Những khúc ca đầy rung cảm về tình yêu và thân phận
Chân dung nhà văn Vũ Ngọc Giao
Chỉ trong 2 năm 2023-2024, Vũ Ngọc Giao - một cây bút nữ xứ Đà thành đã cho ra đời 4 tác phẩm, gồm 2 tập truyện ngắn: Người đàn bà và chiếc dương cầm, Vườn Sơn tra dưới trăng cùng 2 tiểu thuyết: Miền trăng tối và Bến Mù U.
Vũ Ngọc Giao tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Giao, sinh năm 1972, quê ở Bình Sơn, Quảng Ngãi; hiện sống và làm việc tại thành phố Đà Nẵng. Tiếp xúc với chị, ta nhận ra một người đàn bà giàu lòng trắc ẩn, giao tiếp kiệm lời, phong cách nhẹ nhàng, trẻ trung. Trước đây là biên tập viên của tạp chí Non Nước; hiện tại chị dành hoàn toàn thời gian cho công việc văn chương. Vũ Ngọc Giao từng chia sẻ: Viết lách cho chị phần lớn niềm vui, chị thiên về những hồi ức, hoài niệm, và những gì thuộc về quá vãng. Những chia sẻ của chị khiến tôi nhớ đến lời Oscar Wilde: “Kí ức… đó là cuốn nhật kí tất cả chúng ta đều mang theo bên mình”.
- Đắng đót những phận người.
Đọc truyện ngắn Vũ Ngọc Giao ở 2 tập: Người đàn bà và chiếc dương cầm và Vườn Sơn tra dưới trăng thấp thoáng trong ta nỗi đắng đót trước thân phận người, đặc biệt là những người đàn bà, những bé gái. Họ có một cuộc đời bất hạnh, thiếu vắng tình yêu thương của cha, mẹ; hoặc đó là những cô bé bị dị tật bẩm sinh, bị bỏ rơi… Số phận không mỉm cười bởi các em khi ra đời đã không được thừa nhận; thân thể không lành lặn nhưng tâm hồn của những đứa trẻ bất hạnh ấy vẫn khao khát được một lần nhìn thấy người đã sinh ra mình, được sống một cuộc sống bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa… Ta dễ dàng nhận thấy nỗi nghiệt ngã hằn sâu trên những thân phận khi Vũ Ngọc Giao viết về đàn bà, trong đau đớn tột cùng có người đã hóa điên… Phải có một trái tim bao dung, một trải nghiệm đủ dày và một tâm hồn mẫn cảm, Vũ Ngọc Giao mới có thể viết nên những câu chuyện đủ độ rung cảm, chạm vào lòng người đến vậy.
Đề tài về tình yêu được khai thác khá sâu trong cả hai tập truyện ngắn của chị. Mỗi truyện ngắn của Vũ Ngọc Giao là một lát cắt hiện thực đời sống ở những miền hẻo lánh, đó có thể là một triền đồi, bến sông, một miền quê êm ả không vương bụi bặm của chốn thị thành. Không gian ấy thấm đẫm chất thơ, tắm trong ánh sáng huyền hoặc của trăng sao hoặc ngân rung lên thanh âm trong vắt của tiếng suối, tiếng đàn... Kết thúc những câu chuyện tình, Vũ Ngọc Giao luôn lồng vào đó sự trân quý, những điều bình dị nhất đôi khi cũng mang đến cho ta hạnh phúc và nguồn vui sống… Trong 34 truyện ngắn xuất hiện trong 2 tập sách, có một truyện tuy không lấy bối cảnh ở xứ Quảng nhưng để lại nhiều ấn tượng đó là “Vườn Sơn Tra dưới trăng”. Câu chuyện gợi lên những ngậm ngùi về thân phận người đàn bà dân tộc Thái ở vùng Tây Bắc xa xôi. Lảy là cô gái xinh đẹp tài hoa, biết thổi kèn lá, đánh đàn môi, biết thêu những chiếc khăn Piêu. Trong một đêm lễ hội, trái tim Lảy đã rung lên khi chạm vào cái nhìn đắm đuối của Phiên - một chàng trai khác bản có thân hình rắn chắc như cây Pơ mu trên rừng cùng gương mặt đẹp như tạc tượng. Ngày nàng đưa Phiên về ra mắt, cha nàng vừa nhìn thấy đã ưng cái bụng; nhưng khi biết Phiên là con trai của người tình năm xưa đã từng phụ bạc mình, cha dứt khoát ngăn cản mối tình. Ông bán hết nhà cửa ruộng nương, đưa cả gia đình về bản xa nơi heo hút. Về bản mới, cha Lảy bắt tay vào khai hoang trồng một vườn sơn tra, không lâu sau, vườn sơn tra đã thành một cánh rừng bạt ngàn. Rồi cha tìm người mai mối cho con gái với một người đàn ông ở Mù Cang. Một tháng về nhà chồng là một tháng Lảy bị chồng đánh đập, hành hạ vì hờn ghen. Trong một lần không chịu nổi trận đòn ghen, Lảy trốn về nhà cha mẹ. Và ở đó nàng đã gặp lại Phiên… Câu chuyện như một bản tình ca rung lên giữa đại ngàn; bản tình ca ấy có những nốt trầm day dứt và cả những nốt cao vút lên như tình yêu đã chiến thắng nghịch cảnh. Với ngôn ngữ đậm màu sắc Tây Bắc, cách kể lôi cuốn và giọng văn mượt mà khiến truyện ngắn của Vũ Ngọc Giao trở thành một khúc ca ngân lên về tình yêu và thân phận con người.
4 tác phẩm đã xuất bản của nhà văn Vũ Ngọc Giao.
Vũ Ngọc Giao thường xây dựng bối cảnh truyện ở những nơi heo hút: Một xóm nghèo bên chân núi, một ngôi nhà vắng chủ, một vùng quê êm đềm… Chị có lối dẫn truyện khá dung dị nhưng rất riêng; cứ nhẩn nha tả cảnh, dẫn người đọc theo mình vào hang cùng ngõ hẻm đâu đó, rồi câu chuyện mới bắt đầu. Lối kể của Giao giàu chất thơ và đầy lôi cuốn bởi chị dùng thủ pháp đồng hiện; thực kết hợp với ảo, chất sống ngồn ngộn tên từng trang viết nhưng vẫn thấp thoáng chút liêu trai. Chi tiết ảo khéo léo xen lẫn vào bối cảnh thực khiến tâm trạng hoài nhớ bâng khuâng của nhân vật càng thêm sắc nét và giàu chất lãng mạn. 2 tập truyện Người đàn bà và chiếc dương cầm, Vườn Sơn Tra dưới trăng đã định hình được phong cách riêng của cây bút văn xuôi này. Một giọng điệu đằm thắm, ngọt ngào nhưng buồn thương da diết, ngôn từ đậm màu sắc xứ Quảng; đôi khi truyện phảng phất chút liêu trai ma mị khiến độc giả không thể dứt ra được cho đến khi kết thúc.
- Đằm sâu chất nhân văn.
Đến với tiểu thuyết khá trễ nhưng từ Miền trăng tối (xuất bản năm 2023) đến Bến Mù U (xuất bản năm 2024) đã minh định một sức viết bền bỉ và giàu nội lực của Vũ Ngọc Giao. Miền trăng tối là tiểu thuyết đầu tay có dung lượng vừa phải với 12 chương gói gọn trong 224 trang, đã dẫn dắt độc giả đi qua một câu chuyện đời, chuyện tình đầy ám ảnh nhưng không kém phần lãng mạn. Mượn lời kể chuyện của Hà Lam, một nữ phóng viên trẻ trong chuyến thực tế ở Thái Nguyên để viết bài phóng sự về những con suối ở miền bán sơn địa này, Vũ Ngọc Giao đã tái hiện lại câu chuyện xảy ra trên ngọn đồi năm ấy, nơi một nhóm thanh niên trí thức với tình yêu quê hương, yêu cuộc sống dâng tràn đã tình nguyện đến nơi đây đào giao thông hào và gửi lại một phần tuổi xuân tươi đẹp. Họ đã ra đi mãi mãi trong một tai nạn sụp hầm khi tuổi đời mỗi người mới chừng đôi mươi. Lồng trong câu chuyện ấy là bi kịch tình yêu của hai nhân vật Đăng và San, cùng nỗi cô đơn bản thể của đứa bé trai mồ côi cha mẹ từ lúc mới lên ba, cho đến ngày cậu bé ấy trở thành một người đàn ông luống tuổi sống cô độc nơi cao nguyên Di Linh… Vũ Ngọc Giao cố ý tạo không khí pha trộn giữa thực và mộng qua hai giấc mơ nối tiếp nhau của Hà Lam khiến các tình tiết truyện ngày càng rõ nét. Thủ pháp đồng hiện, kết cấu đan xen giữa quá khứ và hiện tại, cách miêu tả cảnh hợp lí và giàu tính điện ảnh. Song tiểu thuyết còn khá nhiều tình tiết liêu trai, ma mị, nếu người đọc không theo dõi kĩ sẽ không hiểu dụng ý của nhà văn khi bố trí những tình tiết đó.
Bến Mù U là tiểu thuyết thứ hai của Vũ Ngọc Giao vừa được NXB Dân Trí ấn hành vào tháng 4/2024. Tiểu thuyết dày 250 trang với 14 chương. Là một bước tiến mới về nội dung lẫn hình thức của ngòi bút văn xuôi xứ Đà thành. Vẫn lối viết đau đáu về nỗi đau thân phận, nhưng tiểu thuyết Bến Mù U gắn với hệ sinh thái gò bãi, sông biền của Gò Nổi, một vùng đồng bằng phía bắc tỉnh Quảng Nam. Một câu chuyện thực và gần gụi đến nao lòng, nó thao thiết một phận đời, phận người lặng thầm đi qua bến sông tên gọi Mù U, ở đó một gò Mơ nhô lên như một trái tim phập phồng nằm giữa đồng bằng, ở đó có con sông Đào rẽ nhánh, có chiếc xuồng nhỏ lênh đênh sóng nước, có những đôi chân liêu xiêu bên đôi quang gánh đi về vào những buổi chiều tà…
Thời hậu chiến, mảnh đất Quảng Nam và di chứng còn để lại là những bãi mìn chằng chịt kẽm gai, ở đó một cái lều, mái đã bạc trơ lay lắt trong gió làm cho người ta nhớ đến cái chòi giữ dưa ven sông bị bỏ quên sau mùa thu hoạch. Từ bờ nam sông Cái nhìn qua nó lại giống trạm gác tiền tiêu trông chừng cho cả một vùng cây keo, cây bói chen nhau mọc ken dày, chạy dài miên man trên suốt dải đất gò xưa kia vốn nổi tiếng trù phú của xứ Quảng.
Bên bến một nhánh sông được tách ra từ dòng Thu Bồn huyền thoại, già Tư Cối, một người đàn ông lái đò đơn độc sống trong chiếc lều trơ trọi trên doi đất mũi. Vào một đêm mưa gió, có cô gái từ đâu lạc tới bến sông. Khi biết được tình cảnh ông đã đưa cô về lều ở đỡ qua đêm. Đêm đó biết cô đang mang trong mình một đứa con chưa thành hình, ông thương tình để cô được ở lại cùng ông và nhận là cha của đứa con trong bụng, để nó được sinh ra, có cha như những đứa trẻ khác. Khi đứa con gái lên ba, trong một lần tắm sông, mẹ nó đã bị vũng xoáy cuốn trôi. Từ đó đứa bé ở với ông. Hai cha con sống lay lắt trong căn lều nhỏ. Tuy nghèo, nhưng tình yêu thương ông dành cho con luôn vô bờ bến. Một ngày, có người đàn ông từ xa tìm về nhận mình là cha ruột của cô con gái và xin được đón nó về nuôi. Đứa con gái sau khi biết sự thật, nó đã chọn ở lại cùng cha nuôi, người đã cưu mang mẹ nó và đã yêu thương nó từ ngày mới lọt lòng…Thời gian trôi, rồi cũng đến ngày già Tư Cối đặt chân đến bên bờ sinh tử. Ông ra đi, một mình trong căn lều bên bên bếp lửa liu riu, mấy hòn than chợt phừng lên, ngọn lửa điên cuồng nhảy múa. Điệu luân vũ cuối cùng trước khi nó để lại tàn tro. Người làng quyết giữ lại con xuồng neo bên sông của già Tư như một kỷ niệm để lưu giữ một thời quá vãng.
Già Tư đã sống một cuộc đời nghèo khó nhưng đầy ý nghĩa. Ông đã cúi xuống trước nỗi đau của đồng loại để yêu thương và sẻ chia.
Nếu 13 chương đầu, tác giả nghiêng về kiếp đời của Tư Cối, thì đến chương cuối gần như là độc thoại của cô con gái khi hoài nhớ về người cha nuôi, là những suy ngẫm về một đời người gắn với chiếc xuồng con trên dòng sông rộng, một cuộc hành trình đơn độc, một huyền thoại của dải đất gò. Người đọc lặng đi trước một già Tư kính cẩn trang nghiêm vốc những giọt nước đầu nguồn sông và hôn, chỉ vì ông biết nó sẽ lang thang qua bao ghềnh thác, và rồi sẽ nó về với dòng sông quê ông - sông Cái. Ông lặng người, cúi xuống thận trọng khum hai bàn tay vốc một vốc nước phả vào mặt. Ông hôn một cách trang nghiêm và linh thiêng cái chất lỏng trong veo ngọt lành của nguồn sông như người ta quỳ xuống sụt sùi hôn vào chiếc trán nhăn nheo của mẹ già đã mù loà vì chờ con.
Câu chuyện thấm đẫm chất nhân văn bởi tình phụ tử thiêng liêng, cho dù kết truyện già Tư Cối chết đi nhưng tác giả đã để cho nhân vật sống một đời hào sảng, trong cái nghèo vẫn thắp sáng lên một nhân cách sống. Đọc tiểu thuyết Bến Mù U, ta nhận ra khí chất thiệt thà, bộc trực và nhân hậu, đậm chất của con người xứ Quảng qua nhân vật Tư Cối. Từ những chương đầu, hình ảnh Tư Cối được khắc họa rất mộc nhưng cũng đầy chất thơ: Nắng chiều khúc xạ trên dòng sông hắt lên gương mặt rắn rỏi tươi nguyên sống động như bức tượng đồng hun vừa bóc khuôn dưới bàn tay đầy xúc cảm sáng tạo của một nghệ sĩ bậc thầy. Trên gương mặt đó còn thoáng nét ngỡ ngàng giấu sau những ray rứt ngấm ngầm ta thường rất khó nhận ra ở người luống tuổi… Giọng văn mộc mạc, đặc biệt với phương ngữ vùng miền: “đầu đuôi có một đủm”, “suốt cái sân kiểu lông mốt lông hai”, “rót nước chè cắm đũa không ngã”… và hệ thống từ láy: hụp hửi, bem bép, khịp khịp, xớ rớ, rật rật, lạch phạch… được tác giả sử dụng khá đắt. Ngoài ra, những câu hát quê kiểng đan xen đã góp phần diễn tả tâm trạng hoài nhớ bâng khuâng của từng nhân vật. Không gian và thời gian tái hiện qua âm thanh của tiếng gà nước cồng cốc, tiếng chim te te hanh hách, tiếng chuông chùa Vạn thong thả buông từng hồi trầm mặc vào đêm thâu…
Đồng hành cùng Vũ Ngọc Giao qua từng trang sách, từ truyện ngắn đến tiểu thuyết, bạn đọc rung cảm trước một ngòi bút sung sức và giàu sức sáng tạo, luôn có ý thức đổi mới thi pháp trong từng thể loại. Chính niềm yêu viết đầy hệ lụy đã cho Vũ Ngọc Giao một cái nhìn tinh tế, một trái tim giàu tình yêu thương và lòng gắn bó thiết tha với cuộc đời. Từng thân phận con người trong trang sách của chị có mặt khắp nơi trên mọi miền đất nước. Chị đã cúi xuống mỗi mảnh đời để trân trọng, yêu thương và sẻ chia, bởi “nhà văn tồn tại ở trên đời để bênh vực cho những người không có ai để bênh vực” (Nguyễn Minh Châu).
N.T.T.T