Đà Nẵng với Cuộc thi viết thư quốc tế UPU

30.05.2024
Bùi Văn Tiếng

Đà Nẵng với Cuộc thi viết thư quốc tế UPU

Cuộc thi viết thư quốc tế UPU được Liên minh Bưu chính Thế giới tổ chức thường niên từ năm 1971 dành cho học sinh từ 9 đến 15 tuổi trên toàn thế giới, đến nay đã trải qua 53 lần, nhằm góp phần phát triển khả năng viết văn và sự phong phú trong tư duy sáng tạo của lứa tuổi thiếu nhi, tạo điều kiện thắt chặt tình hữu nghị giữa các dân tộc trong thế hệ trẻ và giúp các em hiểu thêm về vai trò của ngành bưu chính trong cuộc sống. Trong 36 năm đồng hành với Cuộc thi viết thư quốc tế UPU ở cấp độ quốc gia (do Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng phối hợp tổ chức), Đà Nẵng được mệnh danh là “Thành phố UPU” với 8 giải Nhất quốc gia (các bài thi đoạt giải Nhất quốc gia được Ban tổ chức dịch ra tiếng Anh/tiếng Pháp gửi Liên minh Bưu chính Thế giới tại Bern Thụy Sĩ để dự thi quốc tế, và Đà Nẵng đã giành được 1 giải Nhất quốc tế, 1 giải Nhì quốc tế, 3 giải Khuyến khích quốc tế - năm 2024 chưa có kết quả quốc tế).    

Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 25 năm 1996 với chủ đề “Niềm thích thú khi viết một bức thư”. Học sinh đoạt giải Nhất quốc gia cuộc thi này là em Nguyễn Thu Thủy Tiên (lớp 7A Trường Trung học cơ sở Thực hành Sư phạm thuộc Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng) với bức thư gửi cho một người bạn gái bàn về vấn đề “Ngay bức thư nhỏ cũng đi xa” - rồi sử dụng hình thức “thư lồng trong thư”- đã viết thư cho bà mình là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã mất, để lên bàn thờ bà, thắp hương rồi... hóa bức thư, vì em tin ở cõi linh thiêng ấy, chắc chắn bà sẽ nhận được...: “Có những bức thư đi xa lắm, đi vào cõi vĩnh hằng của người đã khuất. Vì ông bà, tổ tiên vẫn sống mãi trong tình cảm của con cháu, luôn dõi theo từng bước trưởng thành của con cháu...”. Khi nghe Nguyễn Thu Thủy Tiên đọc bức thư này tại Lễ Trao giải quốc gia, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trương Mỹ Hoa đã nhiều lần lau nước mắt.  

Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 27 năm 1998 với chủ đề “Tôi viết thư cho một người bạn (trai hoặc gái) để nói cho bạn ấy rõ quan niệm của tôi về những quyền của con người”. Học sinh đoạt giải Nhất quốc gia sau đó giành luôn giải Khuyến khích Quốc tế cuộc thi này là em Trần Thị Phượng Quỳnh (lớp 9/2 Trường Trung học cơ sở Nguyễn Khuyến - Đà Nẵng). Đây là học sinh Đà Nẵng đầu tiên được trao giải Khuyến khích quốc tế về Viết thư Quốc tế UPU.

Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 32 năm 2003 với chủ đề “Tôi viết lá thư này cho bạn để trao đổi làm thế nào chúng ta có thể xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”. Học sinh đoạt giải Nhất quốc gia cuộc thi này là em Võ Thị Thu Thảo (lớp 10 chuyên Văn Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn - Đà Nẵng) “vào vai” một cô bé không có chân gửi thư cho cô bạn hàng xóm tên Phương cũng tật nguyền không đi được: “Phương thân, hôm nay tớ đã ngồi rất lâu bên cửa sổ để làm gì cậu có biết không? Để nhìn cậu đấy. Tớ đã tình cờ biết được cậu đã tập đi như thế nào. Tớ đã thấy từ trên xe lăn, cậu chống tay vào bệ cửa và cố đứng lên một cách khó nhọc. Tớ thấy trán cậu cau lại, môi cậu mím chặt. Cậu đau lắm phải không? Lúc đó tớ chỉ muốn chạy ào tới bên cậu, nhưng tớ không thể. Rồi cậu mất đà và té nhào xuống đất. Một phút…hai phút… rồi năm phút trôi qua, tớ vẫn chưa thấy cậu đứng dậy. Tớ đã rất sợ hãi, tớ muốn thét lên, muốn gọi mẹ để giúp cậu (…) Nhưng tớ không thể… Tớ chỉ biết òa khóc thôi. Cậu biết đấy, tớ không có chân mà… Tớ đã sống trong tự ti, mặc cảm. Không thể đi đứng, không thể lấy một quyển sách trên cao, không thể tắm mưa, thả diều, không thể… tất cả! Tớ… khao khát mọi thứ và chán ghét mọi thứ. Cho đến khi tớ gặp cậu, tớ tự hỏi điều gì đã khiến cậu mạnh mẽ như thế? Có lẽ cậu đã tập đi như vậy rất nhiều lần rồi, và tớ biết cậu sẽ còn tập nữa cho đến khi cậu có thể đi trên đôi chân không lành lặn của mình. Tớ tin cậu sẽ còn làm được nhiều điều hơn thế!”.

Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 38 năm 2009 với chủ đề “Hãy viết thư cho một người nào đó để nói vì sao điều kiện lao động thuận lợi có thể mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn”. Học sinh đoạt giải Nhất quốc gia sau đó giành luôn giải Nhì Quốc tế cuộc thi này là em Nguyễn Đắc Xuân Thảo (lớp 8/10 Trường Trung học cơ sở Nguyễn Huệ - Đà Nẵng) gửi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kể về vụ tai nạn lao động của bố mình: “Một ngày kia bất ngờ mẹ cháu nhận được điện thoại từ xưởng của bố cháu thông báo bố bị tai nạn lao động. Từ bữa đó trở đi, sinh hoạt của gia đình cháu bị xáo trộn. Cửa hiệu của mẹ cháu phải tạm đóng cửa và hai anh em cháu phải tự lo cho nhau để mẹ có thời gian ra vào viện chăm sóc bố. Những lần vào thăm bố, nhìn đôi chân bó bột của bố, cháu cứ nghĩ rồi nó sẽ lại lành lặn và bố cháu lại có thể bước những bước nhanh nhẹn, vững chãi… Thật đau xót làm sao, bởi lẽ vết nứt gãy ở chân thì đã liền nhưng chính sự tổn thương cột sống đã làm bố cháu không thể đi lại được nữa. Phần đời còn lại của bố cháu sẽ mãi mãi gắn với chiếc xe lăn (…) Cháu rất mong muốn và tin rằng bác cùng các bác lãnh đạo khác sẽ có những chủ trương, những hướng giải quyết thích hợp để giảm thiểu đến mức thấp nhất tai nạn lao động và giúp biến ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp của người lao động thành hiện thực. Cháu rất muốn một lần nào đó bác đến thăm khu công nghiệp nơi có phân xưởng sản xuất - nơi bố cháu đã để lại một phần của cuộc đời trẻ khỏe trước khi gắn liền với chiếc xe lăn… để có thể tận mắt nhìn thấy những người lao động nghèo của quê cháu đã sống như thế nào…”. Có thể nói giải Nhì quốc tế của nữ sinh Đà Nẵng Nguyễn Đắc Xuân Thảo là giải Nhì quốc tế đầu tiên của Việt Nam sau 22 năm tham gia thi viết thư UPU quốc tế - tính từ Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 16 năm 1987. Bức thư được dịch ra tiếng Pháp của Nguyễn Đắc Xuân Thảo được Ban Giám khảo quốc tế đánh giá: “Có cấu trúc vô cùng chặt chẽ và đầy tình cảm. Từ một câu chuyện cá nhân, thí sinh đã biến thành một bài học cho những người còn lại trên thế giới”.

Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 39 năm 2010 với chủ đề “Hãy viết thư cho một người nào đó, để nói vì sao việc hiểu biết về AIDS và tự bảo vệ mình trước căn bệnh này là rất quan trọng”. Học sinh đoạt giải Nhất quốc gia sau đó giành luôn giải Nhất quốc tế cuộc thi này là em Hồ Thị Hiếu Hiền (lớp 6/9 Trường Trung học cơ sở Tây Sơn - Đà Nẵng) với bức thư gửi Đạo diễn Trung Quốc Trương Nghệ Mưu nêu rõ sức mạnh của nghệ thuật điện ảnh trong việc phòng chống căn bệnh thế kỷ: “Đột nhiên, một ý nghĩ vụt lóe lên trong cháu: Ước gì cháu cũng có tài làm phim như ông nhỉ? Cháu sẽ xây dựng ngay những tác phẩm điện ảnh thật hay về đề tài HIV/AIDS để thức tỉnh loài người. Ông ạ, bộ phim đầu tay của cháu sẽ là câu chuyện đầy cảm động về một mối tình lãng mạn và bi ai: Chàng và nàng yêu nhau tha thiết song cuối cùng vẫn không lấy được nhau chỉ vì một trong hai người có H. Tiếp đến là bộ phim có tên “Phải chết” cũng sẽ nổi tiếng không kém gì bộ phim “Phải sống” của ông. Qua phim, cháu muốn gửi gắm một thông điệp: Con người ta không muốn chết sớm mà phải chết, vì không ngờ Thần Chết lại luôn phục sẵn trong các hành vi nguy cơ cao như tình dục không an toàn và sử dụng bơm kim tiêm chung… Hầu hết phim do cháu sản xuất đều lấy cảm xúc từ những mảnh đời rất thực và nhân vật chính là những nạn nhân đáng thương của AIDS. Đó là một vị công chức suốt đời phấn đấu, giữ gìn thế mà chỉ một phút ham vui đã đánh mất đi tất cả. Một nhân viên y tế bao ngày làm việc nghiêm túc, chỉ vì một chút lơ là đã vô tình lây nhiễm HIV. Một người lao động vất vả cả đời mới gây dựng nên một mái ấm gia đình nhưng đến cuối đời phải chết trong cô đơn, ghẻ lạnh. Những thanh thiếu niên đang tràn trề nhựa sống, một ngày kia lại trở nên thân tàn ma dại vì lỡ đua đòi hút chích. Có em bé thơ ngây đôi mắt trong veo nhưng cha mẹ đã sớm qua đời vì AIDS, còn em thì không biết lúc nào Thần Chết tới mang đi. Lại có cả những cô gái khi biết mình có H đã tính chuyện trả thù đời, gieo rắc cái chết cho bao nhiêu người khác. Chao ơi, bao nhiêu con người là bấy nhiêu số phận. Tất cả những yêu thương, đau xót, bạc bẽo, dại khờ cùng những hiểu biết cặn kẽ về cách thức phòng tránh AIDS sẽ được cháu chuyển tải vào phim một cách nhẹ nhàng mà sâu sắc. Cháu hy vọng, với sức ám ảnh đặc biệt, những bộ phim này sẽ vào trong đốt lửa lòng người, xoa dịu nỗi đau, xóa đi mặc cảm và thức tỉnh lương tri của những người còn thờ ơ trước căn bệnh này. Nhưng ông ạ, cháu thì “lực bất tòng tâm” cháu nghĩ chỉ có ông mới có thể giúp cháu biến những ước mơ này thành hiện thực để cứu lấy nhân loại. Vì vậy, cháu rất mong được ông lắng nghe và thấu hiểu”. Có thể nói giải Nhất quốc tế của nữ sinh Đà Nẵng Hồ Thị Hiếu Hiền là giải Nhất quốc tế đầu tiên của Việt Nam sau 23 năm tham gia thi viết thư UPU quốc tế - tính từ Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 16 năm 1987. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi thư khen Hồ Thị Hiếu Hiền, trong thư có đoạn: “Bác xúc động trước những suy nghĩ và tình cảm mà cháu đã viết trong bức thư. Bác tin rằng, bức thư của cháu sẽ là ngọn lửa ấm áp xoa dịu nỗi đau, xóa đi mặc cảm của những bệnh nhân AIDS và thức tỉnh lương tri của những người còn thờ ơ với căn bệnh này. Bác mừng vì cháu biết yêu thương, chia sẻ, suy nghĩ trách nhiệm trước những vấn đề của cuộc sống, của xã hội”.

Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 42 năm 2013 với chủ đề “Em hãy viết một bức thư để nói tại sao nước là quý”. Học sinh đoạt giải Nhất quốc gia sau đó giành luôn giải Khuyến khích quốc tế cuộc thi này là em Đoàn Thụy Thùy Dương (lớp 6/10 Trường Trung học cơ sở Tây Sơn - Đà Nẵng) với việc “vào vai” thần nước Thủy Tinh để gửi thư cho thần núi Sơn Tinh: “Chào Sơn Tinh, kẻ tình địch không đội trời chung của ta! Chắc mi bất ngờ lắm khi nhận được lá thư này, bởi vì xưa nay ta chỉ đối đầu chứ có bao giờ chịu đối thoại với mi đâu. Nhưng hôm nay ta muốn nói chuyện với mi vì ta có một chuyện cực kỳ quan trọng. Nói một cách công bằng thì cả hai chúng ta đều có công lao to lớn đối với con người. Chúng ta là Cha là Mẹ sản sinh ra họ, hết lòng nuôi dưỡng họ nhưng sao họ chỉ nhớ ơn và quý trọng mi thôi, còn đối với ta họ hết sức coi thường. Ngày trước, tuy họ không về phe ta nhưng đối xử với ta cũng còn chút thân thiện, còn ngày nay lãng phí ta như thể ta là một thứ xoàng xĩnh, nhiều vô kể. Lắm kẻ còn ngang nhiên xả rác rưởi, nước thải bẩn làm cho ta bẩn thỉu, hôi hám, nhiễm bệnh mà chết dần chết mòn. Thậm chí họ còn giở âm mưu thâm độc chặt hết cây rừng để ta không còn nơi trú ngụ, khiến những ao hồ, sông suối cạn khô. Ta thấy ngày nay con người thật là dại dột. Chẳng lẽ họ không biết tới quy luật “Trạng chết Chúa cũng băng hà”, hủy hoại ta thì một tương lai đen tối cũng đang chờ đón họ: Tới năm 2035, gần nửa dân số trái đất sẽ phải đối mặt với các khó khăn vì thiếu nước. Trong tương lai không xa, Thủy Tinh ta sẽ là nhân tố có ảnh hưởng quyết định đến đời sống của toàn nhân loại như gây mất ổn định chính trị, xung đột vũ trang, đói nghèo, bệnh tật… Ta nói thật nhé, thiên tai bão lụt ngày nay đâu phải do ta muốn trả thù mi là do loài người gieo gió nên phải gặt bão, chứ ngày nay ta cũng đã già rồi, hơi sức đâu mà ghen tuông nữa”... Ban Tổ chức quốc gia Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 42 còn gửi kèm theo bức thư được dịch ra tiếng Pháp của Đào Thụy Thùy Dương một bản tóm tắt nội dung truyền thuyết “Sơn Tinh, Thủy Tinh” nhằm giới thiệu với Ban Tổ chức, Ban Giám khảo quốc tế về truyền thuyết rất quen thuộc của Việt Nam đã được Đào Thụy Thùy Dương đề cập trong bức thư của mình.

Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 46 năm 2017 với chủ đề “Hãy tưởng tượng bạn là cố vấn cho Tổng Thư ký mới của Liên Hợp Quốc; vấn đề toàn cầu nào bạn sẽ giúp ông ấy xử lý trước tiên và giải quyết vấn đề đó như thế nào”. Học sinh đoạt giải Nhất quốc gia sau đó giành luôn giải Khuyến khích quốc tế cuộc thi này là em Nguyễn Đỗ Huyền Vi (lớp 8/9 Trường Trung học cơ sở Tây Sơn - Đà Nẵng) với bức thư gửi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, trong đó cô bé học sinh Đà Nẵng “tư vấn” cho ông Antonio Guterres về vấn đề người tỵ nạn theo một cách nghĩ, cách làm mới: “Cháu xin được làm cố vấn cho ông, đưa ra một ý tưởng vừa giải quyết bài toán tị nạn, vừa rất nhân văn. Xin ông dành ít phút lắng nghe cháu ông nhé! Ý tưởng của cháu xuất phát từ việc tỷ phú Ai Cập Naguib Sawiris mua đảo tặng người tị nạn. Chính bức ảnh cậu bé Aylan 3 tuổi nằm úp mặt bên bờ biển Thổ Nhĩ Kì đã thức tỉnh ông ta. Ông đặt tên đảo là Aylan, xây nhà cửa, trường học, bệnh viện, cung cấp thức ăn, điện nước, tạo công việc cho họ. Ý tưởng này đã được cơ quan UNHCR đồng tình và hợp tác tiến hành. Mặc dù còn nhiều rào cản, nhưng cháu tin rằng, nếu quyết tâm, chúng ta có thể biến dự án này thành hiện thực. Với cách này, các bên tham gia đều có lợi. Bên thứ nhất, hàng triệu người tị nạn sẽ nhận được sự sống, sự bình yên. Và khi điều kiện sống ở đất nước họ tốt hơn, họ có thể trở về quê hương mình bất cứ lúc nào. Bên thứ hai, châu Âu và Mỹ sẽ không phải đau đầu và tranh cãi về người tị nạn, không nhận thì vô nhân đạo, nhận thì rắc rối về an ninh. Bên thứ ba, người mua đảo cho người tị nạn sẽ được lưu danh hậu thế. Cháu đồng quan điểm với ông Sawiris rằng, ai góp vốn mua đảo đều hưởng lợi vì họ sẽ được nhận cổ phần, trở thành một đối tác trong dự án này. Sau khi hòn đảo đã hoàn thiện như một thành phố xinh đẹp, lợi nhuận từ kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch... quả là rất lớn cho người đầu tư về lâu dài. Bên thứ tư, quốc gia bán đảo thu được khoản lợi không nhỏ. Nếu họ ngần ngại khi phải tiếp nhận một đảo người tị nạn vào quốc gia mình thì có thể bán đứt và hòn đảo lập thành quốc gia riêng có quyền tự trị độc lập. Ông thấy ý tưởng của cháu thế nào? Ông cứ viết thư cho cháu, mình sẽ trao đổi thêm cho thấu đáo ông nhé!”.

Bảy năm sau, trong Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 53 năm 2024 với chủ đề “Trong hành trình 150 năm qua, UPU đã phục vụ hơn 8 thế hệ người dân toàn cầu. Từ đó đến nay, thế giới đã có nhiều thay đổi. Hãy viết thư gửi thế hệ các tương lai để nói về thế giới mà bạn hy vọng được kế thừa”, một học sinh Đà Nẵng lại đoạt giải Nhất quốc gia và đó chính là em Nguyễn Đỗ Quang Linh (lớp 9/1 Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến - Đà Nẵng), em ruột của Nguyễn Đỗ Huyền Vi - giải Nhất quốc gia, giải Khuyến khích quốc tế Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 46 năm 2017. Trong bức thư gửi Tổng Giám đốc Liên minh Bưu chính Thế giới năm 2174, Nguyễn Đỗ Quang Linh đã hóa thân thành Pullattie - một nhân viên làm việc tại bưu cục ở ngôi làng Ông già Noel, trực tiếp đọc những lá thư của trẻ em trên toàn thế giới gửi về. Bức thư viết: “Thưa ông, thế giới càng phát triển, con người càng xa cách nhau, dần trở nên vô cảm với nhau. Trẻ em dần thiếu thốn tình yêu thương, và chúng cần lắm một nơi để giãi bày tâm sự. Chúng khao khát được chia sẻ bằng những dòng thư tay chân thành nhất, gửi đến một nơi mà chúng tin sẽ có người lắng nghe để được nhận lại tình yêu thương. Và đó chỉ có thể là Ông già Noel! Tôi hình dung 150 năm tới, khi nhân loại dùng thư điện tử và nhiều phương tiện liên lạc hiện đại khác, thì tất cả các bưu cục toàn thế giới sẽ vẫn có hòm thư tay miễn phí cho trẻ em, khi viết thư gửi Ông già Noel. Mỗi nước có một trụ sở nhận thư, gửi thư và quà như tại làng Ông già Noel này. Tôi ước ao sẽ có nhiều trường đào tạo Ông già Noel, để những người yêu trẻ học cách mang đến hạnh phúc cho trẻ. Đặc biệt nhất, để những lá thư, món quà mà trẻ em mong đợi đến đúng vào Giáng sinh trên toàn thế giới, tôi mơ về một hình thức chuyển thư, quà tự động được lập trình sẵn nhưng cũng rất lãng mạn: Một cỗ xe tuần lộc đưa Ông già Noel bay trong không trung, sáng rực rỡ trong đêm, và những món quà sẽ được Ông trao tận tay cho từng đứa trẻ trong tiếng cười reo, tiếng cảm ơn líu lo của con trẻ. Ông Tổng giám đốc UPU năm 2174 yêu mến, giấc mơ của tôi chắc chắn sẽ thành hiện thực, vì tôi tin ông sẽ làm được, và cũng tin rằng dù thế giới có phát triển như thế nào thì “Ông già Noel vẫn sẽ sống mãi, vẫn tiếp tục mang niềm vui và hạnh phúc cho những tâm hồn trẻ thơ trên khắp hành tinh này”.

*

Năm 2022, cuốn sách Tuyển chọn những bức thư UPU đạt giải quốc gia và quốc tế của Nguyễn Thành Huân được Nhà xuất bản Dân Trí in ấn và phát hành. Có thể nói đây là một tập đại thành của hơn 30 năm Việt Nam tham gia các Cuộc thi viết thư quốc tế UPU, là tài liệu tham khảo rất quý trong dạy - học Văn nói chung và trong các Trại hè thiếu nhi về văn học do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố tổ chức hằng năm nói riêng. Cách chọn chủ đề hằng năm của các Cuộc thi viết thư quốc tế UPU cũng gợi mở nhiều ý tưởng sáng tạo cho việc ra đề tập làm văn nhằm kích hoạt tối đa tư duy sáng tạo của học sinh.

B.V.T