Xuân về, nhớ một nhạc sĩ...

28.03.2011

Xuân về, nhớ một nhạc sĩ...

VĂN THÀNH LÊ

"Miền Trung và riêng vùng Hội An, Đà Nẵng, một nhóm nhạc sĩ đồng thời xuất hiện, đem ra một phong khí nhạc đẹp sáng, gợn gió trùng dương như những bài Xuân và tuổi trẻ (La Hối), Mùa đông binh sĩ, Trầu cau (Phan Huỳnh Điểu), Trai đất Việt (Dương Minh Ninh), Trên sông Hương (Nguyễn Văn Thương...). Sau đó còn có Ngọc Trai, tác giả Nhắn người chiến sĩ, Bến Hàn giang, Nhạc sĩ với giấc mơ".

Đọc đoạn trích từ bài "Thời tiền chiến trong tân nhạc (1938-1945)" của nhạc sĩ Lê Thương đăng trên tạp chí Văn học - số Kỷ niệm đệ cửu chu niên 1970, người "vùng Hội An, Đà Nẵng" không khỏi tự hào về những đóng góp của các nhạc sĩ xứ mình vào buổi bình minh hình thành nền nhạc mới của dân tộc. Tất cả họ, dù đến nay đã có kẻ còn người mất, nhưng vẫn mãi được công chúng mọi thời đại dành một chỗ đứng trân trọng trong trái tim. Ngày xuân, xin mạn phép chỉ nói đôi điều riêng về La Hối, người chiến sĩ - nhạc sĩ đã nằm xuống khi tuổi đời chỉ vừa tròn phần tư thế kỷ, nhưng giai điệu tươi sáng Xuân và tuổi trẻ của ông sẽ mãi còn vang vọng vào rất nhiều thế kỷ về sau.

Vào năm 1942, những người đam mê âm nhạc ở Hội An đã tập hợp thành lập Hội Yêu âm nhạc Hội An (Société Philharmonique de Faifoo) do La Hối làm hội trưởng. La Hối là người đam mê âm nhạc, 14-15 tuổi ông đã viết nhạc với phong cách trữ tình nhưng trong sáng. Là người gốc Hoa, có lẽ ông chịu ảnh hưởng phong cách của các nhạc sĩ Trung Quốc như Nhiếp Nhĩ, Tẩy Tĩnh Hải, những người đã được học tập chính qui ở Nhạc viện Paris. Không chỉ viết nhạc mà cả trong điều khiển dàn nhạc, La Hối cũng hướng mọi người tập trung chơi nhạc cổ điển và nhạc nhẹ thính phòng. Đêm đêm, dưới sự chủ trì của ông, tất cả mọi thành viên trong Hội yêu âm nhạc Hội An quây quần bên nhau, đưa những giai điệu êm đềm vang vọng khắp khu phố cổ. Đến giữa năm 1945, con chim đầu đàn La Hối bị Nhật giết và Hội Yêu âm nhạc ngừng sinh hoạt từ đó.

Năm 1946, Hội An đón nhiều văn nghệ sĩ từ miền Bắc vào. Bước chân đến Hội An, Thế Lữ gọi khu phố này là "một khu phố bỏ túi" (une ville de poche). Thâm nhập vào cuộc sống thường nhật của người dân Hội An, Thế Lữ nhận ra đây còn là một khu phố có văn hóa. Nghe kể chuyện về Hội Yêu âm nhạc Hội An, Thế Lữ và cả nhóm nhạc của Nguyễn Xuân Khoát có đến thăm nhà La Hối. Tại đây, họ được tặng một bài hát của người quá cố với lời Hoa của Diệp Truyền Hoa, có chua một hàng chữ Pháp là "Printemps et jeunesse"(1). Sau đó, Thế Lữ đã viết thêm lời Việt cho bài hát, và thế là kho tàng âm nhạc Việt Nam từ đó chính thức có thêm Xuân và tuổi trẻ.

Cả nhóm nhạc của cụ Khoát đều ngợi khen người nhạc sĩ tài hoa bạc mệnh. Xuân và tuổi trẻ nghiêng về khí nhạc, gợi cho người nghe liên tưởng đến nhạc không lời, có cả đoạn nhạc mở đầu lẫn phần kết thúc. Nhạc sĩ Bùi Công Kỳ, lúc đó đã nổi tiếng với bài hát Ba Đình nắng, cũng đánh giá Xuân và tuổi trẻ có khúc thức gọn, giai điệu đẹp, có dáng dấp sang trọng, quý phái của valse. Hội An tuy nhỏ nhưng có được một người sáng tác nhạc chững chạc như thế, mọi người rất quý.

Gần như ngay sau đó, Văn Chung đã cho dàn dựng Xuân và tuổi trẻ thành múa ngay tại nơi sản sinh ra nó. Phần dàn nhạc hòa tấu lúc ấy có Nguyễn Xuân Khoát (ắc-cooc-đê-ông); Dương Minh Ninh (pi-a-nô); Lê Trọng Nguyễn, Trần Như Ngọc, Đào Trọng Từ và Vương Quốc Mỹ (vi-ô-lông); Bùi Công Kỳ và Trương Đình Quang (ghi-ta). Về sau, Văn Chung mang cả múa và bài hát Xuân và tuổi trẻ về Việt Bắc. Trong hồi ký của hầu hết các nghệ sĩ miền Bắc đều có nói đến những cảm nhận một thời của họ về bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Phố Hội này.

Theo lời nhạc sĩ Trương Đình Quang, lúc đó, trong miền Nam, các ông Vương Gia Khương, Huy Sô, Minh Quốc (tác giả Đồng chí, phổ thơ Chính Hữu) đã đưa Xuân và tuổi trẻ vào Khu 6, cùng lúc với Tự túcTrai đất Việt của Dương Minh Ninh.

Thế là trong một thời gian ngắn, giai điệu trữ tình mà hùng tráng của Xuân và tuổi trẻ đã theo chân những người nghệ sĩ tỏa đi khắp mọi miền đất nước, làm giàu thêm kho tàng âm nhạc của dân tộc. Năm 1994, trong chương trình ca nhạc chủ đề "Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam", Xuân và tuổi trẻ của La Hối đã được chọn cùng với Tự túc của Dương Minh Ninh. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng giai điệu đã trở nên quen thuộc ấy vẫn còn làm xao xuyến tâm hồn biết bao thế hệ mỗi khi xuân đến. Từ Trung Hoa hội quán của phố cổ Hội An, đôi mắt người nhạc sĩ - chiến sĩ La Hối vẫn cháy mãi Xuân và tuổi trẻ mà giai điệu thanh xuân còn hừng hực vang vọng đâu đây.

Ở Đà Nẵng có hai người đã một thời gắn bó với Xuân và tuổi trẻ: bà Tố Nga - nguyên là diễn viên Đội kịch Cương quyết của Hội An, và ông Trương Đình Quang - nguyên nhạc sĩ thuộc Chi đoàn nhạc sĩ kháng chiến Liên Khu 5. Một người đã từng múa và một người đã từng đánh đàn, dù cách thể hiện của mỗi nghệ sĩ có khác nhau, nhưng họ đều có chung một nỗi niềm: Mỗi khi nghĩ đến Mùa Xuân và Tuổi Trẻ là họ không khỏi bâng khuâng nhớ đến giai điệu tươi tắn, trẻ trung của người nhạc sĩ tài hoa Phố Hội năm nào.

V.T.L.



(1) Nguyên trong dàn nhạc của Hội yêu âm nhạc Hội An hồi ấy có một viên chủ sự Sở Thương chính người Pháp tên là Ghibou nói tiếng Việt rất sõi, ông này đã gọi bài hát của La Hối theo tiếng Pháp là "Printemps et jeunesse" để dễ chơi xắc-xô-phôn.

HAI TÁC PHẨM CỦA NHÀ XUẤT BẢN ĐÀ NẴNG ĐẠT GIẢI THƯỞNG SÁCH VIỆT NAM NĂM 2010

Giải thưởng Sách Việt Nam lần thứ VI năm 2010 vừa được Hội xuất bản Việt Nam công bố theo công văn số 52/ CV-HXBVN ngày 7 tháng 12 năm 2010 gửi các Nhà xuất bản. Giải thưởng “Sách Hay” của Hội xuất bản được trao cho 37 đầu sách (7 tác phẩm Giải Vàng, 8 Giải Bạc, 15 Giải Đồng và 7 Giải Khuyến khích); Giải thưởng “Sách Đẹp” được trao cho 40 đầu sách ( 4 Giải Vàng, 8 Giải Bạc, 13 Giải Đồng, 12 Giải khuyến khích và 3 giải Bìa đẹp).

Hai tác phẩm của Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành trong năm 2009 đã đạt giải thưởng: “ Tập tục lễ hội Đất Quảng” (Tổng tập VNDG Đất Quảng – tập III, Hội VNDG Đà Nẵng biên soạn) đạt Giải Đồng “Sách Hay” và “Chuyện ở miền cát cháy” (truyện và ký Thanh Quế, bìa Duy Ninh, in tại Công ty In và DV Quảng Nam) được trao Giải Đồng “Sách Đẹp”.

Lễ trao Giải thưởng Sách Việt nam lần thứ VI năm 2010 sẽ được Hội xuất bản Việt Nam tổ chức trang trọng vào ngày 19 tháng 12 năm 2010 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội.

 

N.K.H

CÂU ĐỐI (Sử dụng trong các trang ruột)

* Mục tiêu “Thành phố 5 không”

Trên dưới đồng tâm

Chung ước nguyện dựng xây đời hạnh phúc

Phương hướng “Chương trình 3 có”

Xa gần ủng hộ

Hợp tâm can thực hiện nếp văn minh.

Vì nông thôn đổi mới

Có thể cảm nhận rõ điều đó qua tập truyện ngắn Chờ bên sông mưa do Nhà xuất bản Dân Trí ấn hành. Tác phẩm đã nhìn thẳng vào sự thật, phản ánh đúng thực trạng những mặt tiến bộ và hạn chế ở nông thôn trong bối cảnh đất nước thực hiện chiến lược đổi mới toàn diện bằng cảm xúc và tư duy sinh động, sâu sắc. Từ góc nhìn đa chiều, các tác giả đã khắc họa được bức tranh nông thôn mang tầm khái quát cao xoay quanh chủ đề: Quyền lực và sự tha hóa quyền lực ở một bộ phận cán bộ lãnh đạo Đảng và chính quyền cấp xã và cuối cùng con đường chân chính để đạt tới quyền lực chỉ có thông qua phát huy dân chủ thật sự ở cơ sở, kết hợp với hạt nhân lãnh đạo sáng suốt, khoa học, khách quan (truyện Trưởng thôn của Vũ Đảm); con đường đấu tranh lựa chọn các giá trị sống và quyết định hành động theo giá trị phù hợp với bản thân của mỗi cá nhân trong xã hội (Giấc mơ bay của Trương Thị Thanh Hiền); sự gắn kết giữa hành động và giá trị đạo đức của con người đảm bảo theo đúng pháp luật, để tạo nên sự hòa nhập cộng đồng đem lại giá trị sống đúng đắn (truyện Hương cau của Vũ Minh Thúy, Chờ bên sông mưa của của Nguyễn Lập Em)…

Đặc biệt các truyện ngắn trong Chờ bên sông mưa còn tập trung nêu bật hình tượng người nông dân trong thời kỳ đổi mới với nhiều trăn trở lo toan, có nhiều biến đổi sâu sắc trong suy nghĩ và hành động vươn lên tiếp cận với cái mới trong sản xuất nông nghiệp qua nhân vật binh nhì Phong được bầu làm trưởng thôn đã năng động, tháo vát, tìm cách làm giàu cho quê hương (truyện Trưởng thôn của Vũ Đảm); một cô Dần tính cách ngang tàng, nhưng đầy lòng yêu thương vị tha, thương chồng con, dám nghĩ dám làm, cải tạo đồng ruộng, xây dựng trang trại làm ăn phát đạt, lôi cuốn phong trào làm giàu của địa phương đi lên (Truyện Tuổi Dần của Phan Thế Phiệt); cuộc đấu tranh suy nghĩ và việc làm của những người nông dân ở vùng quê thuần nông trong truyện Mảnh ruộng đồng tiền của Trần Văn Thước

Dẫu chất văn học trong các truyện ngắn chưa đáp ứng được sự mong đợi của bạn đọc song Chờ bên sông mưa đã mang lại sự rung cảm ngọt ngào và hàm chứa sâu xa tính nhân văn.

Nguyên Lý