Người đốt lửa

30.05.2024
Phan Đức Nhạn

Người đốt lửa

Minh họa Hồ Đình Nam Kha.

Anh Ba Nghị (Lê Thanh Nghị) tham gia bộ đội tỉnh, khi bị thương, anh trở lại gia đình dưỡng thương rồi tham gia du kích. Mấy chục năm rồi mà mỗi lần gặp nhau vẫn kể chưa hết câu chuyện đánh giặc, giữ làng, giữ trận địa căn cứ lõm Bàu Bính. Là người từng trải trên chiến trường, ở tuyến đầu, lại thông thạo địa hình, anh Ba Nghị luôn chọn yếu tố bất ngờ để mai phục hiệu quả, luôn di chuyển linh hoạt khi cận chiến để chia lửa với đồng đội. Khi xe tăng địch vượt lên, anh lại vào vai xạ thủ B40 sẵn sàng điểm huyệt. Mười lăm ngày cuối cùng ở căn cứ lõm, cuộc chiến khốc liệt, ăn cơm nắm, uống nước ao, chợp mắt trên nòng súng, anh Ba Nghị cùng đồng đội quyết giữ vững trận địa. Trời nhá nhem tối, bất ngờ nhận lệnh thu quân, tổ chức cho toàn đội hình rời căn cứ lõm Bàu Bính.

- Anh Ba ơi! Anh nói cho tôi nghe cảm giác của anh thế nào khi “khóa cò súng” để tập trung tổ chức cho lực lượng ta rời căn cứ lõm Bàu Bính để lui về chiến khu?

- Đó là câu chuyện thần kỳ mà nhà văn Nguyên Ngọc viết là cuộc hành quân kỳ lạ. Ba Nghị được anh Hai Toán giao nhiệm vụ xuống bến sông mò tìm những chiếc ghe người dân đã giấu chìm dưới dòng nước sông Trường Giang. Lấy được ghe lại tìm người chèo thông thạo sông nước, sắp xếp tổ chức cho 600 con người già trẻ gái trai lách cửa hẹp của quân giặc canh gác, qua sông trong đêm tối là một chuyện tưởng chừng không thể…

Nhưng với tôi, sau cái đêm ấy đâu được nghỉ ngơi. Mới vượt sông Trường Giang, anh em “chưa kịp thở” thì anh Hai Toán gọi Ba Nghị để trao đổi: “Không thể rời đi tất cả! Mình cần bố trí lực lượng trụ lại Bình Dương. Ta lập tổ công tác đặc biệt gồm ba người, giao em Nghị phụ trách. Cần giữ liên lạc với cơ sở cách mạng trong khu dồn, chờ thời cơ để chúng ta trở lại… vẫn phải tiếp tục quay về bám trụ chiến đấu!”. Một thoáng băn khoăn, nhưng Ba Nghị nghĩ đó là mệnh lệnh, là phương án đã được người chỉ huy quyết định nên các anh sẵn sàng sống chết nhận nhiệm vụ. “Hôm qua ra trận, phía sau mình là nhân dân, một chỗ dựa vững chắc, tin cậy. Từ hôm nay dân đi rồi, mình biết dựa vào ai để mà trụ lại!”. Một vùng đất xơ xác, tiêu điều, không gian tĩnh mịch, vắng ngắt, vắng tanh tới rợn người. Sương khuya phủ một lớp mờ trên dòng sông Trường Giang, trời sắp sáng, Nghị cùng hai đồng đội ẩn vào đám dừa nước ven sông, vừa nghỉ lấy sức vừa bàn tính chuyện ngày mai… Thời ấy, hoàn cảnh chiến trường đa dạng, vùng giáp ranh không bên nào kiểm soát hoàn toàn. Ban ngày lính bảo an và địa phương quân của địch rải ra lùng sục, trời sắp về chiều thì vội vã gom quân về đồn bót để phòng thủ, bỏ lại trận địa cho dân quân du kích hoạt động tự do, cùng nhân dân kiểm soát tình hình. Riêng Bình Dương thì lại khác, khi lực lượng của ta ở căn cứ lõm Bàu Bính rút đi đã tạo ra vùng đệm trống trắng. Không có dân ta mất đi chỗ dựa, mất nguồn tin, quân địch phục kích ở đâu mình không biết. Trong thế khó anh Nghị đã nghĩ ra cách đốt lửa để thăm dò tình hình. Và kịch bản ấy đã hiệu quả. Khi nhìn thấy ngọn lửa, du kích Xuyên Thọ đã tiếp cận hiện trường và tổ công tác của anh Ba Nghị đã kết nối liên thông với du kích ở đây để hiểu được tình hình nhằm thực hiện suy tính tiếp cận hiện trường chuẩn bị cho ngày trở về của cách mạng. Cuộc đời hoạt động của anh Ba Nghị thời kháng chiến thật sôi động, mười lăm năm bốn tháng, cùng anh em chiến đấu ngoan cường, 12 lần bị thương, máu anh đã thấm vào đất mẹ.

Khi về dự ngày giỗ tập thể ở Trảng Tràm tôi mới biết anh Ba Nghị người đứng bái chính cúng lễ là con của nạn nhân vụ thảm sát. Mẹ anh và 6 người thân trong gia đình chết chùm trong số 73 nạn nhân bị quân xâm lược dã man tàn sát ngày 3 tháng 10 năm 1969. 55 năm trôi qua vẫn còn uất nghẹn trong anh mỗi khi nhắc lại thảm cảnh này.

Đất nước hòa bình, anh trở lại với cái cuốc, đôi gàu trên vai làm người nông dân chuyên nghiệp. Chế độ đãi ngộ sau chiến tranh chỉ là cái thẻ xác nhận mất sức, sau chuyển thành thẻ thương binh. Hồ sơ lập để phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang đã dừng lại ở phần thủ tục hồ sơ, anh em đồng đội bức xúc, xót ruột hỏi thăm, anh chỉ cười hiền rồi chia sẻ: “So với nhiều đồng đội và bà con quê hương đã ngã xuống, mình còn sống tới hôm nay là quý lắm rồi”. Anh Ba Nghị vẫn luôn lạc quan, không so bì, không tính toán thiệt hơn. Anh tiếp tục tham gia công tác địa phương với chức danh Bí thư Chi bộ “thâm niên” mấy khóa… cách thể hiện ấy cũng là giữ lửa truyền thống cách mạng trên quê hương anh hùng.

P.Đ.N