NHỤY NGUYÊN
Mẻo mèo meo, năm mèo cùng đối
Có được câu đối chỉnh chu là rất khó, nhất là vế mời đối quá uyên thâm và phần nào đó “phức tạp”. Xưa hễ ra được vế đối hay thì ông nọ bà kia vỗ đùi, vuốt râu, bắt chân cười ruồi kẻ đang phải vắt óc để đối lại. Nhiều khi chàng trai tưởng đã nắm được nàng trong tay bỗng vuột mất bởi ông “bố vợ” thâm sâu Nho học... Câu đối trở thành một sản phẩm tinh thần đặc biệt mỗi độ xuân về tết đến.
Trong bài viết về Mèo Huế, nhà nghiên cứu phê bình Đặng Tiến đã kết thúc như sau: “Cuối cùng cũng để mua vui, xin ra câu đối, đặc biệt cho người Huế vốn sính chữ nghĩa:
Tết mèo, nhấn chuột gửi meo mèo chuột".
Vế mời đối của ông Đặng Tiến phải gọi là tuyệt cú mèo. Mà cũng thật hóc hiểm. Như một dạng “xíu quách” chưa được ninh kỹ, nom thì ngon nhưng chắc chắn khó gặm. “Nhân vật” của vế đối là mèo và chuột - hai trong mười hai con giáp, nên đòi hỏi phải đối lại bằng hai con giáp [khác]. “Tết mèo”, “nhấn chuột” thì không khó gì, cái khó là “gửi meo mèo chuột”. Meo ở đây là e-mail (thư điện tử) có nội dung cợt nhả tình tứ (nam - nữ) với thái độ vụng trộm, không minh bạch. Thấy gái như mèo thấy mỡ. Từ đó mới có kiểu nhiếc mắng: “...đồ mèo chuột”; “mèo vờn chuột”. Như vậy, mèo chuột ở đây phải hiểu theo nghĩa biểu trưng trước hết, lấy nghĩa bóng làm nền. Nghĩa khác, meo (như ngoao) là động từ tả tiếng kêu của mèo (mèo mốc kêu meo meo); hoặc tiếng người gọi mèo (meo meo…). Thiệt nhức đầu. Chuyện cũ nhắc lại, lúc Đoàn Thị Điểm đang tắm trong phòng thì có Trạng Quỳnh dân gian tới “gõ cửa”; nữ thi sĩ bèn ra vế, thách nếu đối được thì cứ bước vào: Da trắng vỗ bì bạch. Chịu. Tha thủi ra về. Mãi sau này có một số vế đối: Trời xanh màu thiên thanh; Người sau vô nhân hậu; Trạng Quỳnh hiện đại đối không chỉnh lắm song đến nay vẫn chưa thể vượt qua: Rừng sâu mưa lâm thâm. “Da (bì) trắng (bạch) đối với lâm (rừng) thâm (sâu). Vênh. Da trắng chỉ màu sắc..., rồi “vỗ” - “mưa”.
Tranh Bửu Chỉ
Tôi đã tách 4 chữ sau “gửi meo mèo chuột” để thử vận may. Truy nghĩa gốc của vế mời đối, “mèo chuột” ẩn ý tính gợi dục, điều này là không chối cãi. Lẽ đó sau một hồi loanh quanh tôi đã khoanh vùng vào dê, ngựa, chó… Dê có vẻ khả quan hơn, bởi tiếng dê là be.. e.. è, ví dụ “gọi bè dê chó”. Song dê chó thì chả thể đối được với mèo chuột với nghĩa đã nêu trên. Chưa nói tới tính lôgich nguyên vế. Xin đọc lại: Tết mèo, nhấn chuột gửi meo mèo chuột (tết năm con mèo đến rồi, phải nhấn chuột [để] gửi meo (…) ngay thôi). Tôi cũng đã thử với nhiều “cặp con giáp” khác đều thất bại, đành chuyển hướng. Tôi đối theo nghĩa trái hẳn:
Năm chó, giết gà lãnh tội khuyển kê.
(Rất nhiều câu đối đã sử dụng lẫn lộn giữa Hán Việt và thuần Việt. Đơn cử: Trồng môn trước cửa - Bắt ốc sau nhà).
Vế đối lại của tôi mang nặng tinh thần Phật giáo. Trước hết là không dính dáng “tính dục” của vế đối trên. Thứ đến dựa vào thuyết nhân - quả. Giáo lý nhà Phật ghi, là người ai cũng qua lục đạo luân hồi ở các tầng: địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh,... tùy theo nghiệp nặng nhẹ gây ra ở kiếp này mà mang thân sang - hèn ở kiếp sau. Chó và mèo là hai con vật gần gũi với mỗi gia đình nông thôn. Tạm diễn ra: Năm chó, nếu ai giết gà, kiếp sau sẽ phải (lãnh tội/nghiệp) đầu thai thân chó gà.
Câu đối có được:
Tết mèo, nhấn chuột gửi meo mèo chuột
Năm chó, giết gà lãnh tội khuyển kê.
(Khuyển (chó), kê (gà); có câu: “Võ Hoàng đày kẻ chăn dê/ Triệu Vương mắc đọa khuyển kêtại trời” (Nguyễn Văn Thới); “Chuồng gà kê áp chuồng vịt”. Hay: “Theo sau lưng đám khuyển kê”).
Chà, xem ra cũng chẳng nhằm gì. “Tết mèo, nhấn chuột” - “Năm chó, giết gà” cũng tàm tạm. Vấn đề vẫn là “gửi meo mèo chuột” với “lãnh tội khuyển kê”. Ở trên động từ “gửi”, dưới [phải] “lãnh” (nhận). Trên là danh từ “meo”, dưới là danh từ “tội”; trên là động từ meo, dưới là động từ tội (chẳng hạn, tội nghiệp con bé…, nhiều khi người ta “rút gọn”: ừ, con bé oan, tội...).
Hẳn khi đọc vế đối của tôi nhiều người sẽ phì cười. Vung méo úp nồi tròn. Rõ ràng tôi đối không được nên ghép bậy ghép bạ rồi ngoa ngôn ngụy biện. Chợt nhớ câu Kiều của Nguyễn: Mua vui cũng được một vài trống canh. Đầu xuân năm mới, chắc chả ai quở mắng gì đâu. Vậy lại xin chuyển vế đối của tác giả Đặng Tiến đến mọi người, cùng lời chúc đối chỉnh.
N.N
NHỤY NGUYÊN - Tạp chí Sông Hương, 9 Phạm Hồng Thái - Huế. DT: 0978 306 737