Những ngôi trường ở huyện đảo Trường Sa

30.05.2024
Lê Văn Sức

Những ngôi trường ở huyện đảo Trường Sa

Thật vinh dự và bất ngờ cho tôi khi được tham gia đoàn công tác số 5 của thành phố Đà Nẵng đi thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 từ ngày 5 đến ngày 11 tháng 4 năm 2024. Đoàn đại biểu của chúng tôi lần này được đi thăm quân, dân trên các đảo Trường Sa là các đại biểu thuộc các sở, ban, ngành của thành phố Đà Nẵng. Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cử 3 giáo viên dạy Lịch sử là tôi, thầy Quang trường THPT Trần Phú, thầy Quyên trường THCS Nguyễn Văn Linh. Vì là giáo viên nên ngoài việc háo hức mong được đặt chân đến cột mốc chủ quyền, điều tôi quan tâm nhất là trường học ở trên các đảo nổi thuộc huyện đảo Trường Sa.

Đúng 8 giờ 3 phút, ngày 5 tháng 4 năm 2024 trên tàu KN 390 từ cảng Tiên Sa, đoàn công tác chúng tôi gồm 5 đoàn: đoàn đại biểu thành phố Đà Nẵng, đoàn đại biểu tỉnh Thừa Thiên Huế, đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ngãi, đoàn đại biểu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đoàn đại biểu Công ty 899 do Chuẩn đô đốc Phạm Văn Hùng, Thiếu Tướng - Phó Tư lệnh quân chủng Hải quân làm Trưởng đoàn lên đường. Lòng hồi hộp và sung sướng khiến chúng tôi quên đi quãng đường xa hơn ngàn hải lý đang ở phía trước. Sau hơn hai ngày tàu đi về phía Đông Nam, đoàn bắt đầu xuống ca nô thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Song Tử Tây. Các đại biểu nhanh chóng di chuyển lên đảo thực hiện các công việc như: dâng hương tại tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, thắp hương tại chùa Song Tử Tây và bia tưởng niệm 64 chiến sĩ đã hy sinh trên đảo Gạc Ma,… Sau khi các đại biểu tập trung về hội trường để làm việc, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo thì ba giáo viên chúng tôi đi khám phá đời sống trên đảo Song Tử Tây. Chúng tôi đi tìm ngôi trường trên đảo và trường Tiểu học xã Song Tử Tây đã hiện ra trước mắt. Ngôi trường hai tầng khá kiên cố nhưng chỉ có 8 phòng, trong đó có 2 phòng học dành cho học sinh, một phòng thư viện nhỏ. Hôm đó là ngày Chủ nhật, nên trường vắng tanh, không có thầy, học sinh nào để hỏi chuyện hay vào thăm các phòng học, may mắn chúng tôi gặp hai anh dân quân tự vệ để hỏi chuyện. Hai anh kể ở trên đảo có 7 hộ gia đình, có 9 cháu trong độ tuổi đi học từ lớp mẫu giáo 3 tuổi đến lớp 4. Hai thầy giáo từ đất liền được cử ra dạy học, sau 5 năm họ sẽ rời đảo về dạy lại đất liền. Nói về việc học tập, ở đây học sinh sẽ học từ mẫu giáo tới lớp 5, sau đó các em được chuyển về đất liền để tiếp tục học chương trình cấp trung học cơ sở và cấp cao hơn. Khi chúng tôi quay trở lại sân hội trường chính, thì có 2 cậu bé khoảng 8, 9 tuổi mới nhận được 2 trái bóng da từ quà tặng của một đại biểu. Chúng vui mừng như vớ được vàng vừa đi, vừa đá bóng trông thật hạnh phúc.

Ngày 8 tháng 4 năm 2024, sau khi rời đảo Song Tử Tây, đoàn công tác tiếp tục ghé thăm đảo Sinh Tồn. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi bước chân lên đảo Sinh Tồn là cây cối xanh tốt, sức sống của con người nơi đây cũng sôi nổi hơn. Đoàn công tác nhanh chóng thực hiện các hoạt động họp, tặng quà, giao lưu văn nghệ cùng cán bộ, chiến sĩ,
nhân dân xã đảo. Ba anh em giáo viên chúng tôi tiếp tục đi tìm hiểu ngôi trường trên đảo Sinh Tồn. Trường Tiểu học Sinh Tồn của đảo là tòa nhà khang trang 2 tầng ở gần nhà văn hóa của đảo và khu dân cư sinh sống. Chúng tôi gặp một thầy giáo trạc 55, 56 tuổi đang dẫn 5 em nhỏ từ 5 đến 8 tuổi tay cầm cờ, súng nhựa và một số vật dụng biểu diễn ghé thăm nên thầy giáo dẫn học sinh đi đón và tham gia một vở kịch nhỏ. Một thầy giáo trẻ đã dẫn các bé lớp mẫu giáo đi trước. Thầy chỉ kịp trao đổi ngắn gọn với chúng tôi rồi vội vã dẫn học sinh đi cho kịp chương trình văn nghệ đón đoàn. Chúng tôi bước vào một phòng học của ngôi trường, phía trên có gắn bảng “Phòng học đánh vần”. Căn phòng khá nhỏ, chỉ có 4 bộ bàn ghế học sinh, 1 bộ bàn ghế giáo viên nhưng trông khá bắt mắt vì có in hình hoa, lá, cỏ cây. Ở giữa là Góc học tập treo nội dung của các môn học, bên trái là Góc đố vui, phía tay phải là Góc sinh nhật. Phòng thư viện ở sát phòng học thứ hai, nhưng đóng cửa nên chúng tôi không vào quan sát được.

Lúc 6 giờ 30 phút, ngày 9 tháng 4 năm 2024 đoàn chúng tôi lên xuồng và ca nô để qua đảo Đá Tây A. Ấn tượng với chúng tôi là âu thuyền này rất rộng, đẹp có nhiều tàu cá của ngư dân neo đậu hơn hẳn các đảo đã đi qua. Đoàn công tác ghé vào chùa Đá Tây A thắp hương và thăm sư trụ trì người Thọ Quang - Đà Nẵng.Thật xúc động! Chúng tôi đã đi xa Đà Nẵng trên nghìn cây số mà vẫn gặp đồng hương nơi hải đảo xa xôi này. Sau đó cả đoàn tiến về phía nhà văn hóa cộng đồng rất lớn trên đảo để giao lưu làm việc cùng cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo. Một ngôi trường khang trang nằm sau ngôi chùa. Có thể nói đây là ngôi trường đẹp nhất trong các trường tiểu học trên những đảo chúng tôi đã đi qua. Ở giữa là một cột cờ, hai bên có khu vui chơi dành cho các em nhỏ như: nhà banh, thú nhún. Có 2 em nhỏ đang chơi đùa vui vẻ trong nhà banh của trường. Tôi tham quan một phòng học và thấy căn phòng rộng rãi có tới 9 bộ bàn ghế học sinh, 1 bộ bàn ghế giáo viên khác những phòng học ở các đảo đã qua. Trong ngăn bàn, trên ghế cặp sách của các em học sinh vẫn còn để đó, trên bảng vẫn còn nguyên những bài toán của ba lớp 2, 3, 4. Hai bên phòng học có 2 kệ sách truyện để đầy các cuốn truyện, sách các loại. Còn một phòng học dành cho lứa tuổi mầm non, vì thời gian không cho phép nên chúng tôi không vô thăm quan. Sau khi đi thăm các hộ dân trên đảo để tìm hiểu tôi mới biết lí do vì sao trường học ở đây lại to đẹp, phòng rộng rãi hơn các trường tiểu học khác. Thì ra ở đây có tới 16 hộ gia đình thay vì 7 hộ như ở các đảo đã đi qua, vì vậy số học sinh trên đảo ở 2 lớp là 17 cháu. Dù số lượng học sinh đông hơn nhưng biên chế của trường Tiểu học Đá Tây A cũng chỉ có 2 thầy giáo từ đất liền ra công tác 5 năm. Các thầy giáo chỉ đi một mình ra đảo mà không đưa theo gia đình, sau một năm rưỡi các thầy mới được về thăm nhà một lần. Đây là sự cố gắng rất lớn của các thầy giáo khi được phân công ra đảo. Cũng như người dân ở đảo Sinh Tồn, hôm nay có đoàn ra thăm nên thầy trò đều vui vẻ đi đón đoàn. Tôi quay lại sân khấu bên trái nhà văn hóa cộng đồng - nơi diễn ra chương trình giao lưu văn nghệ của các nghệ sĩ Nhà hát Trưng Vương - Đà Nẵng với các chiến sĩ. Không khí ở đây rộn ràng hẳn lên, tiếng đàn hát, các tiết mục giao lưu nghĩa tình ấm áp. Một nhóm các em nhỏ đang rất vui khi được xem văn nghệ, bọn trẻ nói cười ríu rít trông thật đáng yêu. Thế mới thấy ở đây các em thiệt thòi hơn các bạn ở đất liền biết chừng nào.

Đảo Trường Sa - “Thủ đô của huyện đảo Trường Sa” đã hiện ra ngay trước mắt chúng tôi. Tàu của đoàn công tác số 5 vào cầu cảng thuận lợi, đội hình hải quân xếp hàng đón tiếp trọng thể. Sau khi dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đài tưởng niệm liệt sĩ, chùa trên đảo, đoàn công tác họp cùng cán bộ, chiến sĩ, nhân dân để tặng quà. Anh em chúng tôi lại tranh thủ đi tham quan một vòng quanh thị trấn Trường Sa. Ngôi trường Tiểu học khiêm nhường nằm sau các công trình lớn của đảo như Sở chỉ huy, Cảng hàng không sân bay Trường Sa,... May mắn cho chúng tôi là được gặp đủ hai thầy giáo trên đảo. Một thầy khoảng chừng trên 50 tuổi, một thầy khoảng gần 40 tuổi đã ra đảo công tác hơn một năm nay. Thầy giáo lớn tuổi có mời chúng tôi vào phòng đón tiếp, trò chuyện vui vẻ. Ban đầu chúng tôi cứ tưởng nơi đây là thị trấn thì trường học sẽ lớn hơn, người dân trên đảo cũng đông hơn. Hóa ra không phải như vậy, số dân trên đảo chỉ có 7 hộ gia đình như các đảo ở Song Tử Tây, Sinh Tồn nên số học sinh cũng chỉ có 8 cháu. Học sinh được xếp vào 2 lớp mầm non và tiểu học. Phòng học ở đây nhỏ và ít bàn ghế hơn trên đảo Đá Tây A, điều đó cho thấy số lượng học sinh ít. Chúng tôi đang chuyện trò sôi nổi với thầy giáo thì đoàn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghé thăm trường và trao cho trường một món quà nhỏ. Chúng tôi tranh thủ chụp một bức hình kỷ niệm cùng thầy trò của nhà trường và tiếp tục tham gia các chương trình khác của đoàn.

Vậy là, đoàn công tác chúng tôi đã đi qua 4 đảo nổi của huyện đảo Trường Sa, thời gian tham quan các trường học tuy không nhiều nhưng tôi cũng hiểu phần nào những khó khăn, vất vả nơi đây. Các thầy giáo đã chấp nhận xa gia đình 5 năm để thực hiện một nhiệm vụ cao cả là gieo cái chữ đến cho các em thơ ở một nơi xa xôi của đất nước. Nơi mọi thứ vẫn còn chồng chất khó khăn: nắng, gió của biển cả; trang thiết bị dạy học thiếu thốn; nước ngọt phải sử dụng tiết kiệm, điện sinh hoạt thường xuyên thiếu hụt… Dù Đảng, Nhà nước đã có chế độ ưu đãi cho giáo viên ở đây khá hơn nhiều so với chúng tôi, những người trong sự nghiệp trồng người, nhưng tôi vẫn thấy mình quá nhỏ bé trước những tấm gương ấy. Sự hy sinh thầm lặng của những thầy giáo nơi đây mới đáng quý và ý nghĩa biết bao. Bất giác tôi nghĩ về mình và những đồng nghiệp của tôi đang sinh sống và công tác tại một “thành phố đáng sống” như Đà Nẵng, có đầy đủ mọi thứ để dạy học nhưng mình đã khắc phục khó khăn của bản thân để vươn lên chưa? Đâu đó chúng tôi vẫn còn ỉ lại mọi thứ, than vãn đổ lỗi cho hoàn cảnh mà chưa trọn vẹn, tâm huyết với nghề. Tôi thấy mình đã bỏ lỡ và thật sự tiếc nuối vì thời gian để tham gia đoàn công tác quá nhanh, không kịp chuẩn bị kỹ hơn một chút cho hành trình đặc biệt về với Trường Sa của mình thật ý nghĩa. Chỉ đơn giản là một ít sách vở, một số quyển truyện tranh, vài hộp bút, bút chì, hộp màu, đồ chơi nho nhỏ… để đổi lấy cho tôi là những nụ cười trẻ thơ như 2 em nhỏ ở đảo Song Tử Tây khi nhận được hai quả bóng da cũng đã là mãn nguyện biết bao.

Tôi không thể nói hết được những cảm xúc và những điều trong lòng mình, chỉ có thể ngưỡng mộ, thán phục và đầy yêu mến những con người nơi đây: các anh bộ đội trên huyện đảo, những người thầy giáo, vị sư trụ trì, người dân… Đặc biệt là hình ảnh những người thầy giáo, đàn em thơ với những ngôi trường trên các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Đá Tây A, Trường Sa mà tôi cùng đoàn đã đi qua. Tất cả đã để lại trong đời tôi ấn tượng đẹp khó phai. Một trải nghiệm thật nhiều ý nghĩa đối với bản thân tôi.

L.V.S