Những đóng góp của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ với vai trò chủ bút báo Tay Thợ

30.05.2024
Lê Năng Đông

Những đóng góp của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ  với vai trò chủ bút báo Tay Thợ

Đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ, người con ưu tú của quê hương xứ Quảng, một chiến sĩ cách mạng kiên cường. Cuộc đời và quá trình hoạt động cách mạng tuy ngắn (1914-1949), nhưng đồng chí đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của quê hương. Nhất là với vai trò chủ bút báo Tay Thợ.

Người chiến sĩ cộng sản đầy nhiệt huyết cách mạng

Đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ sinh ngày 10/8/1914, trên vùng đất có truyền thống văn hóa, hiếu học và cách mạng - làng Mỹ Hòa, tổng Mỹ Hòa, nay thuộc xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Tháng 9/1934, sau khi tốt nghiệp bậc tiểu học tại trường tiểu học Mỹ Hòa, Huỳnh Ngọc Huệ thi vào trường Kỹ nghệ Thực hành Huế. Lúc học cũng như khi đi dạy, Huỳnh Ngọc Huệ đã từng bước tiếp thu tư tưởng vô sản. Không chỉ hoạt động trong trường Kỹ nghệ thực hành Huế, Huỳnh Ngọc Huệ còn đi vận động, tuyên truyền cách mạng học sinh trong các trường học khác, kể cả các trường tư. Là người luôn nhiệt huyết, năng nổ đối với phong trào nên hễ có cơ hội là tuyên truyền cách mạng.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí nhiều lần bị địch bắt, tù đày tại nhà lao Thừa Phủ (Huế); nhà ngục Đắk Lây, Đắk Tô (tỉnh Kon Tum); nhà lao Hỏa Lò (Hà Nội), nhà lao Đà Nẵng. Bị bắt rồi vượt ngục, vượt ngục rồi bị bắt và những đòn tra tấn vô cùng dã man, những bữa đói cơm, lạt muối... trong hoàn cảnh nào, tấm lòng người chiến sĩ cộng sản chẳng những không bị lu mờ mà còn được tôi luyện, sáng ngời. Để trả lời câu hỏi của bọn cai ngục và mật thám vì sao hoạt động chống Pháp, đồng chí khẳng khái trả lời: “Tôi làm cách mạng là để chống kẻ bóc lột, không có mục đích nào khác, dù các ông có bắn cũng thế thôi. Tôi tin rằng nếu tôi chết, thì sẽ có những người bị bóc lột khác đứng lên đấu tranh chống kẻ bóc lột, chứ chúng tôi không chống người Pháp nói chung”.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ được ra tù. Ngay lập tức đồng chí tham gia vận động cách mạng ở Đà Nẵng và ở quê hương Đại Lộc. Với sự năng nổ đối với phong trào cách mạng, tháng 5/1945, đồng chí được triệu tập tham dự hội nghị Tỉnh ủy ở bến đò ông Đốc. Tại hội nghị này, đồng chí được bổ sung vào Tỉnh uỷ Quảng Nam, được cử làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, trực tiếp phụ trách Ban Công vận thành phố. Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, với vai trò là Bí thư Thành ủy, Thường trực Ủy ban khởi nghĩa thành phố Đà Nẵng đồng chí là người trực tiếp đưa tin “Nhật đầu hàng quân Đồng Minh” đến Hội nghị Tỉnh ủy ngày 13/8/1945, để từ đó Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định khởi nghĩa giành chính quyền tại Hội An - tỉnh lỵ trong đêm 17 rạng ngày 18/8/1945, đồng thời đồng chí đã lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền tại thành phố Đà Nẵng thắng lợi hoàn toàn ngày 26/8/1945.

Chủ bút báo Tay Thợ

Tháng 9/1945, Xứ ủy Trung Kỳ được lập lại, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ được cử làm ủy viên Thường vụ Xứ ủy, phụ trách công vận. Tháng 01/1946, đồng chí được Mặt trận Việt Minh tỉnh Quảng Nam giới thiệu ra ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa I và đã trúng cử. Cũng trong năm 1946, đồng chí tham gia sáng lập Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; tổ chức Đại hội thành lập Liên đoàn Lao động Trung Bộ và xuất bản tờ báo Tay thợ.

Trang nhất Báo Tay thợ, số 2 - Số Bình Tuất năm 1946. Ảnh Dương Phước Thu.

Với kinh nghiệm của mình, và từ thực tiễn hoạt động cách mạng trong những này bị giam tại nhà tù Đắk Tô, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ được tập thể phân công phụ trách văn hóa - văn nghệ và báo tường. Đồng chí cùng một số anh em ra báo tường, lấy tên “Tiến”; đồng thời viết kịch bản và kiêm luôn cả đạo diễn, diễn viên. Đây là trải nghiệm vô cùng quý giá để sau này đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ trở thành Thư ký tòa soạn báo Tay Thợ.

Theo Nhà báo Dương Phước Thu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế: “Báo Tay Thợ, trên măng sét ghi là Cơ quan tuyên truyền tranh đấu của công nhân Trung Bộ, xuất bản mỗi tháng ba kỳ, ra vào các ngày 5, 15 và 25 hàng tháng. Số 1 ra ngày 15/01/1946, khổ 18 x 28cm, mỗi số có 8 trang (có số 12 trang), tòa soạn đóng tại số 15 đường Trần Hưng Đạo, thành phố Huế. Nội dung báo Tay Thợ công bố nhiều chính sách mới của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa còn non trẻ, giải thích nhiều từ ngữ, khái niệm mới về người lao động, về giai cấp công nhân và về các tổ chức của công nhân trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Tay Thợ phân tích rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của người công nhân… ở chế độ mới. Bên cạnh đó, Tay Thợ đăng nhiều bài thơ viết về công nhân, như bài “Lòng Thợ” của Tố Hữu, “Tặng Thợ Thuyền Lao Động Việt Nam” của đồng chí Nguyễn Chí Thanh.

Chuẩn bị đón cái Tết độc lập đầu tiên, Huỳnh Ngọc Huệ chủ trương giành hẳn số 2 - ra số báo mừng xuân Bính Tuất. Ngay trang nhất Tay Thợ in trang trọng chân dung Hồ Chủ tịch qua nét vẽ của họa sĩ Trần Đình Thọ, bên dưới chân dung ghi câu đầy cảm xúc như một sự khẳng định: “Hồ Chủ tịch - người cha già của dân tộc Việt Nam”. Kèm theo là một bài văn ngắn chúc thọ Cụ Hồ thể hiện sự quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước đi theo con đường Hồ Chủ tịch đã chọn. Bài văn có với nội dung như sau:

“Kính Hồ Chủ tịch!

Nhân ngày xuân của vũ trụ, của dân tộc, chúng tôi kính mừng Cụ, chúc Cụ sống lâu để diều dắt đàn con lên đường tiến hóa, xây dựng nước Việt Nam tươi sáng.

Chúng tôi nguyện hy sinh quyền lợi riêng, sát cánh với các giới đồng bào, kiên quyết chống ngoại xâm, giữ vững chính quyền Nhân dân, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập.

Việt Nam Dân chủ muôn năm!

Chính quyền Nhân dân muôn năm!

Hồ Chủ tịch muôn năm!”

Báo Tay Thợ xuất bản được trên 20 số thì tự đình bản vì lý do cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp sắp diễn ra. Các cơ quan Trung Bộ chuẩn bị sơ tán ra các tỉnh Thanh Nghệ Tĩnh, một số chuyển lên chiến khu miền núi Thừa Thiên và vào Quảng Nam. Huỳnh Ngọc Huệ được tổ chức phân công trở về Đà Nẵng tham gia lãnh đạo và dấn thân vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Cuối năm 1946, Huỳnh Ngọc Huệ tham gia lãnh đạo chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, là Chính ủy mặt trận, đồng chí có công rất lớn trong việc tổ chức giai cấp công nhân và bộ đội hình thành những cơ sở quân giới, công binh xưởng sản xuất và sửa chữa vũ khí đầu tiên ở Việt Nam. Tiếc thay trong lúc tài hoa đang nở rộ nhất, sự nghiệp cách mạng của quê hương còn đang dang dở thì ngày 27/4/1949, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ đã mất tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Đồng chí ra đi để lại bao niềm thương tiếc trong lòng đồng bào cán bộ, chiến sĩ, công nhân Liên khu 5. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào tháng 5/1949 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức nghi thức mặc niệm.

Mặc dù thời gian hoạt động báo chí của Huỳnh Ngọc Huệ chưa nhiều, nhưng đồng chí đã để lại một phong cách riêng về làm báo cách mạng, sự trong sáng của ngôn ngữ báo chí. Một con người vừa có đạo đức cách mạng cao cả, vừa có tấm lòng nhân văn rộng rãi được thể hiện từ hành động đến trang viết vẫn còn nguyên giá trị cho những người làm báo hôm nay.

L.N.Đ

* Bài viết có tham khảo và sử dụng tư liệu từ tập sách: “Huỳnh Ngọc Huệ - Người con ưu tú xứ Quảng” do Tỉnh ủy Quảng Nam - Thành ủy Đà Nẵng xuất bản tháng 8/2019.