Phác vẽ cảnh quan văn xuôi hiện nay

06.07.2022
Bùi Việt Thắng
Trên quan điểm nghiên cứu mới, cần tiếp cận văn học/ văn xuôi từ phương diện văn hóa. Đối với các nước phương Đông, đặc biệt Việt Nam, từ trong truyền thống đến hiện đại, văn học nếu không phải là tất cả thì cũng là bộ phận quan trọng nhất của văn hóa.

Phác vẽ cảnh quan văn xuôi hiện nay

Các văn nghệ sĩ dự Hội nghị Chấp hành mở rộng Hội Văn nghệ Việt Nam tại Việt Bắc tháng 3/1951. Từ phải sang, hàng trước: Nam Cao, Nguyên Hồng, Kim Lân, Nguyễn Đình Thi. Hàng sau: Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Trung Thông, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Sanh, Học Phi, Nguyễn Đỗ Cung - Ảnh: Trần Văn Lưu

Tiếp cận văn học/văn xuôi từ văn hóa

Trên quan điểm nghiên cứu mới, cần tiếp cận văn học/ văn xuôi từ phương diện văn hóa. Đối với các nước phương Đông, đặc biệt Việt Nam, từ trong truyền thống đến hiện đại, văn học nếu không phải là tất cả thì cũng là bộ phận quan trọng nhất của văn hóa.

Từ tước tới nay chúng ta khi giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới thường vẫn chủ yếu dựa vào thành tựu văn học cổ điển và hiện đại từ các trước tác thơ của Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, thơ lãng mạn 1932-1945, thơ Hồ Chí Minh, thơ Tố Hữu,.... Bây giờ thì có thêm Ca trù, Cồng chiêng Tây Nguyên, Nhã nhạc cung đình Huế, Ví giặm Nghệ Tĩnh, Hát xoan Phú Thọ, Dân ca quan họ Bắc Ninh,... Nhưng khi tri nhận “văn học là nghệ thuật ngôn từ” thì ngôn từ được coi là hạt nhân của dân tộc tính.

Không phải không có lý và thuyết phục khi đầu thế kỷ XX, một học giả đã khẳng định “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì nước ta còn”. Kinh nghiệm nghệ thuật cho thấy, tiếp xúc ban đầu với một nền văn hóa khác, chủ yếu thông  qua “kênh” văn học. Chẳng hạn, chúng ta biết đến văn hóa Nga do trước hết tiếp nhận các kiệt tác văn chương của A. Pushkin, A. Chekhov, F. Dostoevsky, L. Tolstoy, M.Gorky, I. Bunhin, B. Pasternak, M. Sholokhov, I. Sonjenhitxyn, J. Brodsky,... Tương tự, thấm nhuần văn hóa Trung Hoa qua Đường thi, tiểu thuyết Minh - Thanh, văn xuôi Lỗ Tấn, Lâm Ngữ Đường, Mạc Ngôn,...

Cần thiết nhìn nhận sự phát triển văn học dân tộc thời hiện đại (tính từ đầu thế kỷ XX tới nay) từ phương diện văn hóa. Chẳng hạn, đánh giá thành tựu của phong trào Thơ mới (1932-1945) chủ yếu từ phương diện làm giàu văn hóa dân tộc bằng làm giàu tiếng Việt như một “lợi khí” (vũ khí lợi hại, theo cách diễn đạt của nhà văn Thạch Lam). Tiếng Việt, từ truyền thống đến hiện đại, đã được các nhà văn tài năng nâng lên tầm cao mới - ngày càng đa nghĩa, uyển chuyển, nhiều thanh sắc, năng lực biểu cảm.

Đặc biệt hơn, cần tri nhận văn học đương đại (từ sau 1975) trong “ thung thổ văn hóa” mới khi tinh thần dân chủ được phát huy và khát vọng “nhúng bút vào sự thật” khi viết của bất cứ nhà văn nào. Đây cũng là thời đại của “văn hóa nghe nhìn” và “văn hóa đại chúng”, hàm chứa cuộc canh tranh quyết liệt của văn hóa đọc với các loại hình văn hóa  khác. Có tiếng kêu đâu đó về một guy cơ “văn học lâm nguy”. Nhưng bình tĩnh lại sẽ thấy, văn hóa đọc là đầu tiên và là cuối cùng trong sự trường tồn của loài người.

Khi internet, mạng xã hội phát triển vũ bão (Việt Nam là một trong số 10 “cường quốc” trên thế giới, tính theo số người sử dụng 2 phát minh này, gần 70% của 97 triệu người), thì chỗ đứng, vị thế của văn học là không còn nhất thành bất biến như trước đây. Nhiều người tỏ ra lo lắng, thậm chí bi quan khi thấy văn học bị đẩy xa khỏi trung tâm văn hóa, ra “ngoại biên”, ra “ngoài lề”.  Nhưng bình tĩnh thì sẽ thấy, đây là tình huống nhất thời.

Văn xuôi như là “mặt tiền” của văn học (từ Đổi mới 1986 đến nay)

Nói “Văn xuôi là mặt tiền của văn học” (từ Đổi mới đến nay), là không hề quá lời, trái lại sát với thực tiễn phát triển văn học đương đại. Từ sau 1975, văn học nước nhà phát triển theo quy luật ngày càng đa dạng, phong phú và phức tạp hơn (về thể loại, khuynh hướng, phong cách, bút pháp, kỹ thuật viết).

Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước (1954-1975) chúng ta tự hào có một nền thơ chiến đấu (vóc nhà thơ ngang tầm chiến lũy, nhà thơ cùng xương cùng thịt với nhân dân, thơ là tiếng nói đồng ý - đồng chí - đồng tình). Một thế hệ nhà thơ sẵn sàng “Không có sách chúng tôi làm ra sách/ Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình” (Hữu Thỉnh  - Đường tới thành phố).

Nhưng trong thời bình (từ sau 1975), thơ nếu không nói là khủng hoảng thì cũng rơi vào tình trạng “tụt hậu”, lo “gỡ rối” so với văn xuôi. Những loại thơ của các nhóm “NGỰA TRỜI” hay “ MỞ MIỆNG”, cùng với “THƠ RÁC”, kể cả “TÂN HÌNH THỨC” đã khiến cho thơ trở nên rắc rối, làm rối trí, rối loạn nhân tâm và thẩm mỹ thời đại. Chưa kể tình trạng “nhà nhà làm thơ người người làm thơ”. Nghĩa là thơ lạm phát.

Trong khung cảnh đó, văn xuôi nhận lấy sứ mệnh của mình. Đổi mới văn học (tính từ 1986) bắt đầu từ văn xuôi (với sự đóng góp của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Huy Thiệp, Thái Bá Lợi, Bảo Ninh, Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường,...) và chiếm lĩnh các đỉnh cao cũng chính là văn xuôi.

Từ năm 2000 đến nay, văn xuôi vẫn tiếp tục ở thế thượng phong trên văn đàn qua sáng tác của Nguyễn Xuân Khánh, Xuân Cang, Ma Văn Kháng, Nguyễn Kiên, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Phan Hách, Nguyễn Bắc Sơn, Vũ Huy Anh, Lê Lựu, Chu Lai, Bùi Việt Sỹ, Đào Thắng, Dạ Ngân, Nguyễn Văn Thọ, Lê Minh Khuê, Tạ Duy Anh, Trần Thùy Mai, Sương Nguyệt Minh, Y Ban, Cao Duy Sơn,... đến Võ Thị Hảo, Võ Thị Xuân Hà, Hồ Anh Thái, Thùy Dương, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Bình Phương, Phan Thị Vàng Anh, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư,...

Trong số các tác phẩm văn học Việt Nam được dịch và giới thiệu ở nước ngoài gần đây thì văn xuôi vẫn chiếm ưu trội. Đó là các tiểu thuyết và truyện ngắn của Bùi Ngọc Tấn, Ma Văn Kháng, Dương Hướng, Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường, Hoàng Minh Tường, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê, Trung Trung Đỉnh, Vĩnh Quyền, Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Phong Điệp, Nguyễn Ngọc Tư,...

Những giải thưởng văn học từ Đổi mới đến nay chiếm được cảm tình của đa số độc giả lại vẫn là văn xuôi: Thời xa vắng (tiểu thuyết, 1986) của Lê Lựu, Nỗi buồn chiến tranh (tiểu thuyết, 1990) của Bảo Ninh, Bến không chồng (tiểu thuyết, 1990) của Dương Hướng, Mảnh đất lắm người nhiều ma (tiểu thuyết, 1990) của Nguyễn Khắc Trường, Ăn mày dĩ vãng (tiểu thuyết, 1992) của Chu Lai, Hồ Quý Ly (tiểu thuyết, 1999) của Nguyễn Xuân Khánh, Lạc rừng (tiểu thuyết, 2000) của Trung Trung Đỉnh, Cánh đồng bất tận (truyện, 2005) của nguyễn Ngọc Tư, Họ vẫn chưa về ( tiểu thuyết, 2009) của Nguyễn Thế Hùng, Mình và họ (tiểu thuyết, 2014) của Nguyễn Bình Phương, Làn gió chảy qua (truyện ngắn, 2016) của Lê Minh Khuê, Kỳ nhân làng Ngọc (truyện ngắn, 2015) của Trần Thanh Cảnh, Mảnh vỡ của mảnh vỡ (tiểu thuyết, (2014) của Vĩnh Quyền, Thông reo Ngàn Hống (tiểu thuyết, 2016) của Nguyễn Thế Quang, Nậm Ngặt mây trắng (2019) của Nguyên Hùng Sơn, Từ Dụ thái hậu (2019) của Trần Thùy Mai, Thị Lộ chính danh (2020) của Võ Khắc Nghiêm, Cuộc vuông tròn (2019) của Nguyễn Bắc Sơn, Một ví dụ xoàng của (2020) Nguyễn Bình Phương, Nắng Thổ Tang (2020) của Đinh Pương... Có những tiểu thuyết không “ăn” giải thưởng nào nhưng có nhiều người tìm đọc như Cách trở âm dương (2009) của Vũ Huy Anh, Những kẻ giời hành (2015) của Đặng Vương Hưng, Huyết ngọc (2016) của Tống Ngọc Hân, Mộng đế vương (2018) của Nguyễn Trường, Chuyện tình Khau Vai (2019) của Nguyễn Thế Kỷ; gần nhất là Thiên mệnh (tiểu thuyết lịch sử, 2022) của Nguyễn Trọng Tân, Cõi nhân gian (tiểu thuyết, 2022) của Nguyễn Phúc Lộc Thành (4 quyển, 8 tập, gần 2000 trang).

Tiểu thuyết – thể loại chủ lực của văn học

Tiểu thuyết vẫn được gọi là “máy cái”, “thước đo sức khỏe” của văn học. Nói cách khác, tiểu thuyết là nơi lưu giữ hình ảnh đời sống dân tộc qua các thời kỳ lịch sử. Tiểu thuyết không đơn thuần chỉ là một thể loại văn học quan trọng, mà cao hơn là một nghệ thuật phản ánh đời sống.

Hội Nhà văn Việt Nam từ 1988 đến 2019 đã tổ chức 5 cuộc thi tiểu thuyết, đến Nhiệm kỳ X, 2020-2025, BCH Hội Nhà Văn Việt Nam đã chủ trương tạm dừng thi tiểu thuyết, dư luận văn giới có vẻ... ngơ ngác (!?). Trong vòng 20 năm, qua 5 cuộc thi, ước tính đã có gần 1000 tác phẩm gửi dự thi (đã in hoặc bản thảo). Tiểu thuyết được mùa đã kê cao văn học nước nhà lên một tầm vóc mới.

Tiểu thuyết về đề tài truyền thống chiếm ưu thế (tái hiện lịch sử xa và gần, kể cả các tác phẩm viết về chiến tranh đã qua): xa hơn là các tiểu thuyết Tám triều vua Lý, Bão táp triều Trần của Hoàng Quốc Hải, Hội thề của Nguyễn Quang Thân, Minh Sư của Thái Bá Lợi, Thế kỷ bị mất của Phạm Ngọc Cảnh Nam, Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh,... Gần hơn là Sương mù tháng giêng của Uông Triều, Trần Quốc Toản của Lưu Sơn Minh,  Chim bằng và nghé hoa của Bùi Việt Sỹ, Từ Dụ thái hậu của Trần Thùy Mai, Thị Lộ chính danh của Võ Khắc Nghiêm, Đức Thánh Trần của Trần Thanh Cảnh, Mỹ nhân nơi đồng cỏ của Lê Hoài Nam, Thiên mệnh của Nguyễn Trọng Tân,...

Tiểu thuyết về chiến tranh vẫn luôn được làm mới: Tiếng khóc của Nàng Út của Nguyễn Chí Trung, Miền hoang của Sương Nguyệt Minh, Mưa đỏ của Chu Lai, Lính trận của Trung Trung Đỉnh, Mùa hè giá buốt của Văn Lê, Đỉnh cao hoang vắng của Khuất Quang Thụy, Mình và họ của Nguyễn Bình Phương, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của Trần Mai Hạnh, Thư về quá khứ của Nguyễn Trọng Tân, Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn, Suối cọp của Hữu Ước, Trăng lên của Thế Đức, Người mẹ và cánh rừng của Châu La Việt,...

Bộ phận tiểu thuyết này được viết dưới ánh sáng của tinh thần “ôn cố tri tân”, hơn thế những tác phẩm viết về chiến tranh còn như là món nợ tinh thần của nhà văn cần phải trả với các thế hệ đã hy sinh xương máu vì nền độc lập tự do của đất nước. Nhà văn viết theo sự thôi thúc nội tâm “không được phép quên sự việc nào, không được quên con người nào”. Viết như là cách lưu giữ ký ức lương thiện.

Tiếp xúc với đời sống đương đại là đặc trưng tư duy tiểu thuyết, chiếm bộ phận lớn các tiểu thuyết xuất bản từ năm 2000 đến nay. Tiêu biểu phải kể đến Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Những ngã tư và những cột đèn của Trần Dần, Lửa đắng của Nguyễn Bắc Sơn, Cọng rêu dưới đáy ao của Võ Văn Trực, Hai nhà của Lê Lựu, Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh, Dưới chín tầng trời của Dương Hướng, Một mình một ngựa của Ma Văn Kháng, Chân trời xa thẳm của Trần Huy Quang, Quyên của Nguyễn Văn Thọ, Một thế giới không có đàn bà của Bùi Anh Tấn, Đốt trúc của Nguyễn Đắc Như, Xuyên qua cánh rừng của Cầm SơnHuyết ngọc của Tống Ngọc Hân, Vùng xoáy của Vũ Quốc Khánh, Lạc lối của Thùy Dương, Kiếp người của Hữu Ước, Cuộc vuông tròn của Nguyễn Bắc Sơn, Một ví dụ xoàng của Nguyễn Bình Phương, Cõi nhân gian của Nguyễn Phúc Lộc Thành,...

Bộ phận tiểu thuyết này được viết theo tinh thần tiếp cận “cái chưa hoàn tất” (như là một đặc điểm của tư duy tiểu thuyết). Nếu có sự hấp dẫn của tiểu thuyết đương đại thì chính bộ phận này có sức gây men nhiều nhất với độc giả, đồng thời cũng gây tranh luận trái chiều nhiều nhất (Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Một thế giới không có đàn bà của Bùi Anh Tấn, Cõi nhân gian của Nguyễn Phúc Lộc Thành là những ví dụ tiêu biểu).

Phát hiện thế gới tâm linh của con người thời hiện đại là một xu hướng tiểu thuyết có nhiều độc giả như Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh, Cách trở âm dương của Vũ Huy Anh, Cõi Ta Bà của Dương Kỳ Anh, Và khi tro bụi, Mưa ở kiếp sau của Đoàn Minh Phượng, Nhân gian, Thức giấc của Thùy Dương, Thể xác lưu lạc của Tiến Đạt, Tiểu thuyết đàn bà của Lý Lan, Giữa cõi âm dương của Thu Loan, Ngược mặt trời của Nguyễn Một... Nhà văn Pháp A. Malraux thuyết phục chúng ta rằng “Thế kỷ XX là thế kỷ của tâm linh”.

Quan niệm đó có thể ứng dụng cho cả thế kỷ XXI. Đi vào thế giới tâm linh, một thế giới huyền bí, đôi khi “phi logic”, “phi lý”, “siêu nhiên”, “siêu thực”, nhà văn khác nào nghệ sỹ biểu diễn xiếc trên dây. Thành công và thất bại thường 50/50, vì miêu tả cái không nhìn thấy trực tiếp khó gấp trăm lần cái nhìn thấy, nhà văn phải phát huy cao độ trí tưởng tượng. Nhưng ngay cả trí tưởng tượng cũng không phải là vô bờ bến.

Chúng tôi chú ý đến cách viết của Vũ Huy Anh từ Trăm năm thoáng chốc (2004) đến Cách trở âm dương (2009). Ở đây chúng tôi không lạm bàn về nội dung thể hiện, mà về cách thức thể hiện, theo nguyên lý văn học “quan trọng không phải là viết cái gì mà là viết như thế nào”. Có thể nói, đi vào thế giới tâm linh là một hướng mở đối với văn học. Đó  là một thế  giới kép: vừa “cũ” - “mới”, vừa “khó” - “dễ”, vừa “gần” - “xa”, vừa “hữu hình” - “vô hình”, vừa “vĩ mô” - “vi mô”,...

Niềm hy vọng thiêng liêng

Nói như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, đây là “Thời của tiểu thuyết”. Theo dự báo của Nguyễn Minh Châu cách đây hơn 30 năm thì nó (tiểu thuyết) sẽ phát triển theo mấy khuynh hướng sau: vẫn cần “sử thi” khi có khát vọng bao quát thực tại, lại cần cô đặc lại trong hình thức tiểu thuyết ngắn (vài trăm trang), cần khuyến khích thể loại trinh thám, triết lý, viễn tưởng,... nghĩa là dọn “món ăn tinh thần” ngày càng phong phú cho độc giả.

Nhưng dẫu khoác bộ “xiêm áo” nào thì tiểu thuyết vẫn cần thực hiện nhiệm vụ nghệ thuật phát hiện vẻ đẹp đời sống tâm hồn con người thời đại. Thế giới tâm linh đang là “miền đất hứa” với các nhà tiểu thuyết. Hơn bao giờ hết, tiểu thuyết là tiêu chuẩn đo “sức khỏe” của một nền văn học.

Truyện ngắn Việt Nam hiện đại/ đương đại, công bằng nhận xét, cũng không kém cạnh so với truyện ngắn thế giới mà chúng ta đã dịch và giới thiệu thời gian qua. Trước 1945, trên văn đàn Việt Nam đã ghi nhận những tác gia truyên ngắn như Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, Bùi Hiển, Tô Hoài, Nguyên Hồng,...

Từ sau 1945, đặc biệt sau Đổi mới văn học (1986), truyện ngắn vẫn là một văn mạch chính có thành tựu với sự đóng góp của các nhà văn tài năng như Vũ Hạnh, Sơn Nam, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Nguyễn Minh Châu, Xuân  Thiều, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Ngọc Tư,...

 Truyện ngắn và tiểu thuyết là hai thể loại văn học đem lại niềm hy vọng thiêng liêng cho một tiền đồ văn học Việt Nam đến một thời cơ “hòa mạng” vào bản đồ văn học thế giới, làm cho tiếng Việt không còn trở nên cô đơn như ai đó từng băn khoăn, trăn trở./.

(arttimes.vn)