CÚNG CHỒNG

28.03.2011

CÚNG CHỒNG

Phạm Phát

A

nh Năm, con bác tôi, có kiểu ăn thịt heo rất kì. Nhà có đám chi, anh xắn tay áo làm cổ, điều hành dọn cổ nhưng không thấy anh ngồi cổ bao giờ. Xong đám, ngồi ở nhà dưới, mình anh một bàn, ăn một món. Thịt heo mỡ, xắt quân cờ, trộn rau sống, rưói mắm ớt, bưng và như và cơm. Ai thấy cũng lè lưỡi, lắc đầu.

Nhưng nghĩ thấy tội: cũng là cách ăn thịt của con nhà nghèo. Thì quanh năm rau mắm, phải tới giỗ tới chạp, mới có được ba lát thịt. Ăn cho đã.

Anh Năm tôi, như nhiều thợ trẻ của làng mộc Kim Bồng ngày trước, mang cái tinh xảo của ông bà để lại đi kiếm cơm tứ phương. Anh vô Sài Gòn cả năm, giỗ chạp, tết nhất mới về. Nhưng Tết năm ấy, Tết Bính Tuất- 1946, sau Toàn quốc kháng chiến, anh đánh dây thép về chỉ sáu chữ “mắc đánh Tây không về được”.

Ba mươi, nhà nhận điện thì mồng một, ảnh hy sinh. Các anh bị địch vay đánh suốt ngày ở Hạnh Thông tây (Gò Vấp), cả toán Việt minh ca-rê của ảnh hy sinh, không còn ai.

Sau ngày miền Nam được giải phóng, gia đình tôi cất công đi tìm. Các cơ quan có trách nhiệm ở Tp Hồ Chí Minh rất tận tình nhưng không ai có thể làm chế độ cho anh được. Mà khó thật: trận đánh thì sử còn ghi nhưng những chiến sĩ dũng cảm của trận đó là những ai, bao nhiêu người… chịu! Chúng tôi đến đền thờ Bến Dược, đọc kĩ sổ vàng, bia đá,… Không tìm thấy tên anh.

Đành bó tay. Đành nhìn chị Năm tôi sống khổ cực, chẳng được chút đãi ngộ nào.

Hồi đó, còn bao cấp, ai cũng cực. Người như chị càng cực. Cứ sáng sáng, chị bưng nồi cháo gạo đỏ ra ngồi ở đầu hẻm, bán cho bà con nghèo.

Thương chị quá nhưng cũng chỉ thỉnh thoảng thăm viếng động viên. Đôi lần muốn an ủi chị, nhưng vừa đưa lời, chị đã xua tay, miệng cười hiền mà mắt buồn rười rượi:

-Thôi, chú ạ. Tôi biết là các chú và các cháu đã cố công nhiều mà cũng đã hết cách. Đồng tiền nhà nước bỏ ra phải có giấy tờ kí tá dàng hoàng, đâu có nói miệng không mà được. Chỉ tội nghiệp ảnh, không có được cái tên.

Nhưng cả nhà mình, cả làng Kim Bồng này, đều biết tôi là vợ liệt sĩ, rứa là tôi thỏa lắm rồi. Ai cũng bảo tôi thiệt nhưng tính ra thì tôi hơn ông nhà tôi nhiều. Giỗ năm nào, tôi cũng cúng ổng bát thịt heo trộn rau sống. Nhưng giỏi lắm ổng cũng chỉ về hưởng cái hơi, chứ ăn được gì. Còn tôi, ổng thành vô danh để tôi có được cái danh, chú coi, tiền bạc mô mua được cái ni chú.

Nói xong chị cười lớn. Dường như chị biết tôi đang buồn lắm nên giả bộ vui để an ủi tôi chăng? Nhưng chị đâu có giấu được tôi, giọt nước mắt hiếm của người già, chị vừa cười xong, đã rỉ ra ở khóe mắt.

P.P