗi khi nói về hành trình mở cõi của miền quê hương xứ Quảng nói chung và Đà Nẵng nói riêng từ suốt hơn 550 năm qua. Tuy nhiên, bên cạnh, và trước xa hơn nữa…, còn có những vị tiền hiền lặng lẽ đóng góp không nhỏ trong quá trình khai phá, lập làng, lập ấp ven sông Hàn để làm nên một thành phố Đà Nẵng tươi đẹp như hiện nay.

Trong những năm đầu tiên thành phố Đà Nẵng bắt đầu triển khai công tác quy hoạch đô thị để tạo nên gương mặt hiện đại như ngày nay (theo quyết định số 465/2002/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung cho TP.
Đà Nẵng (mới) với việc xác định Đà Nẵng là đô thị loại I quốc gia, trung tâm kinh tế trọng điểm miền Trung), thì tại nhiều khu vực dân cư đang được giải tỏa bỗng bất ngờ lộ diện ra những di chỉ, vết tích đậm dấu ấn của tiền nhân, thậm chí cách xa từ nhiều thế kỷ trước…, khiến chúng ta không khỏi xúc động, bùi ngùi.

Một vài lần cùng nhà văn Nguyễn Văn Xuân (1921-2007) ngang qua những khu vực như vậy, ông thường bảo tôi dừng lại ở vài ngôi mộ cổ đá vôi, nằm rải rác trong những khu mộ gần như bị lãng quên, ghi chép dịch nghĩa các chữ Hán còn đọc được trên bia và bảo tôi chụp ảnh lưu giữ, phòng làm tài liệu về sau… Đặc biệt, thời điểm ấy trước thông tin Di tích nghĩa trủng Phước Ninh tại Trung tâm thể thao Nguyễn Tri Phương sẽ được phá bỏ để triển khai dự án xây dựng tuyến đường Nguyễn Văn Linh nối dài và cầu Rồng qua sông Hàn, thầy Xuân cũng hết sức băn khoăn lo lắng, mặc dù những người cán bộ có trách nhiệm sở tại cho biết: “Nhà bia của khu nghĩa trủng sẽ được giữ nguyên, hai ngôi mộ cổ của tướng nghĩa binh sẽ được di dời về địa điểm mới. Nơi ấy sẽ thành công viên tưởng nhớ các tiền nhân trong cuộc chống ngoại xâm của quân dân cả nước hồi giữa thế kỷ 19”. Tuy nhiên, những nỗi lo âu của nhà văn Nguyễn Văn Xuân cũng qua đi trong thời hạn ngắn ngủi, bởi không bao lâu sau đó, ông đã qua đời mà không kịp nhìn thấy những đổi thay nhanh chóng của Đà Nẵng, trong đó, bao gồm không ít thành tựu, lẫn những khiếm khuyết cần phải khắc phục tận mai sau….

Đà Nẵng, bên cạnh những câu chuyện bảo vệ, mở mang bờ cõi làm nên từ bao danh tướng lẫy lừng cả nước đều biết tên, còn là một địa phương vốn hình thành từ nhiều dòng họ có lịch sử khá lâu đời, từ thời mở cõi. Điển hình nhất, là tộc Phan làng Đà Sơn, thuộc phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu được xem là dòng họ lâu đời nhất ở xứ Quảng. Đà Sơn là một trong những làng được thành lập sớm ở Hóa Châu. Ông Phan Công Thiên, sinh năm 1318 (đời vua Trần Minh Tông) là phò mã vua Trần (lấy công chúa Trần Ngọc Lãng) là tiền hiền thành lập làng Đà Sơn. Theo tài liệu của PGS. TS. Lê Văn Tấn (Lịch sử hình thành và phát triển các dòng họ tại Đà Nẵng):  “...Rồi tiếp theo, những năm nửa đầu thế kỷ XIV, đến nửa sau thế kỷ XV, nhất là sau cuộc Nam chinh của vua Lê Thánh Tông, nhiều dòng họ từ phía Bắc đã di cư vào phương Nam để làm ăn sinh sống. Từ đó, mảnh đất Đà Nẵng đã được nhiều dòng họ chọn làm điểm dừng chân… Nhiều dòng họ đến đây thời kỳ này được tôn làm tiền hiền của các làng. Như tộc Huỳnh tiền hiền làng Thạc Gián (quận Thanh Khê), tộc Trần, Hồ, Trương, Nguyễn tiền hiền làng Bồ Bản (huyện Hòa Vang), tộc Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê tiền hiền làng Túy Loan (huyện Hòa Vang), tộc Trần, Lê, Nguyễn, Đỗ, Ngô, Huỳnh tiền hiền làng An Hải (quận Sơn Trà)…”.

Vậy mà mới đây, vào những ngày đầu Xuân Giáp Thìn vừa qua, tình cờ trên trang mạng “Đà Nẵng xưa” có bài viết của tác giả Ngô Bá Dũng phản ánh mấy dòng thông tin cho hay: “Giữa lòng Đà Nẵng (phường Thạc Gián, Thanh Khê) hiện còn một ngôi mộ cổ với niên đại trên 500 năm, kiến trúc đơn giản mà đẹp trang trọng. Nằm trong mộ là người đã theo vua Lê Thánh Tông bình Chiêm năm 1471 rồi ở lại, trở thành vị tiền hiền khai canh đầu tiên của vùng đất. Sắc vua ban cho người này còn lưu giữ tại đình làng, có đoạn: “Nay ban sắc cho xã Thạc Gián, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam phụng thờ vị thần tiền hiền, huý danh Huỳnh Văn Phước, linh ứng rất sáng rõ…”. Tác giả nói thêm “đúng ra ngôi mộ nầy phải được trùng tu xây dựng cho khang trang, quang đãng. Xứng đáng với danh hiệu TIỀN HIỀN KHAI CANH mà sắc Vua đã ban (còn lưu giữ ở đình làng Thạc Gián). Nhìn ngôi mộ của người có công (ít ra là với Đà Nẵng) mà lòng cảm thấy buồn buồn”.

Trên thực tế, cũng vào dịp Tết Giáp Thìn này thôi, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng đã phối hợp cùng UBND quận Thanh Khê tổ chức Đêm thơ nguyên tiêu 2024 tại chính đình làng Thạc Gián và những câu chuyện lịch sử văn hóa về địa phương này là khá gần gũi và quen thuộc với anh em văn nghệ, báo chí. Thế nhưng, trước câu chuyện về ngôi mộ tiền hiền tại Thạc Gián bị lãng quên, khiến nhiều người khá bị sốc, bất ngờ… Nhiều trang Facebook tiếp tục chia sẻ lan tỏa rộng rãi, được cộng đồng hết sức quan tâm, đặt dấu hỏi (?).

Tác giả viếng mộ tiền hiền Huỳnh Văn Phước của làng Thạc Gián.

Bản thân tôi, người chuyên viết báo về mảng văn hóa cảm thấy quá thiếu sót, khi chưa nắm rõ được sự việc trên. Ngay khi vừa tìm đến tận nơi tọa lạc của ngôi mộ vị tiền hiền theo sự hướng dẫn của người dân địa phương, thì tôi được biết trước đó vài ngày, ông Huỳnh Hùng (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng) và vài anh em khác cùng ngành cũng đã ghé viếng hương, tìm hiểu sự việc. Ông Huỳnh Hùng cho hay: “Hiện ngôi mộ nằm lọt thỏm giữa bốn bề khu dân cư, trông rất chật chội, bức bối. Đường dẫn đến ngôi mộ dài và quá hẹp, có đoạn chỉ 0,8 mét. Nhìn mà chạnh lòng, rất chạnh lòng. Điều an ủi là ngôi mộ quan trọng này đã trở thành một hạng mục trong tổng thể di tích cấp quốc gia đình làng Thạc Gián, được xếp hạng từ năm 2007. Và dự án tu bổ, phục hồi đình làng cùng ngôi mộ tiền hiền này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và chính quyền thành phố Đà Nẵng phê duyệt, sẽ triển khai thực hiện ngay trong năm 2024 này. Điều còn lại là chính quyền và người dân địa phương có giải pháp gì cụ thể hơn để phát huy giá trị di tích, thể hiện đạo lí “uống nước nhớ nguồn” hay không?”.

Trong buổi trưa nắng chói chang, theo chân ông Mạnh, thành viên Ban quản lý đình làng Thạc Gián hướng dẫn đến tiếp cận khu mộ vị tiền hiền Thạc Gián, tôi nghe ông vừa đi vừa kể:

- Hồi nhỏ lớn lên nơi đây, tôi nhìn thấy xung quanh vẫn toàn là ruộng đồng, bàu nước, chẳng thấy gì thêm,… ngoài Tịnh xá Ngọc Giáng, lúc đó gọi là Mu Rùa. Đến năm 1965, Tịnh xá này mới chính thức xin thành lập, nhằm xem như khẳng định dân chúng nơi đây an cư lạc nghiệp (ông bà ta ngày xưa vẫn nói có Đình rồi mới có Chùa). Theo lời ông bà ngày xưa kể lại: ông tiền hiền (Huỳnh Văn Phước) và ông hậu hiền (tức là ông Nguyễn Ngọc dòng họ của tôi) là hai anh em kết nghĩa. Ông tiền hiền khai canh, khai cư, phát quang tạo nên khu đất Thạc Gián… Ông hậu hiền sau đó lo việc đem người dân vào sinh sống. Bởi vậy mỗi lần cúng bái, chúng tôi thường có câu: “Tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ”. Cả tiền hiền và hậu hiền đều có sắc phong, nên trong đình làng Thạc Gián thờ cả hai ông. Hai ông thờ hai bên, chính giữa là thờ Thành hoàng. Mộ hậu hiền và một số vị khác cũng nằm quanh khu vực Bàu Cát…, sau khi quy hoạch chuyển hết về Gò Cà. Riêng mộ tiền hiền, chúng tôi làm đơn gởi đến Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng can thiệp kịp thời từ năm 2012 nên còn giữ lại (theo luật di sản văn hóa, Nghị định 92 ngày 11-11-2002 của Chính phủ, những ngôi mộ cổ có niên đại trên 100 năm về trước thì cần được bảo tồn), tuy nhiên việc tu bổ, tôn tạo thì từ đó đến nay vẫn không thấy địa phương nhắc đến. Xưa kia, khi ngài tiền hiền qua đời, các gia tộc trong làng chôn cất ngài trên một gò đất cao rộng gần 200m2, nằm ở phía trước sân sau của đình làng. Tuy nhiên, trải qua thời gian, khu vực mộ tiền hiền nay chỉ còn 79m2. Chúng tôi cũng không nắm rõ ngôi mộ cấu trúc như hiện nay có từ khi nào, chỉ biết ngôi mộ được tu sửa những phần hư hại vào năm Bảo Đại thứ 10 (1935).

Trước khi tiếp cận ngôi mộ ngài tiền hiền, ông Mạnh còn dẫn tôi ghé qua một công trình thờ Thành hoàng đã bị sụp đổ, hư hại hơn một năm nay, nhưng chưa có kế hoạch tu sửa. Công trình này, một phần gắn liền khuôn viên đình làng, một phần quay mặt ra ngã hẻm của khu dân cư. Trong đống đổ nát, có thể nhìn thấy các biểu tượng hoa văn rồng, phượng, các bờ tường ghi chữ Hán xen lẫn trong gạch đá, mái tôn ẩm mục…Thật đáng băn khoăn khi bên cạnh công trình di tích kiến trúc đình làng được chăm sóc khá tươm tất, tại sao lại có một hạng mục nhỏ xuống cấp như thế này? Nguyên nhân hư hại từ đâu? Vậy địa phương đã có kế hoạch ra sao? Nhưng câu hỏi này không được trả lời trọn vẹn, mà ông Mạnh nói, thời gian qua có nhiều người đến xem, thăm hỏi… rồi thôi, không hứa hẹn gì.

Công trình thờ Thành hoàng Thạc Gián đã bị sụp đổ, hư hại hơn một năm qua, chưa có kế hoạch tu sửa (ảnh chụp ngày 4/4/2024).

Giờ đây, trước mắt tôi, khu mộ vị tiền hiền nằm chen trong giữa các nhà dân, có cửa đi riêng, nhưng thường xuyên khóa kín, nên nếu không có sự hướng dẫn khó ai biết được để tự đến viếng thăm. Ông Mạnh nói rõ: “Thỉnh thoảng, những ngày lễ Tết, chúng tôi vẫn đến hương khói, chứ không kết hợp với các lễ lạc rình rang của đình làng, nên ít người chú ý. Hằng năm, ngoài các dịp Tết Nguyên đán, Tết Thanh minh, Rằm tháng 7..., vào ngày mồng 2 tháng 10, mới chính thức là ngày giỗ của ngài tiền hiền. Được cái quý là hai hộ dân cận kề bên khu mộ họ rất hỗ trợ, tạo điều kiện mỗi khi có khách thăm viếng. Còn việc khu mộ có được quy hoạch, mở rộng hay không thì chúng tôi chưa nghe nhắc đến”.

Ngồi bên bia mộ vị tiền hiền họ Huỳnh, thắp mấy nến hương, tôi thành khẩn cầu mong, bên cạnh sự phát triển không ngừng, ngày một vươn lên tầm cao của Đà Nẵng, chính quyền và người dân vẫn không quên dành những sự trân trọng gìn giữ, tu bổ nhất định cho các di sản văn hóa từ thời các vị tiền nhân khai dựng, mở cõi. Bởi, đó chính là tài sản quý giá và cũng là động lực mạnh mẽ dành lại cho thế hệ trẻ tìm ra bài học ý nghĩa hướng đến tương lai…

***

Làng Thạc Gián ban đầu có tên là Thạc Giản và nhiều cách gọi khác như Thạch Giản, Thạch Gián là mảnh đất được khai phá sớm, vào khoảng nửa thế kỷ XV. Năm Tự Đức thứ bảy (1854), ngôi đình kiến tạo bằng gạch, mái lợp ngói âm dương và tiếp tục được tôn tạo vào năm Duy Tân thứ ba (1909), năm Khải Định nguyên niên (tức năm 1916) từ đóng góp của dân làng và đến năm 2009 được trùng tu một lần nữa từ nguồn ngân sách thành phố với kinh phí hơn 4 tỷ đồng.

Trải qua nhiều biến cố lịch sử, đình Thạc Gián là một trong số ít những ngôi đình ở Đà Nẵng còn lưu giữ được những hiện vật hết sức có giá trị: 18 sắc phong và 38 chiếu, chỉ của các triều đại Hậu Lê và Triều Nguyễn, được hình thành với những nét kiến trúc đặc thù. Trong đó, sớm nhất là sắc năm Minh Mạng thứ 7 (1826) và muộn nhất là sắc phong năm Bảo Đại thứ 10 (1935). Gian thờ tiền hiền của đình, thờ tiền nhân Huỳnh Văn Phước là bậc khai khẩn lập nên làng. Hậu hiền thì thờ các vị tiền bối của tộc Nguyễn (Nguyễn Ngọc) là những người khai canh, mở đầu nghề làm lúa nước cho bà con. Vị tiền hiền là người đầu tiên được nhân dân ghi nhận công lao dẫn đoàn người từ Bắc vào đây khai canh. Sau đó, các bậc tiền nhân của các tộc: Nguyễn, Lê, Ngô, Phạm, Trương, Trần...  đã tiếp tục khai canh, khai cư xây dựng nên làng Thạc Gián ngày càng trù phú và đông đúc. Trong quá khứ, Thạc Gián là một làng rộng, cho đến đầu thế kỷ XIX, địa giới: Đông giáp làng Hải Châu và thẳng đến Vũng Rong; Tây giáp làng Xuân Đán, vịnh Đà Nẵng và Nam giáp các làng Bình Thuận, Liên Trì (nay thuộc phường Hòa Thuận Đông, Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu). Đình Thạc Gián là nơi tổ chức và duy trì nhiều lễ hội truyền thống của dân làng, như lễ tế Xuân Thu nhị kỳ, lễ hội vào tiết Thanh minh, lễ giỗ tiền hiền, lễ hội Tết Nguyên đán, hội thi đọc khánh chúc, diễn tuồng… và nhiều sinh hoạt dân gian khác. Đình Thạc Gián được Bộ Văn hóa Thể thao công nhận Di tích cấp quốc gia vào ngày 27/8/2007. Ngày 17/4/2011 (tức mùng 10 tháng 3 âm lịch), tại đình làng Thạc Gián, lần đầu tiên lễ hội đình làng đã được phục dựng lại và tổ chức với quy mô trọng thể.  

T.T.S