PGS.TS Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân “Còn mãi một tình yêu”

03.01.2017

Triết lý âm nhạc của người nghệ sĩ ấy được lan tỏa làm bệ phóng cho những thế hệ tiếp nối bay cao, và họ đã được khẳng định trong thị trường âm nhạc đương đại.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân luôn bận rộn với công việc nhưng lần nào gặp anh cũng tươi cười, trao cho tôi nét hồn hậu, thân thiện.Trong một lần đến thăm anh tại gia đình, tôi có dịp được anh đàn cho nghe tác phẩm “Đối thoại”. Có lẽ anh đích thực là chính mình khi ngồi bên cây đàn. Những ký ức cứ tràn về. Tôi im lặng lắng nghe câu chuyện của anh từ những suối nguồn âm thanh lãng mạn và mênh mông cảm xúc.

PGS.TS Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân “Còn mãi một tình yêu”

Những ký ức khó quên

Nhắc đến nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, người ta hay nhắc đến chuyện anh đóng phim “Thằng Cuội” hồi 1989 như một sự khích lệ đáng yêu. Có người còn nói, không những anh là một nhạc sĩ đầu tiên đóng phim, mà còn là một tiến sĩ nữa chứ thế mới kinh. Hẳn anh là người được ghi danh vào kỷ lục (Guinness) là tiến sĩ duy nhất đóng phim hiện nay ở nước ta. Ấy còn chưa kể anh được Nhà nước phong hàm Phó Giáo sư vào tháng 10/2015. Nhưng thật ra với những tác phẩm âm nhạc viết cho phim và sân khấu của anh mới là câu chuyện đáng nể. Đúng nghề, đúng tài. Một kỷ lục từ trước đến nay chưa ai có, mà anh đã đạt được đó là 6 giải thưởng cho âm nhạc trong Liên hoan phim vào các năm 1986-1990-1993-1995-2000-2004. Đó là những tác phẩm viết cho các phim như: Mùi cỏ cháy; Bến không chồng; Cuốc xe đêm; Những người thợ xẻ; Người yêu đi lấy chồng...

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân tâm sự viết nhạc cho phim, hay sân khấu rất gần gũi với sáng tác nhạc không lời cho một dàn nhạc với những chủ đề đã được xác định. Người viết cần có sự đam mê thật sự với cảm xúc dồi dào mới thu hút được người nghe. Anh có hàng chục tác phẩm khí nhạc viết cho giao hưởng hay nhạc cụ biểu diễn. Đáng chú ý nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân còn là một người viết nhạc cho các vở kịch hát hay ba lê rất thành công như “Hồng Hoang” (Ballet), Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam biểu diễn; hay như “Câu chuyện tình” (kịch hát) và “Nàng Silami” (kịch hát), đều do Nhà hát Tuổi trẻ biểu diễn vào các năm 1989 và 1991. Anh còn cho biết năm 2016 khi tròn 60 tuổi cho ra đời một vở Opera về con đường 20 như bổ sử thi bằng âm nhạc về sự hy sinh của những nữ chiến sĩ anh hùng, hiến dâng tuổi trẻ cho cuộc chiến đấu thần thánh của dân tộc ta.

Khi nhắc đến chuyến đi biểu diễn ở Nga hồi tháng 9/2015, anh sôi nổi hẳn lên với những kỷ niệm của sau gần 40 năm trở lại nước Nga và được cầm đũa chỉ huy dàn nhạc ngay trên sân khấu của nhạc viện Traicopxki, nơi anh đã từng học từ năm 1976 và bảo vệ thành công xuất sắc học vị tiến sĩ âm nhạc về chỉ huy và sáng tác năm 1985. Anh đưa cho tôi xem chân dung của Giáo sư Albert Leman, Nghệ sĩ Nhân dân Liên bang Nga, nhà hoạt động Nghệ thuật Công huân Liên bang Nga Xô viết, Giải thưởng Quốc gia; người thày đã dạy anh suốt cả chục năm trời cho đến khi thành tài. Chuyến đi biểu diễn để tưởng nhớ 100 năm ngày sinh của giáo sư Leman. Anh là một, trong 10 học trò quốc tế xuất sắc nhất của Giáo sư, được chọn chỉ huy dàn nhạc quân đội trình diễn tác phẩm của mình. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói, khi đó anh đưa tác phẩm “Trổ Một” với tất cả nỗi niềm nhớ ơn người thày đã dậy dỗ mình. Đó là một triết lý học thuật vĩnh cửu, âm nhạc hiện đại phải bắt nguồn từ truyền thống. Từ truyền thống mà đi lên với niềm đam mê sáng tạo. Đó mới là âm nhạc đích thực. Anh rưng rưng với những ký ức Nga dội về. Khi cầm đũa chỉ huy dàn nhạc trên đất bạn, trong lòng anh thầm hát lên những lời ca hướng về Tổ quốc, với con sông quê hương và giai điệu của âm nhạc dân ca đồng bằng Bắc bộ làm xao xuyến lòng người.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân thấm nhuần triết lý âm nhạc của người thày và đã theo đuổi gây dựng sự nghiệp âm nhạc của mình, trên nguyên tắc tiếp thu những tinh hoa âm nhạc cổ truyền, tạo nên những tác phẩm mới lạ. Người nghe nhớ tới anh qua những tác phẩm đậm chất việt tộc như: “Ngũ hành cho bộ gõ”; “Tứ tấu cho đàn dây”; “Sắc xuân” cho đàn bầu và dàn nhạc Giao hưởng dân tộc; “Trổ một” cho dàn nhạc giao hưởng; Và đó còn là những “Mở đất”; “Rhapsodie Việt Nam” hoặc ballet “Hồng Hoang”... Không ít tác phẩm trên đã đem lại các giải thưởng của Hội Âm nhạc Việt Nam và Giải thưởng Nhà nước năm 2012. Và, đó cũng chính là một thương hiệu âm nhạc mang tên Đỗ Hồng Quân đáng tin cậy; khi anh được bầu làm Chủ tịch Hội Âm nhạc, từ năm 2005 đến nay, qua ba khóa liên tiếp. Nhiệm kỳ mới nhất 2015-2020.

Những giai điệu ấm áp của bản “Đối thoại” đưa tôi vào một trường âm thanh rạo rực nỗi niềm về tình yêu cuộc sống. Ngồi trong căn phòng tình yêu của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, được nghe anh đàn, tôi bị cuốn hút với âm hưởng mơ mộng về một vườn âm thanh đang tràn về đây. Một tổ ấm mộc mạc đơn sơ đến không tưởng này cũng tràn đầy kỷ niệm mà tôi khó có thể hình dung...


“Còn mãi một tình yêu” là câu hát trong một bài ca khúc của Đỗ Hồng Quân. Tôi đã nghe với niềm vui rạo rực của anh trên Sân Vận động quốc gia Mỹ Đình. Và giờ đây nó bỗng vang lên trong căn phòng này. Tôi ngồi vừa nghe nhạc vừa ngắm căn phòng cùng cây dương cầm với những nghĩ suy bâng khuâng khó nói. Đây là căn phòng mà hai đời Chủ tịch Hội Âm nhạc Việt Nam đã gắn bó. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân kể, gia đình anh ở đây từ năm 1956, khi anh mới chào đời. Nhiều tác phẩm âm nhạc của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận được viết từ căn phòng này, trong một góc nhỏ hẹp. Đến khi được bầu làm Tổng Thư ký Hội Âm nhạc, và công tác hàng chục năm ông vẫn ở đây, viết nhạc và nuôi các con khôn lớn.Còn mãi một tình yêu

Đến đời nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng vậy, không dời đi đâu. Lấy vợ, sinh con, chăm nom bố mẹ ốm đau cho đến khi mất vẫn tại căn phòng này, vẻn vẹn chừng 35 mét vuông. Thấy lạ, tôi hỏi tình thật, sao đến ba khóa làm Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam mà anh không hề tìm cách xoay sở lấy một mảnh đất làm nhà. Đỗ Hồng Quân nở một nụ cười “Chú Cuội” hết sức chân tình giải thích, tại cái số không may, mọi cơ hội không đến lượt mình. Anh còn nói, mà cái sự xoay sở hay mầy mò tìm lối thoát, không còn là mình nữa. Thôi đành! Thế còn cô vợ Chiều Xuân có tiếng giỏi giang, xinh đẹp, một nữ giám đốc công ty làm phim mà cũng chịu à. Đỗ Hồng Quân lại cười. Thế là tôi cũng đành không thắc mắc nữa khi anh nói, đã gần ba mươi năm chung sống với căn phòng này, nghệ sĩ Chiều Xuân cũng không có đòi hỏi gì hơn, ngay cả vào những năm đời sống cam go nhất. Tất cả tình cảm tâm trí đều dồn vào công việc và chăm sóc chồng con, Chiều Xuân không có mong muốn gì hơn, một cuộc sống bình yên và hạnh phúc. Mong chứ, một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi, nhưng vận may chưa đến. Chịu! Vậy ra được cả vợ cả chồng, vẫn hàng ngày dắt xe len lách vào lối đi nhỏ hẹp. Sau đó bước lên những bậc cầu thang cũ kỹ để vào căn phòng tình yêu của mình.

Tôi chợt nhớ đến bài hát “Chiếc lá đầu tiên” của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, được viết trên chiếc bàn nhỏ đơn sơ kia. Với những cảm xúc tha thiết trong giai điệu qua từng ý thơ của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, anh muốn trao gửi tình yêu đầu tiên và tuổi trẻ cho người mình yêu. Đỗ Hồng Quân tâm sự, đó chính là những giai điệu được viết từ trái tim, tặng riêng cho nghệ sĩ Chiều Xuân ngày nào. Lời ca dịu dàng nuôi dưỡng một cuộc tình trọn vẹn cho đến nay và mãi mãi về sau. Đây là ca khúc phổ thơ đầu tiên của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, do ca sĩ Mỹ Linh hát, sau hàng loạt bài hát khác đều gây tiếng vang trong đời sống âm nhạc. Có thể kể đến ca khúc “Hoa gạo” (phổ thơ Vũ Thị Huyền, do Mai Hoa thể hiện); “Khúc hát ra khơi” (phổ thơ Trần Đăng Khoa, tốp ca nam Dòng Thời Gian trình bày); hoặc bài “Mẹ” (phổ thơ Lê Huy Hòa); Đặc biệt mới đây anh còn sáng tác ca khúc “Ngã ba chiều” (phổ thơ Trần Sỹ Tuấn, do ca sĩ Anh Thơ hát). Đây là một ca khúc hay về hình tượng của 10 cô gái đã hy sinh ở ngã ba Đồng Lộc, trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, qua những lời thơ đầy xúc động của nhà thơ Trần Sỹ Tuấn. Người nghe không thể cầm được nước mắt khi nghe đến câu thơ: “Khi các chị ngã xuống. Tuổi xanh chưa biết yêu. Những dòng người đến viếng. Nước mắt đau trong chiều.

Cùng với đó nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân còn có nhiều ca khúc hay được tuyển chọn và phát hành Album “Chiếc lá đầu tiên”. Đặc biệt trong lĩnh vực thanh nhạc anh có những tác phẩm mang tính quảng đại đáng chú ý như “Tạm biệt Sea Games 22”; hay “Công đoàn ca”, hoặc “Tự hào Tiếng nói Việt Nam”. Riêng ca khúc “Mái nhà chung mầu xanh”, viết về đề tài môi trường của anh đã đoạt Giải nhất, do UNEF (UNESCO) tổ chức, năm 2001...

Đúng là còn mãi một tình yêu ở căn phòng nhỏ này. Từ đây tạo dựng nên sự nghiệp của hai nhạc sĩ tài năng của nước nhà. Hàng trăm tác phẩm đã ra đời trên cây dương cẩm cổ của hai thế hệ cha và con. Còn mãi một tình yêu. Lời ca cứ vang lên rộn ràng trong tôi như ngày nào. Bài hát của Đỗ Hồng Quân làm rạo rực hàng triệu con tim khi chia tay Sea Games 22 trên Sân Vận động Mỹ Đình không bao giờ tắt.

Tiếng vọng

Thật bất ngờ khi câu chuyện của chúng tôi bàn đến công việc đào tạo của anh ở Nhạc viện Âm nhạc Hà Nội đã vài chục năm qua. Đây cũng là cái nôi nuôi dưỡng anh những ngày đầu tiên vào con đường gây dựng sự nghiệp âm nhạc. Việc được nhận hàm Phó Giáo sư của anh là một thành quả hết sức sâu sắc trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo một lực lượng âm nhạc mới, trẻ trung và hiện đại. Nhiều học trò của anh trưởng thành và có những sáng tạo đáng kể cho các dòng sáng tác âm nhạc. Đó là lứa nhạc sĩ thành danh như Vũ Thiết, Vũ Thảo, Lương Minh, Trần Nhật Dương... hay như sau này có Phạm Minh Thành, Đỗ Bảo, Lưu Hà An... Nói về chuyện này, anh có lúc tâm sự chính việc giảng dạy và đào tạo thích hợp với mình nhất. Đó là niềm vui bên cạnh sự say mê sáng tạo tác phẩm âm nhạc. Triết lý âm nhạc của anh được lan tỏa làm bệ phóng cho những thế hệ tiếp nối bay cao, và họ đã được khẳng định trong thị trường âm nhạc đương đại.

Nhà văn Vương Tâm

(Trích tập “Nước mắt thời gian”)