50 năm Văn học Đà Nẵng: Nhìn lại để vươn tới đỉnh cao

30.11.2024
Nguyễn Kim Huy
Với sự kế thừa một truyền thống Văn học quý giá và với những tiềm năng, những triển vọng đã và đang có, các Nhà văn Đà Nẵng và Hội Nhà văn TP Đà Nẵng sẽ có một bước phát triển mới, có bước bứt phá để vươn đến đỉnh cao.

50 năm Văn học Đà Nẵng: Nhìn lại để vươn tới đỉnh cao

Đại biểu tham dự Hội thảo “Nhà văn và con đường đưa tác phẩm văn học đến với bạn đọc” – Hội Nhà văn Đà Nẵng. Ảnh: Anh Đào – Báo Nhân dân

1. Nối tiếp truyền thống văn học rạng rỡ của miền đất “Ngũ phụng tề phi.”
Nối tiếp truyền thống hiếu học và văn học của vùng đất “Ngũ phụng tề phi” Quảng Nam - Đà Nẵng từ thế hệ các “nhà văn khoa bảng, chí sĩ” ở Đất Quảng thế kỷ XIX, XX từ Phạm Phú Thứ, Hà Đình Nguyễn Thuật, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Trần Cao Vân… và các nhà văn tiền bối Khương Hữu Dụng, Phan Khôi, Hằng Phương, Thái Can, các nhà văn Tự Lực Văn đoàn gốc Quảng Nam đến các nhà văn trong chiến tranh Hoàng Châu Ký, Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Văn Bổng, Võ Quảng, Trinh Đường, Phan Tứ, Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Lưu Trùng Dương, Bùi Minh Quốc, Thanh Quế, Thái Bá Lợi, Đông Trình, Bùi Công Minh…, những nhà văn chủ lực đã góp phần làm nên các thời đại văn học rực rỡ trong lịch sử văn học Việt Nam với Thơ mới, tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn và những tác phẩm lớn trong chiến tranh giai đoạn từ 1945 đến 1975 – Hội Nhà văn TP Đà Nẵng từ khi thành lập trên cơ sở Chi hội Văn học thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng của mình, đã nỗ lực thu hút tập hợp một đội ngũ đông đảo các nhà văn đang sống và viết tại thành phố về sinh hoạt dưới một ngôi nhà Văn học chung của Hội. Đến nay đã có 113 nhà văn các thế hệ từ trước và sau 1975, đặc biệt là lớp nhà văn lão thành giàu kinh nghiệm sáng tác từ chiến tranh và các nhà văn trẻ sau Đổi mới 1986 năng động, nhiệt tâm, xông xáo luôn gần gũi, gắn bó, động viên nhau cùng đi tiếp trên con đường sáng tạo văn chương nhọc nhằn mà cũng nhiều đam mê, hạnh phúc trên từng trang viết.

2. Những nỗ lực sáng tạo và đóng góp Văn học được ghi nhận 50 năm qua
Hơn 50 năm qua, nhiều tác phẩm của các tác giả là Hội viên Hội Nhà văn TP Đà Nẵng thường xuyên và liên tục ra mắt bạn đọc xa gần hằng năm với nhiều tác phẩm có sức lan tỏa rộng rãi và được trao tặng nhiều Giải thưởng Văn học quốc tế, quốc gia… với các tên tuổi được bạn đọc ghi nhận như các các nhà văn Phan Tứ, Hoàng Châu Ký, Thu Bồn - Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT; Lưu Trùng Dương, Thái Bá Lợi, Thanh Quế - Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, nhà văn Vĩnh Quyền – Giải thưởng Văn học ASEAN 2021 cho tiểu thuyết “Trong vô tận” (tiểu thuyết cũng đã đoạt giải nhì tiểu thuyết giai đoạn 2016 -2019 của Hội Nhà văn Việt Nam)…

Những tác phẩm có giá trị văn học, được dư luận bạn đọc đánh giá cao và từng được trao tặng các giải thưởng quốc tế (Văn học ASEAN, Văn học Sông Mê Kông), quốc gia (Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội đồng LLPB VHNT TW, VHNT định kỳ 5 năm và hằng năm các tỉnh thành…) và Thành phố (Giải thưởng VHNT định kỳ 5 năm của UBND TP, giải thưởng hằng năm của Liên hiệp VHNT và Hội Nhà văn TP) của các tác giả là Hội viên Hội Nhà văn đã được Hội Nhà văn Đà Nẵng tập hợp biên soạn và giới thiệu khá phong phú đầy đủ trong Tuyển tập “Hội Nhà văn Đà Nẵng - Tác phẩm đoạt Giải 2001 – 2021” (NXB Đà Nẵng, 2022) với 26 tác giả thơ và 19 tác giả văn xuôi tiêu biểu. Về văn là các tác phẩm chọn lọc của Bùi Công Dụng, Nguyễn Thị Anh Đào, Đỗ Xuân Đồng, Quế Hương, Lê Khôi, Phan Thu Loan, Đà Linh, Thái Bá Lợi, Bùi Tự Lực, Hoàng Minh Nhân, Nguyễn Đông Nhật, Phạm Phát, Vĩnh Quyền, Trần Trung Sáng, Nguyễn Thị Thu Sương, Bùi Văn Tiếng, Trương Điện Thắng, Nguyễn Văn Xuân, Đoàn Xoa. Và thơ tuyển từ các tác giả Hồ Sĩ Bình, Lưu Trùng Dương, Lê Anh Dũng, Nguyễn Ngọc Hạnh, Nguyễn Kim Huy, Nguyễn Minh Hùng, Nguyễn Nho Khiêm, Phụng Lam, Vạn Lộc, H’man, Võ Kim Ngân, Trương Văn Ngọc, Phan Hoàng Phương, Mai Hữu Phước, Thanh Quế, Thụy Sơn, Nguyễn Văn Tám, Trần Trúc Tâm, Nguyễn Hoàng Thọ, Hoàng Tư Thiện, Đinh Thị Như Thúy, Hoàng Tư Thiện, Nguyễn Nhã Tiên, Trần Tuấn, Ngân Vịnh, Bùi Xuân.

Những năm qua, mặc dù tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động, chiến tranh thiên tai dịch bệnh dồn dập liên miên; đời sống bị nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là chính trị kinh tế và các phương tiện văn hóa giải trí từ công nghệ thông tin ngày càng phát triển chi phối cạnh tranh quyết liệt, nhưng ngọn lửa đam mê sáng tác văn chương luôn tiếp tục được duy trì thường xuyên trong hầu hết các Hội viên Hội Nhà văn TP Đà Nẵng với từ 10 đến 18 tác phẩm văn thơ được xuất bản giới thiệu hằng năm, nhiều tác phẩm được bạn đọc rộng rãi đón nhận, đánh giá cao. Đặc biệt, rất đáng ghi nhận sự sáng tạo tác phẩm thường xuyên bền bỉ mang hơi thở và sức sống thời đại mới rất rõ của các tác giả Đà Nẵng đa số là Hội viên đang độ sung sức, tươi trẻ: Lệ Hằng, Vũ Ngọc Giao, Trần Ngọc Đức, Nguyễn Thị Thu Thủy, Trương Thị Bách Mỵ, Lê Hải Kỳ, Đoàn Hạo Lương,Trần Thiên Hương …

3. Và đôi điều cảm nhận, suy nghĩ về các tác phẩm của các Nhà văn Đà Nẵng hiện nay…
Những nỗ lực không ngừng để sáng tạo nên các tác phẩm văn học như trên đã phần nào khắc họa được diện mạo văn học khá phong phú đa dạng, kể cả về nội dung lẫn thể loại của các thế hệ Nhà văn TP Đà Nẵng, là những dẫn chứng sinh động cho niềm say mê văn chương và những nỗ lực không ngừng trên con đường sáng tạo Văn học của các nhà văn Đà Nẵng và Hội Nhà văn Đà Nẵng trong năm năm qua.

Tuy nhiên, có thể thấy một thực trạng là, các nhà văn Đà Nẵng hiện nay, đặc biệt là thế hệ các nhà văn trẻ sau 1986, dù được đào tạo bài bản, có ý thức đọc và học, đi và viết, nhưng thực sự trong tình hình mới này, trước những biến chuyển lớn lao mọi mặt và tác động dữ dội của cuộc sống hiện đại với những vấn đề gay gắt nổi lên dồn dập mỗi ngày, dường như thường chỉ muốn viết một cách tự do, ngẫu hứng, theo sự yêu thích và mong muốn mơ ước riêng của mình. Điều đó thể hiện rất rõ trong một số tác phẩm của họ, ngay cả ở những tác phẩm tưởng như thành công khi có được sự giới thiệu, hoan nghênh rộng rãi của dư luận bạn đọc, nhưng lại rất sớm đi vào lãng quên. Nếu muốn làm nên những tác phẩm thật sự, để đời, lan tỏa sâu rộng và bền bỉ, điều kiện tiên quyết thiết nghĩ phải là sự nỗ lực đầu tiên của bản thân các nhà văn về sự đọc, sự học, biết dấn thân đi vào tìm hiểu cuộc sống hiện đại, say mê và miệt mài khám phá tiếp thu những cái đẹp cái hay ngàn đời từ kho tàng tinh hoa văn học nhân loại để có thể chọn lọc, định hình phương pháp thể hiện và phong cách sáng tác riêng, độc đáo nhưng hiệu quả, phù hợp với quan điểm nghệ thuật cũng như năng lực sáng tạo văn chương của mình.

Mặt khác, có cảm giác không nhiều các nhà văn hiện nay dám chịu xông xáo vào cuộc sống, ghi nhận kịp thời mọi biến động của đời sống xã hội đang đổi thay lớn lao dữ dội từng ngày từng giờ để đưa vào trang viết. Những vấn đề hiện tại của cuộc sống thường được các nhà văn Đà Nẵng sử dụng một thể loại thích hợp hơn: bút ký. Nhưng, như nhiều bạn đọc nhận định, các bút ký của các tác giả Đà Nẵng khá… nhẹ nhàng, thiên về ca ngợi, hoặc thậm chí viết theo phong trào, cuộc thi với những đề tài đã được ấn định sẵn, khó gây được ấn tượng mạnh mẽ với người đọc vì thiếu các vấn đề gai góc đang nổi cộm lên từ cuộc sống thường ngày của thành phố, và vì thế cũng khó có sức sống lâu dài cùng thời gian được.

Một khuynh hướng sáng tác có thể do quan niệm nghệ thuật kinh điển ảnh hưởng khá sâu đến các nhà văn Đà Nẵng là thường đầu tư viết về những vấn đề vĩ mô, có tính nhân văn cao cả, có chiều sâu triết học và chiều rộng rung cảm bao la. Nhiều tác phẩm theo khuynh hướng này đã rất thành công, nhưng không ít tác phẩm cần một thời gian dài để hiểu, để nhận ra giá trị hoặc rất cần sự chỉ dẫn phân giải của các nhà phê bình văn học, một điều đang là hiếm hoi trong thực trạng văn học cả nước hiện nay. Và nó cũng giải thích vì sao Văn học Đà Nẵng hiện tại ngoài một số tác phẩm công phu, hình như còn thiếu dấu vết sôi động nóng bỏng của cuộc sống, ít có bóng dáng những tác phẩm gây tiếng vang, gây nên dư luận xôn xao như ở các vùng văn học khác.

Đi, tự nguyện lao vào, dấn thân vào cuộc sống, rút tỉa từ chính cuộc sống với những vấn đề nóng bỏng của nó để viết, chúng ta mới có thể hy vọng vào sức sống sâu rộng và sự lan tỏa bên lâu của những tác phẩm các nhà văn Đà Nẵng để lại cho tương lai!

4. Suy nghĩ về vấn đề định hướng trở thành nhà văn chuyên nghiệp và hình thành những nhà văn chuyên nghiệp tại Đà Nẵng.
Hầu hết các nhà văn Đà Nẵng hiện nay đều viết văn trong tư thế là… nghề tay trái. Hầu hết đều gắn bó với biên chế hoặc với những nghề nghiệp có thể nuôi sống mình và gia đình: nhà báo, bác sĩ, nhà giáo, nhà doanh nghiệp, sĩ quan quân đội công an… Gần như chỉ khi nghỉ hưu, các nhà văn mới rời khỏi công việc áo cơm để toàn tâm toàn ý sống và viết với nghề văn, trở thành một nhà văn toàn phần, chuyên nghiệp!

Trong xu thế xã hội hiện đại, việc đòi hỏi một nhà văn phải có tính chuyên nghiệp, suốt đời chỉ dành thời gian, sức lực cho văn chương gần như là một điều bất khả thi. Nhưng lịch sử văn học nhân loại đã cho thấy, hầu như những tác phẩm lớn chỉ xuất hiện ở các nhà văn lớn chuyên nghiệp, dám đánh đổi tất cả để hiến mình cho văn chương, cả Đông và Tây đều đã có những nhà văn như vậy, từ Lev Tolstoi đến Lỗ Tấn. Ở một điều kiện nào đó, nếu như có niềm say mê lớn lao và một ý chí kiên định để quyết có tác phẩm để đời, chắc chắn chúng ta vẫn có thể có thể phấn đấu để mỗi người thành một nhà văn chuyên nghiệp… hữu hạn, nghĩa là trong một khoảng thời gian nhất định nào đó trong cuộc đời toàn tâm toàn ý dành cho tác phẩm của mình, không làm, không nghĩ, không dành thời gian cho bất cứ việc gì khác ngoài việc hoàn thành tác phẩm! Thiết nghĩ, một tác phẩm lớn chỉ có thể hình thành và xuất hiện khi và chỉ khi nhà văn đang viết nó với một tâm thế của nhà văn chuyên nghiệp, dù là hữu hạn như vậy.

Định hướng trở thành nhà văn chuyên nghiệp và có chương trình, kế hoạch ngắn và dài hạn đầu tư, xây dựng, đào tạo những nhà văn chuyên nghiệp tại Đà Nẵng hiện nay là một việc cực kỳ khó khăn, gần như bất khả thi trong tình hình cuộc sống đa dạng và phức tạp, luôn biến động của xã hội hiện tại, nhưng thiết nghĩ, chúng ta rất cần nêu lên vấn đề và có phương hướng khả thi, chi tiết, cụ thể theo từng bước từ dễ đến khó, từ trước mắt đến lâu dài để có thể hình thành các nhà văn chuyên nghiệp tại Đà Nẵng. Có nhà văn chuyên nghiệp, mới có hy vọng sẽ xuất hiện những tác phẩm lớn mang dáng vóc thời đại, mang hơi thở cuộc sống hiện đại gởi lại cho mai sau.

Thiết nghĩ, muốn có tác phẩm lớn, mỗi nhà văn chẳng những phải dấn thân theo đuổi một lý tưởng nghệ thuật văn chương rõ ràng, đúng đắn, mới mẻ, thể hiện nó mạnh mẽ và xuyên suốt trong từng trang viết của mình, mà còn phải có điều kiện thời gian đầu tư công sức cho tác phẩm của mình một cách… chuyên nghiệp!

Với sự kế thừa một truyền thống Văn học quý giá và với những tiềm năng, những triển vọng đã và đang có, bạn đọc có thể hy vọng và chờ đợi trong thời gian đến, phong trào VHNT nói chung và sáng tác Văn học nói riêng của các Nhà văn Đà Nẵng và Hội Nhà văn TP Đà Nẵng sẽ có một bước phát triển mới, có bước bứt phá để vươn đến đỉnh cao cùng với sự phát triển mọi mặt của thành phố hiện nay. Hy vọng trong thời gian tới, trong tương lai, với sự quan tâm chỉ đạo giúp đỡ hỗ trợ, động viên đầu tư mạnh mẽ từ lãnh đạo, các cấp các ngành hữu quan Thành phố và Liên hiệp các Hội VHNT Thành phố…, các nhà văn Đà Nẵng sẽ có đủ điều kiện chủ quan và khách quan để toàn tâm toàn ý và dốc sức cho công việc sáng tác tâm huyết mà nhọc nhằn của mình, và sẽ nỗ lực phấn đấu để có những tác phẩm lớn, mang tầm thời đại, xứng tầm hơn nữa với sự phát triển của đất nước và thành phố quê hương như xã hội, bạn đọc hy vọng, tin tưởng!

(baovannghe.vn)