Bức tranh xã hội trong truyện ngắn “Ai là tội phạm” của Vũ Hải
Liệu ba mẹ có đang là “tội phạm” với con của mình?
Bất cứ bậc làm cha làm mẹ nào cũng yêu thương con mình vô điều kiện, luôn muốn mọi thứ tốt đẹp nhất cho con và có xu hướng đầu tư cho con vào những gì bản thân phụ huynh nhận thấy là phù hợp, mà vô tình quên mất rằng thứ con mình cần là gì. Trong Ai là tội phạm, Tú được ba mẹ đầu tư cho môn văn rất nhiều, bằng cách cho học đi học kèm văn với mong muốn cậu sẽ có kĩ năng viết tốt để có thể theo nghề của bố mẹ. Tuy vậy, sự kỳ vọng này lại mang đến áp lực đối với Tú. Bởi cậu không thích nó và cũng cảm thấy mình không có khả năng, không có năng khiếu viết “Tú viết ngắn, học dở lại không có ý tưởng nên nhiều bài văn Tú chỉ viết chưa đến một trang giấy vở”. Trẻ con dưới sự kỳ vọng của ba mẹ luôn mang theo áp lực và tự nhủ bản thân phải cố gắng nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu học hành trong một tâm thế không thoải mái, hiệu quả sẽ không cao, dẫn đến trẻ thiếu tự tin khi kết quả không đạt được kỳ vọng. Tú cũng thế, dù bài viết đã tốt dần lên nhưng trong Tú vẫn là sự mặc cảm, tự ti không dám để bố mẹ đọc bài viết của mình, vì nó có quá nhiều lỗi, bút đỏ của dấu sửa bài lấn át cả màu mực xanh mà Tú viết. Đối mặt với áp lực lớn từ gia đình, những lời nói của ba mẹ, vô tình khiến Tú mang sự ấm ức. Mới sáng ra, ba đã đặt trước Tú một chồng báo và bắt Tú phải đọc, đe doạ Tú nếu không đọc và nói dối thì sẽ có chuyện, mẹ cậu lôi những câu chuyện về gương người tốt việc tốt, hay những tội phạm để giáo dục cậu, nhắc nhở cậu thường xuyên luyện viết để có thể đứng trong ngành báo. Khi đối mặt với những áp lực lớn, sự thúc ép của ba mẹ, trẻ sẽ có tâm lý chán nản, đó là chưa kể sở thích của trẻ không nằm ở lĩnh vực đó. Ví như, với Tú, cậu luôn cảm thấy môn học thật khó nuốt, khô và khó,.. Sự kỳ vọng quá lớn, sự thúc ép quá cao đã khiến Tú rơi vào căng thẳng. Với cường độ như vậy, bề ngoài Tú vẫn rất nghe lời, không dám cãi nhưng ẩn sâu bên trong đó là sự ức chế về tâm lý. Tất cả những mong muốn của cha mẹ sẽ là gánh nặng đối với trẻ, rất dễ đến những suy nghĩ tiêu cực. Bị dồn nén suốt một thời gian dài, đã khiến Tú nhiều khi có chút oán hờn, có những suy nghĩ lệch lạc “Nhưng điều ấm ức hôm nay khác hơn, nó không giống không quen thuộc như hằng ngày cậu vẫn thường chịu đựng Với suy nghĩ của một học sinh lớp Mười cậu không hiểu nổi ba mẹ mình. Nhiều khi Tú còn có chút oán hờn. Thà đừng có ba mẹ chắc sẽ được tự do hơn, muốn làm gì thì làm không phải bị gò bó. Cậu sẽ không phải đọc báo, rồi phải tập viết tin nhanh, đưa tin về những tội phạm có thật. Tú chán nó lắm! Những câu chuyện về tội phạm đang xảy ra chung quanh thành phố thì đâu có ăn nhập gì đến Tú chứ! Hồi đầu Tú cứ nghĩ chắc đây là công việc của ba mẹ, và có lẽ cả hai người họ đều yêu thích rồi muốn Tú yêu thích giống họ. Thật lạ kỳ, nhiều khi Tú muốn phản đối. Cậu không muốn họ, cha mẹ mình cứ ôm cái ảo tưởng kiểu “Cha truyền con nối”, khi mà cậu chẳng hứng thú gì về việc tập viết tin, đưa tin trên báo về tội phạm hoặc viết những câu chuyện có liên quan đến tội phạm...”
Chúng ta luôn hiểu rằng, sự kỳ vọng thúc em của mình suy cho cùng chỉ xuất phát từ sự yêu thương và mong muốn con mình thành công của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, bố mẹ đã lờ đi sự vô lý của bản thân để rồi bỏ qua những cảm nhận của con cái mình. Thiếu đi những lời sẻ chia, tâm sự để xem con mình thật sự mong muốn điều gì. Ngỡ rằng những điều đó là tốt thế nhưng lại mang đến tác dụng ngược, vô tình kìm hãm sự phát triển của con cái mình.
Tiếp đó, qua diễn biến của truyện ngắn Ai là tội phạm, ta chợt nhận thấy dường như những đứa trẻ trong câu chuyện như Tú và Trung ít nhiều đều thiếu thốn tình cảm, thiếu đi sự yêu thương dù bề ngoài rất đủ đầy. Trung - con trai của cô giáo Trang, chỉ có mẹ nhưng không có bố. Từ bé cậu chỉ biết có mẹ, và bà ngoại, Trung thường tự chơi một mình, do mẹ quá bận rộn với công việc dạy học. Bởi thế, nên khi có người chơi cùng, có người đọc sách cho cậu nghe - là Tú, Trung lấy làm vui vẻ và hào hứng. Mẹ bận rộn, không có thời gian đưa đón bé đi học, lại càng không có sự hiện diện của bố, chỉ có người bà đã già, nên Trung trở nên tự ti, mặc cảm khi bị bạn bè trêu chọc là đứa không cha, không mẹ, lại bị ghẻ. Điều này đã khiến cậu nhất quyết không chịu đến lớp “Em không thích đi học nữa đâu, tụi bạn không muốn chơi với em, nó gọi em là thắng Trung ghẻ. Nó còn nói em là đứa không có bố mẹ chi cả, chỉ có bà ngoại già đi bộ mỗi dẫn đến trường rồi đến đón không như tụi nó có bố mẹ tới chở bằng xe... Em ghét tụi nó.” Hay Tú, trái ngược với Trung, Tú có đầy đủ ba với mẹ, có bà nhưng suốt tuổi thơ phần lớn thời gian ở với bà nội, bố mẹ thường xuyên đi công tác nên ít được gặp. Bà nội đã lớn tuổi không thể chơi với Tú những trò của trẻ thơ, nên Tú không có “tuổi thơ dữ dội”, cộng với khi lớn lên bị bố mẹ thúc ép, Tú càng cảm thấy cô đơn và lạc lõng. Thật vậy, một trong những tác động lớn nhất khi trẻ cảm thấy thiếu sự quan tâm, yêu thương là trẻ sẽ có những tư duy tiêu cực. Không có ai để sẻ chia, không có ai để nói chuyện, tâm sự,.. thiếu đi chỗ dựa, trẻ sẽ cô độc, tự kỷ. Dành sự quan tâm chăm sóc con cái, chơi với chúng sẽ rất tốt cho sự phát triển sau này của trẻ thơ. Trẻ con luôn cần được quan tâm và yêu thương, bởi gia đình là môi trường giáo dục tác động rất lớn, là nền tảng ban đầu.
Đổi mới phương pháp dạy học Văn và thúc đẩy tinh thần đọc sách
Đằng sâu câu chuyện về cô giáo dạy văn trong truyện ngắn Ai là tội phạm là chuyện xã hội mang hơi hướng của thời đại. Truyện ngắn đã tiếp cận được vấn đề nổi cội trong xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng - cách dạy học Ngữ Văn. Trong tác phẩm, cô giáo Trang có cách dạy văn trái ngược hoàn toàn với lối dạy truyền thống - dạy học theo văn mẫu. Ngay từ buổi đầu đến lớp, môn học đầu tiên cô giáo Trang giao cho học trò của mình là đọc sách. Hoàn toàn có thể nói đây là cách dạy hoàn toàn mới lạ, khác biệt với nhiều cách dạy văn của các thầy cô giáo khác - điều này cũng được học sinh thừa nhận. Cô cho học trò của mình hoàn toàn tự do trong việc đọc sách, thích đọc gì cứ đọc, muốn đọc quyền nào thì cứ lấy nơi chồng sách. Sự đọc luôn mang lại lợi ích to lớn, bởi sách là nguồn tri thức vô cùng lớn lao, có thể nói cả thế giới thu nhỏ lại vào trong từng cuốn sách. Và sự đọc sách đối với việc học văn lại vô cùng quan trọng. Đọc là để tích luỹ kiến thức văn chương, để có cơ hội nghiền ngẫm văn bản. Đọc là sự học hỏi tư duy mạch lạc, học hỏi cách viết, rèn luyện kĩ năng viết. Đọc là một kĩ năng quan trọng của việc học văn, để vận dụng những tri thức vào trong bài viết, đọc để cảm nhận và trải nghiệm “Nghệ thuật đòi hỏi những ý nghĩ và tình cảm đặc biệt như là sự dấn thân, nếu không, một tác phẩm đối với chúng ta hoàn toàn chỉ là đối tượng quan sát. Nhìn thấy đó mà vô hồn sẽ không tiếp cận được và không thể hiểu sâu sắc những gì mà nhà nghệ sĩ suy nghĩ về cuộc sống” (Nguyễn Thanh Hùng). Vì thế mà cô giáo Trang không ngừng yêu cầu học trò phải đọc sách và đồng thời cũng rèn cho học trò thói quen đọc sách. Và cậu học trò cứ rảnh rỗi là lấy sách đọc, cầm theo sách, thậm chí là đọc to giống như kể chuyện cho con của cô giáo nghe.
Để luyện viết, cô giáo Trang không sử dụng lối dạy đọc - chép, mà để cho học trò tự viết theo cảm xúc, viết những gì mình nghĩ theo đề tài, chủ đề đã cho. Đây là cách dạy phát huy năng lực sáng tạo của học sinh. Hoàn toàn tôn trọng những suy nghĩ, cảm xúc thông qua từng con chữ được viết ra. Không can thiệp vào nội dung, cô Trang chỉ chỉnh sửa văn phong, gọt dũa câu chữ, chỉnh sửa lỗi ngữ pháp để bài viết của trò được hoàn thiện. Thường xuyên để học trò ngồi một mình, tự suy nghĩ, tự viết, tự đọc, tự làm bài,… Dặn dò kĩ nếu không làm được bài, thì cũng phải lập được dàn bài như đã được hướng dẫn, viết ít nhất là một trang, không được bỏ trống bài làm,… Một phương pháp dạy học mà trong Chương trình giáo dục phổ thông mới đang áp dụng. Cách dạy ấy đã mang lại hiệu quả tích cực (trong truyện ngắn). Qua từng ngày, các học trò của cô trưởng thành hơn trong từng câu chữ. Điều này được thể hiện rõ qua bài văn hay đúng hơn là những suy nghĩ trong lòng của cậu học trò Tú khi có những bức xúc không thể nói thành lời, ảnh hưởng xấu đến tâm trạng “Lũ đến, lũ tràn ngập cả bệnh viện tâm thần. Những cánh cửa sắt, nơi giam giữ nhiều bệnh nhân nặng đã được khóa chặt từ buổi chiều khi trời đang mưa to, rất to. Ai là người đã khóa những cánh cửa đó bằng những sợi dây xích sắt? Không một ai chịu đứng ra để nhận điều đó. Vậy ai là người trực bảo vệ Ai là người trực ở phòng y tá? Ai là bác sĩ trực đêm qua? Nhân viên điều tra khi đặt câu hỏi chất vấn cũng không thấy câu trả lời nào xác đáng! Người ta chỉ thấy đến chiều khi nước xuống thì trong những phòng giam giữ bệnh nhân tâm thần ấy, xác của mấy chục mạng người đã bị chết ngộp trong nước lũ. Có lẽ họ cũng đau khổ, cũng gào thét, cũng kêu rất to rằng cứu tôi với!... cứu với... cứu tôi với! Nhưng không có ai ở đó cả, không một ai đến để cứu họ... Và dù họ có là những người điên đi nữa thì họ cũng là những con người... Nhưng trách nhiệm này ai chịu đây? Ai là tội phạm.... Ai là tội phạm.... Tôi đọc đến đó, vâng tôi đã không kìm giữ được nữa. Nước mắt tôi cứ vậy mà trào ra. Tôi lục lọi và tìm tất cả những chồng báo cũ của cơ do chính ba tôi là lãnh đạo. Những chồng báo mà thường ngày ba tôi vẫn động viên nhắc nhở tôi đọc nhưng thất vọng vô cùng, tính từ khi sự việc xảy ra cho đến nay, tờ báo của ba tôi cũng không hề đưa một thông tin ngắn nào về sự kiện này. Rồi tôi đi tìm lục những báo cáo bên an ninh phía mẹ tôi, cũng không hề thấy! Tôi thắc mắc vậy ai là tội phạm đây? Những con người thiếu trách nhiệm, tránh né... Họ đã làm chết hàng loạt người, hàng loạt bệnh nhân chỉ trong một đêm. Chưa bao giờ tôi thấy bất mãn với ba và mẹ tôi như lúc này... Tại sao cả ba và mẹ cũng không lên tiếng. Trong khi cả hai người, ngày nào cũng thúc giục tôi phải tập viết tin, đưa tin nhanh, về những tội phạm trong thành phố... Tôi thấy ghét họ... bất chợt một suy nghĩ rất lạ làm tôi hoảng sợ: Phải chăng ba và mẹ tôi cả hai chính là tội phạm?”
Thấu hiểu và thương yêu học trò có lẽ là đức tính cần có ở một người giáo viên. Tác phẩm đã vẽ nên một hình tượng nhà giáo vừa giỏi chuyên môn và giỏi nghiệp vụ. Tận tâm, yêu nghề, yêu trò. Vũ Hải đã khắc hoạ cô giáo Trang thông qua câu chuyện dạy học với người học trò của mình với đức tính như vậy. Luôn động viên khi học trò cảm thấy sợ hãi, khó khăn với môn Văn. Lời cô nhẹ nhàng như khuyên bảo: Khi nào đọc văn, sau khi tôi chấm mà em cảm thấy có nhiều lỗi với nhiều màu bút đỏ như thế này, em phải mừng. Vì như vậy là em có tiến bộ trong cách làm văn, có ý tưởng.. Chứ nếu viết mà không sửa được.. Là hỏng, bài không đạt, không thể sửa..em hiểu không?. Trong trang văn của tác giả, cô giáo Trang nghiêm khắc nhưng không la rầy chê bai. Tôn trọng những cảm xúc của học sinh, không bắt ép học sinh học quá nhiều, mệt thì có thể nghỉ, an ủi học trò, lắng nghe tâm sự: cô Trang là một người rất tâm lý. Có gì không ổn trong lòng. Tú chưa kịp kể, chưa kịp nói ra cô Trang cũng đã đoán được, (…) Sao rồi, học trò của tôi hôm nay không ngoan lại bị bố mẹ la rầy đúng không? Có cần phải nghỉ ngơi cho nhẹ cái đầu đi chút nữa hẵng học?. Mục đích cuối cùng của chủ thể sáng tạo là gửi gắm những thông điệp về dạy văn và học văn, về hình ảnh của một nhà giáo tận tuỵ
"Ai là tội phạm" là một truyện ngắn mang hơi thở của hiện thực cuộc sống. Khắc hoạ thành công những vấn đề đang nóng của xã hội. Bằng một lối văn giản dị, tác giả không lên án, không bình luận, đơn thuần là để người đọc tự cảm nhận. Mỗi độc giả khác nhau, với những nhân sinh quan khác nhau, sẽ nhìn nhận những vấn đề có tính khác biệt. Điều này đồng nghĩa với việc nhà văn đã tạo ra những khoảng trống để vãy gọi người đọc tham gia đồng sáng tạo.
T.A.P.T