Yêu từ cái nhìn đầu tiên
07.10.2013
Trong giới kiến trúc, ông là người nổi tiếng và là một trong 10 kiến trúc sư hàng đầu thế giới hiện nay theo trường phái Kiến trúc hậu hiện đại (Post Modern). Salvador là kiến trúc sư (KTS) Tây Ban Nha, xứ sở của lễ hội đấu bò tót và vũ điệu Flamenco cuồng nhiệt, nhưng tên tuổi của ông lan rộng khắp châu Âu với một hành trang tác phẩm đồ sộ mang đậm cá tính và dấu ấn riêng như Tháp Moncloa tại Madrid, Viện Bảo tàng khoa học Cuenca, Cung Văn hóa La Eria tại Oviedo… Hơn 40 năm làm nghề, Salvador đã sáng tác hàng trăm công trình, xuất bản 20 cuốn sách, 200 bài tiểu luận về kiến trúc hiện đại và hậu hiện đại. Ông đã từng được nhận 50 giải thưởng lớn do các tổ chức kiến trúc uy tín nhất thế giới trao tặng.
1. Một sáng cuối thu, trời se lạnh và hanh hao nắng. Tôi đến khách sạn Metropole gặp ông như đã hẹn. Trong bar-café Metropole sang trọng của khách sạn nổi tiếng nhất Hà thành có đến hơn 100 tuổi này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện về nghề, về cuộc sống khá thú vị. Ông kể với tôi, cuộc đời ông là những chuyến đi gắn với những miền đất, mà ở đó có các công trình do ông thiết kế xây dựng. Ông tự coi mình như một Columbus của thời hiện đại thích phiêu lưu và khám phá.
1. Một sáng cuối thu, trời se lạnh và hanh hao nắng. Tôi đến khách sạn Metropole gặp ông như đã hẹn. Trong bar-café Metropole sang trọng của khách sạn nổi tiếng nhất Hà thành có đến hơn 100 tuổi này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện về nghề, về cuộc sống khá thú vị. Ông kể với tôi, cuộc đời ông là những chuyến đi gắn với những miền đất, mà ở đó có các công trình do ông thiết kế xây dựng. Ông tự coi mình như một Columbus của thời hiện đại thích phiêu lưu và khám phá.
Với ông, khát khao sáng tạo là niềm đam mê, ám ảnh suốt cuộc đời. Ngoài trụ sở chính của Công ty Salvador và cộng sự đặt tại thành phố Madrid, quê hương ông, thì ông còn có các chi nhánh ở Italia, Pháp, Qatar… Và bây giờ là Công ty S-Design tại Việt Nam mà ông là Chủ tịch hội đồng quản trị. Đây là kết quả của sự hợp tác giữa ông và các đồng sáng lập của Tập đoàn Alphanam, mà người khai sáng ý tưởng thành lập Công ty là doanh nhân nổi tiếng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Alphanam Nguyễn Tuấn Hải.
Ông nói, ông yêu Hà Nội bởi đây là một thành phố đẹp và cổ kính. Với ông, đó là một trong những thành phố đẹp nhất mà ông đã từng đi qua. Tôi cười và bảo, liệu ông có quá lời không, khi mà thành phố của tôi giờ đông người lắm, suốt ngày tắc đường, kẹt xe và môi trường bị ô nhiễm. Ông khẽ lắc đầu, mái tóc bạc bồng bềnh rất nghệ sỹ, cây bút trong tay ông phác nhanh vài nét gì đó trên cái ipad, rồi cho tôi xem, thì ra đó là sơ đồ giao thông.
Các khu đô thị ấy không được kết nối hoàn chỉnh bằng các tuyến giao thông và thiếu nhiều thành phần chức năng cấu thành đô thị như trường học, công viên, công trình văn hóa, cơ sở y tế… Đó chỉ là “các đô thị để ngủ”! Đây này, ông lại cầm bút vẽ vẽ trên mặt ipad, bạn thấy không, nếu lấy lõi của Hà Nội làm trung tâm, thì các khu đô thị mới phải được kết nối với nhau bằng các đường vành đai và với trung tâm bằng các trục giao thông hướng tâm.
Xen kẽ giữa các khu đô thị và trung tâm là các không gian xanh. Phải có cách quản lý không gian xanh này. Quý lắm. Đừng để các nhà đầu tư xé nát nó bằng các dự án. Hà Nội rất đẹp. Hà Nội còn rất nhiều công trình kiến trúc có giá trị mang phong cách khác nhau như kiến trúc cổ điển Pháp, kiến trúc theo phong cách Le Corbusier, kiến trúc hiện đại và cả hậu hiện đại nữa. Khu vực Hồ Gươm, khu phố cổ là những viên ngọc quý, cần được bảo tồn và giữ gìn. Hà Nội hiện đang lưu giữ nhiều tầng lớp văn hóa. Nó như trầm tích, theo thời gian cứ dày thêm. Tôi chắc chắn rằng, chỉ vài mươi năm nữa thôi, người dân sống ở các khu đô thị mới nếu có điều kiện sẽ quay trở về trung tâm để sống.
GS-KTS Salvador Perrez Arroyo (trái) và tác giả. |
Có loại kiến trúc kinh doanh, kiến trúc văn hóa và kiến trúc truyền thống. Nhưng bất kỳ loại hình nào thì kiến trúc cũng phải đảm bảo các tiêu chí bền vững, kinh tế và đẹp, như slogan của Công ty S-Design “Love at first sight” (Yêu từ cái nhìn đầu tiên). Bây giờ người ta chỉ chú trọng đến tính kinh tế, tính thương mại mà ít quan tâm đến cái đẹp của kiến trúc. Nhưng khi kinh tế đã đầy đủ, người ta sẽ phải quan tâm hơn đến cái đẹp, đến văn hóa. Tác phẩm kiến trúc như một cái ôtô.
Cùng tốt như nhau, bền như nhau, nhưng cái ôtô nào có hình dáng đẹp hơn, bắt mắt hơn thì sẽ bán chạy hơn. Kiến trúc cũng thế. Thế giới hướng tới kiến trúc bền vững, kiến trúc xanh, kiến trúc thân thiện với môi trường cách đây đã vài chục năm rồi. Trong thế kỷ XXI, nó càng có ý nghĩa khi mà sự biến đổi khí hậu đang gây ra những thảm họa cho con người. Kiến trúc Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu hướng đó. Rồi ông nhắc đến dự án Diamond Tower ở Đà Nẵng.
Công trình đầu tiên của ông ở Việt Nam. Đó là tòa tháp cao 35 tầng có kiến trúc độc đáo mang phong cách Salvador, có hình dáng như một viên kim cương gắn trên núi Ngũ Hành Sơn, một danh thắng bậc nhất của thành phố Đà Nẵng. Trong công trình này, ông đã ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại với mặt ngoài lắp kính màu cùng hệ thống bao che thu năng lượng mặt trời có hình tượng như những thân tre.
Đây cũng là kiến trúc đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ xanh để tạo ra 70% năng lượng phục vụ cho công trình. Khi xây dựng xong, Diamond Tower sẽ là một điểm nhấn kiến trúc độc đáo của Đà Nẵng, là viên kim cương lấp lánh tỏa sáng lung linh bên dòng sông Hàn thơ mộng. Ông hy vọng rằng, sẽ có nhiều dự án của Công ty S-Design được thực hiện trên đất nước Việt Nam theo xu hướng này.
2. Tách café trên bàn đã nguội. Tôi để ý, từ nãy đến giờ, mải câu chuyện nên ông không nhấp một chút nào. Biết tôi là kiến trúc sư, lại nghiên cứu về kiến trúc nên ông rất cởi mở. Ông tâm sự, ông đến Việt Nam lần đầu tiên như một cơ may, cách đây hai năm, khi được Bộ Xây dựng mời tham gia Hội đồng giám khảo quốc tế xét chọn đồ án Nhà hát Thăng Long của hai kiến trúc sư tài danh là Norman Foster và Renzo Piano.
Còn bây giờ, bạn biết đấy, tôi đang làm việc tại Việt Nam, với công ty của mình cùng người cộng sự tin cậy, thân thiết và giỏi giang là Tổng giám đốc Nguyễn Hải Yến. Cô ấy đã giúp đỡ tôi rất nhiều khi làm việc với các nhà đầu tư Việt Nam, cũng như trong hoạch định chiến lược phát triển Công ty. Tôi cũng có những đồng nghiệp là các kiến trúc sư trẻ của Alphanam Group.
Đó là những người thông minh và ham học hỏi. Tôi đang cố gắng truyền cho họ kinh nghiệm sáng tác của mình. Đặc biệt là kỹ năng xây dựng ý tưởng. Để có một sản phẩm kiến trúc giá trị về kinh tế và văn hóa là cả một quá trình lao động cực nhọc với niềm đam mê và khát khao sáng tạo. Tôi hy vọng, qua một số dự án mà chúng tôi đang triển khai như: Diamond Tower, Sea Sun Luxury Apartment, Alphanam Golden City hay dự án King Palace, Thư viện-Bảo tàng bên bờ Vịnh Hạ Long,… họ sẽ trưởng thành.
Vậy ông sẽ làm việc lâu dài tại Việt Nam? Tôi hỏi. Hiện tại là như thế, dẫu còn nhiều khó khăn lắm vì thị trường bất động sản ở Việt Nam đang rất trầm lắng, KTS Salvador trả lời, nhưng Việt Nam vẫn là môi trường rất tốt để kiến trúc phát triển. Còn bây giờ, Alphanam là ngôi nhà lớn, bình yên của tôi ở Việt Nam. Tôi yêu Hà Nội như yêu Madrid, thành phố quê hương tôi. Ở đó tôi có ngôi nhà của mình cùng vợ và hai cô con gái mà tôi hết mực yêu thương. Và ở đó họ cũng đang ngóng đợi tôi về. Giọng ông khẽ chùng xuống và man mác buồn…
3. Kiến trúc sư Salvado ngồi đó, mắt đăm đắm nhìn ra vườn, nơi những chiếc lá vàng khẽ rơi trong gió nhẹ... Vẻ mệt mỏi thoáng hiện trên khuôn mặt khắc khổ, cương nghị, nhuốm đầy nắng và gió Địa Trung Hải. Nhưng tôi nhận thấy, dù đã ở tuổi gần 70, nhưng đôi mắt của nhà kiến trúc lừng danh thế giới người Tây Ban Nha kia vẫn toát lên những ánh lấp lánh của sự đam mê và niềm kiêu hãnh.
Tôi biết, ông rất muốn đem tài năng và kinh nghiệm quy hoạch nhiều đô thị lớn ở châu Âu, trong đó có thành phố Madrid mà ông đã thực hiện, để đóng góp cho Hà Nội. Cũng như ấp ủ triển khai nhiều dự án kiến trúc táo bạo và độc đáo, mang phong cách Salvador, cho nền kiến trúc hiện đại của mảnh đất hình chữ S mà ông yêu quý. Và bây giờ thì tôi hiểu rằng, vì sao KTS Salvador lại lấy chữ S để đặt tên cho Công ty của ông tại Việt Nam: Công ty Tư vấn thiết kế S-Design
KTS. Phạm Thanh Tùng
Nguồn: http://antgct.cand.com.vn
Có thể bạn quan tâm
NHÀ VĂN NGUYỄN QUANG SÁNG: Người kể chuyện văn chương đích thực Nam BộNhững bản nhạc với lời ca từ Nhật ký trong tùNhạc sĩ Huy Trân: Giữa trời xanh biếc xanh NSNA Thân Nguyên: Nghệ thuật là lưu giữ khoảnh khắc “cựa mình” của nhân vậtThanh Quế & Nhặt lên từ cỏ – những hạt sương thơ…Lá trên cành đang thu - Niềm nhớ sắt sonPhan Tứ trong ký ức người thân và bạn bèThanh âm mùa thu trong thi caMuối mặn gừng cay cùng Thanh QuếĐọc thơ Bùi Giáng, bước chân vào cõi hư vô